Bài học về niềm tin trong mỗi con người

Thứ Sáu, 13/09/2024, 07:59

Tháng 9 này, không chỉ có các em tới trường, không khí náo nức của năm học mới đã len lỏi vào cuộc sống. Công bằng mà nói, ít có lĩnh vực nào thẩm thấu vào đời sống tinh thần của xã hội như giáo dục. Bởi lẽ, trong những mái trường đâu chỉ có con em chúng ta đang theo học cấp này, lớp kia mà là tất cả niềm tin, niềm hy vọng vào các chủ nhân tương lai của đất nước.

Vì lẽ đó mọi chủ trương, chính sách về giáo dục khi đi vào đời sống đều được bàn luận, hướng ứng để đem lại hiệu quả cao nhất. Ở chiều ngược lại, xã hội tiến bộ từng ngày cũng mang đến những điều hữu ích cho xã hội, đặc biệt từ những góc nhìn văn hóa.

cbcs công an huyện chi lăng -lạng  sơn dầm mình trong mưa cứu người dân-ảnh báo cand.jpg -0
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Chi Lăng, Lạng Sơn dầm mình trong mưa ứng cứu dân.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 của ngành giáo dục. Trong 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của bản kế hoạch có một điểm nổi bật: "Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển hải đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo".

"Công bằng trong tiếp cận giáo dục" cũng chính là một bài học lớn, bài học của mọi bài học, nói lên tính ưu việt của chế độ, trong chiến lược phát triển của đất nước. Ngày 1/9 vừa qua, khi đến thăm Trường Tiểu học - THCS - THPT Hy vọng (TP Đà Nẵng), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu: "Không ai có thể quên được những đau thương của đại dịch này. Trong sự mất mát đó có sự ra đời của trường Hy vọng. Tôi rất hoan nghênh ý tưởng này. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Khi khó khăn, có những mất mát, hy sinh thì mọi người lại đoàn kết thương yêu lẫn nhau". (theo: vnexpress.net).

Trong lời phát biểu của Thủ tướng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam thể hiện tinh thần đoàn kết, yêu thương cũng nói lên khát vọng, ý nguyện về lẽ công bằng: lá lành đùm lá rách, người may mắn giúp người hoạn nạn...

Có lẽ, hai luận điểm nêu trên đều cùng hướng tới một mục tiêu, một giá trị văn hóa bình dị mà cao cả đó là tinh thần nhân văn, nhân ái của dân tộc Việt Nam. Chúng ta dành cho các em những điều tốt đẹp nhất và mong các em sẽ hiểu được giá trị của độc lập, tự chủ, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình, ổn định, bền vững mà chúng ta đang có hôm nay.

hàng loạt xe ô tô đi chậm che chắn gió lốc cho xe máy trên cầu nhật tân-ảnh internet.jpg -1
Nhiều ô tô đi chậm để che chắn gió bão cho xe máy trên cầu Nhật Tân.

Nhưng, không phải lúc nào trong cuộc sống chân lí ấy cũng được nhìn nhận đúng đắn. Trường hợp nam học sinh 16 tuổi ở một tỉnh miền núi với những phát ngôn không phù hợp trong những ngày vừa qua là sự việc đáng tiếc như thế.

Bài học về nhận thức cậu bé này cũng là lời thức tỉnh cho không ít người (dù ở độ tuổi chín chắn hơn, học vấn cao hơn) về việc nhận thức về lịch sử đất nước và tư tưởng chính trị còn quá... mơ hồ. Họ ngộ nhận việc bản thân thành thạo một lĩnh vực chuyên môn, được dư luận quan tâm là đã có thể đủ tầm để đánh giá lại lịch sử. Trong khi, nền độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ và vị thế quốc gia hôm nay đâu dễ dàng có được bằng việc cào bàn phím, tuôn ra những triết lý chắp vá, vặt vãnh.

Hạnh phúc hôm nay là những gì mà ông cha ta đã đánh đổi bằng xương máu, bằng tuổi thanh xuân như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào đêm 19/12/1946: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Bài học này có thể không có tên trong một khóa học, bậc học nhưng đủ theo chúng ta suốt cuộc đời.

Sau tiếng trống khai trường, khi những trang vở mới còn thơm mùi giấy, các học sinh, sinh viên ở nhiều tỉnh miền Bắc đã phải cùng gia đình tập trung ứng phó với siêu bão Yagi đổ bộ vào miền Bắc. Sau mất mát về người và vật chất, tình người vẫn sáng lên qua thử thách nghiệt ngã. Ngoài hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội dầm mình trong mưa gió, là nhiều ô tô, xe bus, xe tải nối đuôi nhau dìu xe máy qua cầu Nhật Tân; là chiếc ô tô màu trắng đã lùi lại cứu người phụ nữ suýt bị gió thổi bay ở Hải Phòng (được anh Lã Xuân Phương ghi lại trong clip của mình). Và, không thể quên nghĩa cử đẹp của chị Tuyết (với căn biệt thự 7 phòng ngủ ở khu đô thị Vinhomes Ocean Park 2), chị Lưu Thị Thanh Tuyền (với 2 căn hộ ở khu Sunshine Riverside (Tây Hồ), chị Trần Phương Anh (với căn hộ 100 m2 ở phố Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội)... đã sẵn sàng san sẻ căn hộ cho những người xa lạ nhưng sâu nặng nghĩa đồng bào.

Xúc động trước những hình ảnh này, một người bạn của tôi đã nói: "Có thể các anh, chị ấy chưa phải là người giàu có nhất, đi xe sang, biển số đẹp nhưng họ đang sống một cuộc đời đẹp nhất. Bởi, họ có được tình yêu cuộc sống, tìm thấy những gì để yêu thương, chia sẻ". Nghe xong, người viết suy ngẫm và cho rằng: Không biết những ngày qua những người trẻ đã học được gì, ngộ ra điều gì từ những người thật, việc thật ấy. Từ những trái tim biết rung động, từ những tâm hồn biết rộng mở như một sự phản biện trước những nhỏ nhen, hẹp hòi.

những cây xanh bật gốc bởi sức tàn phá của bão số 3 để lại nhiều tiếc nuối-ảnh báo cand.jpg -2
Những cây xanh bật gốc bởi sức tàn phá của bão số 3 để lại nhiều tiếc nuối.

Mai ngày, có thể con đường đến trường của con em chúng ta sẽ vắng đi bóng mát, vắng tiếng chim líu lo trên cành và những mùa hoa ban, hoa phượng, hoa sưa, hoa bằng lăng... Thật đáng tiếc khi rủi ro đã cướp đi tính mạng những người xấu số qua đường, thật tiếc bởi những cây cổ thụ có tuổi đời còn nhiều hơn không ít người trong số chúng ta đã gãy đổ. Đó là cây si trước biệt thự cổ số 49, đường Trần Hưng Đạo, là cây sưa lớn bên tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh... và rất nhiều cổ thụ đã trở thành một phần cảnh quan của phố phường, in sâu trong tâm trí bao người Hà Nội và các thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định...

Ông Hoàng Xuân Thắng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi sinh ra lớn lên từ nhỏ ở khu phố Lò Sũ này, những cây cao là nơi chúng tôi thường xuyên ngồi hóng mát, chơi quanh gốc cây. Nay, nhìn thấy cảnh này xót xa lắm" (theo: Báo Thanh niên). Trong chuyến kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ: "Đối với cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ, vì trồng được một cây không dễ và mất rất nhiều thời gian" (theo: Báo Tuổi trẻ).

Một cơn bão với sức tàn phá khủng khiếp đã lấy đi của chúng ta rất nhiều điều quý giá nhưng cũng là bài học thấm thía về ứng xử với cây, với việc giữ gìn những giá trị quý giá không hề ngẫu nhiên, tự đến. Triết gia người Thụy Sĩ, ông Henri Frederic Amiel (1821-1881) từng nói: "Xã hội tồn tại nhờ niềm tin và phát triển nhờ khoa học". Có lẽ, niềm tin từ những bài học tốt đẹp ấy đã và sẽ được khẳng định sâu sắc hơn nữa qua bản lĩnh, ý chí và sự nhân văn ẩn chứa trong mỗi con người Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Lương Việt
.
.
.