Nhuận bút theo nghị định mới: Thực có như mơ

Thứ Sáu, 27/03/2015, 08:00
Tiền đầu tư đã ít đi, thì chuyện các tác giả được nhận mức nhuận bút đúng như quy định e khó mà thành. Nhà nước đã ngày một quan tâm cụ thể, chi tiết đến đội ngũ sáng tạo nghệ thuật, vừa bỏ kinh phí thực hiện tác phẩm, rồi lại bỏ tiền vé cho người dân (các khu vực và đối tượng liên quan) đi thưởng thức nghệ thuật, dù vậy một bộ phim, vở diễn xứng đồng tiền bát gạo vẫn là chuyện chưa được người đời tâm phục khẩu phục.

Vẫn cứ là xoa tay thỏa thuận

Khánh Lam

Dẫu liên quan sát sườn đến sinh kế thường ngày của mình nhưng xem ra giới nghệ sĩ sáng tác dường như chưa mấy quan tâm đến Nghị định 21/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác vừa được ban hành ngày 14/2/2015, có hiệu lực thi hành vào 15/4 tới...

Là một trong số ít các tác giả sân khấu sung sức và đang "hot" đương thời, nhà viết kịch Chu Thơm dẫu vừa có hai kịch bản dàn dựng trên sàn diễn Nhà hát Tuổi trẻ (Biến dạng - đạo diễn NSƯT Anh Tú - đã ra mắt) và Nhà hát kịch Việt Nam (Bom nổ chậm - đạo diễn NSƯT Tuấn Hải) vẫn chưa cập nhật thông tin về nghị định mà theo đó, mức nhuận bút ông hưởng sẽ xông xênh, ra tấm ra món. Vốn được nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật tin cậy "chọn mặt gửi vàng", nhuận bút tác giả Chu Thơm nhận về sau mỗi lần "gả bán" đứa con tinh thần thường là sự thỏa thuận trên tinh thần bằng hữu đồng nghiệp.

Một cảnh trong phim "Sống cùng lịch sử".

"Nói chung cũng ổn, không mấy khi phải than phiền", nhà viết kịch Chu Thơm vui vẻ. Cộng thêm một khoản tương đối từ kịch bản phim truyền hình thực hiện theo hợp đồng dài hạn với các đơn vị làm phim xã hội hóa, khoản nhuận bút mỗi năm Chu Thơm nhận về là con số thực sự khủng với một người viết. Vậy nên theo tiên đoán của nhà viết kịch Chu Thơm, lạc quan về nghị định mới thì lạc quan nhưng nhuận bút thực lĩnh vẫn phải dựa trên nội tình của mỗi đơn vị, và thường cứ thỏa thuận êm đẹp là hơn.

Nghị định 21/2015 là bước tiến cởi mở so với Nghị định 61 ra đời từ năm 2002, mang đến những khoản thù lao thực chất hơn cho giới nghệ sĩ nếu được thực thi nghiêm túc. Ví như biên kịch phim truyện quy định hưởng từ 2,25 đến 2,75% chi phí sản xuất, tức một bộ phim nhà nước đặt hàng kinh phí thuộc hàng khủng như "Sống cùng lịch sử" thì theo đúng lí nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn có thể thu về cả nửa tỷ đồng nhuận bút.

Sòng phẳng chiểu theo nghị định mới, nhiều tác giả sân khấu đang khấp khởi khi khung nhuận bút của biên kịch sẽ bình đẳng với đạo diễn, và thù lao chi trả cho kịch bản kịch hát dân tộc cũng cao hơn hẳn kịch nói. Họa sĩ, nhà nhiếp ảnh được lĩnh nhuận bút treo tranh, treo ảnh trong các triển lãm tùy cấp độ quốc tế, quốc gia hay tỉnh thành, tránh tình trạng các nghệ sĩ tự bỏ tiền túi mang tranh, ảnh đến rồi tàn canh bế mạc lại lặng lẽ ôm về.

Tuy nhiên đời vốn không như là mơ, cuộc sống luôn có những nguyên tắc dao động mà con người phải biến thiên uyển chuyển để tương thích phù hợp, chế độ nhuận bút mới dù đầy lạc quan phấn khích nhưng ứng dụng dự kiến còn phụ thuộc nhiều vào thực lực của mỗi tổ chức, cá nhân, tập thể. Dù là những tác phẩm được nhà nước đặt hàng, sản xuất bằng kinh phí nhà nước và cũng tất nhiên nhuận bút do nhà nước mở hầu bao chi trả, thì số tiền người làm nghệ thuật thực lĩnh thường vẫn theo phương châm tự thỏa thuận.

Bởi đơn giản, như đạo diễn NSND Nguyễn Thanh Vân từng ngao ngán bày tỏ, con số gây dư luận 21 tỉ nhà nước đầu tư cho phim "Sống cùng lịch sử" chỉ thuần túy tồn tại trên giấy tờ còn tiền đích thực dành cho làm phim khiêm tốn hơn nhiều. Không phải thất thoát đi đâu mà còn nhường nguồn vốn cho những nhu cầu (chính đáng) khác.

Tương tự, có vở diễn sân khấu chơi sang đầu tư tiền tỉ, thì cũng phần nhiều dành cho phục trang được nhà tạo mẫu danh tiếng thiết kế để làm điểm nhấn, còn lại cả biên kịch lẫn các thành phần sáng tạo khác vẫn do đạo diễn tự làm thầu tự chi trả. Đời sống nghệ thuật biểu diễn (nhất là ở phía Bắc) lâu nay vốn nặng tinh thần bao cấp, chờ đợi "nguồn sữa" công thức quý giá từ ngân sách nhà nước, nên những khoản kinh phí được đầu tư, đặt hàng cho tác phẩm điện ảnh, vở diễn sân khấu thường được (bị) chia sẻ, giật gấu vá vai tính toán cho các nội dung khác, kể cả chi trả lương, hành chính phí các loại.

Tiền đầu tư đã ít đi, thì chuyện các tác giả được nhận mức nhuận bút đúng như quy định e khó mà thành. Nhà nước đã ngày một quan tâm cụ thể, chi tiết đến đội ngũ sáng tạo nghệ thuật, vừa bỏ kinh phí thực hiện tác phẩm, rồi lại bỏ tiền vé cho người dân (các khu vực và đối tượng liên quan) đi thưởng thức nghệ thuật, dù vậy một bộ phim, vở diễn xứng đồng tiền bát gạo vẫn là chuyện chưa được người đời tâm phục khẩu phục.

Nghị định 21/2015 là một cánh cửa mở, đưa ra những lựa chọn khoáng đạt tươi sáng hơn cho giới điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nhưng để những quy định khung ấy đi vào cuộc sống lại còn không ít rào cản éo le thay, xuất phát cũng từ chính cuộc sống. Có lẽ đã đến lúc giới sáng tạo nghệ thuật cần tự lực cánh sinh, để thị trường tức công chúng quyết định số phận tác phẩm, công trình của mình bằng chính cách hào hứng (hay không) đón nhận, bỏ tiền túi (hay không) ra để mua vé xem phim, xem ca nhạc, xem kịch nói tuồng chèo cải lương, để bớt dần đi sự phụ thuộc vào tài trợ của nhà nước.

Nghị định 21/2015 quy định chế độ nhuận bút, thù lao áp dụng với các tổ chức cá nhân sáng tác, sử dụng tác phẩm bằng ngân sách nhà nước hoặc tổ chức cá nhân khai thác sử dụng tác phẩm mà nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả... Theo đó nhuận bút của tác phẩm điện ảnh được trả cho các thành phần sáng tạo theo phần trăm của kinh phí được duyệt. Ngoài ra nghị định gồm 5 chương 14 điều còn quy định nhuận bút với vở diễn sân khấu cũng như các chương trình nghệ thuật khác và các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh...

Mối quan tâm đáng kể của các nghệ sĩ

Lương nhi (thực hiện)

Là những người trong cuộc, trực tiếp thụ hưởng những quy định mà Nghị định 21/2015/NĐ-CP, các ông có cho rằng Nghị định đã bám sát với thực tiễn của thực trạng sáng tác nghệ thuật hay chưa?

NSND, họa sĩ Doãn Châu.

NSND, họa sĩ Doãn Châu: So với Nghị định 61 trước đây, Nghị định mới bám sát thực tế chuyển biến của kinh tế - xã hội hơn. Đây là căn cứ chuẩn mực cho các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật giải quyết tiền nhuận bút cho lực lượng cộng tác sáng tạo một cách thoả đáng.

Lâu nay các thành phần thiết kế mỹ thuật sân khấu, âm nhạc… ít được coi trọng, một số đạo diễn đã lấn át vai trò của họa sĩ hay nhạc sĩ bằng cách dùng thiết kế của vở cũ chắp vá cho vở mới, dùng nhạc của vở A lắp vào cho vở B để cho đỡ tốn tiền trả nhuận bút. Họ đâu biết rằng vở diễn đều cần phải mặc cho mình một chiếc áo riêng mới tạo nên sự hoàn thiện cho một tác phẩm nghệ thuật có chất lượng. Nghị định này quy định rất cụ thể thù lao nhuận bút cho từng đối tượng trong đó có họa sĩ thiết kế là rất thỏa đáng.

Nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn: Trước đây, các đơn vị nghệ thuật kịch hát dân tộc như tuồng, chèo, cải lương luôn gặp khó khăn trong việc trả nhuận bút kịch bản. Vì hiếm có tác giả viết trực tiếp kịch bản cho kịch hát dân tộc nên các đơn vị này thường phải trả hai lần cho khâu kịch bản. Một lần trả cho tác giả kịch bản văn học (thường là kịch bản kịch nói) và một lần trả cho tác giả chuyển thể sang kịch bản kịch hát dân tộc. Việc chi trả luôn gặp khó khăn khi tác giả nào cũng đòi hỏi phải được trả đúng như khung nhuận bút.

Tôi cho rằng những bất cập này đã phần nào được giải quyết ở Điều 12 của Nghị định có quy định cho trường hợp chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch bản sân khấu thì biên kịch chuyển thể hưởng từ 50 đến 70% mức nhuận bút biên kịch của tác phẩm cùng thể loại, phần còn lại được trả cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để làm tác phẩm chuyển thể; trường hợp chuyển thể từ kịch bản thuộc loại hình sân khấu này sang loại hình sân khấu khác thì biên kịch chuyển thể hưởng từ 30% đến 40% mức nhuận bút biên kịch của tác phẩm cùng thể loại, phần còn lại được trả cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để làm tác phẩm chuyển thể. Nhuận bút cho tác giả kịch bản ca kịch cao hơn nhuận bút cho tác giả kịch bản kịch nói cũng là một điểm rất hợp lý, bởi việc sáng tác kịch bản cho kịch hát dân tộc hiện đang rất khó khăn.

Trước đây và ngay tới thời điểm này, đã tồn tại nhiều câu chuyện lình xình đằng sau việc chi trả thù lao thiếu công bằng, đạo diễn thường "ôm" một khoản tiền lớn và tự cho mình quyền chi trả cho các thành phần sáng tạo khác. Theo các ông, Nghị định này có giải quyết được "vấn nạn" này của sân khấu hay không?

Nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn.

Nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn: Nghị định mới quy định khung nhuận bút thù lao cho tác giả sân khấu ngang bằng, thậm chí còn cao hơn cả đạo diễn sân khấu, điều này sẽ mang lại sự công bằng trong chi trả nhuận bút cho các thành phần sáng tạo, tạo tính cổ vũ lớn đối với lực lượng tác giả sân khấu để họ dành nhiều tâm huyết và thời gian cho sáng tác. Tôi cho rằng người cầm cân, nảy mực giữ cho công bằng trong việc thực hiện Nghị định này vẫn phải là các vị đứng đầu các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật. Sự phá rào của các đạo diễn này cũng một phần do các giám đốc, các trưởng đoàn nghệ thuật đã dung túng, thậm chí còn tiếp tay để cùng ăn chia. Vẫn có thể trên giấy tờ, việc trả nhuận bút đúng theo khung quy định nhưng đó chỉ là sự biến tướng để "lách luật" mà thôi.

NSND, hoạ sĩ Doãn Châu: Trước đây chúng ta cũng đã có Nghị định 61 nhưng một số đoàn vẫn thực hiện thoả thuận "ngầm" trả nhuận bút cho ê kíp sáng tạo bởi phụ thuộc vào đạo diễn. Một bộ phận đạo diễn tên tuổi tự cho mình quyền ngã giá tới 200 - 300 triệu đồng, nếu đơn vị không chấp nhận thì đi mời người khác dựng. Có đạo diễn vẫn "quen" với việc bao thầu tất cả ôm trọn số tiền trả nhuận bút thù lao cho mọi thành phần cộng tác với mình như: thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, biên đạo múa, ánh sáng… và họ làm giá riêng với từng đối tượng để cốt hưởng lợi nhiều nhất. Nếu lãnh đạo các đơn vị không chấp nhận thì đạo diễn sẽ từ chối không dàn dựng, không mấy vị trưởng đoàn nào dám từ chối yêu cầu của các đạo diễn này vì sợ mất lòng họ và một phần cũng cần tới họ dựng cho đơn vị mình. Thế nên tôi cho rằng bên cạnh những quy định của Nhà nước thì vẫn không thể tránh khỏi những quy định "bất thành văn" riêng đối với một số đơn vị, nhất là ở địa phương.

Có một thực tế là không ít đơn vị đã từ chối trả nhuận bút theo khung nhuận bút của Nghị định 61 với lý do là không có kinh phí trong ngân sách. Theo các ông, Nghị định mới có bị vấp phải khó khăn này?

Nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn: Tôi cũng lo ngại về vấn đề kinh phí sẽ lấy từ đâu, nhất là đối với các đơn vị sân khấu xã hội hóa. Liệu có thể lấy thu bù chi hay không? Bài toán khi thực hiện Nghị định vẫn cần lời giải đầu tiên ở vấn đề kinh phí. Nghị định tăng thù lao cho sáng tạo thì ngân sách cũng phải tăng theo tỷ lệ thuận. Nhà nước đang có đổi mới trong phương thức đầu tư sáng tạo, vừa rồi có đặt hàng một số tác giả viết kịch bản và gửi gắm cho các đơn vị dàn dựng. Số tiền đặt hàng cho ê kíp sáng tạo được trả vào mức cao nhất của khung nhuận bút hiện nay. Chúng tôi rất mong Nhà nước sẽ tiếp tục có những đợt đặt hàng như vậy để không chỉ các đơn vị nghệ thuật công lập mà các đơn vị sân khấu xã hội hóa cũng có thể tham gia, tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh trong nghệ thuật.

Là một tác giả nhưng tôi cũng xin chia sẻ với các nhà quản lý các đơn vị nghệ thuật bởi không phải lúc nào đoàn cũng tìm được kịch bản phù hợp để trả cho khung giá thấp nhất, chưa nói là có chất lượng, đặc biệt là đối với loại hình sân khấu như tuồng, chèo, rất hiếm người viết giỏi. Ngay cả việc căn cứ các mức không thể định ngay từ giai đoạn đầu. Một kịch bản trên giấy sẽ khó có thể định được mức nào mà nó còn phụ thuộc vào việc lên sàn cho tới khi hoàn thiện mới có thể đánh giá được ở mức nào.

NSND, họa sĩ Doãn Châu: Cần xác định cái "mũ" của Nghị định chính là giải quyết khâu tài chính. Đó là nguồn kinh phí cấp cho các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là đơn vị nghệ thuật địa phương. Nghị định 61 cũ với mức chi trả thù lao thấp hơn, vậy mà không ít địa phương đã không chịu thực hiện với lý do không có kinh phí.

Với trách nhiệm là đơn vị chủ trì, Bộ VHTTDL cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan đưa ra thông tư hướng dẫn chi tiết hơn để thực hiện Nghị định. Thiếu động lực sáng tác luôn là một thực tế đầy bất cập khi những quy định chi trả nhuận bút cho tác phẩm nghệ thuật còn chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản từ thực tế cuộc sống của đội ngũ văn nghệ sĩ hiện nay. Nghị định này đã nhen lên nhiều kỳ vọng đối với đội ngũ sáng tác nghệ thuật. Tuy nhiên, làm sao để Nghị định được thực hiện thông đồng bén giọt, có sự thống nhất từ Trung ương cho tới địa phương mới là mấu chốt vấn đề.

Dẫu có nói gì thì thù lao nhuận bút vẫn là mối quan tâm hàng đầu trong đời sống của mỗi nghệ sĩ, nhuận bút quá bèo bọt, thậm chí chỉ đủ tiền uống bia như trước đây thì chắc chắn sẽ khó có ai tâm huyết cho sáng tạo nghệ thuật. Hy vọng những nhà thực thi luật sẽ có sự phối hợp chặt chẽ để Nghị định được thực hiện nghiêm túc, tạo nên hiệu quả và mục đích lớn nhất, đó là tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Ngậm ngùi danh phận

Bảo An

Rất muốn mời một đạo diễn sân khấu danh tiếng về dàn dựng tác phẩm mới để ''ăn theo'' thương hiệu, cuối cùng trưởng một đoàn kịch địa phương đành lắc đầu xóa đi dự định đơn giản bởi, đạo diễn ấy đòi "cát xê" cao quá, đoàn không đáp ứng nổi. Những chuyện như thế vẫn được coi là thường tình trong giới nghệ thuật biểu diễn và mặc nhiên tồn tại theo quan niệm thuận mua vừa bán, mỗi một tên tuổi đều được định giá khác với thông thường...

Một cảnh trong vở “Lâu đài cát”.

Cả sân khấu và điện ảnh luôn hiện diện những cặp bài trùng kiểu đạo diễn này sóng đôi với biên kịch kia, nhạc sĩ nọ... tạo thành một ê kíp ăn ý cả về sáng tạo nghệ thuật lẫn chia phần miếng bánh. Nghệ sỹ nhiều người vốn cũng đại khái tính, đạo diễn nhận thầu rồi chia cho tác giả ngoài ê kíp, hay nhạc sĩ, họa sĩ thiết kế bao nhiêu thì thường mọi người cũng tươi cười nhận, có không bằng lòng cũng chỉ âm thầm ấm ức một mình mà ít bày tỏ, vì sợ sẽ mất lượt những dịp sau. Có những đạo diễn còn đảm nhiệm vai trò như ông bầu, nhận khoán tổng kinh phí cho một tác phẩm rồi tự đứng ra mời các thành phần còn lại và tự thỏa thuận thù lao, nhuận bút. Tất cả đều trên tinh thần tự nguyện, vui vẻ chấp nhận và không điều tiếng mè nheo gì.

Vị thế của biên kịch đương nhiên lép vế so với đạo diễn và nhạc sĩ, họa sĩ thậm chí còn "kém miếng" hơn nhiều. Vậy nên việc chi trả nhuận bút theo quy định cũng là một thách thức với nhiều đơn vị nghệ thuật địa phương bởi kinh phí vốn đã hạn hẹp, kinh phí dành cho tác phẩm còn tùng tiệm thêm nữa.

Giới biên kịch cả sân khấu lẫn điện ảnh, không hẳn ai cũng may mắn và có duyên với nhuận bút cao như nhà viết kịch Chu Thơm. Nhiều khi tiền thực mang về nhà còn khác với tiền kí trong sổ sách bởi phải ''lại quả'' cho lãnh đạo đơn vị như một phần bất thành văn của thỏa thuận vốn cũng chỉ thuần nói miệng. Thậm chí có người viết, được dùng tác phẩm của mình đã là một đặc ân, nên niềm vui (nếu có) cũng đành tự an ủi nặng về bên tinh thần và chấp nhận hư hao tiền bạc. Vậy nên Nghị định 21/2015 rất rành rọt chi tiết, quy định cụ thể cho các thành phần tham gia sáng tạo dù ít được nêu tên nhất, đang kỳ vọng tạo nên sự thay đổi theo chiều hướng có lợi hơn cho giới nghệ thuật, tránh đi nỗi buồn ngậm ngùi cả danh phận lẫn thù lao đang hiện hữu.

Vướng mắc nữa là các sản phẩm có sự hợp tác theo phương thức xã hội hóa, cũng khó áp được nghị định mới này vì các nhà sản xuất tư nhân vốn thực tế, luôn hợp đồng trả thù lao theo doanh thu có được. Với phim truyền hình là tỉ lệ người xem đi kèm doanh số quảng cáo. Với sân khấu hay chương trình âm nhạc chính là tiền bán vé. Cách ứng xử sòng phẳng thế cũng kích thích trở lại xu hướng sáng tác theo chính đơn đặt hàng của thị trường, của công chúng mà một thời gian dài nhiều người đã xem nhẹ.

Kinh nghiệm xương máu từ nhiều bộ phim quy mô hoành tráng, được Nhà nước đầu tư bạc tỷ hầu như chỉ chiếu theo phương thức tháo khoán, miễn phí phục vụ vùng sâu, vùng xa, các đơn vị tập thể là chính mà bất lực trong việc thu tiền từ bán vé. Chính bởi vậy những cuộc tranh cãi theo kiểu Nhà nước có nên tiếp tục đặt hàng tác phẩm bằng cách cấp 100% kinh phí luôn nổ ra mà dư luận hay nghiêng về phía nên bãi bỏ, để các nghệ sỹ ''tự tay'' bo đối phó với thị trường và buộc phải năng động.

Lao động nghệ thuật là một công việc đặc thù đòi hỏi không chỉ lao động cống hiến mà trước hết, người nghệ sĩ phải có tài năng. Đầu tư cho tác phẩm, tức Nhà nước đã đầu tư cho tài năng của nghệ sỹ, trân trọng tài năng nghệ sỹ với mong muốn có những tác phẩm hay phục vụ trở lại nhu cầu đời sống. Tiền đã có, cơ chế đã có, và để các nghệ sỹ được đãi ngộ xứng đáng với những gì họ đã lao động quên mình, điều còn lại phụ thuộc vào chính ứng xử, chính cái tình nghệ sĩ với nhau...

Khánh Lam - Lương Nhi - Bảo An (thực hiện)
.
.
.