Chuyện của "nước sơn"...

Thứ Năm, 27/04/2023, 15:40

Ngày bé, hè nào về thăm bà ngoại tôi cũng được đi ăn kem bờ hồ, được đi chơi ở công viên Thủ Lệ và tất nhiên có thêm mấy bộ quần áo mới. Lúc quay trở về xóm núi, thấy tôi mặc áo mới đi lao động (vì muốn khoe với bạn), miệng thì luôn kể những chuyện chỉ có ở Thủ đô, nhiều đứa bạn liền chê cười.

Tôi hỏi thì chúng nói thẳng vì trẻ con với nhau chẳng việc gì phải ý tứ: “Mày nhìn lại mày xem? Da mày vẫn đen, ngày mai mày lại đi vác cây, nhựa bám vào, bộ quần áo này lại giống như quần áo của chúng tao thôi mà…”.

Ngày đó tôi ức lắm nhưng sau này nghĩ lại thấy cũng đúng. Con người ta không thể trút bỏ được bản chất vốn có trong chốc lát dẫu có bận lên mình chiếc áo mới như thế nào. Càng nghĩ, tôi càng thấm câu thành ngữ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” của các cụ ta. Nhưng này, nếu không có nước sơn kia liệu những cây gỗ dù tốt đến đâu cũng có thể làm nên sắc màu, tạo nên không khí trang trọng, sang quý được không? Nước sơn liệu có thấm vào căn cốt làm nên giá trị hay chỉ là lớp vỏ bên ngoài của mọi sự vật, mọi nhân cách? Đang suy nghĩ, bất giác bên tai tôi vang lên tiếng than thở của một người bàn bên.

màu sơn của biệt thự cổ 49 trần hưng đạo sau 1 năm cải tạo, trùng tu đang gây nhiều tranh cãi-ảnhh vietnamnet.vn.jpg -0
Màu sơn của Biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo sau 1 năm cải tạo, trùng tu đang gây nhiều tranh cãi.

Trong quán cà phê vắng chiều cuối tuần, tôi nghe được tiếng anh ta tự nói một mình. Anh đang lo cho cái màu sơn của biệt thự (số 49 Trần Hưng Đạo - Hà Nội) với giá thành gần 15 tỷ đồng liệu có đúng chất hay đang được “đương đại hóa”? Thực ra, tôi cũng không lo lắng nhiều về vấn đề này và nhất là khi được đọc phát ngôn của tiến sĩ Emmanuel Cerise, đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, ông khẳng định: "Có thể ban đầu chúng ta nhìn gam màu đối lập nhưng sau một thời gian ngắm thì độ đậm màu sẽ giảm dần đi. Những biệt thự ở Hà Nội đầu thế kỷ XX đều được xây dựng theo phong cách phối màu”.

Chẳng biết quy trình để phục chế lại màu sơn ấy sẽ còn mất bao lâu hay đã thực sự đạt tới mục tiêu phục chế rồi nhưng chỉ riêng chuyện nước sơn này đã mở ra suy nghĩ nhiều chiều trong dư luận xã hội. Liệu có nên vội phán xét sai đúng, có đẹp hay không đẹp khi chúng ta còn chưa rõ nguyên bản ấy thế nào. Trong khi đầy việc đã nhãn tiền thì chúng ta lại đang khá mơ hồ.

Chuyện về nước sơn cũng là chuyện của lòng tin, của niềm tin. Nhìn “nước sơn” của nhiều việc đã và đang diễn ra liệu chúng ta có tin vào “chất gỗ” của tinh thần làm việc đó hay không. Khác với niềm tin vào chế độ, niềm tin vào các giá trị đạo đức xã hội, niềm tin vào chất lượng ở đây dựa trên những luận cứ, những ví dụ cụ thể nhất. Ngay từ thế kỷ XIX, Emile Durkheim đã định nghĩa niềm tin xã hội (social trust): “Trong một hợp đồng không phải mọi cái đều có tính hợp đồng, điều quan trọng là phải có được niềm tin của các bên tham gia”.

nhiều người việt thích sống ảo khoe khoang để tạo ra nước sơn đẹp-ảnh cafebiz.jpg -0
Nhiều người Việt thích sống ảo, khoe khoang để tạo ra “nước sơn” đẹp.

Như vậy, niềm tin đến từ việc làm tốt đẹp, cao cả, vượt qua những giới hạn của sự tư lợi, hẹp hòi. Mới đây, bà con xã Yên Dưỡng (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) xôn xao về chuyện vợ chồng ông Trần Năng Toán và bà Đặng Thị Hòa đã tổ chức đám cưới cho con dâu đi bước nữa sau khi người con trai của ông bà đã mất được 5 năm. Đặc biệt hơn, gia đình ông bà đã không nhận phòng bì mừng cưới của khách khứa đến dự. Ngoài tình cảm nhân ái, nghĩa tình giữa bố mẹ chồng và con dâu, người viết nhận ra đây là một “điểm cộng” trong niềm tin vào đạo đức xã hội sau rất nhiều “điểm trừ” bởi những vụ cha mẹ đẻ giết hại (hoặc đồng loã với kẻ thủ ác) con ruột hay con cái hạ sát cha mẹ.

Nhưng đâu dễ để nhận ra “điểm cộng” và “điểm trừ” trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Sự thiếu triệt để còn nguy hại hơn những điều chưa biết, chưa thực hiện bởi chúng ta đã trót tin tưởng. Người viết chợt nhớ đến bốn chữ “giấu bụi dưới thảm” trong bài viết của tác giả Trương Chí Hùng trên Báo Dân trí với nhan đề "Bạo lực học đường không chỉ là… bạo lực".

Bài viết có đoạn: “Quan sát cách xử lý vấn đề bạo lực học đường của các cơ sở giáo dục lâu nay, tôi thấy rằng biện pháp quen thuộc là đưa ra mức phạt với học sinh, "giảng hòa" các bên liên quan. Đây mới chỉ là cách giải quyết "phần ngọn", chưa thể nói là đã đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân từng vụ việc cụ thể, xem xét môi trường học đường và các yếu tố có thể dẫn đến hành vi bạo lực để đề ra giải pháp căn cơ, lâu dài. Đối với bạo lực học đường, các biện pháp xử lý qua loa chỉ như "giấu bụi dưới thảm", có thể khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn vì vấn đề không được giải quyết triệt để”.

Bạo lực học đường có lẽ là đề tài chưa bao giờ nguội và có nhiều dẫn chứng nhất mỗi khi được nhắc đến. Sẽ không là quá lời khi ví nó như đám cháy khi chưa bị dập tắt triệt để thì than vẫn âm ỉ và tiếp tục bùng lên, cháy lan ra. Dường như sự “thiếu triệt để” ấy xuất phát từ việc chúng ta còn băn khoăn giữa ranh giới của đùa nghịch, manh động và phạm pháp. Học trò đánh xô xát, làm nhục người khác đã thật sự là tội ác hay “trò trẻ con”? Đa số các vụ việc đều được giải quyết ở mức: bản kiểm điểm, ở tự hòa giải giữa hai gia đình, ở lời xin lỗi của phụ huynh. Thiết nghĩ, giáo dục pháp luật và tuân thủ pháp luật là bài học quan trọng nhất để các em bước vào cuộc đời chứ không phải chỉ cần một “nước sơn” thành tích bóng bẩy. Vậy nguyên nhân của sự bất cập này đến từ "thiếu" hay "yếu"?

capture.jpg -0
Vì sao bóng ma bạo lực học đường chưa được quét sạch - Tranh minh họa của Ngọc Diệp

Thực ra, trong Nghị định số 80/2017/NĐ-CP (ban hành ngày 17/7/2017), tại Điều 6 về “Biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường” có ghi rõ: “tổ chức kiểm tra, giám sát, thu thập và xử lý thông tin liên quan đến bạo lực học đường” và ở nội dung: “Biện pháp hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường” cũng ghi rõ: “phát hiện kịp thời người học có hành vi gây gổ, có nguy cơ gây bạo lực học đường, người học có nguy cơ bị bạo lực học đường”. Nhưng lạ ở chỗ, trong thực tế đã có rất nhiều vụ bạo lực học đường lại xảy ra ngay tại cơ sở giáo dục.

Cụ thể như các vụ gần đây: Nữ sinh lớp 6, Trường THCS Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) bị đánh tại lớp, lớp trưởng lại là người quay clip rồi đưa lên mạng xã hội; đoạn clip dài 3 phút 50 giây ghi lại cảnh nữ sinh Trường Tiểu học Kim Đồng TP Bạc Liêu bị đánh hội đồng tại lớp; nam sinh bị đánh tại lớp (Trường THPT Nguyễn Trung Trực, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) và các học sinh khác la hét cổ vũ: "Đánh vào mặt nó"… không hiểu những nhà quản lý, những thầy cô đã đọc Nghị định số 80/2017/NĐ-CP hay chưa và khi đứng trước học sinh, phụ huynh để nêu những thành tích của nhà trường mình bằng những lời “có cánh” họ có nghĩ gì về thứ “nước sơn” thành tích ấy?

Đằng sau những bất cập của các sai lệch xã hội đều có nguyên nhân từ tư duy. Có lẽ chúng ta thích cuộc sống diễn ra theo sắc màu định sẵn đã trở thành thói quen. Nhà báo Trương Anh Ngọc từng viết: “Thay vì khoe nhà, ô tô sang, thân hình đẹp hay thành tích… mọi người dành thời gian quan tâm đến giá trị sống, vun đắp tâm hồn như vợ chồng cùng con khám phá điều gì mới mẻ; tham gia các dự án từ thiện… Bớt sống ảo, bớt sĩ diện sẽ có hạnh phúc bền lâu” (theo Vietnamnet).

Thực ra, tôi, bạn và nhiều người trong chúng ta cũng chẳng lạ gì “sống ảo” và “sĩ diện” như là một thứ “nước sơn” che giấu sự lười nhác, vay mượn, thiếu khát vọng của nhiều người. Có điều, sẽ phải bắt đầu từ đâu, dám dũng cảm thừa nhận những nguy cơ và coi sự khoa học, công bằng, văn minh là vẻ đẹp cả ở hình thức và nội dung mới là điều phải nỗ lực từng ngày. Chuyện của “nước sơn” phụ thuộc vào hành động của mỗi người…

Lương Việt
.
.
.