Vài suy nghĩ từ những chiếc xe cứu thương

Thứ Sáu, 15/07/2016, 07:41
Không ít người đã tỏ ra phẫn nộ thực sự khi đọc tin, xem video clip cảnh những bảo vệ Bệnh viện nhi Trung ương ngăn cản một chiếc xe cứu thương từ miền Trung đón một bệnh nhi chưa tròn tuổi đang hấp hối trở về với gia đình. Nguyên nhân sâu xa đến từ chính vấn nạn xe cứu thương “dù” ở các bệnh viện, móc nối với những nhân viên bệnh viện để tạo nên một liên minh ma quỷ làm tiền thân nhân những bệnh nhân. Và chính từ những liên minh ma quỷ ấy, chúng ta chợt bật ra những suy tư rất lớn về những chiếc xe cứu thương, một trong những phương tiện được ưu tiên khi tham gia giao thông.


Nếu gõ cụm từ "xe cứu thương dịch vụ" trên google, bạn sẽ nhận được gần 1,5 triệu kết quả, mà ngay ở trang nhất là các đường dẫn về các đơn vị cung cấp dịch vụ này. Điều đó cho thấy một thực tế rằng, dịch vụ xe cứu thương hiện nay đang rất đắt khách và lý do đắt khách của nó đến từ việc các bệnh viện Trung ương và địa phương hiện nay không đủ điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng được nhu cầu vận chuyển cứu thương của bệnh nhân. Khi bệnh viện thiếu xe cứu thương, sự bùng nổ các đơn vị vận tải bên ngoài đầu tư vào dịch vụ này là tất nhiên, như một nhu cầu bất kỳ trong đời sống xã hội.

Vậy thì khi dịch vụ ấy bùng nổ, quản lý dịch vụ ấy như thế nào chính là câu hỏi rất đáng quan tâm.

Thị trường vận tải công cộng như taxi vốn dĩ vô cùng phức tạp nhưng ít ra, trong thị trường ấy, vấn nạn taxi dù đã được chấn chỉnh nhiều phần nhờ vào những quy định rất chặt chẽ, sự kiểm tra thường xuyên của các đơn vị quản lý. Thậm chí, khi dịch vụ uber xuất hiện, những phản ứng từ hiệp hội taxi cũng rất mạnh mẽ và phải mất một thời gian, khi các cơ quan có thẩm quyền có những kiểm tra, đối chứng, uber mới được thừa nhận tồn tại.

Tuần qua, dư luận lên án gay gắt hành vi chặn xe cứu thương của nhóm bảo vệ ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

Sự kiểm soát chặt chẽ ấy là vô cùng cần thiết, bởi đó là những hành động để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tránh để thị trường rơi vào cảnh hỗn loạn. Một ví dụ điển hình mà mỗi chúng ta chắc chưa quên chính là nạn taxi độc quyền tại các sân bay cách đây nhiều năm. Khi có sự can thiệp của nhà nước, thậm chí là cả các cơ quan thực thi pháp luật, có thể nói, ngày hôm nay đã không còn tồn tại nạn độc quyền trắng trợn ấy ở các sân bay nữa.

Vậy thì tại sao dịch vụ vận chuyển cứu thương lại bị bỏ lỏng một cách thờ ơ như vậy? Câu trả lời thực ra không khó. Xe cứu thương vốn dĩ nằm trong số các phương tiện được ưu tiên hàng đầu. Bởi thế, khi kinh doanh dịch vụ vận tải cứu thương, chỉ cần sử dụng xe có đèn cấp cứu, có dấu hiệu chữ thập đỏ, có ghi dòng chữ xe cứu thương, chủ phương tiện rất dễ nhập nhằng khiến tất cả nghĩ rằng xe của mình là xe bệnh viện. Từ chỗ nhập nhằng đó mới dẫn tới cảnh có những gia đình bệnh nhân chọn phải xe cứu thương thuộc diện xe dù, và khi phải thanh toán tiền mới ngã ngửa ra vì chi phí lên tới tận nóc nhà.

Rồi cũng từ sự nhập nhằng này mà ra, các liên minh ma qủy bắt đầu lợi dụng vào hai chữ "ưu tiên" để hoành hành ở các bệnh viện. Sự lộng hành, đi kèm với đe doạ và cả sự nhắm mắt làm ngơ của chính các nhân viên của bệnh viện mới dẫn tới tình trạng những kẻ làm sai cảm thấy việc làm của mình là bình thường, bình thường quen thành ra nghĩ mình có lý, và cũng chính từ cái lý vô nhân tính ấy mà bảo vệ Bệnh viện nhi Trung ương mới dám cả gan mắng vào mặt người nhà nạn nhân rằng: "Chúng tao cứ làm thế đấy. Nếu sai, ngày mai chúng tao nghỉ việc".

Từ chiếc xe cứu thương, chúng ta nhận thấy rằng để chấn chỉnh không chỉ một mình ngành Y tế phải chịu trách nhiệm thực hiện mà ngay cả ngành GTVT cũng cùng phải tham gia. Đã đến lúc phải có quy định rõ ràng về kinh doanh vận tải cứu thương, từ chuyện trang trí bề ngoài của xe cứu thương dịch vụ bắt buộc phải theo một mẫu đăng ký, và mẫu này phải khác hẳn những xe cứu thương thuộc quản lý của các bệnh viện.

Thêm vào đó, phải giống như taxi, xe cứu thương dịch vụ buộc phải công khai giá cước, có lắp đặt đồng hồ báo cước theo đúng tiêu chuẩn, được kiểm định rõ ràng và minh bạch. Có như thế, vấn nạn móc nối với nhau để bảo vệ bệnh viện thay vì thực hiện công việc của mình lại tích cực trong việc làm cò xe, làm bảo kê mới được giải quyết một cách rốt ráo nhất.

Tất nhiên, lúc đó sẽ nảy sinh các biến chứng khác, mà đơn cử có thể sẽ có thông đồng của công ty dịch vụ vận chuyển cứu thương để đẩy xe tư nhân vào khoác áo xe bệnh viện. Nhưng ít ra, biến chứng ấy còn dễ được giải quyết hơn, khi đã có những sàng lọc bằng quy định cụ thể, và những thanh tra kiểm soát một cách gắt gao từ các đơn vị thực thi pháp luật.

Đó chính là những việc phải làm ngay. Vì đa số bệnh nhân hôm nay là dân nghèo hoặc có mức sống trung bình, phải căn cơ và họ không thể bị hành hạ mãi bởi những kẻ trục lợi vô nhân đạo như thế nữa. Và việc phải làm ngay ấy cũng tạo cho xã hội niềm tin rằng "không phải cứ ưu tiên là sẽ trở thành đặc quyền tư lợi cho một nhóm người cụ thể nào đó".

Hà Quang Minh
.
.
.