Nghệ sĩ Banksy: Nhân tài nổi loạn

Thứ Ba, 30/10/2018, 08:28
Sự kiện gây chấn động dư luận giới hội họa và những ai yêu tranh, sưu tầm buôn bán tranh đã khiến báo giới tuần qua tốn không ít giấy mực để mổ xẻ vấn đề và trả lời cho câu hỏi: Tại sao?


Có lẽ lần đầu tiên trong lịch sử đấu giá tranh xảy ra một sự kiện quái đản. Bức tranh vừa được đấu giá xong với mức giá rất khủng (1 triệu bảng Anh, tương đương 31 tỷ đồng) ngay lập tức đã tự hủy trước sự chứng kiến bàng hoàng sửng sốt của cả chủ nhân người vừa trả giá mua bức tranh lẫn cả hội đồng đấu giá.

Sự kiện gây chấn động dư luận giới hội họa và những ai yêu tranh, sưu tầm buôn bán tranh đã khiến báo giới tuần qua tốn không ít giấy mực để mổ xẻ vấn đề và trả lời cho câu hỏi: Tại sao?

Giá trị nghệ thuật được tôn vinh hay rũ bỏ?

Bức tranh bị tự hủy nổi tiếng đã đi vào lịch sử đấu giá của hội họa chính là tác phẩm "Em bé và quả bóng bay" (Girl with Ballon) của họa sĩ đường phố Banksy đặc biệt nổi tiếng về cá tính kỳ quái. Công ty Sotheby's của Anh cùng với sự kiện tự hủy bức tranh cũng đi vào lịch sử đấu giá bởi họ đã tổ chức cuộc đấu giá có một không hai này.

Ban đầu, như thông lệ của một cuộc đấu giá tranh vẫn diễn ra. Giá khởi điểm của tác phẩm "Em bé và quả bóng bay" được vẽ trên vải canvas, có kích thước 101cmx78cm, được Banksy hoàn thành hồi năm 2006 là 300.000 bảng (khoảng 9 tỷ đồng).

Banksy - Nghệ sĩ graffiti hay anh hùng giấu mặt của nghệ thuật đương đại.

Chỉ trong một thời gian ngắn, giá của bức tranh liên tục được đẩy lên rất cao. Khi nhát búa của người điều khiển buổi đấu giá vang lên để kết thúc cuộc mua bán và công bố giá thành của bức tranh đã được bán với giá 1 triệu bảng thì ngay lập tức bức tranh tụt xuống khỏi khung và được xé nhỏ ra như một tấm rèm cửa.

Những người tham dự buổi đấu giá vô cùng sửng sốt. Trái với những náo loạn có thể xảy ra trong tình huống này, họ chăm chú nhìn bức tranh bị xé vụn và ồ lên đồng loạt vỗ tay vì hiểu ra rằng, họ đang chứng kiến một "cú lừa" của người họa sĩ.

Bức tranh vẽ trên chất liệu mỏng manh nhưng phần khung của nó lại kềnh càng, ẩn giấu một chiếc máy xé giấy nhỏ bên trong. Nghệ sĩ đường phố Banksy tính toán sao cho "màn ảo thuật xé giấy" hiện ra đúng vào lúc chủ nhân của bức tranh được xác định, làm người đó sốc đến không nói nên lời.

Với nghệ thuật, không có gì không thể xảy ra, nhất là nghệ thuật ở thời hiện đại. Người họa sĩ được đánh giá không phải với tài năng của việc hòa sắc và cầm cọ mà quan trọng nhất là ý tưởng và thái độ của anh ta. Tự hủy bức tranh đáng giá của mình cũng là một thái độ.

Và vì thế, một số ý kiến từ giới mộ điệu cho rằng việc bức tranh "tự hủy" không mất đi giá trị. Mà ngược lại, độ kì quái, nổi tiếng còn tăng lên vài bậc. Đại diện của hãng đấu giá Sotheby's phát biểu: "Chúng tôi chưa từng gặp chuyện này trước đây. Chúng tôi đang cố hiểu xem nó thật sự có nghĩa gì trong bối cảnh buổi đấu giá. Dù sao, chuyện này quả thật rất... Banksy".

Còn với người nghệ sĩ đường phố Banksy, ông đã đăng ảnh buổi đấu giá lên Instagram của mình cùng chú thích đầy ẩn ý: "Quả bóng hay bức tranh đang bay, đang bay, bay mất rồi"! Lý giải về quyết định phá hủy bức tranh, Banksy cho rằng “Sự thôi thúc phá hủy cũng là sự thôi thúc sáng tạo" và cách đây 2 năm, Banksy đã bí mật lắp đặt một thiết bị hủy tài liệu bên trong bộ khung của bức tranh nhằm “đề phòng trường hợp bức tranh được mang ra bán đấu giá”. Và sự tồn tại của chiếc máy hủy tài liệu bí mật chỉ được biết đến khi cuộc đấu giá hoàn thành.

Banksy là ai?

Banksy, một nghệ sĩ graffiti bí ẩn đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật đường phố đương đại. Ông được đánh giá là nghệ sĩ đường phố Anh vĩ đại nhất. Cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Steve Jobs của Apple và nữ ca sĩ Lady Gaga, ông đứng trong danh sách “Những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới” của tạp chí TIME năm 2010.

Banksy đến từ thành phố Bristol, Anh quốc. Năm 1992, ông là một thành viên của nhóm DryBeardZ và bắt đầu phát triển sự nghiệp graffiti của mình từ quê nhà. Ông được truyền cảm hứng từ một nhạc sĩ và nghệ sĩ graffiti -  một trong những người tiên phong đã đem lại tác phẩm graffiti bằng sơn xịt từ tàu điện ngầm New York đến nước Anh.

Quan điểm của ông, là nghệ sĩ phải sẵn sàng truyền tải tác phẩm của mình đến với mọi người, và mọi người từ các tầng lớp khác nhau đều có thể thưởng thức những tác phẩm đó, như ông đã nhấn mạnh: “Ngoài kia có rất nhiều những cá nhân cảm nhận nghệ thuật mới, ngược lại việc bán sản phẩm của nghệ sĩ cho người khác thì không bao giờ là dễ dàng”.

Nghệ thuật của ông mang tính trào phúng sâu sắc và đen tối (dark humour) - bắt người ta vừa buồn cười vừa cảm thấy thâm thúy, vừa buồn bã, và giống như có một chút "cay cay" khi xem các tác phẩm nghệ thuật của ông.

Banksy tạo nên cơn sốt ở Anh và lan ra khắp thế giới bởi ông thường để lại những tác phẩm là những bức vẽ graffiti một cách bí ẩn ở trên các bức tường công cộng khắp mọi nơi từ các thành phố lớn như Bristol, London, New Orleans đến khu Bờ Tây của lãnh thổ Palestine. Ở những thập niên 80, 90, nghệ thuật graffiti đang còn mới lạ đối với thế giới.

Bức tranh “Em bé và quả bóng bay” tự hủy sau khi được bán với giá 1,4 triệu bảng Anh.

Sự hiện diện của những tác phẩm thể hiện thái độ của người họa sĩ mang nhiều thông điệp kỳ lạ, độc đáo đã khiến cho người hâm mộ ông từ tò mò đến khát khao truy lùng chủ nhân của những thông điệp nổi loạn ấy.

Nhân tài nổi loạn

Báo chí đã viết về Banksy như sau: Trong giới graffiti, không ít người đã tôn ông lên bậc “thánh sống”. Điều gì đã khiến ông, một nghệ sĩ đường phố ẩn danh trở nên quyền lực đến thế? Và vì sao Banksy – người nghệ sĩ graffiti bí ẩn nhất của làng nghệ thuật đường phố lại được tôn vinh đến như vậy.

Đến mức, Banksy đã trở thành người nghệ sĩ có tác phẩm được săn đón bởi nhiều người nổi tiếng với giá cao ngất. Năm 2008, phiên bản biếm họa của bức vẽ của Damien Hirst đã được bán lại với giá 1.8 triệu đô la. Những nhà sưu tầm nghệ thuật nổi danh sẵn sàng chi trả hàng ngàn đô la để sở hữu một tác phẩm của Banksy, trong đó có nhà thiết kế Paul Smith, đặc biệt cặp diễn viên Angelina Jolie và Brad Pitt trở thành nhà sưu tập tác phẩm của Banksy.

Banksy nhìn nhận sự thành công của mình bằng một câu nói đầy sâu sắc: “Tôi thích cái cách chủ nghĩa tư bản tìm được một chỗ đứng cho cả kẻ thù của nó”.

Có lẽ Banksy nhanh chóng trở thành người nghệ sĩ vĩ đại của nước Anh và thế giới là bởi thái độ và những thông điệp mà ông mang lại đối với công chúng. Những người thưởng thức các tác phẩm của Banksy có thể cảm nhận được rằng ông là một nghệ sĩ cá biệt, có khiếu hài hước. Những tác phẩm của ông không được trưng bày trong các bảo tàng hào nhoáng mà thay vào đó là những bức tường cũ kĩ gần như đổ nát hay những công trình công cộng. Banksy cũng không ta thán một vẻ đẹp hay giá trị vô hình nào đó mà ngược lại, chê cười và phản ánh những vấn đề chính trị và xã hội ngày nay, như những thế lực đàn áp ở Palestine, thói đạo đức giả của một số chính trị gia và tham nhũng ở London.

Ông cũng chẳng ngần ngại lẻn vào các viện bảo tàng quốc gia của nhiều thành phố lớn mà dán tranh của mình cạnh những tên tuổi lớn để mỉa mai những giá trị nghệ thuật ảo. Trong một buổi phỏng vấn năm 2001, ông mô tả tóm tắt các tác phẩm của mình: “Có một phần trong công việc của tôi là để phá vỡ những giá trị cứng nhắc, họa lại những cái xác xanh vô hồn của các vị thẩm phán và cảnh sát bằng lời thức tỉnh của tôi, kéo cả thành phố phải quỳ xuống và hét tên của tôi. Và dĩ nhiên đó không phải những giá trị đen tối duy nhất tôi nói tới mà còn nhiều cái nữa…”.

Những tác phẩm của Banksy đã làm tốn không ít giấy mực của báo chí. Banksy muốn chứng minh cho cả thế giới thấy phương châm nghệ thuật của ông là: “Tất cả mọi người đều có quyền thưởng thức nghệ thuật”. Ông không mang đến những buổi triển lãm tranh hay phòng trưng bày sang trọng. Thay vào đó, ông đã chọn những nơi triển lãm lạ lùng nhưng lại gần gũi nhất với người dân như khu nông trại hay đường hầm bỏ hoang. Ông nhấn mạnh quan điểm của mình: “Khi bạn đi đến một buổi triển lãm nghệ thuật, chẳng qua là bạn đang nhìn vào chiếc tủ chứa những chiếc cúp của các triệu phú mà thôi”.

Shophiare Kim (tổng hợp)
.
.
.