Để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn

Thứ Năm, 22/12/2022, 10:33

Ngày 1/12/2022, Bộ Nội vụ có Văn bản số 6076/BNV-CCHC về việc tổ chức triển khai đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc khảo sát này là một tín hiệu đáng mừng, đây cũng chính là một phép thử cho việc lắng nghe tiếng nói của người dân đối với việc vận hành của bộ máy công quyền.

Tuy nhiên, người dân vẫn còn băn khoăn, đặt ra nhiều câu hỏi: Chủ trương đúng, chính sách hay nhưng kết quả sau đó là gì? Những nơi cán bộ được đánh giá tốt có được khen thưởng hay không? Còn với nơi bị đánh giá là kém thì xử lý ra sao, hay là khảo sát xong để biết cho vui, rồi lại hòa cả làng?...

Những thắc mắc của người dân, doanh nghiệp đều có lý do và nguyên nhân từ ý thức, thái độ, phong cách làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng đúng mong đợi. Trong khi Nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng đến xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Như vậy, muốn cải cách hành chính với đầy đủ ý nghĩa "phục vụ nhân dân", Chính phủ đã tập trung cải cách chính những "công bộc của dân".

cải cách hành chính để phục vụ tốt hơn cho nhân dân - ảnh có tính  minh họa.jpg -0
Cải cách hành chính để phục vụ tốt hơn cho nhân dân - Ảnh có tính minh họa.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1847/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, tại Mục b, Khoản 4, Điều 1 có quy định: "Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện "4 xin": Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép và "4 luôn": Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Tuy nhiên, khi có việc cần phải giải quyết mà phải đến các cơ quan công quyền thì người dân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn liên tục vấp phải những lực cản vô hình từ sự chênh lệch giữa khả năng cung cấp dịch vụ của chính quyền, sự kém linh hoạt của nền hành chính công và cả việc thờ ơ, vô cảm, thiếu tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc do công chức, viên chức gây ra. Ức chế, ấm ức không dám phản kháng tại chỗ, nhưng khi xong việc thì lên mạng xã hội than phiền, lên án, bày tỏ thái độ chưa hài lòng, thậm chí bức xúc, dẫn đến suy diễn tiêu cực, khiến nhiều vụ việc từ "bé" bị xé thành "to", tạo hiệu ứng xấu trong cộng đồng, xã hội mà những hậu quả, thiệt hại không thể đo, đếm được.

Thực tế cũng cho thấy, phần lớn người dân không nắm rõ quy trình thực hiện thủ tục hành chính, có những quy trình khó, cán bộ, công chức làm đúng quy định nhưng người dân cũng sẽ cảm thấy quy trình quá lằng nhằng, phức tạp, tốn thời gian trong khi mong muốn sớm có kết quả và tất yếu dẫn đến những xung khắc. Vậy trước khi đi làm các thủ tục hành chính, người dân hãy tìm hiểu để nâng cao kiến thức hiểu biết luật pháp của mình. "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", không thể cứ giữ lối suy nghĩ đổ lỗi cho người khác khi mình chưa hiểu quy định để rồi tự gây cho mình những bực bội, khó chịu.

Đất nước muốn phát triển nhanh và bền vững, yêu cầu khách quan và tất yếu là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa, thúc đẩy nền hành chính điện tử và chuyển đổi số cũng như dịch vụ công trực tuyến, qua đó từng bước cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền và người dân. Đặc biệt, Nghị quyết số 27-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII tiếp tục khẳng định chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với nền hành chính hướng đến phục vụ nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, người dân mong muốn khảo sát này được thực hiện một cách trung thực, khách quan, chính xác để có những giải pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ hành chính công nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.

Vì vậy, việc thu thập và đánh giá những trải nghiệm của người dân với hệ thống hành chính công vụ theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ là việc làm vô cùng cần thiết, rất đáng hoan nghênh trong thời điểm hiện nay. Kết quả khảo sát ý kiến người dân phải được cập nhật hàng tuần, hàng tháng để toàn dân được biết. Làm được vậy là một bước tiến lớn để xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân và góp phần quan trọng làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Là công dân có trách nhiệm, hãy tích cực tham gia góp ý chân thành, mang tính xây dựng về các mặt công tác, trong đó có tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ và ứng xử của cán bộ, công chức. Trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình của người dân không chỉ giúp công chức, viên chức mà ngay cả cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương hàng ngày tự soi, tự sửa, để không ngừng nâng cao đạo đức công vụ, gần dân, sát dân, hiểu và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Cù Tất Dũng
.
.
.