Xung quanh chuyện tái bản phóng sự "Việc làng" của nhà văn Ngô Tất Tố

Thứ Năm, 16/10/2014, 08:00
Giữa thời kỳ lịch sử "chữ quốc ngữ vừa nhất sơ thành lập", "nền quốc âm mới vừa ra đời", Ngô Tất Tố viết phóng sự "Việc làng". Với "Việc làng", Ngô Tất Tố đã góp công khai phá, phát triển phóng sự - thể văn mới, còn non trẻ trên văn đàn và báo chí nước ta trong những năm 1930 - 1945.

Hai tư liệu ban đầu về phóng sự "Việc làng" của Ngô Tất Tố là: bản đăng báo trên Hà Nội tân văn (1940) và bản in thành sách ngay trong năm sau (1941) do Nhà Mai Lĩnh xuất bản.

Phóng sự "Việc làng" đăng báo lần đầu trên Hà Nội tân văn từ số 8 - ngày 5/3/1940 đến số 36 - ngày 17/9/1940. Đây là bản không hoàn chỉnh, chưa đầy đủ vì bị kiểm duyệt cắt bỏ nhiều chỗ với tổng số lên đến 789 chữ ở 3 phần: Phần I - Lớp người bị bỏ sót (cắt 114 chữ), Phần III - Cái án ông cụ (cắt 29 chữ), Phần VI - Món nợ chung thân (cắt nhiều nhất lên tới 646 chữ).

Bảo vệ chủ đề "các câu chuyện về việc làng", Ngô Tất Tố đã làm hai việc quan trọng khi chính thức cho in "Việc làng" thành sách: Trực tiếp viết bổ sung đầy đủ tất cả những chỗ bị kiểm duyệt cắt bỏ trên bản đăng báo, đồng thời có ý định rõ khi chuyển đổi vị trí các câu chuyện "Miếng thịt giỗ hậu" và "Món nợ chung thân" ở khoảng giữa của bản đăng báo sang thứ tự cuối cùng để hoàn chỉnh và kết thúc toàn tập phóng sự trên bản in thành sách.       

Trên bản in thành sách, kiểm duyệt đã không cắt bỏ một chữ nào ở những nội dung tác giả viết để bổ sung cho các chỗ bị chính kiểm duyệt đã cắt bỏ trước đây khi đăng báo. Trên bản in thành sách, kiểm duyệt chỉ cắt hai đoạn ngắn gồm 45 chữ ở các phần "Nén hương sau khi chết" và "Mua cỗ". Lấy nội dung có sẵn từ bản đăng báo để bổ sung sang cho bản in thành sách là hợp lý.

Đáng chú ý là: Bản in thành sách đã bổ sung tới 786 chữ so với bản đăng báo, trong khi bản đăng báo chỉ khác 45 chữ so với bản in thành sách.   

Kết quả phân tích, đối chiếu, so sánh nội dung và thứ tự sắp xếp giữa các phần của hai bản - đăng báo và in thành sách, đã khẳng định: Bản in thành sách do Nhà Mai Lĩnh xuất bản năm 1941 mới chính là nguyên bản chuẩn của phóng sự "Việc làng".  

Các hình ảnh sao chụp tài liệu ban đầu liên quan đến "nguyên bản chuẩn" của phóng sự "Việc làng".

Giới xuất bản trong hơn nửa thế kỷ qua đã có công lớn đưa tới đông đảo bạn đọc các tác phẩm tiêu biểu trong lịch sử văn học nước nhà giai đoạn 1930-1945. Tuy nhiên, trong quá trình tái bản sách diễn ra sôi động và tràn lan đã bộc lộ nhiều sai lệch ở các mức độ khác nhau khi đối chiếu, so sánh với nguyên bản.   

Từ hơn 10 năm nay, chúng tôi đã tiến hành thẩm định văn bản học, phát hiện những sai lệch, chỉnh sửa theo đúng bản gốc, chú giải, giới thiệu các tác phẩm của Ngô Tất Tố, trong đó có phóng sự "Việc làng". Chúng tôi đã chính thức đăng ký "bản quyền tác giả biên soạn" và "quyền chủ sở hữu" các công trình đã làm.

Tháng 4/2014, chúng tôi nhận điện thoại từ ông Lại Nguyên Ân đề nghị chúng tôi chuyển phần mềm của phóng sự "Việc làng" cho Công ty Văn hoá & Truyền thông Nhã Nam. Sau đó ông Vũ Hoàng Giang - Phó Giám đốc công ty đã chuyển tới chúng tôi một bản phần mềm của phóng sự, đề nghị chúng tôi góp ý và ngỏ ý muốn biết các tư liệu liên quan. Để tăng trách nhiệm của các bên, chúng tôi đề nghị ông Vũ Hoàng Giang: Phía xuất bản cần có ý kiến (bằng văn bản) nêu rõ các yêu cầu đối với chúng tôi khi xuất bản tập phóng sự. Chúng tôi đã không nhận được hồi âm. Từ đồng nghiệp mua trên thị trường, chúng tôi có sách "Việc làng" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn chịu trách nhiệm xuất bản 2.000 bản, theo Quyết định số 554/QĐ-NXB HNV ngày 13/6/2014, có liên kết cùng Công ty Văn hoá  & Truyền thông Nhã Nam với lời giới thiệu ngày 14/2/2014 của ông Lại Nguyên Ân (từ đây sẽ viết gọn lại là "Bản vừa in năm 2014").

Điều bất thường là ngay trên trang lót bìa chính của sách "Việc làng" vừa xuất bản dễ nhận thấy những dòng in như sau:

"VIỆC LÀNG - Ngô Tất Tố

Ấn bản đầu do Hà Nội tân văn thực hiện năm 1940.

Ấn bản năm 2014 của Công ty Văn hóa & Truyền thống Nhã Nam.

Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ. Mọi hình thức xuất bản, sao chụp, phân phối dưới dạng in ấn hoặc văn bản điện tử, đặc biệt là việc phát tán trên mạng Internet mà không có sự cho phép bằng văn bản của Nhà xuất bản là vi phạm pháp luật và làm tổn hại đến quyền lợi của nhà xuất bản và tác giả. Không ủng hộ, khuyến khích những hành vi vi phạm bản quyền. Chỉ mua bán bản in hợp pháp".

Dẫn trước tên bản chưa hoàn chỉnh "Ấn bản đầu do Hà Nội tân văn thực hiện năm 1940", Công ty Văn hoá & Truyền thông Nhã Nam (sau đây sẽ viết gọn là Công ty Nhã Nam) "quá lạm dụng", cố viết lấy được: "Ấn bản năm 2014" (ý nói phóng sự "Việc làng" là của Công ty Nhã Nam).

Tại sao có chuyện "Việc làng" của Ngô Tất Tố lại trở thành cái gọi là "ấn bản năm 2014" của riêng Công ty Nhã Nam như vậy được? Phải chăng, bỏ qua quy định của luật pháp "bảo vệ vô thời hạn quyền nhân thân của tác giả", để "câu khách", đối tác liên kết cậy "có tiền để làm sách" là "muốn làm gì thì làm", "viết bừa, ghi ẩu" như vậy, nhất là đối với tác phẩm mà tác giả đã hết "thời hạn quy định về bản quyền quyền tài sản"?

Không những vậy, công ty này còn liều lĩnh "công báo": "Bản quyền tác phẩm đã được bảo hộ". Thế thì, vào lúc nào, cơ quan chức năng nào, đã bảo hộ "ấn phẩm Việc làng năm 2014" cho Công ty Nhã Nam?

Chưa hết, Công ty Nhã Nam còn nhân danh pháp luật, "đe nẹt" thiên hạ không được tranh giành "độc quyền khai thác, kinh doanh" thương hiệu "Việc làng" của mình khi nhấn mạnh: "Mọi hình thức sử dụng mà không có sự cho phép của Nhà xuất bản là vi phạm pháp luật và làm tổn hại đến quyền lợi nhà xuất bản và tác giả". Đã xúc phạm tiền nhân lại còn làm ra vẻ "bảo vệ quyền lợi tác giả?!".    

Vấn đề được đặt ra là: Trách nhiệm Nhà xuất bản Hội Nhà văn trong việc này ở đâu? Sao lại cứ để đối tác liên kết (là doanh nghiệp tư nhân) tùy tiện và công khai làm sai như vậy?

Không cần mất công tìm đâu xa, chính ngay trong "bản in của Nhã Nam" lần này đã có nhiều lỗi. Cụ thể là:

- "Bản in phóng sự Việc làng của Nhã Nam" đã tự ý cắt bỏ hai đoạn văn, một ở Phần VI - Góc chiếu giữa đình và đoạn khác ở Phần XII - Một tiệc ăn vạ, khi đem đối chiếu với bản gốc chuẩn.

- Bản gốc chuẩn phóng sự "Việc làng" có khoảng 60 từ và cụm từ chữ Nôm, chữ Hán Việt, hoặc "khẩu ngữ" dùng đương thời, nếu không chú giải được thì cũng phải tra cứu cẩn thận để tái bản thật chính xác.

"Bản vừa in năm 2014" có những lỗi sai lệch về các từ và cụm từ như: "đẫy chà" in thành "dẫy chà", "chung dục" in thành "chung đực", "kỳ cựu" in thành "lý cựu", "ẻo lên ẻo xuống" thành "co lên ẻo xuống", "túng thiếu làm quanh" in thành "túng thiếu quanh năm", "hàng xóm tám mươi mấy suất" in thành "hàng xóm ta mươi mấy suất"...     

- Bản gốc chuẩn của phóng sự hợp thành từ 16 "câu chuyện" hay 16 "phần", không thể gọi là 16 "đoạn" như viết trong "Bản vừa in năm 2014" được.

Những lỗi như trình bày trên càng không thể chấp nhận được khi làm sách đặt dưới tiêu chí nghe rất kêu, rất hay là xuất bản các "Danh tác Việt Nam"(?!).

Chúng tôi, những người sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ lâu dài và trực tiếp thừa kế toàn bộ di sản văn chương của tác giả Ngô Tất Tố kiên quyết lên án bất kỳ ý đồ nào nhằm lừa gạt công luận để chiếm đoạt thương hiệu "Việc làng" của Ngô Tất Tố nhằm kiếm chác về kinh tế.

Chúng tôi trân trọng kiến nghị Cục Xuất bản, Cục Bản quyền và các cơ quan chức năng xem xét, kịp thời xử lý nghiêm khắc các sai sót của Công ty Nhã Nam khi liên kết làm sách "Việc làng" để góp phần lập lại trật tự trong hoạt động xuất bản truyền thống in giấy cũng như trên mạng điện tử.

Hà Nội, ngày 23/9/2014

Cao Đắc Điểm - Ngô Thị Thanh Lịch
.
.
.