Nghệ thuật truyền thống là vốn quý của văn hóa dân tộc

Thứ Tư, 19/06/2024, 13:53

Kịch hát dân tộc như tuồng, chèo, cải lương, quan họ, hát bội, hát ví dặm, đờn ca tài tử... đều là tinh hoa của văn hóa truyền thống, được cha ông ta sáng tạo, bồi đắp và được truyền nối theo dòng chảy lịch sử của dân tộc, đã ghi những dấu ấn đậm nét trong đời sống tinh thần và thẩm mỹ của các thế hệ người Việt.

Tuy nhiên, sân khấu truyền thống đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như tình trạng thiếu vắng khán giả, cùng với đó là tình trạng khó tuyển sinh cũng như tìm kiếm tài năng trẻ của kịch hát dân tộc gây ra tình trạng thiếu hụt đội ngũ kế cận.

Các cơ quan, các nhà quản lý văn hóa cũng như những văn nghệ sĩ và người hoạt động ở lĩnh vực sân khấu truyền thống đều nhận thức được việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu truyền thống là một việc làm cấp thiết để "giữ hồn dân tộc", nhưng thực tế cho thấy, việc hoạt động thực tiễn bảo tồn và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống còn lúng túng, dường như vẫn chưa tìm được hướng đi nào mới, khả quan.

thumb_660_19fba4d7-1962-430d-90d8-27239e073ce1.jpg -0
Nghệ thuật truyền thống cần được chú trọng phát triển.

Thực tế trong mười năm trở lại đây, các nhà hát tuồng, chèo, cải lương từ Trung ương đến địa phương để có những đêm diễn đỏ đèn hầu như đều diễn miễn phí hoặc có bán vé thì cũng chỉ mang giá trị tượng trưng, nhưng số người đến xem cũng vô cùng thưa thớt. Khán giả không mấy mặn mà với nghệ thuật truyền thống nên các nghệ sĩ hầu hết không sống được bằng nghề. Đội ngũ kế cận tài năng, xinh đẹp, hát hay, múa giỏi dù có tâm huyết đến mấy, thì cũng không thể thờ ơ với cơm, áo, gạo, tiền, nên cũng không yên tâm gắn bó với nghề và đành ngậm ngùi chia tay với đam mê. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến một vài loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. 

Để bảo tồn loại hình nghệ thuật quý báu này, các trường nghệ thuật và các nhà hát nhiều năm qua đã cung cấp thông tin rộng rãi về phương thức tuyển sinh, chế độ ưu đãi về học phí, cơ hội việc làm trong tương lai, rồi còn trực tiếp xuống các địa phương để tìm nguồn tuyển sinh nhưng số lượng thí sinh đăng ký ngày càng khan hiếm. Có em giọng hát tốt, thanh, sắc đều được, nhưng gia đình dứt khoát không đồng ý, bởi họ lo sợ con em mình theo nghệ thuật truyền thống vừa vất vả lại vừa “nghèo". Không những thế, với một số ít ỏi sau 4 đến 5 năm đam mê khổ luyện, khi ra trường cũng chỉ có khoảng 40-50% là xin được vào các nhà hát, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp với cuộc sống bấp bênh. Thực trạng này tạo nên hồi chuông báo động về nguy cơ mai một, tiến tới "xóa sổ" nghệ thuật sân khấu truyền thống nếu không gấp rút đào tạo nguồn nhân lực kế cận.

Một trong những nguyên nhân khiến người trẻ không muốn theo đuổi nghệ thuật truyền thống là do lĩnh vực này không có bề nổi, khó nổi tiếng so với diễn viên hài, diễn viên điện ảnh, ca sĩ, vũ công, người mẫu. Hơn nữa, nghệ thuật truyền thống có độ khó cao, thường là nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi người học phải có độ am hiểu tương đối về văn hóa, lịch sử, xã hội, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát, diễn xuất, hình thể, vũ đạo... Với đặc thù như vậy, cộng với tâm lý thích nổi tiếng nhanh cũng như “đầu ra” khó khăn khiến cho nghệ thuật truyền thống ít thu hút lớp trẻ.

Nhằm khắc phục tình trạng này, những năm gần đây, nhiều đơn vị nghệ thuật đã tìm cách đưa hoạt động, lực lượng của mình đến gần công chúng hơn, ví như biểu diễn các trích đoạn tuồng, chèo truyền thống nổi tiếng phục vụ du khách ở các điểm lễ hội, du lịch, sự kiện văn hóa đại chúng... thực tế thì chúng ta vẫn chưa có nhiều cách để đưa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng, đặc biệt là giới trẻ một cách hữu hiệu.

Trước sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, nghe nhìn hiện đại và sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình giải trí, nghệ thuật hiện đại, để sân khấu truyền thống và các bộ môn kịch hát dân tộc được bảo tồn và phát triển thì không thể chỉ là bản sao của quá khứ mà rất cần làm mới trong tư duy sáng tác và biểu diễn. Bên cạnh đó, không thể thiếu những chính sách và sự bảo trợ, ưu đãi đặc biệt, có cơ chế, chiến lược bài bản cũng như sự quan tâm, khuyến khích đầu tư của Nhà nước, các cấp quản lý, chính quyền địa phương để cá nhân lập các nhóm, các đoàn nghệ thuật tìm kiếm cơ hội biểu diễn trong những sân khấu nhỏ, các sự kiện văn hóa kết hợp với du lịch, điện ảnh, các nền tảng số để quảng bá đến công chúng trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận, từ đó tạo ra kinh tế, tạo ra thu nhập để giúp các nghệ sĩ yên tâm gắn bó với nghề, nỗ lực vươn lên để nghệ thuật truyền thống thực sự là những "viên ngọc quý" luôn tỏa sáng, là niềm tự hào của dân tộc.

Cù Tất Dũng
.
.
.