Nhớ về mẹ - Biểu tượng tình mẫu tử thiêng liêng

Thứ Năm, 11/08/2022, 12:33

Tháng 7 âm lịch thường được dân gian quan niệm là tháng “xá tội vong nhân”, và trong đó có ngày rằm tháng 7 là ngày lễ Vu Lan theo truyền thống Phật giáo. Chương trình “bông hồng cài áo” tại các chùa ở Việt Nam để tưởng nhớ công ơn của đấng sinh thành đã cho ta hình hài và dưỡng dục vẫn đã và đang phát triển, lan toả mạnh trong xã hội.

“Công cha như núi thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, tình cảm của cha mẹ lớn lao như núi và sâu sắc nặng lòng mênh mang như biển trời, đạo làm con phải hiếu thuận.

Trong những năm tháng làm phóng viên, tôi được tiếp xúc với nhiều nhân vật nổi tiếng, họ có thể khác biệt về ngành nghề, tính cách, hoàn cảnh sống. Nhưng, khi nói về mẹ, trong số họ đều có tình cảm vô cùng đặc biệt, cho dù họ là ai thì họ cũng vô cùng bé nhỏ yếu mềm trước mẹ: “Làm sao tin có thể/ mẹ đã hóa mây trời?/ Mẹ đã thành nấm đất/ Mẹ đã thành xa xôi” (Phạm Quốc Ca).

Một lần, GS- TS toán học Hoàng Xuân Sính nói chuyện với tôi và tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện giản dị của bà: Đó là một buổi chiều 30 Tết lạnh giá, khi những bác nông dân đã thu gom những chậu quất và cành đào buộc lên xe để trở về nhà cho kịp bữa cơm cúng chiều cuối năm. Đường phố thưa thớt dần, giờ này mọi người chỉ muốn ở nhà dọn dẹp để chuẩn bị đón giao thừa. Tiến sĩ toán học nhìn thấy một bà cụ, mái đầu điểm những sợi bạc, thân hình nhỏ bé gầy gò, trên khuôn mặt hằn những vết dọc ngang của cuộc sống nhiều âu lo. Bà cụ ngồi buồn bã bên hai thúng rau xanh.

Nhớ về mẹ - Biểu tượng tình mẫu tử thiêng liêng -0
Vu Lan Báo hiếu tại chùa Quan Âm, Đông Anh, Hà Nội.

Tiến sĩ toán học nhìn bà cụ liêu xiêu trong buổi chiều đông cuối năm, tấm áo bà cụ mặc mỏng manh có khi không đủ ấm, đôi chân chai sạn nứt nẻ vì bùn đất, cô dừng lại và mua hết cả gánh rau cho bà cụ. Cô bảo lúc trông thấy bà cụ, cô nhớ đến người mẹ đã mất của mình, những người mẹ Việt Nam luôn tần tảo, nhịn ăn nhịn mặc cho con được ăn học, khôn lớn nên người. Cô ở một mình làm sao ăn hết được hai thúng rau nhưng cô mua để cho bà cụ mau về nhà đón Tết.

Từ ngày GS - TS toán học Hoàng Xuân Sính kể câu chuyện này, suốt bao nhiêu năm nay, chiều cuối năm tôi vẫn thường đi trên những con đường Bưởi, đê Nghi Tàm, Quảng Bá, Hà Nội để tìm bóng dáng người mẹ, người bà thân thương nhỏ bé...

Nhạc sĩ Phú Quang khi còn sống mỗi lần nhắc đến mẹ là ông lại xúc động mạnh, có lẽ những kỉ niệm tuổi ấu thơ trong căn nhà trên phố Khâm Thiên, Hà Nội đã ăn sâu vào trái tim đa cảm dào dạt của người nhạc sĩ tài hoa. Ông kể, năm ông 13 tuổi đã chơi thành thạo kèn cor nên thường được mời biểu diễn nhiều nơi, sau khi biểu diễn, cậu bé được khách hàng trả công và mời cơm. Những buổi trưa hè oi nồng hay những đêm đông giá lạnh, nhạc sĩ trở về ngôi nhà của mình khi đã khuya, vừa mở cửa bước vào ông đã thấy mâm cơm mẹ làm đậy sẵn lồng bàn chờ con về mới chịu ăn.

Nhiều lần, ông nói với mẹ: “Mợ không phải lo cho con đâu, con biểu diễn xong họ mời cơm, nếu lúc nào mợ cũng đợi con về thì mợ sẽ bị đói đấy...”. Mẹ ông ôn tồn nói: “Mợ chờ con ăn cùng cho vui, mợ hôm nay làm món cá kho con thích, có đĩa rau muống luộc và bát cà pháo...”. Những người mẹ bao giờ cũng chăm chút cho con mình từ những điều giản dị nhất. Sau này, dù ăn sơn hào hải vị ở những nhà hàng sang trọng, người nhạc sĩ của Hà Nội vẫn không bao giờ quên mùi vị mâm cơm thanh đạm chan chứa tình của mẹ thuở nào.

TSKH Đoàn Hương: Người mẹ là nơi phát triển tình yêu và là nơi nương tựa của nhân loại

Nhớ về mẹ - Biểu tượng tình mẫu tử thiêng liêng -0

- Là Tiến sĩ khoa học Ngữ văn, nói đến mùa Vu Lan vào tháng 7 âm lịch này, có lẽ chúng ta sẽ bắt đầu bằng câu chuyện tình mẫu tử trong văn học. Bà có ấn tượng mạnh mẽ với câu chuyện nào?

+ Đó là một truyện ngắn Nhật Bản mà tôi vô tình đọc được. Ở ngôi làng nọ có người thiếu phụ có mang không may qua đời, dân làng đem đi chôn cất cẩn thận. Trong làng có người bán bánh bao đêm, thấy cứ nửa đêm xuất hiện một người thiếu phụ mặc áo trắng đến mua một cái bánh bao. Khi người ấy đi khỏi cửa hàng thì tờ tiền biến thành một cái lá. Chuyện xảy ra liên tiếp mấy đêm liền như vậy. Lấy làm lạ, người bán hàng đem chuyện kể với nhà sư trong làng. Ngay đêm sau, nhà sư cùng với người bán bánh bao hồi hộp chờ đợi. Và rồi, như mọi lần, đêm đấy người thiếu phụ áo trắng lại xuất hiện và mua một chiếc bánh bao, hai người liền bí mật đi theo người thiếu phụ ra nghĩa địa. Người thiếu phụ đến một ngôi mộ rồi biến mất. Hai người lại gần ngôi mộ và giật mình nhận ra đó chính là ngôi mộ của người thiếu phụ có mang đã mất. Trong đêm khuya thanh vắng, hai người nghe văng vẳng có tiếng trẻ con khóc, họ áp tai xuống đất và thấy tiếng khóc phát ra từ ngôi mộ. Họ vội vàng về gọi dân làng ra đào đất lên, khi những lớp đất được hất lên người ta kinh ngạc thấy dưới làn đất lạnh, người thiếu phụ đã chết, ở giữa hai chân có đứa bé được sinh ra và trong miệng còn đang ngậm một miếng bánh bao.

Câu chuyện này thể hiện tình mẫu tử của người mẹ, đến chết rồi, thân xác không còn nữa mà vẫn yêu thương con, sợ con đói nên hằng đêm đi tìm kiếm mang bánh bao về để nuôi con. Đây là câu chuyện về tình mẫu tử đã vượt qua ranh giới sinh tử mà tôi thấy hay nhất trong văn học.

- Vâng, tình mẫu tử thật thiêng liêng và nhà văn khi viết về vấn đề này khiến cho bạn đọc thổn thức. Trong văn học phương Tây cũng có nhiều câu chuyện cảm động về tình mẫu tử.

+ Như trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của đại văn hào Victor Hugo có câu chuyện cảm động ca ngợi tình mẹ của người đàn bà khốn khổ Fantine với cô con gái nhỏ Cosette. Cô thợ Fantine vì có một đứa con hoang nên bị giám thị ghét bỏ và đuổi đi. Mất việc, để có tiền nuôi con, đầu tiên cô ấy phải cắt mái tóc của mình bán, sau khi tiêu những đồng xu cuối cùng, cô ấy phải bán răng. Và cuối cùng là làm gái điếm. Sau cùng, cô mắc bệnh lao phổi rồi qua đời khi chưa kịp nhìn thấy mặt con.

Ở Việt Nam có câu chuyện “hòn vọng phu”. Mỗi chiều nàng lại bồng con trèo lên hòn núi ở cửa biển, con mắt đăm đắm nhìn về phía chân trời mù mịt. Tuy nước mắt đã khô kiệt vì thương nhớ chồng, nhưng người đàn bà vẫn không quên trèo núi trông chồng, trên tay ẵm đứa con nhỏ. Hình bóng ấy đối với dân làng đã thành quen thuộc. Hết ngày nọ tháng kia, đêm đông lạnh buốt rồi đến một ngày hai mẹ con đều hóa đá. Hòn đá ấy đã trở thành nàng Tô Thị biểu tượng cho tình nghĩa chung thuỷ của người phụ nữ ngóng chồng và tình mẫu tử sống chết không chia lìa. Đất nước này đã có hàng trăm hòn vọng phu như thế làm biểu tượng cho tình nghĩa vợ chồng son sắc và tình mẫu tử thiêng liêng.

- Tháng 7 âm lịch người ta còn gọi là tháng Vu Lan báo hiếu, để hiểu chữ hiếu một cách đầy đủ nhất thì ta nên hiểu như thế nào?

+ Trong tất cả các tôn giáo trên thế giới đều đề cao hình tượng người phụ nữ. Phật Bà Quan Âm nghìn mắt nghìn tay để bao dung.

Người mẹ là linh hồn trong xã hội, người mẹ không chỉ là người “mang nặng đẻ đau” ấp ủ 9 tháng 10 ngày mà còn là người nuôi dưỡng chở che ta trong suốt chặng đường đời sau này. Người mẹ là nơi phát triển tình yêu và là nơi nương tựa của nhân loại.

Với bất kì quốc gia hay dân tộc nào, hình ảnh người mẹ hiện hữu trong các loại hình nghệ thuật, trong thi ca nhạc họa, là nơi tiềm ẩn của niềm tin và sức mạnh, là cội rễ của mọi di sản văn hóa thiêng liêng và tinh hoa của Tổ quốc.

Ví dụ như ở nước Nga miêu tả cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại thì bao giờ hình tượng về người phụ nữ trung tuổi, biểu tượng Người Mẹ - Tổ Quốc cũng được đề cao. Cho nên Tổ quốc chính là một sự tập hợp của các bà mẹ, chính các bà mẹ đã làm ra đất nước. Và chính bà mẹ đã nuôi dưỡng và bảo vệ đất nước. Chữ mẹ không viết hoa là mẹ mình, còn chữ Mẹ viết hoa đấy chính là Tổ quốc. 

Mẹ Thứ quê Quảng Nam 14 lần tiễn con cháu ra chiến trường thì 12 người không về.  Trong 12 người đó có 9 người con trai. Mẹ Thứ - biểu tượng vĩnh hằng của Mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong chiến tranh, những người chồng, người con ra chiến trận thì ở hậu phương còn lại những người mẹ, những người mẹ ấy đã vắt kiệt mình cho chiến tranh qua những lần nhận tin dữ của con. Sự hy sinh của các chiến sĩ đã đau đớn nhưng sự hy sinh của các bà mẹ còn vĩ đại hơn nhiều khi phải từ giã những núm ruột của mình và tận hiến những đứa con của mình cho Tổ quốc. Những bà mẹ đã làm nên chân dung Việt Nam, tâm hồn Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Như chúng ta đã thấy, vào những ngày đầu tháng 7 âm lịch vừa qua đã có 3 chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Công an quận Cầu Giấy đã ra đi mãi mãi. Những người chiến sĩ ấy cũng là tận hiếu để báo đáp cho Tổ quốc, nhân dân và gia đình. Đúng tinh thần của người chiến sĩ CAND: “Vì nước quên thân vì dân phục vụ”. Cho nên ngày lễ Vu Lan báo hiếu không phải chỉ là báo hiếu cho gia đình, cho bố mẹ mà còn tận hiếu cho Tổ quốc và nhân dân. Vì thế ngày lễ Vu Lan báo hiếu trong truyền thống của dân tộc Việt Nam có ý nghĩa thiêng liêng và tâm linh. Chúng ta không chỉ tưởng nhớ công đức của Đất nước, tổ tiên, cha mẹ, nhân dân mà còn là một lễ tưởng niệm vĩ đại đối với những người anh hùng đã ngã xuống.

Thượng tọa Thích Thiện Thuận (Phó Ban trị sự, Trưởng Ban hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Bà Rịa- Vũng Tàu) - Vu Lan là lúc bạn quay lại bản thể của chính mình

Nhớ về mẹ - Biểu tượng tình mẫu tử thiêng liêng -0

Ngay từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch, các ngôi chùa ở Việt Nam, lẫn trong tiếng chuông chùa ấm áp, cùng với mùi nhang khói vấn vương thơm dịu là tiếng kinh cầu của tăng ni cùng phật tử khắp nơi xa gần nhớ về cha mẹ. Kinh “Vu Lan bồn” được đọc tụng ở nhiều ngôi chùa trong cả nước, và ở đây còn có những câu chuyện cảm động về tình mẫu tử được chia sẻ. Cứ thế những câu chuyện sâu sắc, nhẹ nhàng len lỏi vào tâm hồn và trái tim để chúng ta trưởng thành hơn, biết yêu thương thấu hiểu cho cha mẹ hơn. Nói như nhà Phật để trở thành một công dân “tốt đời, đẹp đạo”, chữ đạo ở đây có thể hiểu là đạo làm con, đạo hiếu tròn đầy, viên mãn.

Một mùa lễ Vu Lan lại sắp đến. Đây là dịp để mỗi người chúng ta chọn lối sống chậm lại, biết yêu thương và chia sẻ khi mà cuộc sống hối hả, xô bồ đang chi phối đời sống của chúng ta. Ai cũng có tuổi thơ và kí ức về mẹ. Những câu chuyện về mẹ luôn giàu cảm xúc trầm lắng, suy tư, nghẹn ngào. Tình yêu thương vô bờ của người mẹ dành cho con cái về những hy sinh vất vả sớm hôm của đấng sinh thành, về những hối hận không hiểu lòng cha mẹ, về nỗi nhớ, nỗi đau khi chẳng còn mẹ nữa, về bông hồng trắng cài áo nhớ mẹ, nhớ cha vào mỗi mùa Vu Lan báo hiếu. Tất cả những câu chuyện về mẹ, về cha gợi nên trong mỗi người con về đạo đức, lối sống, hiểu và thực hành biết ơn và báo hiếu công ơn sinh thành của cha mẹ mỗi ngày.

Có khi nào bạn tự hỏi rằng: Đã bao lâu rồi mình không nói những lời yêu thương đến cha mẹ? Đã bao lâu rồi bạn không dành thời gian bên cha mẹ hay có một món quà giản dị, ý nghĩa gửi đến cha mẹ? Vu Lan là lúc mà bạn quay lại bản thể của chính mình, để trở thành đứa con nhỏ bé bên vòng tay cha mẹ yêu thương.

Nhà nghiên cứu, TS Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - Chữ hiếu vô cùng quan trọng, đứng đầu trăm đức hạnh

Nhớ về mẹ - Biểu tượng tình mẫu tử thiêng liêng -0

- Trong Phật giáo có một ngày về sự hiếu thuận, người ta gọi là ngày Lễ Vu Lan rằm tháng 7. Lễ Vu Lan được bắt nguồn từ câu chuyện Mục Kiền Liên là đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca, khi mẹ mất rồi, Mục Kiền Liên dùng thần lực của mình soi khắp các cõi để tìm người mẹ là bà Thanh Đề, và ngài thấy mẹ mình bị đọa nơi địa ngục tăm tối, đói khổ vô cùng. Thương xót mẹ, Mục Kiền Liên dùng thần thông đưa cơm xuống cho mẹ ăn, nhưng khi bà Thanh Đề vừa đưa bát cơm lên miệng thì cơm đang thơm lại biến thành tro lửa, không thể nào ăn được. Bà Thanh Đề khi sống làm nhiều việc ác nên khi mất, bị đọa xuống địa ngục chịu vô số hình phạt. Mục Kiền Liên tha thiết muốn cứu mẹ, ngài liền hỏi Đức Phật. Phật bảo Mục Kiền Liên cúng dường chư tăng, nương nhờ thần lực, để chư tăng ở 10 phương tụng niệm trì chú cho bà Thanh Đề. Sau khi nhờ chư tăng ở 10 phương tụng niệm, nhờ thần lực và công đức của các chư tăng mà bà Thanh Đề đã thoát khỏi cõi địa ngục. Từ đó cho đến nay, Phật giáo lấy ngày 15 tháng 7 âm lịch hằng năm để làm lễ Vu Lan như một ngày lễ của lòng hiếu thuận, không chỉ cứu rỗi cho người đã mất mà cũng thể hiện với người đang sống.

+ Vu Lan được dịch sang âm chữ Hán có nghĩa là đảo huyền. Đảo huyền có nghĩa treo ngược xuống. Huyền là treo, đảo là ngược. Từ của nó đọc đầy đủ nghĩa là Vu Lan bồn. Vu Lan là đảo huyền, còn chữ “bồn” dịch sang âm Hán Việt là chữ cứu, mà bồn lại sang cái nghĩa thành cái chậu, là hứng, cứu rỗi cho người đang bị treo ngược, vong hồn đang bị treo ngược.

Kinh Vu Lan bồn được dịch sang tiếng Trung từ thời Tây Tấn. Bản kinh này có ảnh hưởng rất rộng với đời sống văn hóa tôn giáo Phật giáo Á Đông, không chỉ ở Trung Quốc mà còn cả ở Việt Nam, Nhật Bản .....

- Rằm tháng 7 là một ngày lễ lớn trong Phật giáo, và ngay cả những người không theo đạo Phật thì họ cũng cúng chúng sinh suốt từ những ngày đầu tháng 7 cho đến hết ngày 15 âm lịch.

+ Câu chuyện này hấp dẫn chứ không đơn giản là chúng ta vẫn biết như vậy. Ngày rằm tháng 7 còn gọi là ngày Trung Nguyên tiết. Hạ Nguyên tiết là ngày rằm tháng 10. Thượng Nguyên tiết là ngày rằm tháng giêng. Và đấy là tín ngưỡng của Đạo giáo. Tín ngưỡng của Đạo giáo người ta chia mỗi năm ra làm 3 cái tiết đó. Thượng nguyên thì gắn với Thiên Quan cai quản cõi trời. Trung nguyên thì gắn với Địa Quan cai quản cõi đất, ngày rằm tháng 7 để chủ xướng về xá tội vong nhân. Hạ nguyên rằm tháng 10 thì gắn với là Thuỷ Quan cai quản sông nước.

Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo đều đề cao vấn đề hiếu thuận. Cho nên, khi Trúc Pháp Hộ dịch bản Vu Lan bồn kinh, tương thích với văn hóa xã hội ở Á Đông, Đạo giáo, Nho giáo và dung hòa trong tín ngưỡng bản địa. Hình tượng Mục Kiền Liên cứu mẹ, báo hiếu với mẹ là bà Thanh Đề như thế nào, lan tỏa qua lịch sử gần 2.000 năm qua, và tương thích với từng nền văn hóa tiếp nhận cũng như trở thành một biểu tượng của lòng hiếu thuận, của ngày lễ Vu Lan trong tháng 7 hàng năm.

- Vâng, vậy là Vu Lan bồn kinh có từ rất lâu và văn hóa báo hiếu này sang đến Việt Nam từ bao giờ? Và khi nào thì người Việt có lễ Vu Lan?

+ Khi nói đến Vu Lan bồn kinh là người ta nói theo truyền thống của Phật giáo Đại thừa chứ không phải Phật giáo Tiểu thừa.  Ở đây có sự tiếp biến văn hóa, Phật giáo vào Trung Quốc có sự dung tiếp với Đạo giáo của người Trung Quốc. Phật giáo vào Việt Nam cũng dung hòa với tín ngưỡng Việt Nam.

Ý nghĩa của Vu Lan đó là văn hoá truyền thống của người Á Đông, chữ hiếu được gọi là bách hạnh hiếu vi tiên. Chữ hiếu vô cùng quan trọng, đứng đầu trăm đức hạnh. Truyền thống văn hóa của người Á Đông phải có nguồn cội, truy về tổ tiên càng xa thì truyền thống của gia tộc càng mạnh. Do đó, vấn đề hiếu hạnh càng ảnh hưởng sâu rộng không chỉ các nước Á Đông mà cả Việt Nam. Việt Nam được thư tịch ghi chép đặc biệt từ thời Lý (thế kỷ XI, XII), thời kì mà Phật giáo cực thịnh, thời kì mà Vu Lan bồn kinh có những ảnh hưởng trong đời sống văn hóa. “Đại Việt sử kí toàn thư” ghi rất rõ triều Lý, Trần đã tổ chức lễ hội Vu Lan tại kinh thành Thăng Long, cho thấy lịch sử của nghi thức nghi lễ, lễ hội Vu Lan có rất sớm. Đạo hiếu, văn hóa truyền thống mang đầy màu sắc nhân văn cũng được thể hiện trong kinh “Đại báo phụ mẫu ân trọng kinh” được khắc in vào thế kỉ XIII. Việt Nam coi đấy là bộ kinh được phiên Nôm cổ nhất được khắc đi khắc lại trong các chùa. Kinh về Mục Kiền Liên cũng được khắc đi khắc lại ở trong nhiều chùa, lan tỏa khắp đất nước... và ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống văn hóa của người Việt Nam hiện nay.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.
.