Quảng cáo trong MV: Quá đà và lộ liễu

Thứ Sáu, 15/11/2019, 08:03
Có người nói đùa: Bây giờ, xem một MV ca nhạc mà không phát hiện ra nhãn hàng nào thì mừng còn hơn bắt được vàng! Biết là kinh tế khó khăn, làm MV lắm tốn kém, thế nhưng không thể vì thế mà ca sĩ lồng ghép quảng cáo một cách sống sượng, vô tội vạ trong MV, mặc kệ cảm xúc khán giả.


Một thương hiệu chuyên về giao hàng online đang càn quét gần hết các MV nổi đình nổi đám. Từ những MV có bối cảnh hiện đại như "Ai cần ai" của ca sĩ Bảo Anh, "Chạm đáy nỗi đau" của Erik, "Sáng mắt chưa" của Trúc Nhân, "Nghe nói anh sắp kết hôn" của Văn Mai Hương, "Đừng yêu nữa, em mệt rồi" của Min… đến các MV mang màu sắc chân quê như "Sóng gió", "Bạc phận" của Jack… đều có mặt nhãn hàng này.

Người ta phì cười khi bất cứ thứ gì hãng này cũng giao được: từ sách báo, quần áo, tivi đến nhẫn đính hôn, con dao, trái cây... Thậm chí, nhân viên còn chèo xuồng đến tận nơi thâm sơn cùng cốc giao hàng cho khách.

Kinh hãi hơn, các thương hiệu của thời hiện đại còn xuyên không về thời phong kiến! Cụ thể, trong MV "Hết thương, cạn nhớ" của Đức Phúc (khai thác bối cảnh làng Vũ Đại với câu chuyện Chí Phèo), "Anh ơi ở lại" của Chi Pu (chuyện Tấm Cám), "Lạc trôi" của Sơn Tùng đều có người giao vòng tay, ấm tách hoặc nhân vật dùng sản phẩm tân thời.

Ngay cả MV cổ trang như "Anh ơi ở lại" cũng dành nhiều cảnh cho quảng cáo.

Logo nhãn hàng vốn chỉ hợp trong thời đại số lại được tô vẽ cách điệu theo kiểu xưa cũ để ráng dung hòa với bối cảnh cổ phong của MV. Tuy nhiên, các pha cài cắm này đều vụng về, khiên cưỡng với nhịp bài hát và nội dung khiến người xem vô cùng khó chịu.

Trong MV "Tình nhân ơi" có cảnh cô gái thất tình dìm mình trong bồn tắm. Và để quên đời thì cô gái uống hết một thùng... nước ngọt! Đương nhiên đây là nhãn hàng tài trợ cho MV nên ống kính phải zoom cận vỏ lon.

Chi tiết này bị nhiều người nhận xét là phi lý đến buồn cười. Một cô gái vẻ giang hồ, phớt đời nhưng khi sầu tình lại uống nước ngọt có gì đó sai sai. Tuy nhiên, cách lồng quảng cáo này cũng không lộ liễu và đáng lên án bằng chiêu quảng cáo rượu trong MV "Cảm ơn cha" mà ca sĩ Hồ Ngọc Hà thực hiện cách đây vài năm. Bởi rượu nằm trong danh mục cấm quảng cáo.

Các mặt hàng như điện thoại, máy tính, giày dép, mỹ phẩm... cũng xuất hiện nhan nhản. Có khán giả bảo rằng họ thà nghe bản audio "Phía sau một cô gái" còn hơn là xem MV.  Xem MV, họ liên tục phải chứng kiến cảnh chiếc smartphone liên tục choáng khung hình và được Soobin Hoàng Sơn nhiệt tình thử các chức năng.

Trong khi đó, những gì liên quan đến chiếc điện thoại không ăn nhập với nội dung MV. Tương tự, hãng điện thoại do Tóc Tiên làm đại sứ thương hiệu liên tục chiếm phần lớn thời lượng MV "Như vậy mãi thôi". Ngập tràn ca khúc là cảnh Noo Phước Thịnh và Tóc Tiên thi nhau chụp hình selfie, nhấn báo thức, xem hình quá khứ... Trong MV "Chậm là ế", ống kính zoom cận cảnh và dừng lại khá lâu trước bộ mỹ phẩm mà Bảo Thy sử dụng.

Điểm lại, hầu như MV nổi tiếng nào của làng nhạc Việt cũng "dính" quảng cáo.  "Âm thầm bên em", "Hãy trao cho anh", "Nơi này có anh" của Sơn Tùng quảng cáo giày, game online, điện thoại, nước ngọt...; "Em muốn anh đưa em về", "Gửi người yêu cũ" của Hồ Ngọc Hà quảng cáo cho một thương hiệu điện thoại. Không chỉ giới mainstream (dòng chính thống), ngay cả Đen Vâu - một rapper đình đám của giới underground (dòng chảy ngầm) - vốn trung thành với các MV không có tính chất thương mại, giờ đây cũng gật đầu nhận nguồn tài trợ.

Theo thống kê của YouTube, tại Việt Nam, người dùng chi trung bình 100 phút/ ngày để xem nội dung giải trí. Con số này đưa nước ta trở thành một trong những thị trường mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.  Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng: "Trong thời đại các kênh trực tuyến phát triển, đặc biệt là YouTube, MV trở thành "át chủ bài" của ca sĩ.

MV "Tình nhân ơi" bị khán giả phản ứng vì kiểu lồng quảng cáo khiên cưỡng.

Ca khúc nhanh chóng lan tỏa hơn khi nội dung MV được đầu tư chỉn chu, hấp dẫn, độc đáo. Khán giả cũng khoái xem MV hơn là nghe bản audio vì vừa được mãn nhãn, mãn nhĩ". Làng nhạc Việt sở hữu hàng loạt MV trăm triệu view, đặc biệt có MV bứt phá lên mốc 200 triệu view như "Nơi này có anh", "Bống bống bang bang", "Hãy trao cho anh", "Bùa yêu"...

Đây chính là điều hấp dẫn các doanh nghiệp. So với những clip quảng cáo dễ bị khán giả ấn nút bỏ qua thì việc lồng logo thương hiệu hoặc quảng bá sản phẩm trong nội dung MV xem ra hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều. Thông thường, người hâm mộ (nhất là lớp trẻ) học hỏi theo thần tượng từ kiểu ăn mặc, đi chơi, cách hành xử, cách chọn lựa sản phẩm... Do đó, thần tượng dùng gì, đi chơi ở đâu, hãng nào cũng đều được fan truy lùng ráo riết và bắt chước theo. Đặc biệt, lồng quảng cáo trong MV, dù khán giả không muốn xem cũng bị buộc phải xem.

Riêng với nghệ sĩ, trong cuộc chạy đua đẳng cấp MV, kinh phí đầu tư là con số không hề nhỏ. Nghệ sĩ khó có thể bỏ tiền túi ra mà kham nổi. Mức đầu tư cho một MV trung bình khoảng 1 tỷ đồng. Với những MV hoành tráng, áp dụng công nghệ hiện đại, tạo hình cổ trang, quay tại nước ngoài hay mời các nghệ sĩ quốc tế nổi tiếng góp mặt thì mức phí cứ thế đội lên chóng mặt.

Chuyện làm MV lên tới 10 - 15 tỷ không còn là điều xa lạ. Do đó, họ rất cần nhà tài trợ. Nói như rapper Đen Vâu trong MV "Bài này chill phết" - sản phẩm đầu tiên anh nhận quảng bá cho một thương hiệu: "Bài hát này đã có quảng cáo, không có tiền làm nhạc làm sao?".

Phải thừa nhận rằng mối quan hệ giữa nhãn hàng và nghệ sĩ là mối quan hệ cộng sinh, đôi bên đều có lợi. Song một đạo diễn chuyên đảm nhiệm dàn dựng MV thật thà bật mí: số tiền tài trợ càng nhiều đồng nghĩa với việc nghệ sĩ càng phải ngoan ngoãn nghe theo nhà tài trợ. Quyền chi phối của họ tăng dần tương ứng với số tiền bỏ ra.

Do đó, không ít MV sặc mùi thương mại, không khác gì sản phẩm quảng cáo trá hình. Âm nhạc, chất lượng nghệ thuật đọng lại thì ít mà toàn thấy hình ảnh thương hiệu. Tệ hại hơn, phía nhãn hàng không am hiểu nghệ thuật, không am hiểu nội dung MV mà cứ muốn đạo diễn, nghệ sĩ phải nhét càng nhiều hình ảnh của thương hiệu càng tốt khiến cho mạch MV bị đứt, gượng gạo, khiên cưỡng.

Thời gian gần đây, số lượng MV ca nhạc bùng nổ kéo theo sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu. Từ đó, quảng cáo trong MV bị lạm dụng quá đà và ngày càng lộ liễu. Có cảm tưởng khán giả là người lãnh đủ khi bị buộc phải thưởng thức món ăn vấp sạn. Thế nhưng chính bản thân nghệ sĩ và nhãn hàng cũng lãnh hậu quả. Công chúng khó chịu, tẩy chay khiến chiêu quảng cáo phản tác dụng, còn nghệ sĩ thì bị khán giả coi thường, mất niềm tin.

Thực tế, có không ít ca sĩ vẫn hoàn thành nghĩa vụ với nhà tài trợ, vừa giữ được cá tính nghệ thuật khi làm MV. Đó là "quảng cáo như không quảng cáo". Đây là điều mà ekip Sơn Tùng, Đen Vâu, Mỹ Tâm, Bích Phương... đã làm rất khéo léo và tinh tế. Trong loạt MV như "Nơi này có anh" (Sơn Tùng), "Em thì không" (Mỹ Tâm), "Bài này chill phết" (Đen Vâu), "Đi đu đưa đi" (Bích Phương)..., khán giả phải chú ý lắm mới nhận ra thần tượng đang quảng cáo cho một thương hiệu cụ thể. Bởi thời gian để các sản phẩm này xuất hiện khá nhanh và lồng hợp lý trong hoạt động của nhân vật.

Để làm được điều này, tất cả phụ thuộc vào tay nghề, bản lĩnh và sự chỉn chu, tỉ mỉ của ekip. Họ phải nghiên cứu kỹ lưỡng để xem nhãn hàng phù hợp với kiểu lồng ghép thế nào sao cho có duyên, logic với mạch câu chuyện. 

Còn nếu đặt để kiểu gì mà sản phẩm của doanh nghiệp vẫn trật khớp với nội dung MV thì nghệ sĩ sẽ đặt nó thành mẩu quảng cáo bắt buộc đi kèm trước MV, hoặc chạy logo nhãn hàng trong phần giới thiệu đầu và cuối ca khúc. Cách làm này được đông đảo khán giả ủng hộ vì nó không làm mất chất lượng nghệ thuật của MV, vừa tri ân được nhãn hàng. Đáng buồn là số nghệ sĩ làm được như thế quả rất khiêm tốn.

Phan Thi Uyên
.
.
.