Quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ

Thứ Sáu, 17/11/2023, 13:30

Gần đây nhiều cán bộ làm công tác thanh tra trong lúc thực thi công vụ đã có những hành vi sách nhiễu, gây khó dễ và vòi vĩnh các tổ chức, cá nhân bị thanh tra để nhận lại sự cảm ơn bằng vật chất, tiền bạc. Không chỉ ở ngành thanh tra mà còn có cả những cán bộ của ngành Kiểm toán, Viện kiểm sát, Tòa án... đã bị kỷ luật, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội danh liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.

Điều này chứng tỏ tham nhũng, tiêu cực đang tồn tại và len lỏi vào hầu như tất cả các ngành, các cấp và không trừ một ai.

tổng bí thư nguyễn phú trọng luôn giương cao ngọn cơ trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.jpg -0
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn giương cao ngọn cờ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã từng thẳng thắn chỉ ra: “Các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng đã có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; kiến nghị, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực tại những cơ quan này, vốn được coi là cần phải trong sạch và liêm chính nhất. Thực tế cho thấy, các hành vi như: Dọa dẫm, nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm; bao che, cố tình đưa ra những kết luận sai lệch, nhận quà để làm giảm mức độ sai phạm; cố tình làm trái các quy định pháp luật... đã được phát hiện và xử lý… Do đó, phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan thực hiện chức năng phòng, chống tham nhũng đã, đang và sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta”.

Đảng, Nhà nước luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là khó. Càng khó hơn nhiều vì liên quan đến những tổ chức, cá nhân ở chính cơ quan thực thi pháp luật có chuyên môn nghiệp vụ, am hiểu về pháp luật nên ẩn mình rất giỏi. Bên cạnh đó, thông tin về lĩnh vực này rất nhạy cảm, chuyên ngành, ít được công khai nên rất khó phát hiện, xử lý sai phạm. Khi mà các công cụ quản lý nhà nước để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không được sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta sẽ không mang lại được hiệu quả thiết thực.

Chính vì vậy, để việc phòng, chống tham nhũng có hiệu quả thì con đường duy nhất là tăng cường giám sát quyền lực. Giám sát quyền lực là giám sát từ gốc, và dĩ nhiên là quan trọng. Mới đây, cùng với Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán thì Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Như thế, việc đấu tranh với tham nhũng sẽ có thêm công cụ sắc bén trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, đấu tranh với “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”.

Với các quy định này, những cơ chế phòng ngừa đã được chỉ rõ để bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, quyền hạn phải gắn với trách nhiệm. Đặc biệt, các nhóm hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã được liệt kê, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và người đứng đầu được chỉ rõ. Qua đó, sẽ tạo sự minh bạch hơn nữa, cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tư pháp… ngăn chặn tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để “sách nhiễu, vòi vĩnh, chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân trong thực thi công vụ.

Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW và Quy định số 132-QĐ/TW là rất kịp thời và cũng không ngoài mục đích góp phần làm trong sạch hơn những cán bộ, công chức trong các lực lượng này, giúp ngăn ngừa, cảnh báo họ biết giữ mình, răn mình hơn, tự soi, tự sửa, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao bản lĩnh, đề cao cảnh giác mọi lúc, mọi nơi trước sự đề nghị, mời mọc dù là nhỏ nhất, như gương đã sáng càng phải chăm lau chùi để sáng hơn.

Với việc thực thi công lý không bị lệ thuộc, không bị khống chế, quyết định đưa ra công tâm, khách quan, với “tâm sáng, lòng trong” thì cán bộ, công chức hoạt động trong các lĩnh vực kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án mới xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và người dân, xứng đáng là người bảo vệ cán cân công lý. Dĩ nhiên điều này chỉ có thể thành hiện thực khi những người được giao nhiệm vụ chống giặc nội xâm phải “ghét tham nhũng, tiêu cực như nhà nông ghét cỏ dại”.

Cù Tất Dũng
.
.
.