Múa dân gian "ngủ quên" trên sân khấu truyền hình thực tế

Thứ Năm, 15/01/2015, 08:00
Truyền hình thực tế về nhảy múa đã và đang góp một gam màu tươi mới cho các gameshow trên truyền hình. Không thể phủ nhận rằng, sự "vào cuộc" của các chương trình như "Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance", "Vũ điệu đam mê - Got to dance", "Bước nhảy hoàn vũ - Dancing with the star"… đã đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với công chúng. Tuy nhiên, đang rất thiếu vắng tác phẩm múa dân gian trên những sân chơi này, có chăng chỉ là những tác phẩm múa dân gian đương đại, khai thác múa dân gian một cách sống sượng, đôi khi gây phản cảm.

Sân khấu lớn nhưng thiếu "đất" cho múa dân gian

Chương trình "Thử thách cùng bước nhảy" mùa thứ ba cũng đã kết thúc nhưng số lượng tác phẩm múa dân gian được dàn dựng, biểu diễn trên sân khấu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này xuất phát từ nhiều lý do. Trước hết là "tâm lý sính ngoại" của Ban Tổ chức. Ngay từ khi khởi động cuộc thi, Ban Tổ chức đã thông báo rằng, đội ngũ biên đạo ngoại sẽ được tăng cường, theo đó, 1/2 tác phẩm cho mỗi đêm thi sẽ do biên đạo ngoại đảm nhận và tất nhiên, với biên đạo ngoại thì múa dân gian không phải là sở trường của họ. Bên cạnh đó, thí sinh nào bắt thăm vào múa dân gian đương đại thì coi như "gặp hạn" bởi đây là thể loại múa ít đất để phô diễn kỹ thuật và cũng khó tìm được sự đồng cảm của khán giả, nhất là khán giả trẻ. Top 20 thí sinh xuất sắc nhất của mùa thi năm nay chỉ lác đác vài người theo đuổi múa dân gian đương đại, còn phần lớn xuất thân từ dancesport hay hip hop… Thực tế cho thấy, thí sinh theo dòng hip hop thường dễ "được lòng" khán giả hơn vì thế sẽ có được số lượng bình chọn cao hơn từ khán giả. Quán quân của hai mùa giải trước là Lâm Vinh Hải (mùa thứ nhất) và Ngọc Thịnh (mùa thứ hai) đều là "dân" hip hop chuyên nghiệp. Và năm nay, Đình Hoàng, chàng trai tài năng rất có duyên trong những điệu múa dân gian đương đại đã phải "ngậm ngùi" dừng chân ở top 6.

Không chỉ có "Thử thách cùng bước nhảy", nhiều chương trình truyền hình thực tế về nhảy múa khác cũng vắng bóng múa dân gian dân tộc. "Bước nhảy hoàn vũ nhí" - một chương trình nhận được sự yêu thích của đông đảo phụ huynh và khán giả nhí là một ví dụ. Có đến 5 liveshow lên sóng trực tiếp và có hẳn một đêm thi mang tên "Đêm dân gian" nhưng có lẽ, các tác phẩm được dàn dựng trên chất liệu múa dân gian cũng  không vượt qua con số 5. Bên cạnh đó, múa dân gian trên sân khấu "Bước nhảy hoàn vũ nhí" cũng không còn nguyên nghĩa là múa dân gian Việt Nam mà là múa dân gian của nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Nhật Bản… Chung kết "Vũ điệu đam mê" mùa đầu tiên cũng chỉ có duy nhất một tiết mục múa dân gian "Thị Màu lên chùa" của á quân Tô Lâm "lọt thỏm" trong hàng chục tiết mục nhảy múa sôi động. Những đêm thi mang phong cách "free style" của "Bước nhảy hoàn vũ" cũng chẳng mấy thí sinh dám thử sức với múa dân gian dân tộc. Thể loại múa được các thí sinh lựa chọn nhiều nhất trong chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt Nam - Việt Nam's got talent" là múa bụng (belly dance).

Một tạo hình trong bài múa trên nền nhạc "Dạ cổ hoài lang" do Tấn Huy và Thương Hoài biểu diễn.

Một câu hỏi đặt ra là, vì sao múa dân gian không có nhiều cơ hội xuất hiện trên sân khấu truyền hình thực tế? Điều này có lẽ xuất phát từ chính đặc điểm của múa dân gian Việt Nam. Múa dân gian nguyên bản với kỹ thuật "ẩn" đằng sau động tác múa, thiếu những bước quay, nhảy lớn không thể làm "đã mắt" người xem ngay lập tức như múa hiện đại, dancesport hay hip hop. Để nhận ra kỹ thuật, kỹ năng, kỹ xảo của một diễn viên múa dân gian cần phải có thời gian mà một tiết mục với thời lượng 5 phút hay thử thách so lo 30 giây không đủ để làm điều đó. Hơn thế, đã là chương trình giải trí trên truyền hình thì sự hấp dẫn, lợi nhuận là mục đích hàng đầu của các nhà đầu tư. Và vì điều này, các nhà tổ chức sẽ không bao giờ mạo hiểm đưa quá nhiều múa dân gian vào show diễn.

"Sống sượng" trong phát triển ngôn ngữ múa

Biên đạo, NSƯT Lữ Kiều Lê là người được "chọn mặt gửi vàng" cho nhiều tác phẩm múa dân gian đương đại. Những tác phẩm mà Kiều Lê dàn dựng trên sân khấu "Thử thách cùng bước nhảy" nhận được nhiều lời khen ngợi của Hội đồng giám khảo cũng như công chúng yêu nghệ thuật múa. Tiết mục "Cõng mẹ đi chơi" mà Kiều Lê dàn dựng cho cặp đôi Thái Sơn, Minh Tú biểu diễn trong chương trình "Thử thách cùng bước nhảy" mùa thứ 2, năm 2013 gây ấn tượng mạnh. Những tạo hình đẹp mắt, ngôn ngữ múa trau chuốt, logic đã khắc họa được hình ảnh thật đẹp về tình mẫu tử. Nhiều khán giả trầm trồ phát biểu rằng, họ chưa bao giờ nghĩ múa dân gian dân tộc lại có thể khai thác ấn tượng khi kết hợp với múa đương đại như vậy. Tuy nhiên, trong mấy mùa giải, "Cõng mẹ đi chơi" là tác phẩm hiếm hoi được đánh giá cao về giá trị tư tưởng cũng như nghệ thuật.

Gần đây, tiết mục múa dân tộc Thái mà Kiều Lê dàn dựng cho Xuân Thảo, Đức Tiến trong đêm chung kết thứ 5, Chương trình "Thử thách cùng bước nhảy" năm 2014 cũng nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Tác phẩm lấy ý tưởng về tình cảm vợ chồng người Thái, để giữ chồng không bỏ đi chơi, cô gái đã buông mái tóc tuyệt đẹp của mình, thực hiện những động tác múa gợi lên hình ảnh về những cô gái Thái gội đầu. Câu chuyện và cấu tứ của tác phẩm hay nhưng có lẽ, biên đạo đã khai thác quá nhiều múa đương đại khiến chất liệu múa Thái không rõ nét. Nhiều động tác bê đỡ, quay, nhảy, lăn lộn không phù hợp với văn hóa Thái, nhất là trong thực tế, với chiếc váy bó sát, phần chân di chuyển của cô gái Thái rất mềm mại, uyển chuyển. Nhận xét về tiết mục này, Giám khảo, biên đạo múa Tuyết Minh cũng phải lên tiếng về sự "táo bạo" và "phá cách" của biên đạo trong việc dàn dựng tác phẩm từ chất liệu múa dân gian. Sử dụng nền bài hát "Dạ cổ hoài lang" của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, biên đạo múa Kiều Lê và Nguyệt Thu đã mang đến những cảm xúc mới lạ cho người xem qua tác phẩm múa do Tấn Huy và Thương Hoài biểu diễn trong đêm liveshow 7. Tình yêu, sự thủy chung của đôi vợ chồng làm nhiều khán giả xúc động nhưng cũng thót tim vì quá nhiều tạo hình khó, đòi hỏi sự cân bằng, ăn ý trong phối hợp giữa hai diễn viên múa.

Sơn Lâm và Kim Anh tập luyện tác phẩm múa "Trống cơm" dưới sự hướng dẫn của biên đạo múa Kiều Lê.

Trước đó, tác phẩm "Trống cơm" của biên đạo múa Kiều Lê cho phần dự thi của thí sinh Sơn Lâm và Kim Anh cũng bị đánh giá là có nhiều động tác múa không phù hợp, thậm chí là mạo hiểm. Hình ảnh chàng trai nằm ngửa, giơ chân lên cao và để cô gái bước lên mông nhảy xuống phía trước đánh mất đi nét đằm thắm, dịu dàng, tinh tế của người phụ nữ Việt. Những động tác bê đỡ lớn, sử dụng phần chân nhiều khiến áo, váy của người phụ nữ bị xộc xệch trông rất phản cảm. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với tác phẩm múa trên nền nhạc bài "Bà Răng Bà Rí" do Mạnh Quyền và Tố Như thể hiện trong đêm "Meet Top 10" (Biên đạo múa: NSƯT Thái Đạt Minh và Nguyễn Vĩnh Hiển). Kỹ thuật cá nhân và phần biểu diễn của Tố Như và Mạnh Quyền đều tốt, sự kết hợp nhuần nhuyễn, ăn ý chỉ có đôi chỗ hơi phản cảm. Trong tác phẩm múa có đoạn, Tố Như mặc váy đụp nằm ngửa giữa sân khấu, hai chân giơ cao để Mạnh Quyền chạy lại ôm. Không hiểu hình tượng múa diễn đạt điều gì nhưng nhìn từ phía dưới trông rất phản cảm.

Không chỉ xây dựng ngôn ngữ múa dân gian bằng cách kết hợp với múa đương đại phương Tây, nhiều biên đạo múa còn mạnh dạn kết hợp múa dân gian với các loại hình khác như dance sport, thậm chí là cả hip hop. Trong đêm chung kết "Vũ điệu đam mê" mùa đầu tiên, tác phẩm "Thị Màu lên chùa" của á quân Tô Lâm khiến người xem ngỡ ngàng. Với kỹ thuật điêu luyện, diễn xuất tốt, âm nhạc hay, sân khấu hiện đại, tiết mục biểu diễn kết hợp múa dân gian với hip hop của Tô Lâm đã "phá nát" một tích truyện truyền thống. Xúng xính trong bộ tứ thân, tay cầm quạt hồng, Tô Lâm đã có những màn nhảy kiểu hip hop, đương đại xen kẽ những đoạn múa sử dụng chất liệu dân gian dân tộc Việt thực không phù hợp và "thuận mắt". Màn biểu diễn múa dân tộc Mông kết hợp với dancesport của Yến Nhi và Khôi Nguyên trong liveshow "Đêm dân gian", chương trình "Bước nhảy hoàn vũ nhí" cũng vậy. Nếu phần đầu, Yến Nhi và Khôi Nguyên vào vai những cô bé, cậu bé người Mông vui vẻ, nhí nhảnh với điệu múa ô, múa khèn đáng yêu bao nhiêu thì phần sau, hai em khiêu vũ thể thao trong trang phục Mông lại trông phản cảm bấy nhiêu.

Phải đánh giá một cách khách quan rằng, truyền hình thực tế đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực nghệ thuật, nhất là về phương diện truyền thông. Với nghệ thuật múa, thông qua những cuộc thi đầy màu sắc, nghệ thuật múa đang đến gần hơn với công chúng và hình ảnh những vũ công ngày càng trở nên đẹp hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn rằng, múa dân gian - mạch nguồn nuôi dưỡng dòng chảy múa Việt Nam đang như thế nào trong mắt công chúng. Liệu tác phẩm múa với ngôn ngữ "lai tạp" và quá hiện đại trên truyền hình có đưa đến những góc nhìn "lệch chuẩn" về múa dân gian dân tộc? Trong khi đó, rất nhiều người lên tiếng rằng, múa dân gian dân tộc đang mai một và đang rất cần đến sự vào cuộc của cả cộng đồng…

Phạm Mạnh Tường
.
.
.