Đột phá trong chuyển đổi số

Thứ Sáu, 06/05/2022, 22:19

Tin vui nhất của đầu tháng 5/2022 cho hoạt động đối ngoại của nước ta là việc Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Đoàn đại biểu cấp cao Nhật Bản thăm Việt Nam trong 2 ngày 30/4 và 1/5.

Trong nhiều hoạt động đặc biệt giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Đoàn đại biểu cấp cao Nhật Bản với lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ ta, việc Thủ tướng 2 nước cùng tham dự hội thảo hợp tác giữa  Việt Nam - Nhật Bản  về “công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng” do Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phối hợp Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế Nhật Bản - JETRO tổ chức hôm 1/5, đã gợi mở ra nhiều điều trong hợp tác về kinh tế.

Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới; là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số. Việc Nhật Bản hợp tác với nước ta “công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng” hứa hẹn mở ra một sự đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu đổi mới đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

image001.jpg -0
Ảnh mang tính minh họa.

Thực ra, không phải đến lúc này giữa Việt Nam và Nhật Bản mới đề cập đến việc hợp tác về “công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, mà trước đó, vào tháng 11/2021, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên đã khởi động 3 sáng kiến về hợp tác đổi mới công nghệ, công nghiệp, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Kể từ đó đến nay, hai bên đã hợp tác chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực này. Một con số rất ấn tượng: Hiện trong tổng số 92 dự án nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng được Nhật Bản hỗ trợ tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thì Việt Nam đang dẫn đầu với 39 dự án.

Nói đến công nghệ và chuyển đổi số là nói đến khoa học và công nghệ - là lĩnh vực mà vai trò quan trọng của nó luôn được khẳng định trong phát triển đất nước. Hiến pháp năm 2013 của nước ta khẳng định: "Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốttrong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước". Trong các văn kiện của Đảng, từ Nghị quyết37 của Bộ Chính trị khoá IV, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị khoá V, Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 7 khoá VII, tiếp đó là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (thông qua tại Đại hội VII, năm 1991), Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII… cho đến Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đều khẳng định khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại; phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới.

Đẩy mạnh chuyển đổi số là việc mà nhiều quốc gia trên thế giới đang quyết liệt thực hiện và đã đem lạinhững thành công nhất định ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức…

Ở nước ta, chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng được Đại hội XIII của Đảng quan tâm. Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thì chuyển đổi số là một trong ba trụ cột (Chính phủ số - kinh tế số - xã hội số) để thực hiện phát triển nhanh, phát triển bền vững; đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần “tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.

Với việc Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio nhất trí cao về các phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước bước vào giai đoạn phát triển mới trên tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả", chúng ta hoàn toàn tin tưởng quyết tâm thúc đẩy công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng ở nước ta sẽ sớm có những sự đột phá, cụ thể, thiết thực.

Lương Duy Cường
.
.
.