Đặt tên cho những con đường
Việc đặt tên phố là việc làm hết sức quan trọng, vì đem lại ý nghĩa cho thành phố. Một thành phố tồn tại phải có ý nghĩa của nó, cũng như một con người tồn tại bởi lịch sử dòng họ và gia đình thì phố cũng thế.
Một thời để nhớ
Mới đây, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội có công văn đề xuất UBND TP Hà Nội đặt tên cho 38 tuyến phố mới. Đáng chú ý, trong đó sẽ có văn nghệ sĩ, trí thức, tướng lĩnh nổi tiếng được đặt tên lần này: Nhà thơ Chế Lan Viên, nhạc sĩ Huy Du, nhà văn Nguyễn Minh Châu, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo...
Điều đặc biệt hơn, tin vui cho những nhà hoạt động sân khấu và yêu sân khấu là hai vợ chồng nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ cũng sẽ có tên phố trong đợt này. Tên hai con phố này được nằm gần nhau tại quận Cầu Giấy. TS Đoàn Hương xúc động nói: “Nhân dân ta, các văn nghệ sĩ cùng với các anh hùng làm nên đất nước này, chúng ta không thể không nhớ đến những câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn”.
Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân TP Hà Nội khoá XVI sẽ xem xét, quyết định việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố trên địa bàn TP Hà Nội.
Dự thảo nghị quyết nêu ra việc đặt tên 38 tuyến đường phố mới, điều chỉnh độ dài 9 tuyến đường và phố. Trong số những nhà văn, nhà thơ ở giai đoạn thời kì đổi mới có trường hợp của hai vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, đây là hiện tượng thơ và kịch thời kì đổi mới của nền văn học nghệ thuật hiện đại.
Thành phố đề xuất phố Xuân Quỳnh bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện toà nhà Trung Yên Plaza (UDIC) tại phường Trung Hoà. Phố dài 470m, rộng 10m (lòng đường rộng 6m, vỉa hè mỗi bên 2m).
Phố Lưu Quang Vũ dự kiến từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện trường THCS Yên Hoà. Chiều dài phố là 430m, rộng 17,5-26m (lòng đường 7,3-13m, vỉa hè mỗi bên từ 5-6,5m).
TS Đoàn Hương: Tên phố đem lại ý nghĩa cho thành phố
- Những con phố đẹp không chỉ ở vật chất mà còn mang trong nó những giá trị tinh thần, Hà Nội ngày càng mở rộng, và người ta xây dựng những tuyến phố mới. Những con phố Hà Nội ngày xưa và ngày nay cũng rất khác nhau, cùng với đó là cách đặt tên cho phố cùng có phần phong phú hơn, chị nghĩ sao về điều này...
+ Cách đặt tên phố ngày xưa rất đơn giản. Tên phố giống như bố mẹ đặt tên con: sinh năm con trâu gọi là Sửu, sinh năm chuột gọi là Tí, sinh năm mèo gọi là Mão, sinh năm gà gọi là Dậu... Tên phố cũng giản dị vậy thôi, 36 phố phường là những con phố mang tên làng nghề, phường nghề của con phố đấy. Nghề vàng bạc có phố Hàng Bạc, nghề đúc đồng có phố Hàng Đồng, nghề vàng mã có phố Hàng Mã, rồi Hàng Thiếc, Hàng Nón...
Thời gian sau này đặt tên phố theo các nhân vật lịch sử, những anh hùng dân tộc có công với đất nước, đó là điều tôi hoàn toàn ủng hộ. Phố cần phải mang những tên mới để giúp người trẻ ghi nhớ lịch sử của ông cha, nhưng cần có biển giải thích. Bởi vì nước mình trẻ con hiểu lịch sử rất hạn chế. Chúng ta đã từng có chuyện khi hỏi học trò, các em nói rằng ở đất nước này có hai người anh hùng là Nguyễn Huệ và Quang Trung. Hay lại nhầm Phan Đình Phùng là anh của Phan Đình Giót. Cho nên chúng ta phải có biển giải thích người có tên trên tấm biển này sống thời kì nào, công lao đối với dân tộc ra sao trong lịch sử. Nước mình đặt tên phố nhưng không giải thích ông (bà) ấy là ai, chúng ta phải giải thích bởi không phải ai cũng biết tất cả những nhân vật được đặt tên phố. Khi đi ở trên phố, chúng ta sẽ học được lịch sử, học được văn hoá của thành phố, trẻ con sẽ rất nhớ.
Một số nước phương Tây làm tên phố rất trịnh trọng, phía trên có biển đề tên phố, phía dưới là một cái bảng ghi lại lịch sử của người được đặt tên phố và công lao, cống hiến của họ. Mọi người có thể qua đấy học lịch sử.
- Vâng, thời cuộc thay đổi thì nhịp điệu sống cũng thay đổi và điều đó ảnh hưởng không ít đến tư duy con người. Người ta gọi thời nay là fast food, thời đại “mì ăn liền”, nên cuộc sống cũng cần tối giản, càng đơn giản càng tốt, như đã có thời người ta muốn lấy số để đặt tên cho các tuyến đường, nhưng may là điều đó đã không diễn ra để ngày nay chúng ta có những thi nhân, văn nghệ sĩ lớn, nhà trí thức được đặt tên cho các tuyến đường.
+ Người Mỹ đặt tên cho các tuyến đường bằng cách đánh số. Văn hoá phương Tây và phương Đông khác nhau, không thể áp dụng một cách máy móc được. Lý do hồi đó họ đưa ra là tên phố sắp hết nên sẽ đổi thành số cho tiện. Nhưng tên số đấy, nó rất buồn. Một con phố có lịch sử của nó, cách đặt tên không cần phải quá cầu kì.
Từ lâu, chúng ta đã có tên phố là tên một số nhà thơ xuất thân từ phong trào Thơ Mới, lãng mạn của đất nước. Đấy là những con phố đẹp ở cạnh Hồ Tây: phố Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi… Sắp tới sẽ có phố Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, hai phố cạnh nhau, đó là hai nhà thơ lớn, đồng thời là hai vợ chồng. Những tên phố đó mang ý nghĩa riêng, đất nước tồn tại không chỉ bởi các anh hùng mà còn bởi các văn nghệ sĩ. Nhân dân, các nghệ sĩ, văn sĩ cùng với các anh hùng làm nên đất nước này, chúng ta không thể không nhớ đến những câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hoá thành văn”. Vì thế đặt tên các anh hùng, các nghệ sĩ là rất nên và rất đúng.
Ngày xưa tôi từng mơ có phố Trịnh Công Sơn ở phía Hồ Tây, Hà Nội để cho người ta đi qua đấy nhớ đến những nhạc phẩm của một nhạc sĩ tài hoa.
- Việc đặt tên các văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng không chỉ nhằm ý nghĩa tôn vinh cá nhân con người mà còn ẩn chứa trong đó câu chuyện về lịch sử, văn hoá, ngoài ra còn mang tầm vóc tư tưởng thời đại nên không thể qua loa, đại khái.
+ Ở nước ngoài cũng thế, bên cạnh những phố lớn, lấy tên những người anh hùng để đặt tên phố thì người ta cũng lấy tên của nhiều văn nghệ sĩ lớn. Như ở Pháp có phố Victor Hugo, Honoré de Balzac.
Việc đặt tên phố là việc làm hết sức quan trọng, vì đem lại ý nghĩa cho thành phố. Một thành phố tồn tại phải có ý nghĩa của nó, cũng như một con người tồn tại bởi lịch sử dòng họ và gia đình thì phố cũng thế. Tên phố chính là lịch sử của đất nước, thí dụ đi ở gần đê sông Hồng, Hà Nội có phố Bạch Đằng người ta liên tưởng đến toàn bộ lịch sử kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán. Các người anh hùng cùng thời cũng được ghi tên trên các con phố Hà Nội. Chúng ta hình dung phố chính là lịch sử vật chất của đất nước. Ý nghĩa tên thành phố và tên đường phố lưu giữ lịch sử của quốc gia, lịch sử của dân tộc.
PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái: Những người này xứng đáng để đặt tên cho đường phố Hà Nội
- Là một người nghiên cứu sâu về văn học nghệ thuật nước nhà, hẳn chị rất am hiểu về 4 văn nghệ sĩ mà tới đây sẽ được đặt tên cho đường phố Hà Nội, cảm xúc của chị ra sao?
+ Tôi mừng lắm, tôi rất thích điều đó. Bản thân Chế Lan Viên, Nguyễn Minh Châu, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ chưa được đặt tên phố nhưng đã có ý nghĩa cực kì quan trọng, danh giá trong văn học lịch sử Việt Nam thời kì hiện đại. Cả 4 người đều là những nhà thơ, nhà văn rất nổi tiếng, rất hiện đại của nền văn nghệ mới, kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thành lập, đặc biệt là có những nhà văn sống qua suốt từ thời kì văn học hiện đại đầu tiên là 1930-1945, đó là Chế Lan Viên, một trong những thi sĩ tiêu biểu nhất của phong trào Thơ Mới. “Chế Lan Viên là thi sĩ và xuất hiện như một niềm kinh dị” theo lời của cụ Hoài Thanh ở trong “Thi nhân Việt Nam”. Ông làm thơ qua cả hai thời kì và trở thành một nhà thơ cách mạng.
Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam 1954-1975. Một số tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim. Tiếp đến là Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Chị Xuân Quỳnh cũng viết văn, người ta biết đến chị là thi sĩ, tác giả của nhiều bài thơ nổi tiếng. Lưu Quang Vũ có một phần sáng tác rất quan trọng ngoài thơ và văn xuôi là kịch, anh là một hiện tượng kịch của thời kì đổi mới.
Tất cả những người này tôi đều thấy cực kì xứng đáng để đặt tên cho đường phố Hà Nội. Thủ đô là nơi mà những văn nghệ sĩ này đã sống và làm việc để cống hiến những tác phẩm văn học xuất sắc, để cho nhiều thế hệ lưu giữ đem lại cảm hứng cho cuộc đời và những niềm khao khát sống.
- Đây là những văn nghệ sĩ trưởng thành trong những thời khắc lịch sử quan trọng của đất nước. Tôi nhớ ai đó đã nói: “Lịch sử tạo nên những người anh hùng”. Và trong năm tháng xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta đã có những anh hùng trên cánh đồng chữ góp phần xây dựng quê hương, đất nước...
+ Quá trình hiện đại hoá trải qua 2 giai đoạn, giai đoạn tự thức: tự học, tự mình trưởng thành trong cái nghề mà mình noi theo, nghề viết văn và nghề đạo diễn kịch, chỉ cần qua 4 nhân vật đã thấy rồi. Phong trào Thơ mới ra đời, Tự Lực Văn Đoàn, rồi mới có Văn học hiện thực phê phán, tiếp đến là văn học cách mạng, theo mô hình của văn học phương Tây do những người Việt Nam tự tôn dân tộc. Họ tự thiết lập ra một quá trình như thế, quá trình đấy chỉ thực sự được Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự và nâng cấp lên chuyên nghiệp hoá từ sau năm 1945, sau đó kháng chiến chống Pháp, được tổ chức thành những hội nghề nghiệp và văn nghệ sĩ được học, được tập huấn và trưởng thành trong chính sự hiện đại hoá của nền văn nghệ Việt Nam. Họ trở thành những nhà thơ, nhà văn mới của cách mạng như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Thế Lữ...
Tất cả những con người này được trang bị đầy đủ và rèn luyện qua cả một cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm ở chiến khu Việt Bắc. Sau hoà bình lập lại, lập tức thiết kế một nền văn nghệ cách mạng, một nền văn nghệ mới và có việc học hành đào tạo chính quy. Rồi tất cả các trường Đại học đều được thành lập. Những nhà văn mà mình đề cập đấy họ trưởng thành rực rỡ qua hai thời kì hoặc một thời kì. Nước Việt Nam Dân chủ công hoà ra đời thì mới có một sách lược, chiến thuật phát triển như thế. Ví dụ như Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh của một nền văn học mới chứ không phải sinh ra trong thời kì thực dân. Vì anh Vũ sinh năm 1948, chị Xuân Quỳnh sinh năm 1942, không thể nào mà trở thành những nhà Thơ Mới, hoặc nhà văn trong nhóm Tự Lực văn đoàn được. Nhưng nền văn nghệ mới đã giúp họ trưởng thành, có những tác phẩm xứng tầm thời đại, vì họ là những tài năng được mưa móc của cách mạng để phát triển, cho nên họ xứng đáng được đặt tên phố của Hà Nội.
- Theo Tiến sĩ, chúng ta còn những ai rất xứng tầm mà chưa có tên phố?
+ Về sân khấu ông Nguyễn Huy Tưởng, ông Thế Lữ, ông Lưu Trọng Lư, đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi đều là những nhà hoạt động sân khấu rất xứng đáng. Ông Nguyễn Đình Thi đến cuối đời làm nhiều vở kịch cực kì hay và đã được đặt tên phố. Chúng ta cần phải chú ý đến những nhà văn, thi sĩ là nhà sân khấu nữa và họ phải được đặt tên, tại sao không có phố Thế Lữ, phố Nguyễn Đình Nghi, phố Lưu Trọng Lư... Theo tôi nên chú ý đến giới sân khấu vì họ hoạt động một cách hữu thể và họ đã từng là những người rất nổi tiếng ở các phương diện khác như lĩnh vực văn, báo chí, chữ quốc ngữ..
- Việc đặt tên phố này sẽ có ý nghĩa hơn khi chúng ta tổ chức thực sự có tâm chứ không chỉ là hình thức?
+ Đúng rồi, cho nên đừng để xảy ra trường hợp phim tài liệu “Người man di hiện đại” của đạo diễn Trần Văn Thuỷ. Khi ông ấy vào TP Hồ Chí Minh, có phố Nguyễn Văn Vĩnh thì ông ấy hỏi người thứ nhất: “Nguyễn Văn Vĩnh là ai?”, ông kia lắc đầu bảo: “Tôi không hiểu mấy. Tôi cũng chả biết tại sao lại lấy tên đường là Nguyễn Văn Vĩnh”. Ông ấy hỏi người thứ hai, anh kia trả lời: “Tôi chả biết, hình như là liệt sĩ ấy”. Đến khi ông hỏi người thứ ba, thì anh này nói: “Chả hiểu thời nào. Hình như theo tôi là thời kháng chiến chống Pháp, hy sinh anh dũng...”. Vậy là ông làm một phim tài liệu.
Đặt tên phố phải kèm theo truyền thông để cho mọi người biết, các lí do tiểu sử của các nhân vật này, tại sao họ có lí do đích đáng để được đặt tên phố. Họ có ý nghĩa như thế nào? L
PGS-TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội): Lựa chọn, tiếp thu tinh hoa để tạo ra những giá trị Việt
- Là một nhà quản lý trong lĩnh vực văn hoá và giáo dục, ông thấy việc lấy tên một số văn nghệ sĩ tiêu biểu, hay các nhà trí thức nổi tiếng để đặt tên các tuyến đường, phố Hà Nội có ý nghĩa như thế nào trong đời sống tâm linh của người Việt?
+ Chúng ta đặt tên đường phố theo tên của các danh nhân, văn nghệ sĩ là một hình thức nhìn nhận và tôn vinh những người đã có những tác phẩm đi cùng năm tháng và tên của họ sống mãi với thời gian. Đồng thời nhìn nhận về tấm gương cống hiến, tấm gương đạo đức, để từ đó hình thành nên tình yêu quê hương đất nước. Điều này rất quan trọng, thông qua tên phố không chỉ là học những bài học về lịch sử mà còn giáo dục thế hệ hiện tại hướng đến những giá trị trong tương lai. Chính vì thế nên việc chúng ta đặt tên đường phố theo tên của nhân vật lịch sử, văn nghệ sĩ tinh hoa có tầm ảnh hưởng lớn, có sự chọn lọc kĩ càng được minh chứng qua những tác phẩm đi cùng năm tháng là một việc làm rất đáng khuyến khích.
- Thường thì trong cuộc thảo luận về một vấn đề gì, chủ đề nào bao giờ cũng có những ý kiến trái chiều và thậm chí là xung đột, vậy theo ông làm thế nào để có sự đồng thuận từ mọi phía mà vẫn đạt được mong ước như ban đầu?
+ Khi lấy tên của văn nghệ sĩ để đặt tên đường, thường chúng ta đánh giá về công trình hay tác phẩm của họ, sự cống hiến của họ với lĩnh vực mà họ tham gia. Đấy là tiêu chí quan trọng nhất. Việc đánh giá này sẽ có những ý kiến khác nhau, bởi rất nhiều các bên liên quan chính vì thế chúng ta cũng cần cân nhắc thận trọng. Việc cân nhắc này phải dựa trên sự đồng thuận giữa các nhà quản lý xã hội, nhà quản lý văn hoá nghệ thuật và đặc biệt văn nghệ sĩ - những người gần gũi nhất, hiểu rõ nhất, có chuyên môn tốt nhất và sự đồng thuận của cả xã hội. Khi chúng ta có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan như vậy thì việc đặt tên văn nghệ sĩ sẽ thực sự có ý nghĩa.
- Được biết ông từng là một du học sinh có nhiều năm theo học cao học ở Vương quốc Anh, ông thấy cách đặt tên phố của người Việt có sự khác biệt gì với các nước phương Tây? Trước đây, ngay tại Thủ đô Hà Nội đã có lần người ta mang chuyện lấy những con số để đặt tên cho phố, nhưng việc này đã gây nên tranh cãi nảy lửa và không thể thực hiện...
+ Truyền thống đặt tên đường theo tên các danh nhân là theo người Pháp ở Hà Nội. Mặc dù nước Pháp ở thời điểm đó là thực dân, tuy nhiên họ để lại cho người Việt rất nhiều những giá trị mang tính nhân loại, vì thế chúng ta kế thừa rất nhiều giá trị tinh hoa của văn hoá Pháp. Một trong những cái mà chúng ta tiếp thu, đó là việc đặt tên đường theo tên những danh nhân lịch sử.
Việc đặt tên thì mỗi quốc gia có một sự chọn lựa riêng biệt, ví dụ như đặc trưng ở Mỹ, họ đặt tên đại lộ theo số như là số 5, số 9, số 7. Văn hoá của người Mỹ là như vậy. Vấn đề này khó so sánh văn hoá nào tốt hơn văn hoá nào, hay cách đặt tên đường như thế nào hay hơn. Nhưng ở đây chủ ý của chúng ta trong cách đặt tên đường không chỉ là để phân biệt con đường này với con đường khác.
Thông qua việc đặt tên để giáo dục lịch sử, hình thành nên nhận thức tốt hơn về lịch sử, giúp cho chúng ta có hành trang về bản sắc văn hoá để từ đó xác định rõ phẩm chất con người Việt Nam. Khi chúng ta có được hành trang, kiến thức, một nhận thức đúng, đủ về quá khứ, về các giá trị dân tộc được tôn vinh thì chúng ta sẽ tạo ra con người Việt Nam không bị hoà tan trong một thế giới toàn cầu hoá. Đấy là điều chúng ta mong muốn trong việc đặt tên đường không bắt chước máy móc bất kì một quốc gia nào, chúng ta lựa chọn, tiếp thu những tinh hoa để tạo ra những giá trị Việt Nam.