Tâm hồn của mỗi gia đình
Mới đây, trong một câu chuyện lúc trà dư, tửu hậu, có người nói với tôi rằng sống trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội có sức lan tỏa nhanh thì tốt nhất là đừng tự “trói” mình bằng những lời hứa, kể cả với con, cháu trong nhà. Kể ra, kinh nghiệm đó cũng khá hữu ích nhưng nếu sống mà không để thực hiện một lời hứa với người khác hay với bản thân thì thật sự nhàm chán.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, trên báo có nhắc đến một chuyện thú vị ở Trung Quốc có nhan đề: "Muốn dạy con, phụ huynh trước hết phải làm gương". Nhan đề của bài viết cũng chính là thông điệp mà một người mẹ là bà Vương Tú Vân (huyện Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) gửi đến cậu con trai Lưu Hoa Nam. Để giúp con nỗ lực để trưởng thành, bà Vân đã cùng con thực hiện cam kết như một cách “khích tướng” trong Binh pháp Tôn Tử: "Con mà đỗ được Đại học Thanh Hoa thì mẹ, một người mù chữ, có thể trở thành nhà văn!" (theo: Trang Vy-vnexpress.net).
Kì tích mà người phụ nữ Trung Quốc này tạo nên có thể sẽ khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ của mình về cách tiếp cận với con cái, trong cách giáo dục và lối sống của mỗi gia đình. Gia đình liệu có phải chỉ là “tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống, tình mẫu tử, các quyền và nghĩa vụ... Người viết cho rằng ngoài những nội hàm ấy, mỗi gia đình còn là một thực thể văn hóa, có những giá trị tinh thần được định hướng, xây dựng và đối thoại với chính cộng đồng, hoàn cảnh sống ở đó để xác lập giá trị riêng có.
Đọc một đoạn trong bài viết có tựa đề “Món ăn của một quốc gia” của tác giả Lê Dũng trên Báo điện tử Dân Việt, hẳn nhiều người sẽ giật mình: “Cha mẹ có thể ngày nào cũng phải trả lời cho câu hỏi, hôm nay ăn gì... Hiệu sách giống như cái chợ của tâm hồn. Nhưng bước vào đó mới thấy sợ, và nó làm không ít gia đình mất phương hướng lẫn thời gian trong việc tìm thức ăn cho mình và cho con”.
Điều mà người đọc tâm đắc nhất khi đọc đoạn văn này có lẽ là: “Hiệu sách giống như cái chợ của tâm hồn”. Đương nhiên, chợ (với nghĩa rộng là nơi mua sắm) chính là nơi phản ánh rõ nhất mức độ chi tiêu của mỗi gia đình. Nhưng, hơn thế nữa còn nói lên xu thế lựa chọn chế độ dinh dưỡng, định hướng chi tiêu đảm bảo các nhu cầu của một gia đình như sinh hoạt, học tập, sức khỏe… Bởi thế, nếu nhìn lại một năm qua, bản thân mỗi người sẽ tự nhận ra ở gia đình mình: ở phương diện dinh dưỡng vật chất (lương thực, thực phẩm, quần áo, đồ dùng…) ngày một sung túc thì ở phương diện dinh dưỡng tinh thần (sách vở, du lịch, phim ảnh, học tập kĩ năng, nghệ thuật…) lại đang rất… khiếm tốn.
Nếu ai đó vẽ một bức tranh biếm họa bên trong cơ thể mập mạp của nhiều em bé là một tâm hồn “suy dinh dưỡng” thì hẳn cũng không có gì bất ngờ. Chúng ta đôi lúc lãng quên, xem nhẹ hay phó mặc nguồn “dưỡng chất” tâm hồn ấy cho TikTok, Youtube, truyện tranh… và các loại hình giải trí khác. Con trẻ sử dụng giọng điệu, cú pháp của hoạt hình, của các drama, các clip quảng cáo… để ứng xử cũng đâu có gì bất ngờ. Nói như thế đủ thấy khía cạnh văn hóa trong mỗi gia đình đáng phải đặt ra như một vấn đề cần xác định hết sức cụ thể như thế nào. Cái gì đã có, cái gì đang lệch lạc và những gì trống rỗng.
Vậy gia đình liệu có phải là vấn đề lớn lao như một cộng đồng làng, xã hay công sở. Trong cuốn: “Bản sắc Văn hóa Việt Nam” (NXB Văn học, Hà Nội, 2018, tr. 57) nhà nghiên cứu Phan Ngọc định nghĩa gia đình là: “cái lò tạo nên tinh thần yêu nước của dân tộc”. Trong “Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (NXB Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 15), Đảng ta khẳng định: “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận, tiến bộ”. Tựu chung lại, mọi định nghĩa đều chỉ ra vai trò của tổ chức gia đình trong việc hình thành tư tưởng, tinh thần thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Gia đình có những lợi thế và thách thức trong từng ngày, từng giờ, với mỗi thành viên.
Hẳn chúng ta còn nhớ chi tiết về “cuốn sổ gia đình” trong truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” của nhà văn Nguyễn Thi hay quan niệm về gia đình trong tư tưởng các nhà triết học. Tuy nhiên, trong bài viết này người viết chỉ đi sâu vào điều thiết thực nhất: Tâm hồn của một gia đình trong đời sống hiện đại. Hay nói cách khác, chúng ta đã tạo ra đời sống tinh thần ấy ra sao, tác động đến từng cá nhân như thế nào? Tâm hồn ấy sẽ chi phối đến hình thành văn hóa để từng thành viên ứng xử, tác động đến xã hội đến việc họ hiếu thảo, tình nghĩa với nhau hay không…
Có rất nhiều cách để cha mẹ yêu thương con, làm giàu có thêm “tâm hồn” của gia đình mình. Nhà triết học Benjamin Franklin (1706-1790) từng nói: “Ngôi nhà không phải là mái ấm trừ khi nó chứa thức ăn và lửa cho tâm hồn cũng như cơ thể”. Bởi thế, nhiều người cha, người mẹ đã biết cách tạo ra “lửa” cho con cái có chí hướng. Lời yêu cầu: “Con đọc sách cho cha nghe đi” - câu nói mà tác giả Thái Hoàng chia sẻ trên Báo Tuổi trẻ không phải slogan của một nhãn hàng, không nặng nề như cách so sánh “con nhà người ta” hay bất kì một yêu cầu gì khác. Anh tự đặt mình ở “cửa dưới” - người đón nhận thông tin thay vì áp đặt yêu cầu đọc sách với con cái. Anh Thái Hoàng chia sẻ: “Sau mỗi bữa cơm trưa thứ bảy, tôi lại nói con đọc sách (có lúc đọc báo) cho cha nghe. Cha con cùng trò chuyện trao đổi, vừa để con có thói quen đọc sách, học những điều bổ ích từ sách, vừa thể hiện tình cảm gia đình yêu thương”.
Cách đây chưa lâu, khi ghé qua một trạm y tế cấp xã, người viết lấy làm lạ khi thấy một chị y tá đã lớn tuổi đang tranh thủ học tiếng Anh trong lúc không có bệnh nhân. Hỏi ra mới biết: vì thấy hai con trai của mình mỗi khi từ Hà Nội về nhà chơi thường “tung” ra những thuật ngữ tiếng Anh lạ hoắc như: combo, full topping, flex, lowkey… phần vì bực mình do không hiểu, phần vì tò mò, chị tìm đến Google dịch để xem các con có… nói tục không. Dần dà, chị nhận ra khi con cái đã lớn, đi nhiều, học nhiều, cha mẹ cũng cần nâng cao nhận thức, học vấn để làm bạn với con, để hòa hợp với nhận thức mới của chúng. Một ngày nọ, tôi hỏi thăm và được biết sau khi nghỉ hưu chị y tá đó đã xuống Hà Nội ở cùng con để giúp đỡ cháu trong việc kinh doanh bởi vốn tiếng Anh đã đủ đề nghe hiểu những điều thông dụng… Phải chăng, đó là một người mẹ đã không thể nhen lửa cho con thuở ban đầu nhưng vẫn có thể tiếp lửa cho con bước tiếp.
Có lẽ đã lâu lắm chúng ta không còn thấy những tủ sách của phân xưởng, doanh nghiệp hay tủ sách gia đình. Văn hóa thị giác đã lấn át văn hóa đọc, Youtube và TikTok, Facebook… đã “thay thế” chúng trong việc truyền dạy các kĩ năng ứng xử, giao tiếp cho con cháu.
Richard Bach từng nói: “Mối liên hệ gắn kết gia đình chân chính của bạn không phải là huyết thống, mà là sự tôn trọng và niềm vui trong đời nhau”. Ta nhận ra “niềm vui trong đời nhau” mới là bản chất của hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc ấy đến từ sự tốt đẹp trong tư tưởng, tình cảm, nền nếp của mỗi nhà. Nhưng, điều quan trọng nhất là gia đình ấy cần có một giá trị cốt lõi mà các thành viên cần giữ gìn để duy trì sự bền vững.
Trong bài viết: “Hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay” (TS Vũ Trường Giang, ThS Trịnh Thị Thúy) đã nhận định: “hệ giá trị gia đình Việt Nam duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội: trải qua nhiều biến động, thay đổi của thời cuộc, những truyền thống tốt đẹp của gia đình đã kết tinh thành hệ giá trị gia đình mang tính bền vững, đó là tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn; là tình yêu thương, sự đùm bọc, chở che; là truyền thống hiếu học, trọng danh dự”.
Người viết cho rằng, đằng sau tất cả các giá trị đó, điều cơ bản nhất là mỗi gia đình sẽ có một thái độ sống, một tinh thần xây dựng cộng đồng những ước mơ. Một ước mơ thật sự để tất cả cùng nỗ lực để hướng đến, để nỗ lực đạt tới… Ước mơ ấy đã và sẽ được nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi người. Bản chất của gia đình là việc các thành viên dùng tình yêu thương để tác động đến nhau, bởi thế, khi họ đồng điệu, sẽ tạo ra một thứ văn hóa đặc sắc nhất, đó chính là tâm hồn…