Làn sóng nữ quyền trong nhạc Việt

Thứ Sáu, 04/01/2019, 08:05
Hình ảnh người phụ nữ dịu dàng, yếu đuối, cam chịu, phụ thuộc đàn ông trong các sản phẩm âm nhạc dần "xưa rồi Diễm". Thay vào đó là hình ảnh một quý cô quyến rũ, độc lập, chủ động trong tình yêu, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Làn sóng này ngày càng lan rộng trong nhạc Việt như một tuyên ngôn đanh thép khẳng định nữ quyền.


Dùng sản phẩm âm nhạc để đấu tranh nữ quyền vốn được các ngôi sao Âu, Mỹ áp dụng từ rất lâu. Những cái tên đình đám như Lady Gaga, Beyoncé, Taylor Swift, Alicia Keys, Katy Perry, Ariana Grande… là đại diện đi đầu hiện nay. Phong trào nữ quyền trong âm nhạc thế giới cũng chia ra nhiều quan điểm bởi sự đa dạng của nó.

Với Beyoncé, nữ quyền là phải mạnh mẽ. Các ca khúc của cô như "Me", "Myself and I", "Irreplaceable", "Run the World (Girls)", "Single Ladies", "Diva"… đều tôn vinh người phụ nữ mạnh mẽ, quyền lực và gợi cảm. Qua đó, cô khẳng định sức mạnh phi thường của phái đẹp, thậm chí còn mang tham vọng thống trị thế giới.

Cùng quan điểm này, Alicia Keys tạo dấu ấn với ca khúc "Girl on Fire". Thông qua ca khúc, cô muốn trao quyền cho phụ nữ trên toàn thế giới và truyền cảm hứng cho họ để đấu tranh cho các quyền cơ bản, sống đúng với cái tôi và tự hào vì vẻ đẹp riêng có.

Hồ Ngọc Hà quyến rũ, mê hoặc và chủ động trong ca khúc "Em muốn anh đưa em về".

Ngược lại, Lana Del Rey quan niệm rằng nữ quyền không có nghĩa là phải gồng mình lên để tỏ ra mạnh mẽ như đàn ông. Nữ quyền đơn giản là phụ nữ được tự do làm điều mình thích, trong đó có cả quyền được yếu đuối.

Ở xứ sở được cho là đi đầu về phong trào nữ quyền như nước Mỹ vẫn có những quan niệm sai lầm về phong trào này. Đơn cử như trường hợp Miley Cyrus. Từ một công chúa Disney trong sáng, nhí nhảnh, cô bỗng thích cởi, làm mọi hành động táo bạo, khiêu khích, hát về chủ đề tiệc tùng, tình dục và cần sa. Và Miley tự cho đó là sự bứt phá mọi rào cản, là nữ quyền.

Đương nhiên, việc chuyển từ hình tượng "gái ngoan" sang "gái hư" trong làng giải trí thế giới không phải hiếm, thậm chí họ còn nổi tiếng hơn sau khi thay đổi như trường hợp Britney Spears và Christina Auguilera. Thế nhưng so với Miley, mức độ nổi loạn của cô khiến họ phải chào thua. Việc tha hồ cởi, ăn mặc hở hang, làm những hành động nhảy múa kích dục trong sản phẩm âm nhạc của Miley bị chỉ trích vì khiến khái niệm chủ nghĩa nữ quyền trở nên méo mó.

Bởi loạt sản phẩm âm nhạc ấy không hề mang thông điệp giới tính tích cực, không góp phần nâng cao phẩm giá, sự tự do, bình đẳng của phụ nữ mà ngược lại chỉ biến họ thành công cụ tình dục cho đàn ông.

Ở Việt Nam, Tóc Tiên một thời cũng bị cho là bản sao của Miley. Rất may về sau, Tóc Tiên dần thay đổi hình ảnh. Thời gian gần đây, các sản phẩm âm nhạc của cô mang thông điệp nữ quyền rõ ràng. "Phụ nữ là để yêu" là sự nâng niu trân trọng người phụ nữ - những người xứng đáng có được hạnh phúc.

Phong trào nữ quyền trong nhạc Việt chỉ mới phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Các MV có phần hình ảnh và lời ca khúc khẳng định cái tôi của mỗi người phụ nữ. Đầu tiên có thể kể đến các sản phẩm âm nhạc khai thác chuyện người phụ nữ mạnh mẽ bước qua nỗi đau phụ tình hay tình yêu tan vỡ. "Em không cần anh" (Hồ Ngọc Hà), "Kệ anh thôi"  (Thiểu Bảo Trâm), "Big girl, don't cry" (Tóc Tiên) là những ca khúc tiêu biểu. Khi tình yêu không còn thuộc về mình, các cô gái không khóc lóc, ủ dột mà mạnh mẽ vượt qua và tiếp tục dành trọn niềm tin vào cuộc sống.

Về sau, các ca khúc hướng nhiều vào sự quyến rũ, tự tin và chủ động của người con gái trong tình yêu. Khi thích một chàng trai nào đó, họ không thụ động ngồi chờ đợi mà sẵn sàng thổ lộ hoặc theo đuổi. "Say you do" của Tiên Tiên, "Mình yêu nhau đi" của Bích Phương là lời tỏ tình dễ thương, đáng yêu của một cô gái thầm thương trộm nhớ chàng trai.

Cô gái ấy cũng vô cùng lạc quan, yêu đời và yêu người. Trong khi đó, "Muốn" của Miu Lê; "Giả vờ say" của Đông Nhi; "Em muốn anh đưa em về", "Keep me in love" của Hồ Ngọc Hà, "Bùa yêu" của Bích Phương… lại là hình ảnh một quý cô vô cùng sắc sảo, mê hoặc, không ngại ngần thổ lộ tình cảm và chinh phục người mình thích.

Đi cùng phần lời cá tính, hình ảnh các MV này cũng đậm đặc chất nữ quyền, thậm chí có phần hơi quá đáng khi phái đẹp tha hồ bày trò hành hạ cánh mày râu. Nếu ở MV "Giả vờ say", Đông Nhi liên tục biến thành cô nàng bò sát, người chim, người thú rồi nữ hoàng để làm loạn trí anh chàng Tây điển trai thì Miu Lê cũng khiến chàng trai khốn đốn với đủ trò giật điện, tạt nước, rớt hầm, hù ma… trong MV "Muốn".

Và khi bị phản bội, người con gái không phải chỉ đơn giản là vượt qua nỗi đau mà sẵn sàng dằn mặt cho quý ông biết mùi để không dám khinh thường, coi phụ nữ là đồ chơi. "Talk to me" của Chi Pu và "No boyfriend" của Hoàng Yến Chibi là một ví dụ.

Từ bỏ hình ảnh dịu dàng, yếu đuối và hơi lụy tình trước đây, Đông Nhi không chỉ trở thành cô gái chủ động trong tình yêu mà còn chủ động trong hôn nhân, trong cuộc sống ở MV "Xin lỗi anh quá phiền". Trong MV này, Đông Nhi hóa thân thành cô vợ nội trợ đảm đang, ở nhà lo dọn dẹp, cơm nước và chờ chồng đi làm về.

Dù phát hiện đầy rẫy bằng chứng ngoại tình của chồng nhưng cô vẫn phớt lờ coi như không biết. Đến khi quá mệt mỏi, cô uống một ngụm rượu lạ thì mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Cô tụ tập vui chơi cùng đám bạn, làm những điều mình thích.

Từ bỏ hình ảnh người vợ cam chịu, an phận, Đông Nhi trở về con người thật tự tin, độc lập trong MV "Xin lỗi anh quá phiền".

Từ một người vợ xuề xòa, cô trở nên xinh đẹp hơn. Từ một người vợ cam chịu, nhẫn nhục, cô vùng lên sống với con người thật của mình. Cô trói anh chồng và truy hỏi đến cùng những chứng cứ ngoại tình kia, thậm chí cho anh chồng bay ra khỏi hành tinh trên chiếc ghế đặc biệt do cô chế tạo.

"Chị ngã em nâng" của Bích Phương lại là câu ngợi ca sự đoàn kết, đùm bọc của các chị em gái để vượt qua khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Trong MV, gã đàn ông đốn mạt bị Bích Phương và các chị em trong hội bạn gái hạ gục. Thậm chí, khi miệng đời gièm pha, thúc giục những cô nàng bị xếp diện "gái ế" thì Bích Phương đáp trả rất đáng yêu trong ca khúc "Bao giờ lấy chồng". "Là con gái phải xinh" của Bảo Thy hay "Beautiful" của Văn Mai Hương không khác gì tuyên ngôn mạnh mẽ đề cao vẻ đẹp tự nhiên vốn có và khuyên các cô gái hãy tự tin là chính mình.

Sở dĩ các ca khúc mang dấu ấn nữ quyền ngày càng nhiều vì cuộc sống hiện đại với nhận thức mới mẻ dần xô lệch những chuẩn mực, lề thói định kiến xưa cũ. Vai trò người phụ nữ hiện nay được nâng cao trên nhiều lĩnh vực.

Họ tham gia vào mọi hoạt động xã hội và đóng góp tích cực không kém gì nam giới. Ngoài các ca khúc được viết bởi đội ngũ nữ nhạc sĩ hùng hậu như Vũ Cát Tường, Tiên Cookie, Tiên Tiên, Trang…, thì phần nội dung MV đa số được ca sĩ chọn mặt gửi vàng cho nữ đạo diễn "mát tay" Đinh Hà Uyên Thư. Do đó, các MV này mang dấu ấn nữ quyền đậm đặc.

Những sản phẩm trên đều thuộc vào hàng ca khúc ăn khách. Do đó nó có tác động rất lớn đến nhận thức của người hâm mộ, truyền cảm hứng sống tích cực: Mỗi cô gái đều có quyền được yêu thương và tự chủ chính cuộc sống của mình.

So với điện ảnh, làn sóng nữ quyền ở âm nhạc có phần nổi trội và lấn lướt. Xem phim Việt, một đạo diễn người Hàn Quốc tự hỏi: Liệu có mất cân bằng giới tính không khi hình ảnh người phụ nữ trong các tác phẩm gần như lép vế so với nam giới? Dù một số bộ phim như "Cô Ba Sài Gòn", "Sài Gòn: Anh yêu em", "Gái già lắm chiêu", "Taxi, Em tên gì?", "Em chưa 18"... cố gắng tôn vinh vị trí, vai trò cũng như giá trị của người phụ nữ nhưng dấu ấn này vẫn mờ nhạt.

Tuy vượt trội so với điện ảnh nhưng hiện nay các sản phẩm âm nhạc nữ quyền vẫn chủ yếu quanh quẩn chủ đề tình yêu chứ ít khai thác các vấn đề xã hội cũng như đi sâu vai trò, năng lực của nữ giới hiện nay. Nếu để ý sẽ dễ dàng nhận ra rằng các ca khúc nữ quyền nổi tiếng trên thế giới thường tôn vinh, khẳng định vai trò của người phụ nữ.

Phần nữa, hiện nay rất nhiều MV nhạc Việt khai thác quá đà việc hành hạ đàn ông để thể hiện nữ quyền. Nó không chỉ trở thành một motip khá nhàm chán mà còn khiến vấn đề bình đẳng giới bị nhìn nhận sai lệch. Nữ quyền không có nghĩa là ghét và hành hạ đàn ông, là phải hành động mạnh mẽ, là phải ăn mặc táo bạo, hở hang. Nói theo cố danh ca Aretha Franklin: "Nữ quyền đơn giản là sự tôn trọng và bình đẳng mà người phụ nữ xứng đáng nhận được".

Mai Quỳnh Nga
.
.
.