Nghệ thuật không thể thô lậu

Thứ Năm, 23/03/2023, 07:00

Những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3, nhiều tài khoản mạng xã hội đã chia sẻ những hình ảnh rất “nghệ” của MCK, một rapper vốn dĩ đã thành danh trong giới underground và được biết đến rộng rãi hơn thông qua chương trình “Rap Việt”. Tất cả đều là những hình ảnh để quảng bá cho “99%”, một album sắp ra mắt của MCK. Và nhìn vào những bức ảnh ấy, không ít người đã kỳ vọng “99%” là một album đậm chất nghệ thuật.

Sau khi “99%” ra mắt chính thức vào ngày 2/3/2023, số lượng người nghe đã tăng một cách đáng kể. Phải thừa nhận, nếu chỉ nói về phần âm nhạc nói riêng, “99%” là một album có chất lượng rất cao. Tuy nhiên, dù ở thể loại nào đi nữa, đã là ca khúc thì ca từ là câu chuyện rất quan trọng và ca từ trong “99%” có thể được xem là điểm yếu kéo tụt chất lượng tổng thể.

Để coi một ca khúc là một tác phẩm nghệ thuật, thứ khác biệt hoàn toàn với một sản phẩm giải trí vô thưởng vô phạt, ca từ đóng góp không ít sức nặng. Và ca từ trong “99%” thì có quá nhiều điểm nhạy cảm mà nếu như ngược lại dòng thời gian ở vào giai đoạn chưa có các nền tảng nghe nhạc trực tuyến, album này chắc chắn không thể qua được khâu cấp phép.

Ví dụ, ngay từ bài “Chìm sâu”, MCK đã thẳng thừng hát “Smoke weed get high” (có nghĩa là “Hút cỏ và phê pha”) như để cổ xuý cho một lối sống không lành mạnh của lớp trẻ. Song, đó chưa phải là đỉnh điểm của dung tục. Ngay ở bài sau, “Suit & Tie”, MCK hát “Can we f… rồi em sẽ kể xem hôm nay thế nào” (chữ f… được viết tắt ở đây là một từ khá tục trong tiếng Anh). Chưa nói đến chuyện hát lẫn lộn tiếng Anh tiếng Việt mà chỉ cần nói đến sự trần trụi đến tục tĩu. Và những ví dụ như thế đầy rẫy trong album “99%” này, ở những bài như “Cuốn cho anh một điếu nữa đi” (với những câu “nhìn nhau thắm thiết khi ta lột đồ” hay “ném em sang một bên để anh đè lên”); “Tại vì sao”…

Điều đáng nói tới ở đây là sự dung tục của MCK không phải là duy nhất trong làng giải trí Việt. Nhiều ca khúc, đặc biệt là nhạc rap, có lời lẽ thô thiển, đậm chất gợi dục. Giới trẻ xem đó là thời thượng, với lối suy nghĩ “Âu - Mỹ người ta cũng hát như thế” mà quên mất rằng lối biểu đạt đó có phù hợp với căn cốt văn hoá Á Đông hay không. Thực tế, các tác phẩm nghệ thuật về tính dục không thiếu trên thế giới này, nhưng để biểu đạt những vấn đề tính dục một cách có thẩm mỹ lại là chuyện không đơn giản. Ngay cả nhạc sĩ Phạm Duy cũng có bộ “Tục ca” nhưng gần như không thể phát hành rộng rãi bởi nó… bậy quá. Trong nghệ thuật, dù là chủ đề có gai góc đến chừng nào, cấm kỵ đến chừng nào đi nữa thì tác phẩm cũng chỉ có thể được chấp nhận nếu như cách biểu đạt có đủ tính thẩm mỹ. Cũng là nói về quan hệ luyến ái tính dục nam nữ, khi ban nhạc Chillies hát lên “hai ta quấn lấy nhau” nghe đẹp và nên thơ hơn hẳn cái hình ảnh “để anh đè lên” mà MCK hát.

Các cụ xưa vẫn có những câu “đố tục giảng thanh” và chính cái “thanh” ấy đã khiến cái “tục” không còn là tục nữa. Vẫn biết xu hướng thời đại hôm nay ưa chuộng ca từ thẳng, thật và có thể trần trụi, nhưng nếu cái thẳng, thật, trần trụi ấy được diễn tả dưới một bút pháp giàu thẩm mỹ thì mới có thể được xem là nghệ thuật. Nhược bằng không, tất cả chỉ còn lại cái thô lậu thể hiện một lối xu thời bắt chước một cách vụng về, kệch cỡm không hơn không kém.

Văn Đoàn
.
.
.