Độc đáo nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm

Thứ Sáu, 30/09/2022, 15:40

Trống đôi, cồng ba, chiêng năm là bộ nhạc cụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần, nhất là trong những sinh hoạt văn hóa và lễ hội của đồng bào các dân tộc Chăm H'roi, Bahnar ở huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên). Sự hòa quyện của ba loại nhạc cụ này trong âm điệu, tiết tấu và ngôn ngữ hình thể của người diễn tấu đã tạo nên một nghệ thuật trình diễn hết sức độc đáo.

Như tên gọi, bộ nhạc cụ trống đôi, cồng ba, chiêng năm của đồng bào Chăm H'roi, Bahnar ở huyện Đồng Xuân có cặp trống gồm trống đực và trống cái, đường kính mỗi trống 27cm, chiều cao 40cm; ba chiếc cồng (có núm ở giữa), tên gọi theo mẫu hệ, thứ tự mẹ - con gồm mí (mẹ), mai (chị), con (con), có kích thước nhỏ dần: 53cm, 43cm, 31cm; năm chiếc chiêng (không có núm), tên gọi cao độ theo đồng bào đặt là pồng, pềnh, pang, poong, pếnh, có kích thước nhỏ dần: 37cm, 34cm, 32cm, 30cm, 28,5cm.

Độc đáo nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm -0
Đồng bào Chăm H'roi ở huyện Đồng Xuân trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm.

Trong nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm, mỗi loại nhạc cụ có điệu thức riêng. Chiêng năm giữ giai điệu khoan nhặt, thanh thoát, âm vang ngân xa. Cồng ba giữ bè trầm, sâu lắng mượt mà. Trong khi đó, vai trò và tác dụng của trống đôi thường gây ấn tượng mạnh nhất. Nó làm cho cuộc hòa thanh tìm được sự đồng điệu, chảy rót vào nhau, đạt tới cao trào của sự hứng khởi. Và nét độc đáo là trống không gọi đánh trống đôi, mà gọi múa trống đôi.

Sự sáng tạo đặc biệt của đồng bào Chăm H'roi, Bahnar khi trình diễn trống là việc tạo ra âm thanh bằng cách dùng bốn đầu ngón tay, bàn tay để vê, vuốt, vỗ trên bề mặt trống, tạo ra các âm sắc và tiết tấu phức tạp, chứ không dùng dụng cụ dùi trống. Múa trống đôi không dễ, khi trình diễn, người diễn tấu phải thực hiện các động tác múa rất độc đáo. Hai người đứng đối diện nhau, trống khoảng 4kg được đeo nằm ngang trước bụng. Trong khi chân nhún nhảy theo nhịp, tay người diễn tấu vỗ vào mặt trống. Do vậy, người diễn tấu phải có sự khéo léo, khả năng thẩm âm tốt, có sức khỏe và sự dẻo dai, bền bỉ để tạo nên những âm thanh mạnh mẽ, tiết tấu linh hoạt.

Giai điệu của trống đôi là một tập hợp những chuỗi tiết tấu đầy ngẫu hứng, không bị giới hạn trong một trường độ, cao độ nhất định nào. Bằng trống đôi, người diễn tấu có thể truyền cho nhau những ký hiệu biểu cảm của âm thanh từ nhịp trống như những lời tâm tình, trò chuyện. Do đó, múa trống đôi đòi hỏi phải là một cặp diễn tấu ăn ý, hiểu nhau. Tiết tấu, nhịp điệu và âm thanh được tạo ra phải nhịp nhàng, uyển chuyển, tung hứng cho nhau. Trống này ngừng, trống kia vỗ, trống này chậm rãi, trống kia dồn dập… như một cuộc đối thoại của hai người bạn. Nghe hai người múa trống đôi, đồng bào có thể cảm nhận được tình cảm vui, buồn hay nhớ nhung, giận hờn, trách móc…

Theo quan niệm của người Chăm H'roi, Bahnar, cồng, chiêng là vật thiêng liêng, là tài sản quý giá trong mỗi gia đình, dòng họ. Âm thanh của cồng, chiêng là sợi dây kết nối, liên lạc với Yàng (trời) và đấng thần linh. Do vậy, cồng, chiêng không đơn thuần là một thứ nhạc cụ mà có chức năng đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh, sinh họat của cộng đồng.

Và, nghệ thuật trình diễn cồng, chiêng được thể hiện rất đa dạng, độc đáo. Tính độc đáo của cồng, chiêng thể hiện ở trình độ điêu luyện của người diễn tấu trong việc áp dụng những kỹ năng đánh cồng, chiêng. Dàn cồng, chiêng được tổ chức như một dàn nhạc có thể diễn tấu với các hình thức hòa điệu khác nhau. Và cũng giống như múa trống, mỗi người chỉ đánh một chiếc cồng hoặc một chiếc chiêng.

Quyện hòa trong tiế#t tấu, giai điệu của cồng, chiêng là những âm thanh nghe như giai điệu của rừng đại ngàn, của suối reo, thác chảy; lấp lánh sắc màu của nắng, của gió, của đất; là tâm hồn mộc mạc, chân thành, khoáng đạt của đồng bào. Những giai điệu, tiết tấu hòa quyện như những lời tự sự kể về những truyền thuyết, những câu chuyện về những dòng sông, con suối, cánh rừng, mùa màng, về đất và người… hết sức trữ tình bằng ngôn ngữ âm thanh vô cùng độc đáo.

Độc đáo nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm -0
Trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm luôn có các thiếu nữ múa xoan.

Trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm luôn có các thiếu nữ múa xoan. Họ chuyển động thân hình theo nhịp trống, cồng, chiêng, di chuyển bằng những bước đi ngắn, nhịp nhàng, uyển chuyển trong đội hình đồng điệu, phối hợp giữa co và duỗi chân, tay, nhún nhẩy đung đưa thân mình. Ðồng bào Chăm H'roi, Bahnar bảo rằng, tiếng chiêng ngân dài như dòng sông, còn múa xoan mềm mại như con suối chảy. Múa xoan gắn bó với họ theo suốt cả một vòng đời người, vòng cây trồng và từng mùa lúa rẫy. Đây là điệu múa thể hiện sự đoàn kết, hiện hữu trong tâm hồn người Chăm H'roi, Bahnar vốn yêu thiên nhiên, quê hương, yêu lao động.

Năm 2016, nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm của đồng bào Chăm H'roi, Bahnar ở thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm tự hào và cũng là động lực để người dân bảo tồn, phát huy giá trị của bộ nhạc cụ này.

Theo già làng La Chí Thái - người có công rất lớn trong việc xây dựng thôn Xí Thoại trở thành thôn văn hóa miền núi đầu tiên của tỉnh Phú Yên, bộ nhạc cụ trống đôi, cồng ba, chiêng năm có một vị trí, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Chăm H'roi, Bahnar ở thôn Xí Thoại nói riêng và huyện Đồng Xuân nói chung. Đây là bộ nhạc cụ độc đáo bởi có sự hòa quyện âm điệu, tiết tấu của cả trống đôi, cồng ba, chiêng năm. Khi biểu diễn, âm thanh lại kết hợp với ngôn ngữ hình thể và có mặt trong mọi sinh hoạt văn hóa của đồng bào nên luôn được cộng đồng trân trọng, gìn giữ, phát huy.

Mỗi dịp lễ hội hay sinh hoạt văn hóa khác nhau, âm thanh của trống đôi, cồng ba, chiêng năm đều có những ý nghĩa và giá trị riêng mang triết lý sâu sắc. Trong lễ cầu hôn, âm thanh của trống đôi, cồng ba, chiêng năm như nhắc nhở đôi trai gái phải yêu thương nhau bền chặt, thủy chung. Trong những cuộc sinh hoạt làng, nó tạo sự gắn kết, mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người. Còn trong đám ma, nó như buồn bã, nỉ non, chia sẻ nỗi buồn đau với gia đình và thể hiện sự tiếc thương của cộng đồng. Hay khi giữa các buôn làng có chuyện xích mích, trống đôi, cồng ba, chiêng năm lại được mang ra biểu diễn như một lời hòa giải.

"Âm thanh của trống đôi, cồng ba, chiêng năm có nhiều điệu thức khác nhau như lúc chào mừng hay đón khách thì tiết tấu nhanh, vui tươi, rộn ràng; bước vào cuộc giao lưu, giai điệu lại lắng xuống, nhịp điệu trở về khoan thai, tình cảm; khi tiễn khách, âm điệu êm ái, thiết tha như muốn níu chân người… Còn trống đôi, cồng ba, chiêng năm là còn bản sắc, mà giữ được bản sắc văn hóa là giữ được hồn cốt của dân tộc mình. Ngoài bộ trống đôi, cồng ba, chiêng năm của thôn, hiện Xí Thoại có 7 hộ gia đình còn lưu giữ bộ nhạc cụ này như vật gia bảo. Là người con của thôn Xí Thoại, già sẽ tiếp tục trách nhiệm cùng với con cháu bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của trống đôi, cồng ba, chiêng năm trong đời sống cộng đồng mình", già làng La Chí Thái chia sẻ.

Có thể nói, những âm thanh, điệu thức của trống đôi, cồng ba, chiêng năm là một sợi dây văn hóa tinh thần kết nối, truyền đời, tạo nên một bản sắc văn hóa của đồng bào Chăm H'roi, Bahnar ở huyện Đồng Xuân. Có trống đôi, cồng ba, chiêng năm là có lễ hội và có tất cả đời sống văn hóa tinh thần của người Chăm H'roi, Bahnar. Đó là trai gái đến với nhau; già làng kể chuyện cho con cháu, người làng nghe về những bản anh hùng ca bất khuất chinh phục thiên tai, địch họa, diệt trừ cái ác, cái xấu; mừng những thành quả, mùa màng bội thu; truyền dạy cho con cháu những cảm nhận sâu xa của văn hóa dân tộc…

Phan Nhuận Phin
.
.
.