"Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư"
Làm việc với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND Tối cao vào sáng 27/3/2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh việc phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện cho được lời dạy của Bác Hồ đối với ngành tòa án là "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư"; phải "gần dân, học dân, hiểu dân và giúp dân".
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặc biệt chú trọng đến công tác Tòa án. Người coi Tòa án là cơ quan trọng tâm của ngành tư pháp, tư pháp là một hệ thống trọng yếu của chính quyền. Việc phát triển ngành tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ nhân dân, có được ánh sáng Đảng dìu dắt.
Cho nên, ngay từ những ngày mới giành được chính quyền vào năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm chăm lo xây dựng nền Tư pháp nói chung và ngành Tòa án nói riêng để thực hiện nhiệm vụ xét xử, trừng trị nghiêm khắc các phần tử phản động, dập tắt âm mưu nổi loạn, cướp chính quyền, góp phần cùng các lực lượng khác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân. Hội nghị tư pháp toàn quốc được triệu tập vào tháng 2/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đến dự được nhưng Người đã gửi một bức thư đến Hội nghị. Trong thư, Người căn dặn: Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao gương "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư" cho nhân dân noi theo.
"Phụng công" - được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ là phải biết trách nhiệm của mình được Nhà nước và nhân dân giao cho quyền thực thi pháp luật, làm việc để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân; "Thủ pháp" là thực thi pháp luật cho rõ ràng, minh bạch, khách quan, cho "Chí công, vô tư" theo đúng quy định của pháp luật; “Chí công” là rất mực công bằng, công tâm; “vô tư” là không được có lòng riêng, thiên tư đối với người, với việc. Muốn chí công vô tư thì phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.
Tại Hội nghị cán bộ ngành Tư pháp tổ chức vào năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Tòa án. Phải “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chính sách của Chính phủ.
Soi vào thực tiễn, rất đáng phấn khởi là những năm qua, trong nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nền Tư pháp tiên tiến của nhà nước pháp quyền theo định hướng của Đảng và Nhà nước ta, ngành Tòa án đã từng bước hoàn thiện hơn với nhiều cải cách cả về bộ máy, cách thức hoạt động lẫn chất lượng xét xử.
Thông tin từ phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, tổ chức sáng 20/3/2023, cho biết từ năm 2018 đến nay, các Tòa án đã giải quyết được 2.427.859 vụ án các loại trong tổng số 2.490.699 vụ án đã thụ lý. So với cùng kỳ của 5 năm trước (2013 - 2017) thì số lượng các vụ án Tòa án phải giải quyết tăng đến 507.849 vụ; trong đó, số lượng đã giải quyết tăng 487.903 vụ.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhiều vụ án lớn, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nhiều vụ án đi vào lịch sử tố tụng bởi tính chất đặc biệt nghiêm trọng, số lượng lớn các bị cáo, luật sư, người tham gia tố tụng được triệu tập, có vụ lên tới hàng trăm người (như vụ án xảy ra tại Ngân hàng Đại Dương; vụ án đánh bạc ngàn tỷ qua mạng xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương…).
Đội ngũ cán bộ, công chức của ngành Tòa án, tính đến ngày 31/12/2022, có 13.339 người thì trong đó, về trình độ chuyên môn đã có 4 phó giáo sư; 54 tiến sĩ, 2.494 thạc sĩ, 10.567 cử nhân.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 (hiệu lực từ ngày 1/1/2022) về tổ chức phiên tòa trực tuyến, chúng ta đã quen dần với thuật ngữ xét xử trực tuyến. Số lượng các phiên xét xử trực tuyến từ đó đến nay đã tính bằng con số hàng ngàn, trong đó có cả các vụ án hình sự, dân sự, hành chính và cả áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án. Đây là một bước đột phá rất đáng ghi nhận trong lĩnh vực xét xử, tạo được hiệu ứng dư luận xã hội rất tốt, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp. Con số 106 trường hợp cán bộ bị xử lý kỷ luật (trong đó có 7 trường hợp tham nhũng, tiêu cực) từ năm 2021 đến nay, cũng cho thấy nỗ lực của ngành Tòa án trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ.
Còn rất nhiều việc tiếp tục phải nỗ lực để nâng cao chất lượng hoạt động và đội ngũ của ngành Tòa án. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
75 năm qua, thực tiễn sinh động giúp chúng ta càng thấm thía hơn lời Bác dạy: "Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư".