Trang phục dân tộc trên sân khấu biểu diễn ca nhạc : Nỗi lo phai sắc…

Thứ Ba, 18/10/2016, 08:02
Thành công của một tiết mục biểu diễn ca nhạc là sự hội tụ của nhiều yếu tố, trong đó có trang phục biểu diễn. Giống như “con dao hai lưỡi”, một trang phục đẹp, phù hợp với nội dung ca khúc sẽ giúp người nghệ sĩ tỏa sáng trên sân khấu và ngược lại. Một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay, không ít ca sĩ, thí sinh sử dụng trang phục biểu diễn không phù hợp và  đáng lo ngại hơn khi đó là những bộ trang phục dân tộc.


Tùy tiện trong sử dụng trang phục dân tộc

Khi thí sinh Khánh Linh, đội Đông Nhi, Ông Cao Thắng mặc trang phục dân tộc HMông hát ca khúc “Hồ trên núi” của nhạc sĩ Phó Đức Phương trong đêm liveshow 2, chương trình “Giọng hát Việt nhí” 2016 khiến tôi cảm thấy khá bất ngờ. Bỏ qua việc đánh giá giọng hát cũng như khả năng trình diễn chuyên nghiệp của Khánh Linh, tôi thắc mắc vì sao Ban Tổ chức lại cho cô bé mặc trang phục dân tộc HMông để thể hiện ca khúc này.

Theo những gì tôi được biết, “Hồ trên núi” là ca khúc mang âm hưởng dân gian vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam, đậm phong cách của nhạc sỹ Phó Đức Phương. “Hồ trên núi” được sáng tác vào năm 1971 cho một bộ phim tài liệu nghệ thuật. Ca khúc được “lấy cảm hứng” từ hồ Cẩm Sơn (Bắc Giang) với những ca từ rất đẹp như: “Núi (ư) núi, thuyền (ư) thuyền, mây (ư) mây, nước (ư) nước/Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi…”.

Đội của thí sinh Maya sử dụng trang phục dân tộc HMông khi biểu diễn ca khúc “Inh lả ơi” gây tranh cãi.

Một câu hỏi đặt ra là, vậy trang phục HMông mà Khánh Linh mặc thì có liên quan gì đến “Hồ trên núi”? Phải chăng khi nói đến “hồ” và “núi” tức là nói đến khu vực, địa bàn miền núi và khi nhìn thấy trang phục dân tộc HMông là người ta đã liên tưởng ngay đến miền núi?

Đây không phải là lần đầu tiên một tiết mục biểu diễn nghệ thuật sử dụng trang phục không phù hợp với ca khúc xuất hiện trên truyền hình. Qua theo dõi thì trang phục dễ bị nhầm lẫn nhất là trang phục của các dân tộc miền núi. Có thể do họa tiết, hoa văn trong trang phục của các dân tộc miền núi tương tự, na ná nhau nên mới dẫn đến sự nhầm lẫn đáng tiếc này?

Còn nhớ, trong trong chương trình “The Remix – Hòa âm ánh sáng” liveshow 4, chủ đề World Music lên sóng hồi đầu năm 2016, đội của thí sinh Maya đã sử dụng trang phục dân tộc HMông cho dàn diễn viên múa minh họa ca khúc “Inh lả ơi” của dân tộc Thái.

Cùng là những dân tộc sinh sống trên vùng núi cao nhưng xét về góc độ văn hóa, phong tục tập quán thì dân tộc Thái và dân tộc HMông có nhiều nét khác biệt. Không rõ ý đồ của đội Maya là gì nhưng dù lý giải thế nào cũng không thể biện minh được cho sự nhầm lẫn đáng tiếc về văn hóa này.

Người nghệ sỹ phải tôn trọng văn hóa dân tộc của từng vùng miền, không thể hòa trộn văn hóa các dân tộc một cách sống sượng, tùy tiện như vậy.

Vẫn còn không ít khán giả cảm thấy bức xúc khi nhắc lại chuyện nhóm nhạc FBand sử dụng “khăn piêu làm khố” trong một phần trình diễn khi tham gia cuộc thi “Nhân tố bí ẩn” năm 2014. Sau khi lên sóng, phần trình diễn tiết mục “Liên khúc cao nguyên” (gồm các ca khúc của hai nhạc sỹ Trần Tiến và Nguyễn Cường là “Ngọn lửa cao nguyên”, “Còn yêu nhau thì về Buôn Mê Thuột”, “Đôi mắt Pleiku”) của FBand đã bị “ném đá không thương tiếc” vì lỗi ngớ ngẩn về trang phục.

Để thể hiện đúng tinh thần các ca khúc, các thành viên của FBand đã mặc áo của người Tây Nguyên nhưng thay vì sử dụng chiếc chiếc khố của người Tây Nguyên, các thành viên lại “sáng tạo”, biến tấu chiếc khố từ chiếc khăn piêu đội đầu của phụ nữ Thái. Nhóm FBand đã phải lên tiếng xin lỗi về sự cố đáng tiếc này, đồng thời Ban Tổ chức chương trình cũng đã gửi lời xin lỗi tới khán giả.

Trang phục cách tân mà Hà Linh mặc khi trình diễn ca khúc “Người ở đừng về” bị đánh giá là không phù hợp, thậm chí là phản cảm.

Chưa hết, ca sĩ Hà Linh – quán quân Sao Mai dòng nhạc nhẹ năm 2007 cũng từng có bộ trang phục gây tranh cãi khi thể hiện ca khúc “Người ở đừng về” trên sân khấu “Bài hát yêu thích” năm 2014. Thể hiện ca khúc mang dân ca quan họ Bắc Ninh nhưng Hà Linh lại xuất hiện trong trang phục màu đỏ, “kín trên, hở dưới” với chiếc váy được xẻ khá cao rất phản cảm.

Một số khán giả cho rằng, trang phục mà Hà Linh mặc giống những bộ đồ trong phim cổ trang Trung Quốc. Dù ca khúc “Người ở đừng về” mà Hà Linh thể hiện được phối theo phong cách nhạc hiện đại – world music, nhưng “sự táo bạo” trong trang phục không ăn nhập gì với nội dung và tinh thần của ca khúc.

Hà Linh lên tiếng nói rằng, nếu nhìn kỹ, mọi người sẽ thấy, bộ trang phục mà cô mặc là trang phục của Nhà hát Tuồng Việt Nam chứ không phải trang phục của Trung Quốc như mọi người nghĩ. Khi đó, cố nghệ sỹ Hán Văn Tình là Trưởng đoàn biểu diễn 2, Nhà hát tuồng Việt Nam đã trả lời truyền thông, đại ý rằng, từ cổ chí kim, trang phục của Tuồng không bao giờ hở phần dưới như bộ đồ Hà Linh mặc. Phần dưới trong trang phục tuồng bao giờ cũng là váy. Nói trang phục mà Hà Linh mặc là của tuồng thì sẽ rất oan cho tuồng Việt Nam.

Giữ bản sắc dân tộc trong trang phục

Từ những ví dụ minh chứng ở phần trên có thể thấy rằng, không khó để “bắt lỗi” trang phục dân tộc trong các phần trình diễn của nghệ sỹ trên sân khấu Việt hiện nay. Có hai vấn đề liên quan đến trang phục nghệ thuật dân tộc cần phải bàn luận.

Thứ nhất, việc sử dụng trang phục dân tộc trong trình diễn nghệ thuật đôi khi tùy tiện, thiếu nguyên tắc. Trang phục của dân tộc nào thì chỉ nên được sử dụng để minh họa cho ca khúc mang âm hưởng của dân tộc đó. Bài hát của dân tộc Thái lại sử dụng trang phục của dân tộc HMông hay động tác múa, đạo cụ của dân tộc HMông để biểu diễn là điều không thể chấp nhận.

Thử đặt câu hỏi, liệu người dân tộc Thái, dân tộc HMông sẽ nghĩ gì khi xem màn trình diễn “râu ông nọ cắm cằm bà kia” như vậy. Thứ hai là vấn đề cách tân, sáng tạo trang phục dân tộc đôi khi bị “quá đà”, không phù hợp với nội dung ca khúc, gây phản cảm.

Nhiều tranh cãi xoay quanh việc bé Khánh Linh mặc trang phục dân tộc HMông biểu diễn ca khúc “Hồ trên núi” trên sân khấu “Giọng hát Việt nhí” 2016.

Xét cho cùng thì nghệ thuật là lĩnh vực của sáng tạo và những nhà thiết kế trang phục cũng phải luôn sáng tạo để cho ra đời những bộ trang phục đẹp mắt. Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống nhưng nó không hoàn toàn là cuộc sống mà đã được phản chiếu qua lăng kính của người nghệ sỹ.

Chính vì lẽ đó, không thể “bê nguyên” trang phục trong cuộc sống thường ngày lên sân khấu. Sự cách tân trang phục truyền thống trên sân khấu là việc cần phải làm. Tuy nhiên, sự sáng tạo, cách tân trang phục truyền thống ra sao lại phụ thuộc vào tài năng, vốn kiến thức văn hóa nền tảng của nhà thiết kế. Trang phục mới phải giữ được bản sắc riêng của trang phục truyền thống nhưng được sáng tạo để phù hợp với hoàn cảnh.

Bản sắc dân tộc ở đây có thể là “hồn cốt”, họa tiết, hoa văn hay đặc trưng rất riêng biệt trong trang phục của dân tộc. Thật đáng buồn khi nhìn vào những trang phục thiết kế, cách tân mà không hiểu là trang phục của dân tộc nào. Yếu tố bản sắc cần phải được tôn trọng và là nguyên tắc “bất di, bất dịch” trong sáng tạo trang phục dân tộc.

Như phần trên đã trình bày, trang phục góp phần không nhỏ cho sự thành công của một tiết mục biểu diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác, trang phục dân tộc thể hiện hồn cốt, bề dày văn hóa của mỗi dân tộc nên sự thành công trong thiết kế trang phục dân tộc còn góp phần vào việc gìn giữ bản sắc văn hóa. Điều này đòi hỏi cái nhìn cẩn trọng và đúng mực hơn về ý nghĩa, giá trị của việc sử dụng đúng trang phục dân tộc, cũng như việc cách tân, sáng tạo trang phục biểu diễn trên nền chất liệu trang phục dân tộc.

Trong bối cảnh toàn cần hóa như hiện nay, việc giữ gìn bản sắc dân tộc đặt ra vô cùng cấp bách và trang phục dân tộc cũng không nằm ngoài thực tế đó.

Tường Phạm
.
.
.