Nhỏ mà không nhỏ

Chủ Nhật, 13/08/2023, 09:03

Trong buổi Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu, trong đó nhấn mạnh "Nghệ sĩ phải tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ xã hội".

Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện "trách nhiệm xã hội" được nhắc tới nhưng có lẽ, ở thời điểm này, việc nhấn mạnh vào trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ là cần thiết hơn bao giờ hết.

Từ rất nhiều năm trước, nhắc tới đời sống nghệ sĩ, nhiều người vẫn mặc định là vất vả, nhiều khi là eo hẹp. Tuy nhiên, ở thời đại mới, khi mà công nghiệp giải trí đã có những thay đổi sâu sắc dẫn tới những bùng nổ đáng kinh ngạc, cơ hội của nghệ sĩ đã mở rộng ra rất nhiều và nói thẳng, đời sống nghệ sĩ vẫn luôn vượt trên tiêu chuẩn sống chung của số đông trung lưu một bậc. Chính vì sự hào nhoáng ấy trong đời sống của họ, những người hâm mộ đã nhìn họ như một hình mẫu để phấn đấu và ở vai trò hình mẫu này, trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ lại càng nên được xem trọng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, nhắc đến trách nhiệm xã hội, nhiều nghệ sĩ nói riêng và số đông nói chung vẫn nghĩ đến những điều lớn lao, đại ý như cống hiến gì, làm được những sự vụ gì quan trọng cho cộng đồng hay không. Đúng là những việc lớn lao như vậy, ví dụ như làm thiện nguyện chẳng hạn, có thể có tác động mạnh tới truyền thông nhưng thực tế hiện nay cho thấy, nghệ sĩ cần quan tâm từ những chuyện nhỏ nhất trước khi nghĩ về những điều gì lớn lao.

Một ví dụ chúng ta có thể nhận thấy rất rõ là ở giai đoạn đầu của dịch COVID -19, một nghệ sĩ trẻ từng bị phạt hành chính 7,5 triệu đồng vì loan tin giun đất có thể chữa được COVID-19. Hành vi tung tin thất thiệt này gây ra rất nhiều tác hại với cộng đồng, đặc biệt là những người hâm mộ nghệ sĩ. Tự ý thức ngăn mình không phao tin đồn nhảm, không có những phát biểu gây kích động, chia rẽ chính là việc nhỏ nhất trong chuyện tham gia vào trách nhiệm xã hội. Hoặc như chuyện nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm không nguồn gốc, kém chất lượng cũng là một ví dụ cần kể tới. Chỉ vì thù lao quảng cáo dễ dãi mà sẵn sàng "mặc kệ cộng đồng" chính là hành vi thiếu trách nhiệm xã hội lớn nhất. Việc nhỏ mà tác hại lớn suy cho cùng không thể được bù đắp lại bởi việc làm việc lớn nhưng tác động tích cực lại nhỏ.

Nhỏ hơn nữa là chuyện phát ngôn thường ngày. Những phát ngôn nhiều khi ngớ ngẩn của nghệ sĩ cũng tạo nên nhiều ồn ào không đáng có, thậm chí nhiều khi gây nên cả những xáo trộn không cần thiết. Kiểm soát phát ngôn tốt cũng chính là đã tự trang bị cho mình một ý thức trách nhiệm xã hội rồi.

Trách nhiệm xã hội với nghệ sĩ cũng không khác nhiều với những người bình thường khác. Trách nhiệm ấy nên đi từ những việc nhỏ nhất vì đơn giản, nhiều việc nhỏ góp lại có thể giúp làm lành mạnh môi trường văn hóa rồi.

Văn Đoàn
.
.
.