Danh dự, niềm tin của một người cộng sản chân chính

Thứ Sáu, 26/07/2024, 05:33

Hai chữ "danh dự" đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh như một lẽ sống, một lập trường kiên định cho bản thân và cho những người đồng chí, đồng bào: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất".

Chúng ta đều biết, sự xuất hiện của các nền văn minh đều để lại kết tinh là các di sản văn hóa đặc sắc, minh chứng rõ ràng cho bước tiến của nhân loại. Tương tự như thế đối với một dân tộc, kết tinh của những giai đoạn lịch sử là đạo đức, nhân cách của lãnh đạo tài năng, tâm huyết; không chỉ có công lao to lớn trong việc xây dựng đất nước ổn định về chính trị, phát triển kinh tế, xã hội mà còn tạo ra một tinh thần mang giá trị văn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cả cuộc đời mình để thực hiện điều đó. Hai chữ "danh dự" đã được đồng chí nhấn mạnh như một lẽ sống, một lập trường kiên định cho bản thân và cho những người đồng chí, đồng bào: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất".

t%3fng bí thu nguy%3fn phú tr%3fng tham quan ð%3fi n%3fi hu%3f vào nam 2014, ông là ngu%3fi luôn coi tr%3fng van hóa dân t%3fc.jpg -1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan Đại nội Huế (năm 2014).

Lâu nay, hai chữ danh dự vẫn luôn được chúng ta coi trọng trong đời sống. Dựa trên quan điểm của Karl Marx và Friedrich Engels: kể từ khi xã hội có giai cấp, chấm dứt xã hội nguyên thủy, vấn đề lợi ích luôn khiến con người đứng trước những thách thức lựa chọn giữa lợi ích vật chất và danh dự. Bởi thế, song song với cuộc tranh biện bất tận trong triết học: vật chất và ý thức cái gì có trước, cái gì có sau, cái nào quyết định cái nào còn là cuộc đấu tranh trong lòng mỗi người giữa danh dự và lợi ích: cái nào có giá trị hơn, có ý nghĩa hơn.

Trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, trải qua từng thời kì, nhân dân các dân tộc đã nỗ lực khai khẩn, lấn biển để mở cõi, cải tạo đất đai để có các cánh đồng, nương rẫy, dẫn thủy nhập điền, đắp đê ngăn lụt, đổ ải cho ruộng bậc thang... đem về mùa vàng no ấm. Tuy nhiên, từ thành quả lao động đó, ở khắp các vùng miền đều hình thành nên các giá trị văn hóa tinh thần cao quý. Từ hạt gạo, hạt đậu kết tinh thành chiếc bánh chưng, bánh giầy, bánh tét, bánh ít... chứa đựng triết lý văn hóa. Và, hơn nữa còn là những hội hè, đình đám, các nghi lễ tri ân tiên tổ; sáng tạo nên các loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc từ lao động như hát chèo, quan họ, điệu lý, câu hò, xòe, hát đối, hát xoan...

Việc hình thành nên các giá trị đó không chỉ là kết quả của đời sống no ấm, thái bình mà còn là danh dự của một dân tộc (nói riêng) và quốc gia (nói chung). Bởi thế, khi đất nước có xâm lăng, không chỉ tính mạng từng người dân bị đe dọa, các di sản đứng trước nguy cơ bị hủy hoại mà còn có cả sinh mệnh của nền văn hóa dân tộc. Nền văn hóa chính là danh dự, là sự tự tôn thiêng liêng của một quốc gia, điều này đã được cha ông ta đúc kết.

Nhà văn hóa lớn của thời trung đại Ức Trai - Nguyễn Trãi từng viết trong "Đại cáo bình Ngô": "Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu"; Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào đêm 19/12/1946, có đoạn viết:

"Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước".

Ẩn chứa trong lời kêu gọi là một thông điệp đầy cương quyết, hùng hồn đanh thép mà Người muốn gửi đến tất cả mọi người Việt Nam để cùng quyết tâm bảo vệ nền độc lập, danh dự của một quốc gia, dân tộc. Những người dân Việt Nam thà "hy sinh đến giọt máu cuối cùng" chứ "nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

Chân lý ấy thêm một lần nữa được khẳng định trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...". Câu nói của Tổng Bí thư không chỉ mang tính kế thừa truyền thống tốt đẹp của cha ông mà còn rất ý nghĩa thiết thực với thời đại hôm nay. Sự còn-mất ở đây cần phải được hiểu ở những nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống, về khả năng tự cường của văn hóa Việt Nam.

cu%3fn sách “danh d%3f là di%3fu thiêng liêng, cao quý nh%3ft” t%3fp h%3fp nh%3fng bài vi%3ft, phát bi%3fu c%3fa t%3fng bí thu nguy%3fn phú tr%3fng v%3fi l%3fc lu%3fng cand.jpg -0
Cuốn sách "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất" tập hợp những phát biểu chỉ đạo, bài viết và hình ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lực lượng CAND.

Câu nói của Tổng Bí thư có sức nặng bởi chính cuộc đời ông là sự thực hành văn hóa. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng lớn lên từ nông thôn, trải qua một tuổi thơ đầy gian khó trong kháng chiến chống Pháp và những năm tháng sinh viên ở khu sơ tán bởi chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc. Là một sinh viên Ngữ văn, được tiếp thu các giá trị từ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, triết học, tôn giáo, ca dao, dân ca, văn chương của các nhà Nho yêu nước... đồng chí đã tích lũy cho mình những phẩm chất tốt đẹp để rồi trong suốt cuộc đời mình ông luôn kiên định điều đó.

Trước hết, chúng ta phải là một người công dân gương mẫu, một đảng viên ưu tú như có lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: "Ta là con cháu Cụ Hồ, Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc là dân tộc Việt Nam, đất nước này nhất định phải phát triển đi lên, không được phép tụt hậu so với các nước khác, không cam chịu kém người khác. Chúng ta phải xác định quyết tâm ý chí như vậy". Luận điểm này không chỉ nói lên trách nhiệm của người đảng viên, người cán bộ mà sâu xa hơn đó còn là sứ mệnh của mỗi con người. Vị thế của một quốc gia dân tộc cũng chính là danh dự của mỗi công dân của đất nước ấy. Danh dự không chỉ một thuật ngữ, một lý thuyết mà cần được khẳng định bằng sự nỗ lực, vươn lên của mỗi cá nhân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người luôn đề cao văn hóa, coi văn hóa là nguồn lực, là niềm tin. Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa của đồng chí có đoạn viết: "Tôi tin rằng, với một Đất nước, một Dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của Dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho Dân tộc, cho Giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một Dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới...".

Niềm tin của một người cộng sản chân chính vào văn hóa dân tộc cũng chính là niềm tin vào danh dự, phẩm giá của con người Việt Nam. Mỗi thế hệ phải gánh vác một trọng trách cao cả từ giải phóng đất nước đến kiến thiết đất nước và hội nhập sâu rộng. Mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có những đặc thù riêng nhưng bản lĩnh văn hóa phải được khẳng định trong bất kì hoàn cảnh nào.

Những ngày qua, câu nói được nhiều tờ báo trích dẫn, được nhiều người dân nhắc đến nhất có lẽ là: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất". Dẫu biết sinh, lão, bệnh, tử là một quy luật nhưng sự ra đi của Tổng Bí thư đáng kính vẫn khiến chúng ta tiếc thương và đau xót. Ngoài cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn là một nhà khoa học uyên bác, nhà tư tưởng lớn để lại nhiều di sản về tinh thần mà trong đó mệnh đề danh dự sẽ mãi được các thế hệ nghiên cứu, vận dụng và phát huy các giá trị tốt đẹp. Danh dự là một giá trị văn hóa đã làm nên các lớp lang, trầm tích qua bao giai đoạn lịch sử dân tộc. Danh dự cũng là một phẩm chất không thể thiếu đối với mỗi chúng ta hướng đến tương lai...

Phương Việt
.
.
.