Sống mới khó!

Thứ Sáu, 15/04/2022, 16:16

Trong vòng nửa tháng qua, dư luận rúng động khi liên tiếp nhận tin về các vụ học sinh tự tử. Tính từ ngày 31/3 đến nay, có tới 5 vụ học sinh tự tử và chỉ có một em may mắn thoát chết, số còn lại, đã đến được nơi mà các em muốn đến. Người chọn cách ra đi, giờ này đã hết áp lực, hết mỏi mệt. Nhưng những người ở lại, đến bao giờ mới thoát khỏi nỗi đau đớn? Rồi đây, những vị phụ huynh ấy biết phải sống tiếp thế nào khi luôn day dứt nỗi ám ảnh vì đã không bảo vệ được con em mình?

1. Có tới 5 vụ nam, nữ sinh, từ học lớp 6 đến lớp 10 tự tử trong vòng nửa tháng qua, trải dài trên một số tỉnh, thành của cả nước đã khiến vấn nạn tự tử ở trẻ vị thành niên vô cùng đáng báo động. Mà rúng động lẫn ám ảnh nhất là vụ nam sinh lớp 10 Trường chuyên Amsterdam Hà Nội xảy ra ngày 1/4. Đoạn clip dài 7 phút gây thắt lòng người chứng kiến khi những hình ảnh cuối cùng của nam sinh tràn lan trên mạng, khiến nhiều người thậm chí còn không dám xem hết. Tiếp sau đó là 3 vụ tự tử đều với lý do tương tự: bị áp lực học hành, áp lực từ cha mẹ, giận cha mẹ mắng...

Tình trạng này nói lên điều gì? Liệu rằng, ngoài áp lực học hành, những bất ổn về tinh thần, bí bách sau một thời gian dài học online thì có sự thật nào trong đó rằng các em muốn "trả thù", muốn bố mẹ, xã hội này phải trả giá vì không cho các em được sống một cuộc sống như mình mong muốn? Có hay không?

Sống mới khó! -0
Hãy dạy cho những đứa trẻ tình yêu thương và sự chia sẻ trong chính gia đình của mình.

Tôi tin là nhiều người cũng giống như tôi, không đủ dũng cảm để xem hết đoạn clip dài 7 phút - thể hiện những phút giây cuối cùng của nam sinh lớp 10 Trường Amsterdam trước khi về với thế giới mà cậu bé ấy muốn. Nó ám ảnh không chỉ bởi hành động gây đau xót mà nó còn ám ảnh bởi sự đau đớn, bất lực, những tiếng kêu gào tuyệt vọng của người cha, khi chứng kiến đứa con trai ra đi bằng cái cách mà có lẽ trước đó, có nhắm mắt lại ông cũng không thể hình dung được rằng, có một ngày, cậu con trai yêu thương của mình lại chọn cách ra đi như vậy. Có lẽ cả đời này, ông sẽ không thể nào thôi day dứt, ám ảnh.

Bất cứ khi nào cũng vậy, dư luận chia làm hai luồng: Một nửa lên án những bậc phụ huynh đang gây áp lực lên con em mình, họ chỉ quan tâm đến thành tích để đến kì đến hạn lại lên mạng xã hội khoe với nhau và lấy đó làm thước đo, làm niềm tự hào, mà không cần biết thực tế con mình đã phải chịu đựng thế nào, đã phải gồng lên để "học - cho - bố mẹ" ra sao, kể cả việc con mình phải thức thường xuyên đến 2-3h sáng để học họ cũng thấy bình thường.

Nhưng có một luồng dư luận khác, cho rằng, đứa trẻ lựa chọn cách ra đi như thế là một đứa trẻ ích kỉ, không biết chia sẻ với bố mẹ, không biết xót xa khi hằng ngày chứng kiến những giọt mồ hôi của người cha, người mẹ rơi xuống để kiếm từng đồng tiền về nuôi con. Con cái có áp lực của con cái, chúng trách bố mẹ không chia sẻ được với mình, nhưng ngược lại, các bậc phụ huynh cũng có hàng nghìn áp lực, liệu rằng, họ sẽ chia sẻ với ai về những áp lực đó?

Như một hiệu ứng Domino, sau cái chết của nam sinh lớp 10 trường chuyên Hà Nội xảy ra ngày 1/4 thì đến ngày 4/4, một nam sinh lớp 8 cũng nhảy từ tầng 18 tại một toà nhà thuộc quận Hà Đông xuống tử vong, tiếp đó thêm 2 vụ tự tử nữa, một em học sinh lớp 6 ở Cà Mau, trong giờ học, nhảy qua ban công nhưng rất may được cấp cứu thoát chết. Một em học sinh lớp 8, ở Đắk Lăk thì tự vẫn ngay trong chính  ngôi nhà của mình. Còn trước đó, tức là chỉ một hôm trước cái chết của nam sinh trường chuyên Amsterdam, một nữ sinh ở Bắc Ninh cũng tìm đến cái chết vào ngày 31/3. Ngoài những lý do áp lực, giận mẹ... thì có cả nguyên nhân do trầm cảm. Đó là trường hợp em học sinh lớp 6 ở Cà Mau và nữ sinh lớp 8 ở Bắc Ninh được cho rằng có dấu hiệu trầm cảm.

 Điều này cho thấy, sức khỏe tâm thần của người Việt Nam nói chung và của trẻ em nói riêng chưa được quan tâm chú trọng, không được thăm khám định kì, vì thế người ta chỉ phát hiện ra bệnh khi bệnh nhân đã gây hậu quả nghiêm trọng chứ không có biện pháp phòng tránh cũng như tư vấn, chữa trị kịp thời.

2. Sau làn sóng học sinh tự tử, các bậc phụ huynh không ai bảo ai bỗng nảy sinh tâm lý "sợ con". Ngày thường họ vẫn thỉnh thoảng quát mắng con nhưng rồi không ai bảo ai, hầu hết đều phải chọn cách "đi nhẹ, nói khẽ" khi giao tiếp với con em mình. Trên các diễn đàn làm cha, làm mẹ, nhiều ông bố, bà mẹ lo lắng hỏi han nhau cách "đối phó" với những đứa con khó bảo.

Điều này vô hình chung đã tạo cho đám trẻ con sự thoả mãn nhất định. Một bộ phận trong số đó nảy sinh tư tưởng "hành bố mẹ", khi chúng đưa ra yêu sách, hạch sách bố mẹ phải đáp ứng những yêu cầu oái oăm mà không sợ bố mẹ mắng mỏ hay cáu gắt. Trào lưu "bắt nạt phụ huynh" được chúng nhân rộng. Đây là một trào lưu hết sức tiêu cực, gây nên nỗi lo lắng cho phụ huynh cũng như sự bất ổn cho tâm lý thầy cô giáo và các em học sinh khác.

Sống mới khó! -0
Mái ấm gia đình vô cùng quan trọng đối với mỗi chúng ta.

Nếu so sánh giữa sống và chết thì sống bao giờ cũng khó khăn hơn rất nhiều. Có lẽ, công tác giáo dục tư tưởng cho các em, những đứa trẻ luôn nghĩ rằng dùng cái chết để tạo áp lực cho phụ huynh, hãy bắt đầu từ một bệnh viện ung bướu mà bệnh nhân chỉ gồm toàn những em bé với dây truyền, kim tiêm nhằng nhịt trên người. Là Bệnh viện Bỏng quốc gia, nơi có nhiều bệnh nhân nhi đang phải chiến đấu từng giờ từng phút giành giật sự sống trước lưỡi hái của tử thần. Và còn nhiều nơi khác nữa, khi mà con người ta phải vất vả mưu sinh để có miếng cơm manh áo nhằm duy trì sự sống, đến những nơi này để giúp các em hiểu một điều: Sự sống là quý giá nhất trên cuộc đời này.

Được cha mẹ sinh ra lành lặn, đầy đủ chân tay đã là một hạnh phúc lớn lao so với rất nhiều những thân phận khiếm khuyết ngoài kia. Không những thế, nhiều người tàn tật, khiếm khuyết còn phải tự lao động kiếm sống. Một vài áp lực trước mắt đã là gì so với muôn vàn những áp lực mà cha mẹ các em đang phải gánh chịu. Vì thế, rèn luyện bản lĩnh cho học sinh cũng là việc nên làm, cần làm trong các gia đình và nhà trường, thay vì chỉ chú trọng nhồi nhét kiến thức.

Một nhạc sĩ tương lai thì không nhất thiết phải giỏi môn hóa học, một nghệ nhân làm bánh tương lai không nhất thiết phải hiểu thế nào là bổ đề cơ bản. Một thợ cơ khí lành nghề không nhất thiết phải học thuộc "Truyện Kiều" và phân tích cuộc đời chị Dậu như bài văn mẫu. Nhưng nhất định các em phải được giáo dục, rèn luyện bản lĩnh sống, sự chia sẻ, biết yêu thương và hy sinh vì người khác.

Đồng thời, Bộ Giáo dục cũng nên xem xét lại chương trình dạy học, một học sinh lớp 10 mà đêm nào cũng phải thức đến 2-3 giờ sáng để học vẫn chưa làm xong hết bài tập thì thể lực có đảm bảo không? Sức khoẻ tâm thần có đảm bảo không? Một khi con người ta đã mệt mỏi về thể xác, kiệt quệ về tinh thần, thì tương lai sẽ còn xảy ra những vụ việc đau lòng tương tự.

Không ai trách người đã chết, cũng như không ai trách cứ người ở lại. Nhưng nếu những đứa trẻ ấy được rèn luyện bản lĩnh để đối mặt với áp lực, và chúng tìm thấy ở cha mẹ sự tin cậy, là chỗ dựa tinh thần, cho chúng có thể chia sẻ mọi buồn vui thì chúng sẽ đủ sâu sắc để hiểu được rằng, người ở lại, cha mẹ, anh chị em mới là người đau đớn nhất. Và nếu các em tự giết mình, kết thúc mạng sống của mình thì cũng đồng nghĩa các em đã làm luôn cái việc đang tâm hơn nữa là các em gián tiếp giết chết bố mẹ mình, anh chị em của mình, gia đình người thân của mình. Cái chết về tinh thần còn khủng khiếp và đau đớn hơn gấp vạn lần cái chết thể xác.

Sống! Phải sống! Một cách ngẩng cao đầu. Mới thực sự khó!

Đinh Hiền
.
.
.