Nhà hát mà không phải nhà hát

Thứ Bảy, 30/03/2024, 19:06

Nhà hát, hai tiếng đó luôn khiến người nghe hình dung tới một không gian nơi mà các chương trình nghệ thuật được sáng đèn. Nhưng, thực tế hiện nay ở Việt Nam, đang có nhiều nhà hát mà không phải nhà hát theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nhà hát Giao hưởng, Nhạc, Vũ kịch TP Hồ Chí Minh (HBSO) là một nhà hát không phải nhà hát đúng nghĩa của nó. Trong tên gọi đơn vị, có hai tiếng nhà hát nhưng họ thực sự không quản lý một nhà hát nào. Nhiều người lầm tưởng họ cũng là đơn vị chủ quản của Nhà hát Thành phố nhưng thực chất, quản lý Nhà hát Thành phố lại là một đơn vị khác.

Thế nên mới xảy ra những tình huống dở khóc dở cười khi HBSO đã lên chương trình, quảng bá, ký hợp đồng thuê Nhà hát Thành phố nhưng đùng một cái, có chỉ thị yêu cầu trưng dụng Nhà hát Thành phố cho mục đích khác, họ phải ngậm ngùi trả lại vé cho khán giả và bắt đầu lại từ đầu. Đó là còn chưa kể mối quan hệ được đồn đoán là "cơm không lành, canh không ngọt" giữa Giám đốc Nhà hát Thành phố với Giám đốc HBSO và từ đó dẫn tới chuyện HBSO gần như không được ưu đãi cho dù họ xứng đáng được như vậy.

Ở Hà Nội, Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long, một đơn vị mạnh với nhiều nghệ sĩ tài năng cũng ở hoàn cảnh không có một cái nhà đúng nghĩa để giới thiệu các tác phẩm của mình tới khán giả. Và, những hoàn cảnh như Thăng Long hay HBSO trên cả nước là không hiếm. Họ lẽ ra nên được gọi tên là các "Đoàn nghệ thuật" hơn là cái tên dễ gây hiểu lầm với hai chữ "Nhà hát".

Trong khi đó, có nhiều đơn vị quản lý các nhà hát lại đang để các nhà hát ấy gần như đắp chiếu. Ở TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành đã từ lâu không tổ chức được một chương trình nghệ thuật nào. Họ tồn tại đơn thuần đúng kiểu đợi khách đến thuê địa điểm mà thôi. Và, khi vắng khách thuê, tất yếu sẽ dẫn đến các hợp tác mang tính trá hình như kiểu Nhà hát Bến Thành cho tư nhân thuê để làm Phòng trà Bến Thành.

Đây thực sự là một nghịch lý tồn tại quá lâu và nhức nhối, đủ khiến khách quan đặt ra câu hỏi "Tại sao không giao cơ sở vật chất cho những đơn vị thường xuyên tổ chức các chương trình hiệu quả cả về doanh thu lẫn chất lượng nghệ thuật như HBSO, Nhà hát Nhạc, Vũ, Kịch Việt Nam (VNBO), Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long... hoặc tiến hành cổ phần hóa các nhà hát đang đắp chiếu để sự tham gia của xã hội sẽ mang lại sức sống cho chúng đúng nghĩa?".

Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, nhu cầu giải trí trong xã hội ngày một nhiều và nó thể hiện qua việc nhiều chương trình đã bán vé tốt mấy năm qua. Vai trò của các nhà hát thực tế nằm ở đâu trong chuỗi hoạt động đó? Họ đang tồn tại chỉ như những người cho thuê địa điểm đúng nghĩa, không khác gì một nhà thi đấu hay sân vận động. Như vậy, có nên để họ tồn tại một cách vô nghĩa và cồng kềnh về bộ máy theo cách đó hay không? Câu trả lời này rất cần những người có tâm giải đáp để trả lại đúng ý nghĩa cho những nhà hát như nó vốn thế.

Văn Đoàn
.
.
.