Opera Việt: Ai? Ở đâu? Làm gì?

Thứ Tư, 13/04/2022, 13:32

Hôm chủ nhật vừa rồi (10/4), tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi thử giọng tìm diễn viên cho vở Opera "Công nữ Ngọc Hoa". Đây là một vở opera mới, được dàn dựng bởi đạo diễn Nhật Bản kết hợp với các nhạc sĩ Việt Nam mà trưởng nhóm sáng tác là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Vở diễn theo đơn đặt hàng của phía Nhật Bản nhằm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Dự kiến, "Công nữ Ngọc Hoa" với dân diễn viên Nhật Bản lẫn Việt Nam sẽ được công diễn vào năm 2023 ở cả hai quốc gia.

Nhận dự án opera "Công nữ Ngọc Hoa", nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cảm thấy vô cùng hứng khởi. Thực sự, là người theo đuổi âm nhạc nghệ thuật và hàn lâm lâu năm, đây là cơ hội đầu tiên để anh sáng tác một thể loại được xem là tinh tuý nhất của âm nhạc. Thực sự, đúng là nếu không có đơn đặt hàng của người Nhật, có thể cả cuộc đời sáng tác của mình, Trần Mạnh Hùng cũng không dám nghĩ tới opera. Cơ bản, viết ra là một chuyện, vở diễn có được dàn dựng và công diễn hay không lại là chuyện khác. Rõ ràng, Việt Nam vẫn chưa có cơ hội nào thuận lợi cho opera và bởi thế, suốt nhiều thập niên qua, sân khấu âm nhạc Việt vẫn rất thiếu vắng opera.

Lần gần nhất một vở opera Việt Nam được trình diễn ở trong nước cách nay cũng 3 năm, khi Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam phục dựng vở "Người tạc tượng" của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Có thể nhận thấy, một vở diễn có tuổi đời hơn 50 năm, lần đầu tiên được dàn dựng cũng đã gần nửa thế kỷ trước và phải đợi một quãng nghỉ dài như thế mới được phục dựng lại là một thiệt thòi lớn cho những người hoạt động âm nhạc. Vẫn biết opera kén khán giả, yêu cầu trình độ thưởng thức cao và đòi hỏi đầu tư sản xuất rất tốn kém, nhưng chẳng lẽ trong ngần ấy năm, không có một đơn vị nào đủ tài lực để ngó ngàng đến opera hay sao?

Sự tham gia của các doanh nghiệp vào đời sống văn nghệ là rất rõ trong nhiều thập niên qua, nhưng đại đa số đều chỉ tham gia vào các mảng giải trí hoặc nghệ thuật đại chúng. Về nghệ thuật hàn lâm, rất ít doanh nghiệp ngó ngàng đến và nếu có thì cũng chỉ ở mức đầu tư cho hội họa hoặc dàn nhạc giao hưởng là cùng. Ý thức nâng cao dân trí, nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng của số ít doanh nghiệp như vậy là có, song cứ nghĩ đến opera là họ lại sợ vì bản thân họ vẫn còn nỗi ám ảnh mang tên phát triển thương hiệu nhờ vào đòn bảy văn hoá.

Từ đây, nảy sinh vấn đề nhiều nhạc sĩ có năng lực nhưng ngại viết opera. Cơ bản, sáng tác âm nhạc luôn gắn liền với khát vọng âm nhạc của mình phải được vang lên. Nhưng nếu không có nhà đầu tư, mọi vở opera sẽ chỉ còn là những tổng phổ vô hồn trên trang giấy. Đó là lý do tại sao sau thế hệ các nhạc sĩ đàn anh như Đỗ Nhuận, Việt Nam gần như "tuyệt chủng" nhạc sĩ viết opera. Rõ ràng, nói gì thì nói, ở thời bao cấp kinh tế khó khăn, đời sống nghèo nàn về vật chất nhưng đầu tư của Nhà nước cho văn hoá vẫn rất đồng đều, có chiều sâu. Chuyển sang kinh tế thị trường, rất nhiều thứ được xem là tinh hoa đã không còn được ai chú trọng nữa.

Điều đáng buồn là mỗi dịp cuối năm, khi các nhà hát sáng đèn các vở diễn kinh điển của quốc tế, khán giả mua vé đi xem rất đông. Họ hiểu hay không thì ta không biết. Họ đi xem để "điệu đàng" với thiên hạ hay không thì ta càng không dám cả quyết. Nhưng rõ ràng là âm nhạc kinh viện vẫn bán được vé, ở một góc độ nào đấy. Vậy thì tại sao lại thiếu những người đầu tư đủ dũng khí, sẵn sàng đặt hàng một vở opera Việt Nam để các nhạc sĩ hàn lâm có động lực và không để một món quý của âm nhạc bị thất truyền.

Văn Đoàn
.
.
.