Những dấu ấn văn hóa của "năm COVID 2020"

Thứ Năm, 31/12/2020, 13:23
Năm 2020 là một năm quá nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong đó văn hóa cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề khi các hoạt động văn hóa nghệ thuật dường như bị "đóng băng". Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực đáng kể của ngành văn hóa cũng như các cá nhân văn nghệ sĩ, năm 2020 vẫn để lại những dấu ấn văn hóa khá đặc biệt.


Hãy cùng Văn nghệ Công an điểm lại những sự kiện, dấu ấn văn hóa tiêu biểu trong "năm COVID 2020".

1. Nhiều ca khúc về dịch COVID-19 gây chú ý

Trong số đó có thể kể đến các ca khúc nổi bật như "Đôi mắt nCoV" (Sa Huỳnh), "Đại dịch corona" (Vũ Minh Vương), "Việt Nam ơi! Đánh bay COVID" (Minh Beta), "Tiêu diệt corona" (Xẩm Hà Thành), "Cùng bé đánh giặc Corona" (Nguyễn Mai Long và Kiều Anh Tuấn), "Ông bà anh thời COVID -19" (Lê Thiện Hiếu)… 

Đặc biệt ca khúc "Ghen Co Vy" do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường của Bộ Y tế hợp tác với nhạc sĩ Khắc Hưng, hai ca sĩ Min, Erik và vũ công Quang Đăng thực hiện trong một dự án truyền thông nhằm chung tay đẩy lùi dịch bệnh đã trở nên nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn tạo ra ảnh hưởng tại nhiều nước trên thế giới. 

"Ghen Co Vy" đã xuất hiện trên các kênh truyền thông lớn như chương trình "Last Week Tonight" trên HBO (một trong những show truyền hình có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Mỹ), Tạp chí âm nhạc lớn nhất nước Mỹ "Billboard", đài truyền hình BFMtv của Pháp... 

Ca khúc và vũ điệu của "Ghen Co Vy" cũng được trẻ em tại nhiều nước trên thế giới yêu thích, tạo được ảnh hưởng tích cực trong việc truyền thông điệp rửa tay nhiều lần trong ngày để phòng chống virus Corona.

2. Hội sách trực tuyến quốc gia

Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên Hội sách chào mừng "Ngày sách Việt Nam 21-4" hàng năm đã nhanh chóng được chuyển đổi hình thức thành "Hội sách trực tuyến quốc gia" diễn ra trong vòng 1 tháng (từ ngày 19-4 đến ngày 20-5) trên sàn Book365.vn. 

Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 đã thu hút 49 đơn vị xuất bản tham gia gồm 24 nhà xuất bản và 25 công ty phát hành sách  trên cả nước, với số lượng sách giới thiệu khoảng 10.000 đầu sách in và tiếp cận kho sách điện tử đến 10.000 đầu sách. 

Bên cạnh đó, Hội sách còn tổ chức nhiều sự kiện giao lưu trực tuyến độc giả với các nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu, doanh nhân, nghệ sĩ người làm công tác xuất bản trên cả nước để chia sẻ về tác giả, tác phẩm cũng như văn hóa đọc, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân trong mùa dịch.

Một tác phẩm tại Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020.

3. Triển lãm "Tranh trong mùa giãn cách"

Triển lãm "Tranh trong mùa giãn cách" do Hội Mỹ thuật Việt Nam và Báo Nhân dân phối hợp tổ chức tại trụ sở Báo Nhân dân (71 Hàng Trống, Hà Nội) khai mạc vào ngày 15-6-2020. 

Triển lãm trưng bày 126 bức tranh của các họa sĩ đã hưởng ứng ý tưởng của ấn phẩm Nhân dân hàng tháng, kêu gọi các họa sĩ vẽ tranh ngay trong những ngày toàn dân thực hiện việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19. 

Trong số gần 50 họa sĩ tham gia vẽ tranh và triển lãm, có rất nhiều họa sĩ nổi tiếng như: Đặng Xuân Hòa, Phạm Luận, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Vũ Đình Tuấn, Đinh Quân, Phạm Hà Hải, Nguyễn Thị Hiền... 

Các tác phẩm tham gia triển lãm đã được in thành sách "Tranh trong mùa giãn cách" do NXB Thông tấn ấn hành để lưu lại những dấu ấn khó quên của đất nước và những đóng góp, chia sẻ của các họa sĩ vào công tác phòng, chống dịch.

4. Nỗ lực "hâm nóng" sân khấu

Trung tuần tháng 5-2020, sau khi ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại Việt Nam tạm lắng xuống và cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã triển khai các hoạt động văn  hóa - nghệ thuật "làm nóng" sân khấu sau một thời gian nguội lạnh. 

Các chương trình biểu diễn đã kéo dài từ cuối tháng 5 cho đến cuối tháng 8-2019 như Nhà hát Kịch Việt Nam vở "Bệnh sĩ"; Liên đoàn Xiếc Việt Nam với vở "Cướp biển"; Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam với chương trình "Mặt trời phương Đông"; Nhà hát Chèo Việt Nam với vở "Vân dại"; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn chương trình hòa nhạc chọn lọc; Nhà hát múa rối Việt Nam biểu diễn vở "Thân phận nàng Kiều"; 

Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam biểu diễn vở "Tháng 6 trời mưa"; Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc biểu diễn chương trình "Nhịp điệu ATK"; Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn với "Chuyện tình Khau Vai"; Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam biểu diễn vở "Hồ Thiên nga". Tuy còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khán giả, nhưng những nỗ lực của các cơ quan quản lý, các nhà hát, các nghệ sĩ vẫn rất đáng được ghi nhận.

4. Tuần phim ASEAN

Từ ngày 18 đến 26-7-2020, Cục Điện ảnh  (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) đã tổ chức "Tuần phim ASEAN" tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. 

Tuần phim giới thiệu đến khán giả 9 bộ phim đặc sắc đến từ 9 quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có 8 phim truyện và 1 phim hoạt hình gồm: “Nghìn lần hóa thân của Ranggau” (Brunei), “Tình yêu non dại” (Campuchia), “Aruna và khẩu vị yêu thích” (Indonesia), “Hết đát” (Lào), “Bộ phim về Ejen Ali” (Malaysia), “Những người phụ nữ của dòng sông khóc than” (Philippines), “Những đứa trẻ kinh kịch” (Singapore), “Tình yêu hay tiền tỉ” (Thái Lan). 

Bộ phim Việt Nam “Hạnh phúc của mẹ” vừa giành giải Cánh diều vàng 2020 đã tham gia trình chiếu tại đêm khai mạc. Đây là một trong các hoạt động thiết thực của Việt Nam để chào mừng năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, danh lam thắng cảnh và truyền thống văn hóa tốt đẹp, giàu tính nhân văn của Việt Nam.

5. Trao giải thưởng cuộc thi Dế Mèn

Giải thưởng thiếu nhi được phát động lần đầu tiên vào tháng 5-2020 do Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức, nhằm tìm ra các tác giả, tác phẩm có những thành tựu, đóng góp đối với các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí về đề tài thiếu nhi. 

Sau hơn 3 tháng, Ban tổ chức đã nhận được 110 sáng tác, trình diễn nghệ thuật ra đời từ 1-1-2020 đến hết 7-9-2020. 

Từ gần 40 tác phẩm vào chung khảo, Ban tổ chức đã trao 1 Giải thưởng Lớn mang tên “Hiệp sĩ Dế Mèn” cho nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với tác phẩm "Làm bạn với bầu trời" và 4 giải thưởng mang tên “Khát vọng Dế Mèn” cho các tác giả: Cao Khải An với tập bản thảo "Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi Rơm"; Nguyễn Đới Chung Anh với chùm tranh với chủ đề Phòng chống COVID-19; nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung với chùm ca khúc thiếu nhi; Nguyễn Chí Ngoan với tập bản thảo "Mộng giang hồ". 

Việc ra đời Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn là nguồn động viên, khích lệ đáng kể đối với các sáng tạo văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi trên quy mô toàn quốc.

6. Liên hoan sân khấu Thủ đô

Diễn ra từ ngày 26-9 đến 3-10, khán giả Thủ đô đã có cơ hội được xem 13 vở diễn ở các loại hình sân khấu như chèo, cải lương, kịch nói với các vở: “Trương Chi - Mị Nương” - Nhà hát Kịch Hà Nội; “Những người ở lại” - Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội; “Huyền thoại Hà Nội” - Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; “Trinh Nguyên” - Nhà hát Chèo Việt Nam; “Hoàng thúc Lý Long Tường” - Nhà hát Chèo Bắc Giang; 

“Người đi tìm minh chủ” - Nhà hát Cải lương Việt Nam; “Bạch đàn liễu” - LUCTEAM; “Huyền thoại Thánh Mẫu” - Nhà hát Cải lương Hà Nội; “Cánh chim trắng trong đêm” - Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu”; “Chuyện thành Cổ Loa” - Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP Hồ Chí Minh; “Người tốt nhà số 5” - Nhà hát Kịch Việt Nam; “Đợi đến mùa xuân” - Nhà hát Tuổi trẻ; “Tình sử Thăng Long” - Nhà hát Chèo Hà Nội. 

Việc tổ chức thành công Liên hoan Sân khấu Thủ đô cũng đã cho thấy những nỗ lực đáng kể của các nghệ sĩ trong việc "lôi kéo" khán giả dần trở lại với đời sống trong trạng thái bình thường mới.

 7. Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2020

Triển lãm mỹ thuật Việt Nam (trước năm 2015 gọi là Triển lãm mỹ thuật toàn quốc) được tổ chức 5 năm/lần, nhằm tổng kết, đánh giá quá trình hoạt động sáng tạo, công bố tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, ghi nhận những thành tựu sáng tác của giới mỹ thuật Việt Nam trong 5 năm (2015 - 2020). 

Sau thời gian phát động, Ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020 nhận được 3.571 tác phẩm của 1.382 tác giả cả nước gửi về tham dự. Với số lượng tác phẩm đồ sộ, chỉ trong hai tháng, Hội đồng Nghệ thuật đã lựa chọn 497 tác phẩm của 483 tác giả để trưng bày. 

Cụ thể: thể loại điêu khắc và sắp đặt có 117 tác phẩm của 105 tác giả; thể loại hội họa, đồ họa, nghệ thuật trình diễn, video art và các hình thức nghệ thuật đương đại khác có 380 tác phẩm của 378 tác giả. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020 không có Giải nhất ở bất kỳ thể loại nào mà chỉ có 6 Giải nhì, 11 Giải ba và 12 Giải khuyến khích.

Nguyệt Hà
.
.
.