Nỗi lo công nhân “mất Tết”
Khoản tiền thưởng Tết vốn rất được mong ngóng, sau gần một năm cống hiến cũng trở nên mờ mịt. Thay vì chờ thưởng Tết, giờ công nhân và người lao động chỉ mong có việc làm, được tăng ca để có thu nhập như bình thường.
Sau hai năm công ăn việc làm và thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh COVID -19, những tưởng năm 2022, công nhân và người lao động sẽ có một năm thu nhập ổn định. Nhưng rồi, vào những ngày cuối năm này tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhiều, không ít doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, chi phí mua nguyên vật liệu tăng cao, kinh doanh ảm đạm, buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm giờ làm, giảm lao động và quy mô sản xuất, dẫn đến người lao động thiếu việc hoặc bị mất việc, tình trạng này khiến đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Khoản tiền thưởng Tết vốn rất được mong ngóng, sau gần một năm cống hiến cũng trở nên mờ mịt. Thay vì chờ thưởng Tết, giờ họ chỉ mong có việc làm, được tăng ca để có thu nhập như bình thường.
Việc cắt giảm nhân lực, giảm giờ làm vào thời điểm cận Tết thay vì ồ ạt tuyển dụng thêm lao động để hoàn thành các đơn hàng là một nghịch lý chưa từng có của thị trường lao động. Những lao động nhập cư là những nhóm dễ bị tổn thương nhất, bởi đằng sau họ là bao nhiêu thứ phải lo toan bộn bề, như ăn uống, tiền nhà trọ, tiền học cho con, bước chân ra ngõ cũng phải có tiền... Thương cho doanh nghiệp, công ty cũng đang bấn loạn, tìm việc, lo lương để đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động! Tội cho công nhân đang lo lắng không biết tương lai sẽ ra sao. Thời điểm này những ai đang có một công việc để làm, còn có thu nhập ổn định hàng tháng dù thấp hay cao thì đang là những người may mắn.
Còn nhớ mới đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp khát lao động, sẵn sàng "trải thảm" đón công nhân, thậm chí cho xe về tận quê nhà chở người vào làm việc. Mọi chuyện thay đổi quá nhanh trong khi khả năng ứng phó chưa theo kịp. Cuối năm, việc ít, nhiều doanh nghiệp đang lên kế hoạch cho người lao động được nghỉ Tết Nguyên đán 2023 dài ngày nhất có thể. Một số công ty thậm chí dự kiến cho công nhân nghỉ gần 1 tháng để công nhân vừa có thêm thời gian đón Tết cùng gia đình, song cũng là để giảm áp lực cho doanh nghiệp trong những lúc chưa có đơn hàng.
Hàng ngàn công nhân ở các nhà máy, khu công nghiệp tại Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh đã chấp nhận về quê đón "Tết sớm". Một câu hỏi đeo đẳng những người con xa xứ trên suốt chặng hành trình về quê "Nghỉ Tết sớm, rồi ra Tết liệu có được đi làm lại nữa không?". Còn nhiều người mất việc vẫn tiếp tục bám trụ, tìm cách xoay xở bằng đủ thứ nghề để trang trải cuộc sống, chờ đợi cơ hội, mặc cho nỗi lo "mất Tết" đeo đẳng mỗi ngày.
Mất việc không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà đây còn là bài toán khó trên toàn cầu khi tình trạng suy thoái kinh tế, lạm phát đã rõ ràng. Các chuyên gia kinh tế quốc tế đánh giá Việt Nam có nhiều yếu tố để có thể gồng gánh và bình ổn để từng bước vượt qua cơn khủng hoảng này. Thực tế đã cho thấy, khi dịch COVID-19 bùng phát khắp thế giới, những quốc gia phát triển mạnh các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch thì đều rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương nhất. Còn những nước dựa vào sản xuất nông nghiệp thì dường như mức độ tổn thương ít hơn và lấy lại cân bằng nhanh hơn. Chính vì thế mà nông nghiệp được coi là bệ đỡ, nền tảng, là cái "đệm" giúp cho quốc gia chống chịu được mọi sự biến động của khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh.
Đã đến lúc phải có các giải pháp đặc biệt, hiệu quả để thực hiện mục tiêu "ly nông không ly hương" trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025" với mức đầu tư khoảng 2,45 triệu tỷ đồng sẽ là khởi đầu cho một giai đoạn mới, với nhận thức nông nghiệp thịnh vượng là kế "sâu rễ, bền gốc" của một quốc gia như cha ông ta từng nhắc nhở.
Trên cơ sở triển khai Nghị quyết Đại hội lần thức XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cần phải có sự quyết tâm cao độ và các giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả của các ngành, các cấp, các địa phương trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp trong nông nghiệp, tạo nên những việc làm phi nông nghiệp... Khi những người nông dân thật sự là "công nhân làm nông nghiệp" trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của gia đình họ, thì họ sẽ "ly nông" nhưng sẽ bất "ly hương", để quê nhà thực sự là nơi bình yên, hạnh phúc chứ không phải là nơi nương náu khi không còn chỗ trú chân, thì bắt buộc mới trở về.
Hiện nay trên địa bàn cả nước có rất nhiều mô hình, điển hình ứng dụng thành công sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhiều hợp tác xã, tổ hợp, hộ nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình… giải quyết nhiều việc làm cho người lao động nên không có tình trạng người dân bỏ quê đi làm ăn xa. Mục tiêu quan trọng là từng bước xây dựng nông thôn Việt Nam trở thành nông thôn đáng sống để mỗi người nông thôn yêu quê hương, gắn bó với quê hương, sống hạnh phúc trên chính quê hương của mình.