Đằng sau một lời xin lỗi
Cuối tuần qua, showbiz Việt khá ồn ào xung quanh lời xin lỗi của Myra Trần. Đại ý, nữ ca sĩ này đã đăng tải lời xin lỗi với khẳng định là một công dân Việt Nam, cô “không có tư tưởng chống phá gây hại đến an ninh quốc gia” và “luôn ghi nhớ và biết ơn vì mình được sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, được sinh sống tại Việt Nam, được làm nghề bằng tất cả đam mê với âm nhạc”.
Nói chung, không ít người đã cảm thấy khó hiểu vì lý do gì mà cô lại phải xin lỗi và lời xin lỗi đó là dành cho lỗi lầm cụ thể như thế nào?
Phải qua tìm hiểu rất kỹ, khán giả mới được biết phía đơn vị tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình “Anh trai say Hi!” đã buộc phải cắt sóng phần trình diễn của Myra Trần và thay thế bằng phần trình diễn của một ca sĩ khác vì lý do Myra Trần đã mắc một lỗi trầm trọng cách đây 5 năm. Khi ấy, Myra Trần đang ở Mỹ và cô đã tham gia biểu diễn trong chương trình tưởng niệm Lý Tống, một nhân vật thường xuyên có hành động chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Không thể lấy lý do trẻ dại, chưa hiểu sự đời để biện minh cho sai lầm của Myra Trần. Một khi được mời tham dự một chương trình tưởng niệm như vậy, mà nhân vật được tưởng niệm kia lại được suy tôn là “anh hùng”, bất kỳ một công dân Việt Nam nào cũng cần có ý thức tự tìm hiểu sự thật đằng sau hai chữ “anh hùng” tự phong đó. Kể cả có sơ suất, chưa kịp tìm hiểu đi nữa, khi nhận thấy hiện trường sự kiện có xuất hiện những hình ảnh (như cờ, quân phục khác lạ), một người có ý thức sẽ biết từ chối ngay lập tức. Song, có lẽ ở thời điểm ấy, Myra Trần còn mong đợi viển vông chuyện lập nghiệp ở nước Mỹ nên đã sẵn sàng bất chấp thì phải?
Nhưng đằng sau lời xin lỗi của Myra Trần còn ẩn chứa những sâu xa hơn nữa mà chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận. Đó chính là vai trò của nhà sản xuất chương trình, cụ thể ở đây là VieOn và tổ hợp truyền thông Đất Việt. Đây không phải lần đầu tiên đơn vị này sử dụng những nhân vật giải trí có vấn đề về chính trị. Ở mùa Rap Việt 2023 vừa qua, trong số HLV được đơn vị này mời hợp tác, có những nhân vật từng gây bức xúc dư luận với những phát ngôn, sản phẩm âm nhạc có xu hướng chống phá cách mạng. Và để tham gia Rap Việt, họ đã "tẩy trắng" bằng cách xóa mọi nội dung chống phá đã từng phát hành trước đó. Tuy nhiên, để tìm lại những nội dung ấy không khó bởi tính năng của các nền tảng chia sẻ xã hội hiện nay là quá hiện đại.
Ở đây, vai trò kiểm soát nhân thân nhân vật tham gia chương trình của nhà sản xuất đã bị bỏ qua một cách thiếu trách nhiệm. Như đã nói ở trên, các tính năng hiện đại của các nền tảng chia sẻ xã hội hôm nay đã cho phép chúng ta dễ dàng tìm kiếm nội dung liên quan. Vậy thì tại sao nhà sản xuất lại thiếu hành động kiểm chứng và để lỗi sai như vậy? Phải chăng, họ nhắm mắt làm ngơ chỉ vì mục đích tăng lượt xem, chia sẻ vv và vv.
Đã có ý kiến cần phải chế tài chặt chẽ đối với Myra Trần. Tuy nhiên, chế tài một nhân vật chỉ là phần ngọn. Xử lý cả nhà sản xuất, đặc biệt là nhà sản xuất đã có tiền sử sai phạm tương tự, mới là cái gốc cần làm.
Tuy nhiên, trong cuộc đời, không ai hoàn hảo, không phạm sai lầm. Có sai thì có sửa. Điều quan trọng là nghệ sĩ và các đơn vị nhà sản xuất sửa sai phải triệt để để tránh gặp phải những cái sai tương tự đáng tiếc.