Văn học thiếu nhi từ góc nhìn của một dự án
Trong tiểu luận "Theo giòng" in năm 1941, nhà văn Thạch Lam từng viết: "Người ta chớ tưởng lầm là viết cho trẻ con thì viết thế nào cũng được. Chúng ta chớ quên là trẻ con có lý luận, có trí quan sát của riêng nó, nhiều khi xác đáng và tinh tường hơn của người lớn". Có phải bởi cái khó đó mà hơn 9 năm qua, Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch vẫn là "sân chơi" không dễ ngay cả với những nhà văn chuyên nghiệp?
"Áo gấm đi đêm"
Theo bà Lê Thị Dắt - Giám đốc dự án - trong 7 cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi từ trước tới nay, Ban tổ chức đã nhận được hơn 2.000 bài dự thi và đã có gần 300 tác phẩm được in. Để khuyến khích người viết, ngoài những tác phẩm đoạt giải cao, tất cả những tác phẩm được lọt vào chung khảo cũng được chọn in.
Cũng thông qua các đợt vận động sáng tác, cuộc thi đã tìm ra những cây bút mới, đóng góp vào lực lượng người viết, đặc biệt ở mảng đề tài thiếu nhi. Bằng chứng là, nếu không có các cuộc thi, các đợt vận động sáng tác của dự án, chắc sẽ không có một Nguyễn Ngọc Hoài Nam - kỹ sư tư vấn xây dựng - đoạt giải nhất cuộc thi năm ngoái với truyện ngắn "Con ma da sau vườn". Và cũng không có một Vũ Hương Nam được nhiều người biết tới với tác phẩm đoạt giải nhất Cuộc vận động sáng tác giai đoạn 2010-2011 với truyện "Vỏ ốc diệu kỳ"…
Tuy nhiên, nhà văn Trần Quốc Toàn, người đã đồng hành cùng Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch (HTVHTNVN - ĐM) kể từ ngày đầu, đã dùng thành ngữ "áo gấm đi đêm" để nói về ảnh hưởng đối với dư luận xã hội của cuộc vận động sáng tác trong những năm qua. Theo ông, sẽ là không quá khi nói, lịch sử văn học Việt Nam sẽ phải có những dòng ghi nhận đóng góp của dự án này đối với sự phát triển của văn học Việt Nam nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng. Đó là chưa kể, nhìn từ góc độ chính trị, ngoại giao, hoạt động hợp tác này cũng có ý nghĩa lớn.
Với một loạt những chương trình hoạt động như giao lưu, tọa đàm giữa các nhà văn, họa sĩ viết cho thiếu nhi, tài trợ xuất bản các tác phẩm nằm trong khuôn khổ dự án, chương trình "Chuyến tàu kể chuyện" và thành lập các CLB đọc sách ở các địa phương, tổ chức các cuộc thi viết theo chủ đề hằng năm, v.v... Dự án HTVHTNVN - ĐM thực sự đã tạo được kích thích đáng kể để những người lớn cầm bút dành tâm huyết cho thiếu nhi và để chính các em muốn viết cho lứa tuổi của mình.
Tuy nhiên, làm thế nào để không còn tình trạng "áo gấm đi đêm" nữa, cần sự chăm chút chuyên nghiệp hơn nữa của bộ phận truyền thông của dự án và của nhà xuất bản. Có một số ý kiến đề xuất đến việc khai thác hiệu quả hơn nữa mạng xã hội, đặc biệt là tính năng Fanpage của Facebook cho việc này.
Bà Lê Thị Dắt, Giám đốc Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch phát biểu tại buổi gặp gỡ, giao lưu với các tác giả chuyên viết cho thiếu nhi ở TP HCM. |
Nhà văn chuyên nghiệp còn thờ ơ với văn học thiếu nhi
Cây bút trẻ chuyên viết cho thiếu nhi Nguyễn Thị Thanh Bình (hiện sống tại TP HCM) "ngậm ngùi" chia sẻ: "Bây giờ viết cho thiếu nhi chẳng biết đăng ở đâu. Các báo cho lứa tuổi các em cũng thu hẹp số trang cho văn học. Truyện ngắn cũng chỉ giới hạn còn vài trăm chữ. Sách viết cho thiếu nhi cũng không được các nhà xuất bản chào đón mặn mà. Người viết ở mảng này lắm lúc cũng thấy tủi thân".
Trên thực tế, suốt 9 năm hoạt động vừa qua của Dự án HTVHTNVN - ĐM, chưa có nhiều nhà văn chuyên nghiệp tham gia. Thực tế này do chính nhà thơ Cao Xuân Sơn (Trưởng chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP HCM) đưa ra trong cuộc gặp mặt các tác giả viết cho thiếu nhi tại TP HCM với các thành viên trong Dự án.
Sự thực, viết cho thiếu nhi không đơn giản. Các nhà văn chuyên nghiệp càng thấm thía điều ấy. Thế nên, hiện nay, lực lượng nhà văn đã thành danh còn tiếp tục sáng tác cho thiếu nhi không nhiều…
Lẽ dĩ nhiên, ai cũng hiểu, trong văn chương, ranh giới giữa chuyên nghiệp và nghiệp dư nhiều khi không quá quan trọng, cũng không phải là yếu tố quyết định. Nhưng rõ ràng, có rất ít nhà văn bây giờ muốn đặt mình vào vị trí các em để hiểu và viết cho các em.
Quan sát 9 năm hoạt động và 7 đợt vận động sáng tác của Dự án HTVHTNVN - ĐM, dễ thấy, lực lượng viết văn học thiếu nhi ở khu vực TP HCM đông và chuyên nghiệp hơn các khu vực khác. Hầu hết các giải thưởng đều thuộc về những tác giả đang sống và viết tại khu vực này.
Viết cho thiếu nhi - trọng cốt truyện hay trọng chất văn?
Đây là câu hỏi có lẽ không chỉ đặt ra với những người viết cho thiếu nhi.
Theo nhà văn Kao Sơn, nhiều cây bút trẻ hiện nay rất thông minh, rất giỏi kỹ thuật. Tuy nhiên, chất thông tấn, những vấn đề xã hội đang dần áp đảo nội dung các tác phẩm văn học nói chung và văn chương cho thiếu nhi nói riêng. Điều này dẫn tới hiện tượng, nhiều tác phẩm viết ra không đọng lại chút rung động nào với người đọc.
Dĩ nhiên, những quan điểm nhà văn Kao Sơn nêu ra rất đúng đắn. Nhưng trong câu chuyện viết cho thiếu nhi, cả biên tập viên Hường Lý (cán bộ Dự án HTVHTNVN - ĐM của NXB Kim Đồng) lẫn nhà văn Trần Quốc Toàn đều lưu ý tới tính thiết yếu của một cốt truyện hấp dẫn.
Một số tác phẩm được xuất bản bởi sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch. |
Trẻ em luôn háo hức với những câu chuyện lạ lùng, mới mẻ, nhiều khi ngoài sức tưởng tượng. Ở độ tuổi còn nhỏ, nhiều em chưa thể cảm thụ hết vẻ đẹp của chất văn như những gì người lớn kỳ vọng.
Nhà văn Trần Quốc Toàn nói về truyện ngắn ông được giải trong một đợt vận động sáng tác cách đó mấy năm. Ông thừa nhận đây lại là truyện ông "ít thích nhất", vì nó thiên nhiều về cốt truyện. Nhưng thực tế cho thấy, khi ông kể lại câu chuyện với các em, các em đã vô cùng thích thú.
Dĩ nhiên, lý tưởng nhất vẫn phải là sự dung hòa hợp lý giữa hai yếu tố nội dung và nghệ thuật. Nhưng nếu buộc phải lựa chọn thiên về khía cạnh nào, còn tùy vào quan điểm sáng tác của mỗi nhà văn.
Và có lẽ, cũng lại cần phải nhắc lại một chút quan điểm thật chí lý của Thạch Lam trong tiểu luận "Theo giòng" cách nay hơn 70 năm: "Viết cho trẻ đọc, trước hết là đứng thay vào chỗ trẻ, là tự mình trở lại, tìm lại được cái trí tò mò tỉ mỉ, cái lý luận thẳng thắn, và nhất là cái độc lập tự do lạ lùng của trí não trẻ con".
Tiểu thuyết đồ họa - phương thức mới trong văn hóa đọc?
Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn, tiểu thuyết hình ảnh (tiểu thuyết có minh họa tranh) là thể loại tác phẩm văn học với phương thức thể hiện mới hiện đã rất phổ biến ở các nước Âu - Mỹ, nhưng còn khá mới ở ta. Tại Việt Nam, sự kết hợp giữa họa sĩ Phan Vũ Linh và nhà văn Phan Hồn Nhiên trong bộ ba tiểu thuyết fantasy "Những đôi mắt lạnh", "Chuỗi hạt Azoth" và "Xuyên thấm" chính là sản phẩm "made in Việt Nam" mở màn cho thể loại này ở ta.
Được biết, nhiều người gọi đây là thể loại tiểu thuyết minh họa bằng tranh (dịch từ tiếng Anh là Graphic Novel). Tuy nhiên, về tên gọi này, tới nay vẫn chưa nhiều người đồng tình. Lý do vì nếu gọi theo cách đó, rõ ràng vai trò của người họa sĩ bị đẩy xuống thấp hơn nhiều. Trong khi đó, trên thực tế, ở thể loại này, sự tham gia sáng tạo của họa sĩ là tương đương (thậm chí có lúc còn nhiều hơn) vai trò nhà văn.
Ví dụ điển hình là trong cuốn tiểu thuyết là sản phẩm "bắt tay" giữa nhà văn Phan Hồn Nhiên và họa sĩ Phan Vũ Linh, họa sĩ Phan Vũ Linh đã được tham gia ngay từ giai đoạn sáng tạo nhân vật cho tác phẩm.
Tiểu thuyết hình ảnh cho thấy sự chi phối rõ rệt của văn hóa nghe nhìn vào lĩnh vực văn hóa đọc và nhiều người cho rằng, đó là xu hướng tất yếu của thời hiện đại. Ông Cao Xuân Sơn cũng không ngần ngại khi cho biết, khai thác thể loại sách mới này cũng sẽ là xu hướng sắp tới của NXB Kim Đồng