Đỗ Chí Cường: Khi sẵn sàng cho đi, sẽ nhận lại rất nhiều

Thứ Hai, 04/09/2023, 15:02

Cường xuất hiện giản dị, nụ cười thật lành và hiền hậu. Anh nói say mê về giáo dục, về những giấc mơ của mình dành cho môn toán và sự phổ cập của những ứng dụng phần mềm mà anh nghiên cứu dành cho môn toán để có thể mang cơ hội đến cho mọi học sinh, nhất là những vùng nghèo, xa xôi. Với Cường, chạy xe máy giữa những con đường Hà Nội chật chội người để kịp đến đúng giờ dạy học sinh là một lựa chọn hạnh phúc.

1. Cường sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo tỉnh Thái Bình. Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, sở hữu công ty công nghệ ITSOL với nhiều giải thưởng lớn, nhưng Đỗ Chí Cường lại đam mê dạy học hơn là kinh doanh. Anh luôn ấp ủ ước mơ được lan tỏa niềm yêu thích học tập đến các em học sinh cả nước, đồng thời tạo một không gian kết nối nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh dễ dàng hơn. Đó cũng là lý do thôi thúc anh xây dựng Ông Bụt AI - sản phẩm công nghệ giáo dục 4.0 giúp giải quyết tất cả những khó khăn trong giáo dục hiện nay.

đỗ chí cường dành được nhiều giải thưởng trong công nghệ.jpg -0
Đỗ Chí Cường giành được nhiều giải thưởng trong công nghệ.

Mối duyên đến với giáo dục của anh cũng thật tình cờ. Đó là hành trình đồng hành cùng các con (Cường luôn giữ thói quen đi làm về lúc 5h chiều để tối dạy con học). Những bài giảng hấp dẫn của Cường khiến các con yêu môn toán và từ đó lan tỏa ra cộng đồng, những phụ huynh có con học cùng. Cường chính thức trở thành giáo viên từ năm 2018.

Mùa dịch COVID 2019, việc tương tác với phụ huynh, học sinh gặp nhiều khó khăn. Đó là thời điểm Cường suy nghĩ, phải có cách nào cải thiện những khó khăn trong giáo dục, nhất là khi đại dịch bùng phát và học sinh, giáo viên đều phải tiếp xúc với nhau qua các phần mềm. Là dân công nghệ, Cường nghĩ nhiều về những giải pháp. Ông Bụt AI ra đời với tham vọng giúp cho nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh giảm bớt những khó khăn.

Vì sao lại là Ông Bụt? Cường chia sẻ lý do lấy tên phần mềm học toán là một nhân vật cổ tích, bởi ngày nhỏ, sinh ra ở một vùng quê nghèo, anh nhớ, mỗi lần mơ ước một điều gì, anh đều nghĩ đến hình ảnh ông Bụt trong những câu chuyện cổ tích của bà nội. Cường đã nhiều lần ước, giá mà có ông Bụt thật để giúp những đứa trẻ nghèo ở làng quê như anh. Và giấc mơ đó ám ảnh Cường đến tận bây giờ, khi sống giữa Hà Nội đông đúc người. Anh nghĩ, mỗi đứa trẻ, dù nông thôn hay thành thị đều có những giấc mơ của mình, và chắc hẳn, không ít đứa trẻ vẫn mơ về một ông Bụt có thật trong cuộc đời. Phần mềm học toán mang tên Ông Bụt ra đời, với mục tiêu, giúp các em tiếp cận môn toán một cách thích thú hơn, say mê hơn thay vì những bài giảng khô khan. Học sinh học kém, ông Bụt có thể giúp các em học tốt lên. Gia đình nghèo không có tiền, ông Bụt sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ.

Đối với trường học và trung tâm giáo dục, thay vì chi số tiền lớn để mua từng ứng dụng như Quản lý tài chính, tuyển sinh, quản lý lịch dạy của giáo viên… thì có thể sử dụng tất cả trên app Ông Bụt. Không chỉ tiết kiệm chi phí, việc này còn giúp dữ liệu được đồng nhất, quản trị dễ dàng hơn. Đối với giáo viên, Ông Bụt giúp thầy cô kết nối với học sinh mà không bị ngăn cản bởi khoảng cách địa lý. Từ đây, thầy cô có thể tăng thu nhập thông qua các bài giảng.

Đối với phụ huynh, việc quản lý tất cả những vấn đề trong học tập của con sẽ trở nên đơn giản hơn bao giờ hết khi nắm được lộ trình học; tương tác 2 chiều với giáo viên; tìm kiếm thông tin: giáo viên, trường, lớp, trung tâm phù hợp với yêu cầu. Việc cung cấp thông tin của Ông Bụt dựa theo thông tin, đánh giá của người dùng nên bạn không phải lo ngại đến vấn đề PR của trường.

Đối với học sinh, Ông Bụt AI cung cấp các khoá học có sẵn do các thầy cô giáo có chuyên môn xây dựng; giúp học sinh tham gia các giờ học online mọi lúc, mọi nơi; nắm được thông tin điểm số và nhận xét của thầy cô một cách dễ dàng; kết nối được với các thầy cô giáo giỏi ở mọi miền của Tổ quốc.

2. Cường kể cho tôi nghe về tuổi thơ của mình, về những giấc mơ của cậu bé từ làng quê nghèo muốn đi ra và thay đổi cuộc đời. Từ nhỏ, anh hay theo bà nội lên chùa. Sự hướng tâm, lương thiện ấy ngấm vào Cường. Thế nên, sau này đi làm, Cường luôn nghĩ đến những giá trị mà công việc của anh mang lại cho cộng đồng chứ không chỉ là việc mưu sinh, kiếm tiền. Đó cũng là lý do khi sở hữu một công ty phần mềm nổi tiếng, anh vẫn trăn trở để tìm kiếm cho mình một con đường riêng.

Triết lý sống Cho Đi của Cường đã thực sự lan tỏa. Và khi cho đi, điều Cường nhận lại không phải là những giá trị đong đếm bằng tiền bạc mà sự lan tỏa trong cộng đồng. Ngay khi đi dạy, Cường đã đặt mục tiêu xây 50 điểm trường, bằng tiền đi dạy. Hiện tại Cường đã xây được 6 điểm trường, sắp tới là 1 điểm trường ở Yên Bái. Một năm, từ 2010 đến giờ, anh duy trì 10 chương trình từ thiện ở quê nhà, để tri ân mảnh đất đã nuôi dưỡng anh lớn lên như Tết cho người già, học bổng dành cho học sinh nghèo ở ngôi trường Cường đã học. Đặc biệt, Cường dành những suất học bổng toàn phần cho học sinh quê của anh đậu vào Đại học Y, Cường sẽ nuôi ăn học 7 năm, bởi với Cường, bên cạnh giáo dục, nghề y là một nghề cao quý, có thể giúp đỡ được nhiều người. Bất kỳ ai khó khăn, Cường sẵn sàng dang tay giúp đỡ.

Sự chia sẻ và thấu cảm ấy của anh cũng bắt nguồn từ một hoàn cảnh sống đặc biệt mà Cường ít khi nhắc đến, đó là anh bị sốt bại liệt từ năm 4 tuổi. Những di chứng, dù nhỏ vẫn ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của anh. Nhưng Cường chưa bao giờ coi mình là người khuyết tật. Anh chơi thể thao rất giỏi, là vận động viên cầu lông của thành phố Hà Nội. Tinh thần sống mạnh mẽ và nỗ lực vươn lên đã giúp Cường đạt được những thành quả đáng trân trọng.

Nói về những thành công của mình, Cường giản dị, khiêm tốn: “Tôi xuất phát từ một làng quê nghèo vì thế luôn nỗ lực và không ngừng cố gắng. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình là người khuyết tật, thậm chí tôi từ chối các cơ hội để nhận được sự đầu tư bởi tôi muốn đứng trên đôi chân của mình và lan tỏa những giá trị tích cực cho cộng đồng”. Vì thế, giá trị của Ông Bụt AI không chỉ là những bài giảng hấp dẫn, đội ngũ giảng viên giỏi mà còn là nơi tạo cơ hội cho nhiều người. “Tôi muốn làm cho cộng đồng nên đặt tên Ông Bụt. Ai học mà khó khăn tôi miễn học phí. Các điểm trường khó khăn tôi cũng sẽ tặng phần mềm”.

Cường vừa có chuyến đi ra Trường Sa thật ý nghĩa. Ở đó, anh dành tặng những suất học bổng cho các gia đình sống ở Trường Sa và phần mềm học toán cho các em. Cường nói, chuyến đi càng giúp Cường hiểu hơn về những giá trị của tình yêu thương đồng bào và sự sẻ chia. Vì thế, nó càng là động lực để anh làm việc và cống hiến.

Ngồi cà phê với Cường trong một buổi chiều Hà Nội, bất chợt tôi nhìn thấy trên ngón tay anh có 3 hình xăm nhỏ. Một hình xăm là biểu tượng của app Ông Bụt. Hai hình xăm còn lại chính là những “đứa con” do anh sáng lập: ITSOL - Công ty công nghệ đã có tuổi đời 14 năm và sàn đấu giá nhân sự AB sắp ra mắt trong thời gian tới. Theo lời giải thích của anh, đây là 3 sản phẩm mà anh sẽ sống chết cùng với nó. Xăm lên tay như một cách để anh thêm quyết tâm cho bản thân.

Cường nhìn đồng hồ, đã đến giờ đứng lớp, anh vội lấy xe máy di chuyển. Nhiều năm nay, Cường vẫn duy trì việc đứng lớp, bất kể nắng mưa, tắc đường. Anh coi đó là niềm vui của mình. “Sau nhiều năm đi làm không thấy vui, tôi tìm thấy niềm vui kinh khủng từ học sinh”. Cường chân thành chia sẻ. Anh có một mái ấm bình yên, bên người vợ thấu hiểu và yêu thương và những đứa con ngoan luôn coi bố là thầy. Cuộc sống khá bận rộn, đôi khi, anh phải hy sinh cả những niềm vui nhỏ như đi du lịch cùng gia đình, không có nhiều thời gian riêng tư cho bản thân, vì ngoài kia, học sinh vẫn chờ, những lớp học vẫn mong ngóng và những giấc mơ vẫn còn ấp ủ. Cường nghĩ nhiều hơn đến trẻ em vùng sâu, vùng xa, mong muốn của anh là giúp các em được tiếp cận công nghệ và những cách học mới hiệu quả hơn. Giấc mơ đó, rất cần sự chung tay của nhiều người.

V. Hà
.
.
.