Gió thổi từ “thung lũng gọi hồn”

Thứ Sáu, 04/08/2023, 10:11

Thung lũng dưới chân điểm cao 468 trên đỉnh Nậm Ngặt thuộc xã Thanh Thủy là một trong những trọng điểm của chiến trường Vị Xuyên khốc liệt trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Những người lính tham chiến tại đây gọi nó là “Thung lũng gọi hồn”, nơi tụ linh hồn của gần 2.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt đang nằm lại chiến trường này.

Các anh vẫn nằm đâu đó, nơi vách đá dựng đứng, hang sâu thăm thẳm, bên bụi cây, ngọn cỏ, vĩnh viễn mười tám, đôi mươi. Những linh hồn trẻ, những giọt máu đào, những mảnh vụn thịt da trai tráng… đã hòa tan trong đất đai sông núi tạo nên sắc xanh hun hút của “thung lũng gọi hồn” nơi biên viễn. Gió cứ u u, u u thổi. Lau cứ phơ phất, phơ phất vẫy… Các anh nằm lại đó, giữ đất, giữ đường biên. Giữ và nhắc cho người đời sau bài học về tinh thần cảnh giác, về lòng yêu nước của người Việt Nam nơi biên cương Tổ quốc.

lời thề của người lính vị xuyên.jpg -0
Lời thề của người lính Vị Xuyên.

Trong tiếng gió u u thốc lên từ cái thung lũng hun hút giờ đây màu xanh cây cỏ đã phủ kín vết thương bom đạn, những gì gian khó nhất của cuộc chiến hiện lên. Đã có cả một khoảng thời gian dài, cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc ta ít được nhắc đến. Bởi thế, hơn 40 năm qua, nhiều người không hình dung được cuộc chiến ấy đã diễn ra khốc liệt ra sao, thậm chí có bạn trẻ còn không biết địa danh Vị Xuyên nằm ở tỉnh nào trên bản đồ đất nước.

Nhưng với những người lính đã từng chiến đấu trên khắp các điểm cao của mặt trận biên giới phía Bắc ngày ấy và cả những người Việt yêu nước chân chính, cuộc chiến chống quân xâm lược không bao giờ phai, quên. Trong cuộc chiến đó, để bảo vệ biên giới, riêng chiến trường Vị Xuyên đã có hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, hơn 9.000 thương, bệnh binh thuộc 9 sư đoàn chủ lực cùng nhiều đơn vị bộ đội của ta trực tiếp chiến đấu tại đây.

Con đường mòn quanh co với vô vàn khúc cua tay áo đưa chiến trường Vị Xuyên khốc liệt một thời mở ra. Các cao điểm 1509, 1100, 772, 685, Đồi Đài, Cô Ích, Bốn Hầm… nơi diễn ra những trận đánh vô cùng quyết liệt để bảo vệ biên giới của bộ đội Việt Nam với quân Trung Quốc cứ nhấp nhô như sống lưng khủng long dọc dãy núi đá vôi trước mặt. Lịch sử như một cuốn phim quay chậm.

Ngày 17/2/1979, hơn 60 vạn quân Trung Quốc đồng loạt tấn công vào 6 tỉnh phía Bắc, xâm lấn biên giới Việt Nam. Lửa bùng cháy trên những bản làng. Máu của đồng bào ta đã đổ. Bằng nghệ thuật “chiến tranh nhân dân, lấy ít địch nhiều”, quân ta đã kiên cường đánh bật quân Trung Quốc xâm lược. Ngày 18/3/1979, phía Trung Quốc buộc phải rút quân. Tuyên bố rút, thực chất cuộc chiến giữ đất đai cương thổ của quân dân ta vẫn tiếp diễn suốt 10 năm sau đó dọc biên giới phía Bắc, ác liệt nhất tại mặt trận Thanh Thuỷ, Vị Xuyên, Hà Giang với quân chủ lực và đạn pháo của địch.

Chỉ trong khoảng thời gian hơn 5 năm (1984-1989), lượng đạn pháo Trung Quốc bắn vào Hà Tuyên đến trên 2 triệu quả, trong đó 60% tập trung vào hai xã Thanh Đức, Thanh Thuỷ chỉ với diện tích chừng 20km². Mất mát ấy nhắc nhớ chúng ta về cái giá của hòa bình; là câu trả lời quân xâm lược về sức mạnh của truyền thống giữ nước kiên cường của quân dân Đại Việt với lời dặn của Hoàng đế Trần Nhân Tông “Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác” mỗi khi vận nước rơi vào thế hiểm.

Đồi tưởng niệm 468 hôm nay hương trầm nghi ngút. Những cựu chiến binh một thời của trận địa này cồn cào nhớ về đồng đội. Bằng chất giọng trầm, khan, ngay bên Bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên, bác cựu chiến binh Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 trầm ngâm: “Giờ thì cây cối xanh thế kia, chứ ngày đó ác liệt lắm. Nhìn đâu cũng chỉ thấy bột đá. Pháo của quân Trung Quốc nã xuống, pháo của ta phản kích lại. Đá bị băm nát rồi vụn nhừ, tơi ra thành bột. Có ngày, bột đá ngập tới ngang ống chân. Ác liệt nhất là từ tháng 10/1984 đến tháng 3/1985. Nhiều vị trí, hai bên đóng quân chỉ cách nhau 20-30m nhưng giành giật từng tấc đất, mỏm đá hàng tháng trời”.

Rồi bác khoát tay một vòng: “Kia, từ dốc Công binh, cửa hang Làng Lò, lấn sang phải là bình độ 300 - 400, sang trái lấn lên cao điểm 685, luôn là thế cài răng lược giữa ta với địch. Ta giành lại các điểm cao từ quân Trung Quốc rất khó khăn do địa hình bất lợi, nhưng giữ chốt còn gian khổ gấp nhiều lần. Có những điểm quân ta phản kích lấy lại được điểm cao nhưng lại không giữ được. Đỉnh điểm là đầu năm 1985, một ngày quân Trung Quốc bắn 30.000 quả đạn đại bác vào Vị Xuyên. Lượng đạn pháo ấy tương đương hỏa lực Mỹ đánh vào thị xã Quảng Trị năm 1972”. Sự gian khổ, hy sinh của những người lính Vị Xuyên trong các trận chiến đấu giữ biên giới ngày ấy hiện rõ trong câu chuyện ngắn ngủi ấy.

thung lũng gọi hồn nhìn từ đài hương 468.jpg -1
“Thung lũng gọi hồn” nhìn từ Đài hương 468.

Gió vẫn ồ ồ thốc lên mặt chúng tôi từ "thung lũng gọi hồn”. Trong đôi mắt của các cựu chiến binh đang vời vợi tới những điểm cao trên dãy núi đá nhấp nhô một thời đã từng là chiến trường ác liệt chắc chắn còn ám ảnh hình ảnh bao đồng đội với những trận đánh không khoan nhượng với quân bành trướng. Và như để minh chứng cho những gì gió đang thổn thức kể, chúng tôi dừng chân cạnh một gốc cây sù xì, bên một người cựu binh mà ống tay áo rỗng đang để gió vờn phơ phất. “Bác bị thương trong trận đánh nào ạ?”.

Chầm chậm đưa ánh nhìn rời đỉnh núi mờ xa, ông không nhìn vào tôi mà quay nhìn ngôi sao trên đài tưởng niệm. “Ngày 12/7/1984 cô ạ. Cái ngày diễn ra trận chiến khốc liệt nhất tại mặt trận biên giới Vị Xuyên. Trận đánh ấy mang bí số MB84. Suốt một ngày quần nhau với quân bành trướng dưới những cơn mưa đạn pháo, đơn vị tôi không lấy lại được các điểm cao như kế hoạch. Đạn vơi, khói thuốc súng trộn bột đá khét lẹt, chúng tôi đượclệnh lui về phòng ngự, chờ phản công. Chỉ riêng ngày đó, 600 chiến sĩ Sư đoàn 356 hy sinh. 12/7/1984 trở thành ngày giỗ trận của Sư đoàn 356 và cũng là ngày cánh tay của tôi nằm lại nơi này”. Mắt tôi bỗng cay, dường như vì gió vẫn thốc tháo ngược lên từ dưới “thung lũng gọi hồn”.

Không chỉ có trận đánh đó, trận đánh giành cao điểm 685 cũng ác liệt không kém. Khi đó là những ngày giáp Tết âm lịch Ất Sửu (1985). Bắt đầu từ 12/1/1985 đến 18/1/1985, trong thế giằng co giữa ta và đối phương, cả đại đội giữ chốt chỉ còn chưa đầy 20 người, chiến đấu với một tiểu đoàn quân Trung Quốc có pháo binh yểm trợ. Hậu cần không tiếp tế kịp, bộ đội ta thiếu cả cơm nắm, rau xanh, nước uống.

Để động viên mọi người, Nguyễn Viết Ninh, Trung đội trưởng bộ binh, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 người dân tộc Mường quê xã Minh Hòa, huyện Yên Lập tỉnh Phú Thọ đã khắc vào báng súng dòng chữ "Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”. Trong trận đánh giữ điểm cao ấy, Trung đội trưởng Nguyễn Viết Ninh bị thương vào tay trái rồi vào bụng, vào chân vẫn không rời trận địa. Đến cuối ngày, anh bị thương vào đầu rồi hy sinh. Trận đó, ta giữ vững được cao điểm 685.

Lời thề “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử", khắc trên báng súng của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh trở thành lời thề, cũng như câu nói bất hủ của Anh hùng Lê Đình Chinh ngày ấy, “Em xác định rằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc sẽ có mất mát, cái đó khó mà tránh khỏi. Nhưng em đã sẵn sàng" trở thành phương châm sống và chiến đấu của người lính Vị Xuyên trong những ngày gìn giữ biên cương phía Bắc.

Đau thương nào rồi cũng sẽ đi qua. Để có thanh bình hôm nay, dân tộc ta đã trả giá bằng rất nhiều máu xương của những binh đoàn trai trẻ. Biên giới giờ đây đã yên bình, nhưng cuộc chiến Vị Xuyên để lại cho chúng ta bài học lớn về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ nhất là trong tình hình hiện nay.

Gió vẫn ồ ồ thốc lên từ “thung lũng gọi hồn”. Hơn 2.000 liệt sĩ vẫn gửi linh hồn tại thung lũng ấy. Các anh mãi trẻ, như lời ca trầm ấm lẫn tiếng ghi ta của đồng đội các anh đang quây quần nơi đây “Đồng đội ơi, ta về với nhau… như năm xưa, ta vừa mới bên nhau, mười tám đôi mươi trời xanh biếc trên đầu”. Gió vẫn thổi và trời vẫn xanh. Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên các anh, cũng không bao giờ quên những ngày đạn lửa để giữ gìn biên cương Tổ quốc.

Hoàng Thương
.
.
.