Nghịch lý điện ảnh - truyền hình

Thứ Năm, 03/03/2022, 12:34

Mấy năm trở lại đây, phải ghi nhận rằng chất lượng phim truyền hình (TV series) của Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều. Từ những bộ phim kịch bản hoàn toàn của Việt Nam cho tới những phim mua kịch bản gốc chuyển thể Việt hoá đều tạo ra sức hút lớn đối với khán giả.

Chúng ta có thể nhớ ngay đến những cái tên như “Gạo nếp, gạo tẻ”; “Người phán xử”; “Hậu duệ mặt trời” hay “11 tháng 5 ngày”; “Phố trong làng”; “Lối về miền hoa”; “Về nhà đi con”… hoặc nhớ như in các nhân vật, diễn viên trong phim. Thậm chí, rất nhiều trích đoạn trong phim còn trở thành các video ngắn tạo ra trào lưu chia sẻ trên facebook, tiktok…

Nhìn vào sự tiến bộ vượt bậc của phim truyền hình, và nhìn vào những gì đang diễn ra ở thị trường phim chiếu rạp, chắc chắn chúng ta sẽ thấy những nghịch lý của hai lĩnh vực giải trí cùng ngành này.

Nghịch lý thứ nhất là khả năng Việt hoá. Nếu như ở mảng phim truyền hình, việc Việt hoá các phiên bản phim nước ngoài được tiến hành kỹ lưỡng đến mức độ toát lên được cái chất văn hoá Việt trong đó thì ở các bản Việt hoá phim điện ảnh, chất Việt lại không đậm đầy và tự nhiên bất chấp những cố gắng của nhà sản xuất. Hơn thế nữa, ở mảng phim truyền hình, bản Việt hoá nếu so sánh với bản gốc sẽ khác nhau đến từng chi tiết kỹ thuật. Tương đồng chỉ là mạch câu chuyện, một phần nào đó tuyến nhân vật mà thôi. Còn ở mảng điện ảnh, không ít bản phim Việt hoá giống bản gốc khá nhiều chi tiết. Có những đạo diễn, biên kịch khắt khe còn cho rằng đó không phải là bản “làm lại” (remake) mà chỉ là một bản sao chép đơn thuần.

Nghịch lý thứ hai là phương ngữ trong phim. Phim truyền hình sử dụng thoại tiếng  vùng miền tự nhiên theo xuất thân của nhân vật trong cốt truyện. Và có thể nói, khoảng 5-6 năm trở lại đây, mảng phim truyền hình phía Bắc đang vượt trội hơn so với mảng phim truyền hình sản xuất tại phía Nam. Cơ bản, diễn viên trong phim truyền hình miền Bắc được lựa chọn tự nhiên hơn, không chỉ căn cứ vào mỗi chuẩn ngoại hình sáng, đẹp.

Phim truyền hình phía Bắc hiện có khán giả đông đảo hơn các phim truyền hình phía Nam nhờ vào tính đời thường đậm nét, ngay cả khán giả phía Nam cũng nhiệt tình đón nhận. Trong khi đó, ở mảng điện ảnh, gần như tuyệt đối các phim ra rạp đều chỉ nói tiếng miền Nam, kể cả diễn viên là người Bắc thì cũng lồng tiếng miền Nam. Cực hiếm phim đạo diễn đủ dũng cảm giữ nguyên tiếng Bắc trung thành với bối cảnh của nhân vật trong chuyện phim. Lý do rất đơn giản: Các nhà phát hành đều cho rằng phim điện ảnh nói giọng Bắc… khó bán vé.

Đúng là phim điện ảnh nói giọng Bắc hơi khó bán vé hơn nhưng đó là chuyện của khoảng gần 10 năm trước. Hiện tại đã là một thế hệ khán giả tiêu thụ rất khác, cởi mở hơn rất nhiều với sự đa dạng. Chính các nhà phát hành, nhà sản xuất, vì nỗi sợ doanh thu, đã không đủ dũng cảm để có những phép thử thị trường. Vì lẽ đó, đất diễn cho nhiều diễn viên giỏi phía Bắc ở mảng phim chiếu rạp là khá eo hẹp dù họ hợp vai hơn rất nhiều, khả năng diễn xuất cũng tốt hơn rất nhiều.

Hai mươi năm qua đã chứng kiến sự dịch chuyển rất mạnh của giải trí Việt Nam khi TP Hồ Chí Minh không còn là trung tâm duy nhất nữa. Lớp nghệ sỹ trẻ ở Hà Nội hiện nay rất năng động, tài năng, tiếp cận nhanh với thế giới  đã khiến các đồng nghiệp phía Nam phải giật mình. Và thị trường cũng đã cởi mở hơn rất nhiều. Vậy thì liệu rằng, hai nghịch lý kể trên đã bắt đầu đi vào giai đoạn cáo chung của nó, để ngành công nghiệp giải trí nghe nhìn của Việt Nam chuẩn bị sang một trang mới mẻ hoàn toàn?

Văn Đoàn
.
.
.