Cuộc thi Cây bút vàng lần thứ IV (2018 - 2021): Thành công từ sự kế thừa và tiếp nối những giá trị bền vững

Thứ Năm, 23/12/2021, 15:46

Cây bút vàng là cuộc thi sáng tác văn học có bề dày truyền thống 25 năm và đã trở thành bệ phóng cho nhiều tên tuổi lớn trên văn đàn. Tiếp nối thành công đó, sau bốn năm phát động, cuộc thi Cây bút vàng lần thứ IV (2018 - 2021) do Nhà xuất bản Công an nhân dân phối hợp với Chi hội Nhà văn Công an tổ chức đã tiến hành lễ trao giải vào ngày 17/12/2021 tại Cục Truyền thông Công an nhân dân.

Kết quả, thể loại ký có: 1 giải A thuộc về tác giả Viễn Chi với “Hồi ức 10 năm”, 2 giải B thuộc về tác giả Lê Duy Nghĩa với “Anh Tư”, tác giả Nguyễn Duy Liễm với “Công an xã”, 3 giải C thuộc về tác giả Phạm Bạn với “Những ngày bảo vệ tiếp cận đồng chí Phạm Thái Bường”, tác giả Lương Sỹ Cầm với “Phá án bên Lào”, tác giả Đặng Lê Hùng với “Cảnh sát điều tra”; thể loại truyện ngắn có: 03 giải B thuộc về tác giả Tống Phước Bảo với “Hiên chờ”, tác giả Nguyễn Hiệp với “Gió Xước”, tác giả Nguyễn Lâm với “Quà sinh nhật muộn”, 3 giải C thuộc về tác giả Phan Đức Lộc với “Pảng Cò Moong”, tác giả Nguyễn Thị Khánh Liên với “Nơi cuốc kêu sương”, tác giả Mã Duy Anh với “Mũ len xanh”. Ngoài ra còn có 7 giải Khuyến khích cho cả hai thể loại.

Cuộc thi Cây bút vàng lần thứ IV (2018 - 2021): Thành công từ sự kế thừa và tiếp nối những giá trị bền vững -1
Các tác giả đạt giải chụp ảnh lưu niệm với Ban Giám khảo cuộc thi.

Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, cuộc thi vẫn lan tỏa được sức hấp dẫn của mảng đề tài Công an nhân dân với sự tham gia của hàng trăm nhà văn chuyên và không chuyên trên toàn quốc. Các truyện ngắn và ký vào vòng chung khảo tương đối đồng đều về chất lượng, phong phú về giọng điệu, dày dặn về vốn sống. Không ít tác phẩm có những tìm tòi, khám phá mới mẻ, khắc họa chân thực, sinh động hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Phát biểu tại lễ trao giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hy vọng rằng các tác phẩm đoạt giải Cây bút vàng không những chinh phục được Ban Giám khảo chuyên môn mà còn đến được với trái tim độc giả.

Cuộc thi Cây bút vàng lần thứ IV (2018 - 2021): Thành công từ sự kế thừa và tiếp nối những giá trị bền vững -0
Các tác giả trẻ tham dự cuộc thi.

Theo Ban tổ chức cuộc thi: “Nét mới của cuộc thi Cây bút vàng lần này là Ban Sơ khảo, Hội đồng chung khảo đọc, nhận xét, đánh giá và chấm điểm theo hình thức “rọc phách”, chỉ chấm theo tên tác phẩm mà không biết tên tác giả. Nghĩa là khách quan, công bằng với mọi người tham gia cuộc thi”. Và Cây bút vàng tiếp tục là địa chỉ văn chương uy tín để các nhà văn thành danh như: Nguyễn Hiệp, Bùi Thị Như Lan, Nguyễn Duy Liễm, Lê Ngọc Minh, Nguyễn Hiếu, Vũ Thanh Lịch... gửi gắm những đứa con tinh thần, vừa là sân chơi phát hiện ra một thế hệ các tác giả trẻ triển vọng như: Tống Phước Bảo, Nguyễn Thu Hà, Phan Đức Lộc, Mã Duy Anh, Hồ Thị Linh Xuân, Nguyễn Mai Dung... Đặc biệt là sự khẳng định phong độ ổn định của các cây bút trong lực lượng vũ trang như: Lương Sỹ Cầm, Phan Đình Minh...

Như vậy, có thể thấy rằng, cuộc thi Cây bút vàng chính là thỏi nam châm thu hút một đội ngũ tiềm năng, đông đảo những nhà văn “viết về hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, hứa hẹn thêm nhiều những tác phẩm bứt phá và sáng tạo trong thời gian tới.

Trung tướng - nhà văn Hữu Ước (Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Giám khảo): Xúc động khi đọc những tác phẩm chân thực, giản dị

“Chúng tôi, những người tham gia Ban Sơ khảo, Ban Chung khảo cuộc thi thực sự xúc động khi đọc được những hồi ký, truyện ký dài do chính các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Ban An ninh miền, lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Công an, lãnh đạo các sở, ty, Ban an ninh các tỉnh miền Nam qua các thời kỳ đã trực tiếp viết, hoặc do các đồng chí trực tiếp giúp việc các đồng chí lãnh đạo chắp bút. Chính vì thế, các tác phẩm có sức hút bởi tính chân thực, giản dị của cuộc sống, chiến đấu của các đồng chí lãnh đạo. Đặc biệt là sự dấn thân, chấp nhận gian khổ, đổ máu và hy sinh của các nhân vật là cán bộ, chiến sỹ Công an. Những nhân vật trung tâm của tác phẩm để làm nên chiến thắng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Sự chân thực, giản dị đã làm nên phẩm chất anh hùng của người chiến sỹ Công an trong các tác phẩm, đây chính là thành công lớn nhất của giải Cây bút vàng lần thứ IV này.

Cuộc thi Cây bút vàng lần thứ IV (2018 - 2021): Thành công từ sự kế thừa và tiếp nối những giá trị bền vững -0
Tác giả Mã Duy Anh đoạt giải C.

Sự thành công thứ hai của cuộc thi là có nhiều nhà văn cao tuổi của làng văn Việt Nam đã gắn bó với đề tài an ninh trật tự và bình yên cuộc sống tham gia. Những nhà văn đó đã hào hứng tham gia cuộc thi, bút lực vẫn sung mãn, sáng tác được nhiều truyện ký dài và truyện ngắn chất lượng đoạt giải cao.

Thành công thứ ba của cuộc thi là các cây bút trong lực lượng Công an, nhất là những cây bút trẻ cán bộ, chiến sỹ Công an ở các đơn vị, vụ, cục, trường của Bộ và địa phương đã bám sát nhiệm vụ chiến đấu, công tác ở chính đơn vị địa phương mình và các tác phẩm đều viết về chính đồng đội của họ. Vì thế, các tác phẩm của các cây bút trong lực lượng Công an có sức cuốn hút ở tính đa dạng, nhiều cung bậc, nhiều màu sắc mang tính thời sự nóng bỏng trên trận tuyến đầy cam go, khốc liệt với các thế lực thù địch và tội phạm. Chính vì thế, chúng tôi hy vọng trên nhiều lĩnh vực chiến đấu và công tác của lực lượng Công an sẽ có nhiều cây viết mới, đầy triển vọng”.

Nhà văn Tống Phước Bảo (Giải B): Viết bằng trái tim sẽ rung chạm đến trái tim

Cuộc thi Cây bút vàng lần thứ IV (2018 - 2021): Thành công từ sự kế thừa và tiếp nối những giá trị bền vững -0
Các tác giả đoạt giải Cây bút vàng lần thứ IV.

“Cuộc thi Cây bút vàng lần thứ IV diễn ra trong giai đoạn đại dịch COVID-19 gây ra muôn vàn khó khăn, thử thách. Thế nhưng đâu đó trên các trang báo hoặc mạng xã hội, chúng ta luôn thấy điểm sáng của những “chiến binh áo xanh”. Ngay trong tâm dịch TP Hồ Chí Minh, chúng ta có một câu chuyện lan rộng trên Facebook về một anh Công an phường chở rất nhiều rau muống trên xe gắn máy, len lỏi vào con hẻm đang bị cách ly, bắc loa kêu gọi mọi người nhận rau. Hoặc câu chuyện bên lề đường một sáng cuối tháng 8, một học viên Đại học Cảnh sát nhân dân và một chiến sỹ Trung đoàn Gia Định trên đường đến chốt đã đỡ đẻ cho một sản phụ ở quận Bình Tân. Đó là những câu chuyện rất thật về các cán bộ, chiến sỹ Công an đủ sức khiến bất kỳ ai trong chúng ta rung động. Quan trọng là góc nhìn và cảm nhận của chính người viết. Văn chương luôn hiện hữu xung quanh cuộc sống nên những gì viết ra bằng trái tim sẽ rung chạm đến trái tim”.

Trung úy - nhà văn Phan Đức Lộc (Giải C): Viết từ những cảm hứng thực tiễn công tác

Cuộc thi Cây bút vàng lần thứ IV (2018 - 2021): Thành công từ sự kế thừa và tiếp nối những giá trị bền vững -0
Trung úy Phan Đức Lộc đoạt giải C cuộc thi Cây bút vàng lần thứ IV.

“Truyện ngắn “Pảng Cò Moong” được lấy cảm hứng từ chuyến đi công tác với đồng chí Trần Ngọc Thăng, người anh thân thiết làm cùng đơn vị với tôi đến một bản làng xa xôi truy tìm đối tượng. Ở đó, thiên nhiên hùng vỹ và nên thơ không giấu được sự nghèo đói, xác xơ của những ngôi nhà nhỏ đã bị ma túy hút kiệt nhựa sống. Cộng với trí tưởng tượng của mình, tôi viết truyện ngắn này thành bốn phiên bản khác nhau, thay đổi, thêm bớt nhân vật, chi tiết, sửa đi sửa lại vẫn chưa hài lòng.

Nhờ sự động viên, chỉ bảo tận tình và góp ý chân thành, sâu sắc của chị Nguyễn Hoàng Yến, biên tập viên của Nhà xuất bản Công an nhân dân, tôi đã hoàn thiện nó. Tôi luôn tâm niệm rằng, đằng sau sự thành công của một tác giả luôn có bóng dáng, sự hỗ trợ đắc lực của một “ê - kíp hùng hậu” những người anh, người chị như vậy, âm thầm mà đầy ấm áp”.

Nhà văn Nguyễn Thu Hà (Giải Khuyến khích): Viết để tri ân đối với những chiến sĩ Công an

“Tôi nhớ những điều mình từng chứng kiến, sự vất vả, hi sinh của các anh Công an, về những khoảng lặng ẩn sau mỗi chiến công được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, về những mất mát của những người mẹ, người vợ, những đứa con thơ của các anh trong thời bình... Và như có một sự hối thúc vô hình, tôi viết “Đầu thú” trong thời gian rất nhanh. Với tôi, tác phẩm nhỏ này giống như một sự tri ân đối với những người chiến sĩ Công an quanh tôi, thật bình dị, bản lĩnh. Trong thâm tâm, tôi hoàn toàn không nghĩ tác phẩm của mình có thể chạm tới sự công nhận của một cuộc thi lớn như Cây bút vàng. Bởi vậy, khi nhận giải, tôi thực sự ngỡ ngàng và vui sướng tột độ”.

Bùi Đình Minh Trung (tổng hợp & thực hiện)
.
.
.