Cuộc chơi với AI
Trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023, tọa đàm "Trí tuệ nhân tạo: Tiềm năng đột phá và thách thức" đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học. Ông Xuedong Huang, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn Zoom (Hoa Kỳ) nhận định: "Trí tuệ nhân tạo là cơ hội đột phá thay đổi lịch sử, nó dành cho tất cả chúng ta dù bạn ở đâu, quốc gia nào".
Nếu như ô nhiễm môi trường tác động đến cuộc sống cư dân toàn cầu thì AI cũng đang là cơ hội và thách thức của mỗi người. Vậy làm thế nào để có tâm thế "chơi" với AI bền lâu?
Nếu một ngày kia, có người nói rằng bạn đã trót mê đắm AI, hẳn bạn sẽ giãy nảy và phủ nhận. Nhưng, nếu bạn thử xem lại trang cá nhân của mình sẽ thấy hình ảnh "trai xinh", "gái đẹp" đó là ai? Vừa là bạn mà cũng không hẳn là bạn. Tất cả là nhờ AI trong chiếc smart phone đã cho bạn bức hình đẹp và một đời sống ảo. Sự tươi trẻ như "kiếp sống" khác cho ta niềm vui, năng lượng tích cực hóa giải mọi ưu phiền… Ví như, theo một thống kê, Ứng dụng Remini cho phép tạo ảnh chuyên nghiệp bằng AI và khôi phục ảnh cũ mờ trở nên sắc nét, và "Hashtag #Remini hiện có hơn 1,4 tỷ lượt xem trên TikTok với hàng nghìn người dùng" (theo: Khương Nha-vnexpress.net).
Nhưng AI không chỉ là trợ thủ thụ động theo sự "sai khiến" của con người mà đang cho chúng ta thấy sự tự chủ mạnh mẽ của bản thân. Bằng chứng là mới đây tác phẩm The Land of Machine Memories (Vùng đất của ký ức máy) do AI sáng tạo trong ba giờ đồng hồ đã "vượt qua gần 200 đối thủ và giành giải nhì cuộc thi tiểu thuyết khoa học viễn tưởng tại Giang Tô (Trung Quốc) lần thứ 5" (theo Wuhan Evening News). Vẫn biết, con đường để tạo ra tiểu thuyết này của trí tuệ nhân tạo được hình thành từ "43.000 ký tự, hoàn thành bằng 66 câu lệnh" mang dấu ấn thuật toán. Trong khi, gần 200 tiểu thuyết của các tác giả kia hình thành từ cảm xúc, bút pháp, thi pháp… của mỗi người. Một cuộc chơi nhưng có hai trường phái riêng, một sự đối đầu tưởng như không cân sức về lực lượng nhưng hóa ra AI mới là đối thủ đang thách thức số đông người cầm bút. Dù gì, đây mới chỉ là cuộc chơi chứ chưa thực sự là sự cạnh tranh nghiệt ngã nhưng biết đâu mai sau, nó "trở thành thách thức với giới nhà văn" như lời Giáo sư Shen Yanggu thuộc Đại học Thanh Hoa.
Câu chuyện của công nghệ đang được theo dõi, đánh giá từng ngày để không vượt qua tầm kiểm soát của con người nhưng đâu đó vẫn có những điều bất ngờ. Hẳn là Tiến sĩ Martin Cooper, "cha đẻ" của chiếc điện thoại di động sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến việc xuất hiện một hội chứng có tên là telephonophobia, telephobia (sợ phải gọi hoặc nói chuyện qua điện thoại) của giới trẻ cũng như không ít người trong số chúng ta hôm nay. Khi con người ta đã quá quen thuộc với những Messenger, Zalo, Telegram, viber… luôn tường minh cảm xúc, lời lẽ thay vì chỉ có thể lựa chọn từ hai nút xanh (chấp nhận) và đỏ (từ chối) từ nghe, gọi truyền thống.
Công bằng mà nói, trong cuộc sống hôm nay với tốc độ thông tin ngày càng mau lẹ nhưng việc đưa ra quyết định lại đang đòi hỏi bạn phải thận trọng hơn. Bởi lẽ, chính công nghệ đang chia làm hai "phe": sự tiến bộ, tiện ích và giả mạo, lừa đảo (mà deepfake là một ví dụ điển hình). Trong cuộc sống con người, từ thông tin đến tiền bạc đều có thể bị đột nhập chiếm đoạt khi mà những tường bao, cổng sắt, ổ khóa kiên cố… không thể bảo vệ bạn ở trên hệ sinh thái số. Hay nói cách khác, đôi khi công nghệ đã khiến bạn trở nên xa lạ ngay với chiếc smart phone của mình. Ngay cả với những số máy được lưu trong danh bạ cũng khiến bạn ngại ngần bắt máy.
PGS.TS Trần Thu Hương - Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: "Điều này sẽ giảm đi được sự đánh giá từ phía người tương tác với mình. Tuy nhiên, nó sẽ không hiệu quả khi bạn phải xử lí một công việc hay nhiệm vụ nào đó. Khi mà chúng ta lựa chọn cách biểu đạt che giấu được danh tính của mình thì nó sẽ phản ánh sự thiếu tự tin hay thiếu định hướng của cả một thế hệ…" (theo: Phụ nữ mới).
Phát hiện của chuyên gia tâm lý cho chúng ta những cảnh báo hữu ích. Còn từ góc độ văn hóa có thể nhận ra AI không còn là vai phụ mà đã và đang tác động đến thói quen ứng xử và cách kết nối, tương tác của từng cá thể. Từ chỗ điện thoại cố định cáo chung cho thư tay đến chỗ điện thoại di động có thể khiến người nghe tự tạo ra cho mình một khoảng cách địa lý (vì lấy lí do đang ở chỗ này, chỗ khác) và giờ đây là sự né tránh với người đối thoại.
Phải thừa nhận rằng lâu nay emoji (biểu tượng cảm xúc) là phương tiện để thể hiện cảm xúc của mỗi người. Nhưng đã bao giờ bạn thử lật lại vấn đề, nhận ra bản chất của emoji chỉ là một cú chạm, cú lượt từ ngón tay chứ đâu phải tiếng nói của con người với tình cảm, thái độ thể hiện ra âm lượng, ngữ điệu... Hơn thế nữa, người trợ lý mang tên AI đã ẩn mình thật kín, tỉ mỉ trong từng câu từ để che chắn cho chúng ta một lời từ chối, một sự thừa nhận trong giao tiếp. Chúng ta đang được chơi với AI hay đang kết thân với chính phần trí tuệ và lí trí của mình.
Lật lại quá khứ bạn sẽ thấy những bộ óc vĩ đại của nhân loại từng có những nhận xét như: "Dấu hiệu thật sự của trí tuệ không phải là kiến thức mà là trí tưởng tượng" (Albert Einstein); hay: "Về lâu dài, thanh kiếm luôn luôn bị trí tuệ đánh bại" (Napoleon Bonaparte); "Trí tuệ không có giới hạn, trừ những giới hạn do ta chấp nhận" (Napoleon Hill)… đây là những danh ngôn ra đời hàng trăm năm trước cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Tiền nhân đã thấm thía hay họ chưa từng ngờ đến sự phát triển của trí tuệ như một thực thể khác ở ngày hôm nay? Chỉ biết rằng, khi chúng ta đối diện với bản chất văn hóa. Văn hóa có đủ sức sống như sợi "dây cương" điều chỉnh con ngựa bất kham mang tên trí tuệ nhân tạo…
Có một nguy cơ mà AI đã và đang đặt ra với chúng ta hàng ngày, đó là niềm tin. Con người tồn tại và phát triển suốt chiều dài lịch sử đâu chỉ bằng sự tiến hóa về mặt sinh học mà còn bằng một niềm tin lớn lao vào cộng đồng, vào sự tiến bộ, văn minh. Vậy thì, khi deepfake bị kẻ xấu lợi dụng để lừa gạt con người, niềm tin giữa chúng ta với tiến bộ khoa học công nghệ và sự kết nối giữa người với người có bị suy giảm? Liệu AI vô tình tiếp tay cho sự lan truyền những thông tin sai lệch, thủ đoạn của kẻ xấu hòng bôi nhọ cá nhân, tạo các nội dung độc hại… trí tuệ nhân tạo có gây ra sự xuống cấp về đạo đức xã hội?
Người viết cho rằng cũng như ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc sống con người sẽ bị tác động không nhỏ nhưng tốc độ phát triển xã hội trở nên mau lẹ hơn, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Con người và AI sẽ trở thành "tình bạn" gắn kết từ những ứng dụng ở quy mô đến vài ứng dụng đơn giản trong smartphone của từng cá nhân. Vấn đề ở đây chính là sự kiểm soát bằng quy định của luật pháp, nguyên tắc nghề nghiệp. Sau những bước lùi với sự e ngại, con người sẽ dần lấy lại sự tự tin và tìm ra cách sống chủ động hơn, cao tay hơn trước những phiền toái từ mặt trái của tiện ích công nghệ. Khi đã làm chủ được công nghệ, phân biệt rõ trắng đen, những thủ đoạn bị kiểm soát, con người lại sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của nhau qua nền tảng truyền dẫn của công nghệ hiện đại để cảm nhận từng ngữ điệu thanh âm.
Theo thời gian, bộ mặt AI sẽ dần lộ diện rõ nét hơn và đương nhiên, cuộc chơi với trí tuệ nhân tạo còn rất bền lâu…