Táo quân VTV: Dừng lại hay đổi mới để đáp ứng sự kỳ vọng của khán giả?

Thứ Sáu, 02/03/2018, 08:04
Có lẽ, chưa bao giờ, chương trình Táo Quân của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) lại vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của công chúng như năm nay...


Có ý kiến cho rằng, Táo Quân 2018 là chương trình nhạt nhất trong 15 năm qua và đã đến thời điểm khép lại chương trình. Dư luận càng "nóng" hơn khi mới đây, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (ICS- cộng đồng những người đồng tính) đã có thư ngỏ gửi đến Đài Truyền hình Việt Nam và Ban Biên tập chương trình để phản đối chương trình này

Ngay từ những chương trình Táo Quân mùa đầu tiên, vấn đề giới tính của Bắc Đẩu (do diễn viên Công Lý thủ vai) đã trở thành trung tâm châm chọc của Nam Tào và các Táo. Sự chua ngoa, đanh đá trong tính cách của Bắc Đẩu đã giúp chương trình sôi động, hài hước, đồng thời là nhân vật khơi gợi, "chọc" đúng vào những vấn đề bức xúc trong xã hội mà công chúng quan tâm. 

Bắc Đẩu là tuyến nhân vật trung tâm, kết nối mạch kịch bản trong Táo Quân. Tuy nhiên, tạo hình Bắc Đẩu và những lời chỉ trích nặng nề của Nam Tào và các Táo về vẻ bề ngoài của nhân vật này bị đánh giá là "quá đà", như giọt nước làm tràn ly khiến dư luận bức xúc.

Những lời chỉ trích của Nam Tào và các Táo về nhân vật "cô Đẩu" trong Táo Quân 2018 vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận.

Trong chương trình Táo Quân 2018, Bắc Đẩu bị chỉ trích, chêu trọc với những lời lẽ như "trông như con cave già chuyển giới hỏng", "nam không ra nam, nữ không ra nữ", "con chi sống trên trời không phải nữ cũng chẳng phải nam", "bọn phụ nữ một nửa"…

Trong thư ngỏ gửi đến Đài truyền hình Việt Nam, iSEE và ICS bày tỏ sự bức xúc, không đồng tình khi chương trình Táo Quân 2018 liên tục đưa ra những thông tin sai lệch, xúc phạm cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT). Theo đó, trong nhiều năm liền, cộng đồng người LGBT luôn là đối tượng bị chương trình "Gặp nhau cuối năm" mang ra làm trò cười, đưa thông tin sai lệch, thậm chí xúc phạm với ngôn từ tệ hại.

iSEE và ICS phản đối việc sử dụng những từ ngữ miệt thị công khai làm tổn thương những thành viên của cộng đồng LGBT chỉ đặc điểm cơ thể của họ, cũng như làm khắc sâu thêm những định kiến và phân biệt đối xử trong xã hội với nhóm cộng đồng này. "Chúng tôi đồng ý cuộc sống luôn cần sự hài hước và tiếng cười, chương trình giải trí trên truyền hình là cần thiết; nhưng chúng tôi không cho rằng, miệt thị người khác, làm tổn thương cộng đồng yếu thế là sự hài hước và nhân văn", một đoạn trong thư ngỏ của iSEE và ICS gửi đến Đài truyền hình Việt Nam viết.

Bức thư ngỏ của iSEE và ICS về chương trình Táo Quân 2018 ngay lập tức gây nên những luồng dư luận trái chiều. Nhiều người cho rằng, vai diễn "cô Đẩu" được chương trình, diễn viên Công Lý xây dựng như vậy trong suốt 15 năm qua nhưng tại sao đến thời điểm này mới bị phản ứng? Phải chăng, do iSEE và ICS cũng như những người thuộc cộng đồng LGBT đã quá "nhạy cảm" với những lời nói chỉ đơn thuần để tạo tiếng cười?. Những người theo quan điểm này cho rằng, không nên đặt vấn đề hay tranh cãi về việc Táo Quân xúc phạm cộng đồng LGBT.

Tuy nhiên, phần lớn khán giả cho rằng, những lời nói "đụng chạm" đến cộng đồng LGBT như trong Táo Quân 2018 là những "hạt sạn" lớn, không nên xuất hiện trên Đài truyền hình quốc gia với phạm vi phủ sóng toàn quốc. Bên cạnh đó, Táo Quân là "thương hiệu" của VTV, được đông đảo khán giả yên mến nên có số lượng người xem lớn, thuộc mọi thành phần, lứa tuổi khác nhau. Đồng thời, khán giả mong muốn Táo Quân sẽ được biên tập một cách cẩn thận, kỹ lưỡng hơn với giới LGBT qua hình tượng Bắc Đẩu.

Chia sẻ với báo giới, "Nữ hoàng chuyển giới" Lâm Khánh Chi cho rằng, hình tượng Bắc Đẩu được xây dựng không giống với những người thuộc cộng đồng LGBT. Những người thuộc cộng đồng này không lố lăng, thô thiển hay đanh đá, điêu ngoa, mê trai, hám tình dục… Kể cả cách ăn mặc từ trang phục, đầu tóc, trang điểm tới hành động, nói năng đều không phản cảm như Táo Quân phản ánh. Những người thuộc cộng đồng LGBT nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước thái độ ứng xử, lời nói của người khác. Có những chi tiết tưởng như bình thường với khán giả nhưng nó lại ảnh hưởng đến cảm xúc, tinh thần của cộng đồng LGBT.

Tôi cho rằng, Táo Quân là một chương trình hài kịch, nhìn nhận các vấn đề xã hội dưới góc nhìn hài hước, châm biếm. Việc Táo Quân xây dựng nhân vật Bắc Đẩu với tính cách chua ngoa, đanh đá để tạo tiếng cười và "đất diễn" riêng cho nhân vật không có gì là sai hay đáng lên án. Cử chỉ, điệu bộ của Bắc Đẩu có thể bị "làm quá", "cường điệu hóa" trên sân khấu để gây cười - điều này có thể chấp nhận vì tính chất của hài kịch. Tuy nhiên, những lời nói mang tính chỉ trích trực diện đến những người thuộc giới tính thứ ba thì không nên và không thể chấp nhận.

Chương trình Táo Quân cần không ngừng đổi mới, sáng tạo để đáp ứng sự yêu mến và kỳ vọng của khán giả.

Nhìn rộng ra các chương trình hài kịch xuất hiện trên truyền hình, có thể thấy rằng, việc xây dựng các nhân vật thường được gọi là "ái nam ái nữ" không hiếm. Các nhân vật này gây cười bằng cách trang điểm, trang phục lòe loẹt, hành động, cử chỉ, điệu bộ ẻo lả… Xét ở góc độ nào đó, những hình ảnh này cũng mang đến cái nhìn không chân thực về cộng đồng LGBT nhưng không bị dư luận chỉ trích nặng nề là do có chừng mực và giới hạn nhất định.

Quay trở lại Táo Quân 2018, không ít người cho rằng, Táo năm nay là "chương trình nhạt thế kỷ" và nên dừng lại hoặc cần đổi mới, "thay máu" để chương trình hấp dẫn, lôi cuốn khán giả hơn. Đánh giá một cách khách quan thì Táo Quân 2018 vẫn giữ được phong cách của mình. Hàng loạt vấn đề nóng trong năm 2017 được để cập trong chương trình từ bán thuốc ung thư dỏm, việc bổ nhiệm con ông cháu cha, thu phí cầu đường, tranh ghế giành quyền đến cải cách tiếng Việt, trào lưu sống ảo, thi hoa hậu…

Ê kip sản xuất chương trình đã rất nỗ lực để đổi mới, thay vì để các Táo lần lượt báo cáo tình hình như mọi năm, một chương trình trình diễn thời trang và trò chơi đã diễn ra trên sân khấu. Qua trang phục của các Táo và trò chơi, những vấn đề nóng trong năm được mổ xẻ và bàn luận. Một số tuyến nhân vật mới cũng đã được đưa vào sân khấu Táo Quân 2018. Tuy nhiên, việc phải thực hiện quá nhiều "sứ mệnh", vừa phải "điểm" hàng loạt vấn đề chính trị mà công chúng quan tâm, vừa phải tạo tiếng cười nên Táo Quân 2018 bị dàn trải, thiếu điểm nhấn. Các vấn đề được "điểm" một cách vội vàng, thiếu chiều sâu nên tiếng cười cũng trở nên nhạt nhẽo.

Một câu hỏi đặt ra là, sau 15 năm đồng hành cùng khán giả, có nên dừng Táo Quân hay không? Nói gì thì nói, Táo Quân đã trở thành một "đặc sản" của VTV, là "món ăn" mà rất nhiều khán giả Việt mong chờ vào đêm giao thừa. Trong rất nhiều chương trình hài kịch xuất hiện trên sóng truyền hình thời gian gần đây, Táo Quân của VTV vẫn có được tiếng nói riêng, lên án các vấn đề nổi cộm trong xã hội dưới góc nhìn nghệ thuật. Đây là những tiếng nói phản biện xã hội mà công chúng rất mong chờ. Để tạo được tiếng cười trong Táo Quân không hề đơn giản vì khó tìm "cảm hứng", gây cười từ các vấn đề chính luận. Tuy nhiên, đó lại là tiếng cười rất có ý nghĩa, thâm thúy và sâu sắc.

15 năm là chặng đường không hề ngắn cho một chương trình truyền hình. Chặng đường đó ghi dấu kết quả sự nỗ lực của ekip sản xuất, các nghệ sỹ hài khắp hai miền Nam, Bắc. Sự yêu mến và kỳ vọng của khán giả về Táo Quân là rất lớn. 

Nghệ thuật là lĩnh vực của sáng tạo và chỉ có sự sáng tạo, đổi mới không ngừng, Táo Quân mới đáp ứng được sự mong mỏi của khán giả. Táo Quân không nên dừng lại mà có thể phát triển theo một hướng khác. Đó có thể là một format Táo Quân tươi mới, đa dạng về cách thức thể hiện hơn. "Lột xác" bằng dàn diễn viên Táo Quân mới cũng là cách để chương trình không bị nhàm chán.

Tường Phạm
.
.
.