Sức trẻ ở mũi tàu tổ quốc

Thứ Năm, 28/01/2021, 11:20
Làn gió mát thốc vào bàn nước trong khuôn viên ủy ban xã, nơi mấy chàng trai mặt búng ra sữa đang râm ran nói cười. Bữa nay các bạn trẻ này từ dưới ấp lên khám tuyển nghĩa vụ quân sự, đã vượt qua khúc đầu, giờ tập trung tại xã đợi xe đưa lên huyện kiểm tra sức khỏe vòng tiếp theo.


Hỏi nếu trúng tuyển có đi bộ đội không, tất cả đều rổn rảng: Đi chớ, đi ra khỏi Đất Mũi xem Tổ quốc mình bao la rộng dài ra sao, hết mấy năm rồi lại quay về tiếp tục dựng xây Đất Mũi, để nơi "đất biết nở, rừng biết đi và biển sinh sôi" ngày ngày giàu thêm, đẹp thêm, thu hút được thêm thật nhiều khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới tìm về...

Bước chuyển mình mạnh mẽ

Từ thành phố Cà Mau về Đất Mũi hơn 100km vài năm lại đây không còn cảnh đò giang cách trở, đường Hồ Chí Minh mở xuyên qua Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau dọc hai bên miết mải một màu xanh của đước, chạy thẳng tuột về tận điểm cuối. 

Người xưa từng ca: "Mắm trước, đước sau, tràm theo sát" với ý tôn vinh ba loài cây đóng vai trò tiên phong trong lấn biển, giữ đất. Trong nhịp sống hiện đại, con người cùng ý chí và nỗ lực vươn lên, đã nhìn thấy những chuyển biến mạnh mẽ ở rẻo đất cuối trời Tổ quốc này.

Lực lượng kiểm lâm chuẩn bị tuần tra biển.

Đứng trên tháp cao nhất của Cột cờ Hà Nội, phóng tầm mắt nhìn ra mênh mang Biển Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) Bùi Thanh Thương tươi rói: "Hai năm nay người dân Đất Mũi bắt đầu nhen nhóm làm du lịch. Dự án du lịch mở ra, tỉnh quy hoạch lại khoảng 58 hộ dân, làm đường, hỗ trợ làm nhà theo kiểu mẫu. Các hộ dân được vay vốn, chuyển hướng sang phục vụ khách du lịch. Toàn bộ khu vực này giờ là làng nghề của Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Cột cờ Đất Mũi mô phỏng theo đúng thiết kế của Cột cờ Hà Nội, khởi công xây dựng năm 2016 và khánh thành năm 2019, cùng với mốc Tọa độ số 0 và điểm cuối của đường Hồ Chí Minh trên đất liền, được coi lá biểu tượng của Đất Mũi Cà Mau".

Cận Tết con trâu, lùi lại đằng sau những khó khăn vất vả của một năm luôn phải cảnh giác phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, bà con ấp Mũi sửa soạn thêm những món hàng hóa chuẩn bị cho những lượt khách du lịch đến đông hơn thường lệ. Năm nay gió chướng về sớm, dân được mùa cá khoai. Mùa khô Tết rộn rịp suốt cả tháng ở khu làng nghề Đất Mũi. 

Ông Bùi Thanh Thương chậm rãi: Câu chuyện thích ứng với biển chính bà con sống ở đây thấm thía, thông suốt hơn bất kỳ ai. Con người không thể đương đầu mà chỉ thuận theo tự nhiên để sống. Biển xâm thực, xói lở, nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày một cạn kiệt. Người dân không thể đánh bắt tôm cá theo hướng tận diệt được. Để có hướng sinh kế bền vững, chuyển đổi là cần thiết, và cần có thời gian để người dân thích nghi. Từ công việc khai thác đánh bắt thủy hải sản đến việc cung cấp dịch vụ và các sản phẩm du lịch, đó là cả quá trình cố gắng nỗ lực của chính quyền và người dân.

Đất Mũi triển khai nhiều dự án phát triển du lịch, tạo điều kiện tốt nhất cho du khách khắp nơi đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng, chiêm ngưỡng khung cảnh kỳ thú ở rừng ngập mặn U Minh Hạ, thưởng thức các món đặc sản Cà Mau, đón gió biển Đông, biển Tây, đắm mình vào đời sống bản địa, vui chơi khám phá và... tiêu tiền. 

Đồng lòng đồng sức, vừa làm, vừa học hỏi, nắn chỉnh bà con tròn vai với công việc mới. Du lịch sinh thái cộng đồng là một trong những hướng phát triển nhiều tiềm năng. Các tuyến tham quan xuyên rừng đã đi vào hoạt động. Các dịch vụ đi kèm như trải nghiệm cuộc sống sông nước mang đậm tính bản địa, thưởng thức đặc sản Cà Mau, dịch vụ lưu trú cho du khách nghỉ chân để đón bình minh và hoàng hôn ở Đất Mũi... Chân chất, thật thà mà có duyên, đến cách làm du lịch của người Đất Mũi cũng đậm đà ấm áp.

Bữa trưa Đất Mũi rặt đặc sản chỉ nơi này mới có: cá thòi lòi (còn gọi cá leo cây vì hay leo lên rễ cây đước), cá nâu kho trái giác, canh cá dưa chua bồn bồn, đọt choại xào tỏi... Đến Cà Mau bữa ăn nào cũng thấy ngon, khách không bị cảm giác hay gặp phải là thèm cơm nhà. 

Người Đất Mũi văn minh, dân công sở không có tình trạng bia rượu trong bữa trưa. Buổi tối, trót nhỡ uống một chút hơi men, nhà hàng luôn sẵn người lái xe đưa thực khách về tận nhà. Chạy trên kênh rạch, dù có vội đến mấy đi nữa, gặp tàu thuyền đi ngược hay xuôi chiều họ đều giảm tốc, tránh ảnh hưởng xấu đến bạn thuyền.

Một góc khu vực Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà vốn quê ở Bắc Giang, từng sống ở nhiều nơi. Rồi như là duyên phận, chị neo đậu lại với mảnh đất tận cùng Tổ quốc này. Yêu quý nâng niu các món ăn dân dã, bốn năm trước, chị mở cơ sở sản xuất chế biến thủy hải sản lấy tên Xưởng Nhan Sắc. 

Tha thiết yêu cuộc sống ở đất này, Hà viết nhiều về Cà Mau, con người, món ăn, những câu chuyện giản dị thấm đẫm hương vị cuộc sống miệt sông nước. Những trang viết đắm đuối yêu thương, như tên một cuốn sách mới xuất bản của chị "Ở Cà Mau mà lại nhớ Cà Mau"...

Thắm thiết tình quân dân

Tầm trưa một ngày đầu tháng sáu, vừa đi xuống ấp về chưa kịp bỏ mũ, Thiếu tá Huỳnh Văn Bảo, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đất Mũi bỗng nghe có tiếng phụ nữ khóc lu loa từ ngoài cổng: "Cứu chồng em với các anh ơi, chồng em đi biển bị sóng đánh chìm xuồng rồi!". 

Qua hệ thống thông tin liên lạc, đơn vị phát ngay thông báo đến các phương tiện đang hoạt động gần khu vực có người bị nạn cần hỗ trợ tìm kiếm; đồng thời cử 9 cán bộ, chiến sĩ cùng 20 ngư dân dày dạn kinh nghiệm sử dụng các phương tiện ra biển ứng cứu. 

May mắn, sau ba giờ đồng hồ nỗ lực tìm kiếm, nạn nhân đã được cứu vớt, đưa về đồn chăm sóc ổn định trước khi trở về gia đình. Người dân trong ấp vẫn nhắc mãi hình ảnh chị Lê Trầm Chị- vợ người bị nạn, đến "ăn vạ" các anh bộ đội hôm đó.

Đồn Biên phòng Đất Mũi đóng ngay trong khu dân cư hai bên sông Rạch Tàu. Dân cư chủ yếu sống nương nhờ vào biển. Không phải lúc nào cũng mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng. Cuộc sống bấp bênh rủi ro trên biển khó lường. Có đồn biên phòng đóng cạnh, dân gặp khó khăn không cứ trên biển, ốm đau trái gió trở trời đều gọi đến các anh quân y. 

Ở rẻo đất này, tình quân dân không màu mè kiểu cách, mà luôn hiển hiện chân chất đặm đà như món mắm Ba Khía trong bữa cơm hàng ngày của người dân nơi đây vậy...

Đất Mũi, nơi ba bề giáp biển, từ trung tâm xã tới các ấp xa cũng tròm trèm 20km, đường đi lối lại không hẳn hoàn toàn thuận tiện, đã có cuộc chuyển mình ngoạn mục về an ninh trật tự. Vốn là địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng, mảnh đất này luôn có sự hiện diện của các chiến sĩ lực lượng vũ trang. Cả xã Đất Mũi hơn 12 nghìn dân nhưng có thời điểm mỗi ngày dễ đến hơn 10 nghìn lao động tự do các nơi đổ về cào nghêu kiếm sống. 

Thiếu tá Huỳnh Thanh Trung, Trưởng Công an xã Đất Mũi nhớ lại: Trước đây tình hình các bãi nghêu rất phức tạp. Có quãng thời gian cả vạn  người tứ xứ tìm đường ra bãi bồi khai thác nghêu giống bán cho người cũng tứ xứ mua để vèo (nuôi). Khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, các hợp tác xã nuôi trồng nghêu được thành lập, đất biển cũng được giao cho người dân chăm sóc, bãi nghêu bớt dần các hoạt động tự phát, an ninh trật tự từ đó cũng được vãn hồi. 

Kể từ khi lực lượng Công an chính quy về Đất Mũi, theo đề án đưa lực lượng chính quy về xã của Bộ Công an, người dân đã quen dần với hình ảnh các anh công an mặc sắc phục, luôn sâu sát với cuộc sống thường ngày của bà con. Chăm lo làm ăn, đời sống nhân dân khấm khá thấy rõ. Phó Chủ tịch xã Bùi Thanh Thương hồ hởi: So với đầu nhiệm kì, số hộ nghèo của xã đã giảm rõ rệt, giờ chỉ còn chưa đầy 2%. 

Thiếu tá Huỳnh Thanh Trung tiếp lời: Thực ra do nếp sinh hoạt đã thành tập quán, người dân nơi đây không có thói quen dành dụm, tích lũy nên không giàu, chứ thu nhập thực tế của bà con khá cao. Gia đình nào biết tiết kiệm, kinh tế rất vững. Ở Đất Mũi, một học sinh mười mấy tuổi, ngày nghỉ học xách cái phèo ra biển vào rừng bắt ốc len, bắt cua, bắt cá thòi lòi... bán cũng kiếm vài ba trăm nghìn đồng.

Là người gốc Bạc Liêu công tác ở Đất Mũi từ lâu, hơn ai hết Thiếu tá Huỳnh Thanh Trung nhận ra sự thay da đổi thịt của vùng đất đặc biệt này. Năm 2016, cầu Năm Căn được khánh thành kéo theo hàng loạt cây cầu nhỏ cũng hoàn thiện, nối liền Đất Mũi với thành phố Cà Mau. 

Thời gian mới vài năm trước, mà ngỡ đã rất xa xăm, từ đơn vị về thị trấn Năm Căn họp, Trung phải đi cả ngày đường, gửi xe máy rồi tàu ghe tăng bo nhiều điểm, chả bù cho giờ vè vè chạy xe vài chục phút là tới nơi. 

Cầu Năm Căn dài nhất Cà Mau, bắc qua sông Cửa Lớn - khát vọng ngàn đời của người dân Đất Mũi đã tượng hình, giúp chắp thêm đôi cánh cho tuổi trẻ thỏa sức bay xa.

Sen Hiền
.
.
.