Cần một giải thưởng âm nhạc chất lượng

Thứ Sáu, 02/02/2024, 07:55

Kết quả của giải thưởng Làn sóng Xanh 2023 đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ cũng như phản ảnh chân thực diện mạo nhạc nhẹ Việt Nam hiện nay. Có thể nói, tất cả những nghệ sĩ, tác phẩm chiến thắng đều xứng đáng. Tuy nhiên, nếu coi Làn sóng Xanh là một giải thưởng chuẩn mực cho âm nhạc đương đại Việt Nam thì có vẻ như chúng ta đang tự tin quá mức.

Hãy so sánh giữa Làn sóng Xanh của mấy năm gần đây với chính nó cách đây khoảng 20 năm. Muốn so sánh, đầu tiên hãy tự trả lời nhanh câu hỏi sau đây mà không cần kiếm tìm trên Google. Đó là “Ta có nhớ tên bài hit đã thắng giải của những năm 2021, 2020, 2019, 2018… hay không?”. Nếu đa số chúng ta trả lời được ngay, điều đó đồng nghĩa các sản phẩm âm nhạc đó đã nằm lòng khán giả. Ngược lại, chúng đã trôi tuột đi đâu mất đúng như tinh thần thời đại là “theo xu hướng”.

Cần một giải thưởng âm nhạc chất lượng -0

Trong khi đó, nhiều khán giả vẫn thuộc nằm lòng từng dòng giai điệu, ca từ của những ca khúc Làn sóng Xanh cách nay khoảng 20 năm. Thậm chí, nhiều ca khúc hit thời đó vẫn còn được các ca sĩ trẻ hôm nay ghi âm lại. Sức sống trong lòng khán giả mới minh định giá trị của tác phẩm chứ không phải sức mạnh “số” (lượt nghe, xem) của thời đại mạng xã hội là thứ quyết định điều đó. Và trong sự rộn ràng của những người trẻ với Làn sóng Xanh, vẫn tồn tại sự thờ ơ của những nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc tên tuổi và gạo cội. Chỉ cần một đánh giá của P.L.M, một ca sĩ ngôi sao có bề dày thành tích về âm nhạc của thời đại này là chúng ta đủ hiểu. Anh viết: “Âm nhạc bây giờ hay đấy, bắt tai đấy, nhưng vẫn thiếu 1 thứ gì đó, 1 thứ ngoài công thức..”. Thứ ngoài công thức còn thiếu ấy mà P.L.M nói đến lột tả chính là bản chất của nhạc nhẹ hôm nay. Đó là việc các nhạc sĩ trẻ đang sáng tác theo khuôn mẫu (có thể tạo hit) nhưng không thể vượt ra ngoài để thể hiện những điểm nhấn đặc biệt mang tính sáng tạo và thể hiện được đẳng cấp, trình độ âm nhạc của mình.

Mở rộng ra hơn, bên cạnh Làn sóng Xanh, chúng ta còn những giải thưởng âm nhạc nào nữa? Giải Cống hiến; giải Zing Award và các giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ. Giải Cống hiến vốn được xem là nghiêm túc và uy tín cũng đã không chịu nổi sức ép của thị trường và do đó bắt đầu nhạt màu hơn. Tiêu chuẩn âm nhạc giàu tính nghệ thuật (art music) vốn dĩ được đề cao hàng đầu ở Giải Cống hiến trong nhiều năm đã dần phải nhường chỗ cho “hot, hits” để nhằm thu hút được khán giả cũng như tài trợ.

Còn lại, giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam thường chú trọng chất chuyên môn và dành cho các tác phẩm rất kén khán giả nên ít được khán giả đại chúng biết tới. Chính vì thế, nhiều tác phẩm được giải của Hội Nhạc sĩ tuy ít phổ biến nhưng khi có dịp được vang lên đều tạo ấn tượng tốt với khán giả yêu âm nhạc và có hiểu biết về âm nhạc.

Nhìn lại tình trạng này, chúng ta thấy rõ Việt Nam đang thiếu một giải thưởng âm nhạc đủ sức thuyết phục được cả người nghe lẫn giới chuyên môn. Đó phải là một giải thưởng mà hội đồng nghệ thuật giám tuyển phải được cầm trịch bởi những nhà sản xuất hàng đầu, tầm cỡ như Đức Trí, Võ Thiện Thanh, Anh Quân… Chính uy tín, trình độ, đẳng cấp cũng như sự cởi mở của họ sẽ có thể góp phần vinh danh những sản phẩm âm nhạc vẫn mang được hơi thở thời đại nhưng cũng hàm chứa chất lượng chuyên môn đủ sức khiến những ai làm âm nhạc chuyên nghiệp cũng phải tâm phục khẩu phục. Giải thưởng như thế là thứ mà ngay cả các nghệ sĩ trình diễn cũng đang rất mong đợi. Họ muốn được ghi nhận bởi cả khán giả lẫn giới chuyên môn khó tính. Đã có không ít nghệ sĩ hiện nay tế nhị nói không với các giải thưởng đang tồn tại bởi họ hiểu nó không mang lại gì cho họ ngoài chút hào nhoáng tạm thời.

Điều quan trọng là ai có thể tổ chức một giải thưởng như vậy? Thực sự, vấn đề không phải là ngân sách. Giải thưởng quan trọng ở uy tín của nó chứ không phải tiền thưởng. Và câu hỏi này, nên dành cho Hiệp hội ghi âm Việt Nam.

Văn Đoàn
.
.
.