Khôi phục trên không gian ảo những di sản bị khủng bố phá hoại

Thứ Năm, 08/10/2015, 08:00
Không chỉ đe dọa đến sinh mạng của hàng ngàn người dân vô tội, đẩy những đứa trẻ vào tương lai bất định... tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) còn đang đẩy Syria và Iraq đứng trước nguy cơ bị chôn vùi lịch sử bởi hàng loạt hoạt động phá hoại những dấu ấn văn hóa đặc trưng.

Tiếng kêu cứu của các di sản văn hóa tại Iraq, Syria buộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa Liên hợp Quốc (UNESCO) phải sớm nghiên cứu các biện pháp hữu hiệu để bảo tồn, trong đó có việc sử dụng vệ tinh theo dõi, khôi phục trên không gian ảo và sử dụng tia bức xạ.

Khảo cổ kỹ thuật số

Trong một tuyên bố được đưa ra hồi trung tuần tháng 9, Tổng Giám đốc UNESCO Irinia Bokova đã yêu cầu các lực lượng gìn giữ hòa bình phải bảo vệ các di sản văn hóa ở Iraq và Syria, đồng thời truy tố những kẻ phá hoại di sản lịch sử. Gọi hành động phá hoại văn hóa của các chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là một cuộc "thanh trừng văn hóa", bà Irinia Bokova đã khuyến khích tòa án hình sự quốc tế mở các cuộc điều tra về tình trạng phá hủy di sản văn hóa. Đồng thời, Tổng Giám đốc UNESCO cũng đã tiết lộ về một chương trình "chạy đua với thời gian" nhằm cứu các di sản ở Iraq và Syria mà UNESCO đang thử nghiệm.

Theo đó, một nhóm các nhà khảo cổ thuộc trường Đại học Oxford và Havard của Mỹ đang thực hiện kế hoạch của Viện Khảo cổ Kỹ thuật số là trao 5.000 camera cho người dân ở các vùng xung đột khắp thế giới và đặt mục tiêu đến cuối năm 2016 có thể chụp được 1 triệu hình ảnh các di sản đang gặp rủi ro. Với kế hoạch đó, hàng ngàn cư dân cũng được đề nghị tham gia chụp ảnh. Sau đó, các chuyên gia sẽ sử dụng máy in 3D để tạo các bản sao của những tòa nhà và di sản bị hư hại.

Chiến binh IS dùng búa đập phá những di sản văn hóa ở Syria và Iraq (Ảnh: AP).

Giám đốc điều hành Viện Khảo cổ Kỹ thuật số Roger Michel nói: "Hàng ngàn cư dân đã được đề nghị tham gia chụp ảnh. Sau đó, các chuyên gia sẽ sử dụng máy in 3D để tạo các bản sao của những tòa nhà và di sản bị hư hại. Khảo cổ kỹ thuật số, theo quan điểm của tôi, là hy vọng lớn nhất để giúp chúng ta có thể bảo tồn được kiến trúc, lịch sử nghệ thuật của những di chỉ này".

Bên cạnh đó, một nhóm chuyên gia khảo cổ khác, đứng đầu là Chance Coughenour và Matthew Vincent (hai nghiên cứu sinh tiến sĩ đang làm việc cho Mạng Huấn luyện ban đầu về Di sản Văn hóa kỹ thuật số (ITN-DCH) - một dự án được Liên minh châu Âu tài trợ) lại đang thực hiện chiến dịch vận động những người tình nguyện ứng dụng công nghệ 3D để phục hồi những di sản văn hóa đã mất hay bị phá hoại bởi IS ở Syria và Iraq.

Cụ thể, các di sản văn hóa sẽ được phục hồi bằng phương pháp quang trắc - kỹ thuật phổ biến trong các dự án di sản văn hóa hiện đại, sử dụng phần mềm để xử lý nhiều hình ảnh 2D của một vật thể đơn lẻ thành hình ảnh 3D. Matthew Vincent cho biết, bước đầu tiên của dự án là khôi phục lại các đồ cổ ở Nhà Bảo tàng Mosul. Đến nay, họ đã nhận được 700 bức ảnh 2D từ nhiều nơi gửi về và có 9 tình nguyện viên tạo 15 bản sao cổ vật 3D, trong đó có bản sao bức tượng sư tử nổi tiếng.

Trùng tu bằng bức xạ

Báo cáo của UNESCO công bố mới đây cho hay, những xung đột ở Syria trở nên nghiêm trọng hơn từ sau năm 2011 không chỉ gây thiệt hại về vật chất, tinh thần cho người dân mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới những di sản vô giá của đất nước này. Ít nhất 300 di sản văn hóa của Syria đã bị phá hủy, trong đó có 24 địa điểm bị biến mất hoàn toàn, 190 di sản bị phá nghiêm trọng và gần 80 di sản khác đang có nguy cơ bị tấn công bất cứ lúc nào...

Hàng chục ngàn hiện vật lịch sử ở các bảo tàng của Syria cũng đã bị loại bỏ. Nhà thờ Hồi giáo Umayyad ở thành phố Aleppo với di tích cổ kính nhất là tòa tháp có chiều cao 45m được xây dựng vào thế kỷ XI cùng khu phố cổ ở phía Tây Nam thành phố đã bị phá hủy. Mới đây nhất, vào ngày 30/8, IS đã phá hủy ngôi đền La Mã Bel nổi tiếng được xây dựng vào năm 32 sau Công nguyên, 600 năm trước khi Hồi giáo thâm nhập vào Syria. Đây là nơi người dân Palmyra thờ vị thần Semitic Bel cùng với thần mặt trăng Aglibol và thần mặt trời Yarhibol, tạo nên trung tâm của cuộc sống tôn giáo ở Palmyra.

Trước đó, hôm 23/8, IS cũng cho nổ tung đền Baal Shamin, một ngôi đền cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên… Đây là một tổn thất không thể bù đắp đối với nền văn hóa của nhân loại vì các di sản của Syria là những minh chứng vĩ đại cho nền đế chế Trung Đông tiêu biểu như khu ngôi mộ cổ ở thị trấn sa mạc Palmyra và một số đền thờ La Mã…

Để ngăn chặn tình trạng phá hoại di sản văn hóa hàng ngàn năm tuổi kiểu này ở Syria và Iraq, UNESCO đã ký kết hợp đồng sử dụng vệ tinh theo dõi Daichi với cơ quan vũ trụ Ấn Độ. Từ năm 2008, thiết bị này được sử dụng để thực hiện công việc theo dõi 10 di sản văn hóa, tự nhiên như đền Angkor Wat tại Campuchia, Machu Picchu ở Peru, dãy núi Shirakami, bán đảo Shiretoko và đảo Yakushima tại Nhật Bản…

IS đã phá hủy ngôi đền La Mã Bel nổi tiếng được xây dựng vào năm 32 sau Công nguyên hôm 30/8 (Ảnh: Syrian Government).

Và nay, thiết bị này có thêm nhiệm vụ là theo dõi các di sản văn hóa ở Iraq. Vệ tinh Daichi có khả năng quan sát với độ chính xác cao ngay cả khi quan sát qua mây hay quan sát lúc trời tối. Một quan chức của UNESCO nói: "Các hình ảnh chụp từ vệ tinh với độ phân giải cao sẽ cho thấy các hành vi phá hoại của IS tại các di tích cổ rồi từ đó giúp tạo lập dữ liệu để Interpol vào cuộc điều tra, truy lùng, thậm chí bắt giữ những kẻ phá hoại di tích cổ.

Chưa hết, cơ sở dữ liệu thu được qua vệ tinh cũng có thể được coi là bằng chứng cụ thể về mức độ tàn phá và cướp bóc của IS để đưa những thủ phạm này ra trước tòa án hình sự quốc tế. Hiện tại, Cơ quan khảo sát địa hình của Mỹ (USGS) đang phối hợp với UNESCO để xây dựng tập bản đồ di sản thế giới mới. Tập bản đồ này có hình ảnh vệ tinh của các di sản thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là những di sản nằm ở Syria, Iraq, Yemen và Libya".

Đồng thời, UNESCO cũng tham khảo phương cách bảo tồn di sản bằng tia bức xạ của Viện Nghiên cứu vật lý ứng dụng và tự động hóa (NITFA), thuộc Công ty Rosatom của Nga. Các thí nghiệm trước đó của NITFA cho thấy, chiếu xạ mức 15 kilogray đủ để làm sạch mốc trên giấy. Trong khi đó, vi sinh vật, nấm mốc và côn trùng là một trong những yếu tố gây hại nghiêm trọng tới các di sản văn hóa như sách, các bức họa cổ và những phương pháp thường được sử dụng nhất là: xử lí hóa chất, duy trì nhiệt độ bảo quản, và bọc bảo vệ ngoài không thể đảm bảo hiệu quả bảo vệ lâu dài.

Hơn nữa, NITFA lại sử dụng đồng vị cobalt - 60 để bảo tồn các di sản văn hóa. Công nghệ này an toàn bởi không có bức xạ còn tồn dư sau khi chiếu xạ, hay nói cách khác người ta có thể cầm ngay trên tay cuốn sách vừa được chiếu xạ xong. Tất cả các hoạt động chiếu xạ được NITFA thực hiện đều dựa trên những nguyên tắc và tiêu chuẩn ngặt nghèo, bao gồm cả những quy định an toàn của IAEA. Hồi tháng 7 vừa qua, UNESCO đã thử nghiệm thành công khi kết hợp việc sử dụng công nghệ bức xạ ion và công nghệ trình chiếu chùm ánh sáng laser 3D để tái dụng lại bức tượng Phật đứng Bamiyan 1.500 tuổi tại miền Trung Afghanistan từng bị Taliban phá hủy hồi tháng 3 năm 2001.

Trước đó, UNESCO cũng đã cử đoàn chuyên gia đến học tập kinh nghiệm của các nhà khoa học ở Đại học Hong Kong khi họ sử dụng công nghệ 3D dựng lại một phần khu hang động Phật giáo Mạc Cao, Đôn Hoàng, Trung Quốc. Hang Mạc Cao, Đôn Hoàng nằm ở miền Tây Bắc Trung Quốc là kho tàng nghệ thuật Phật giáo to lớn và nguyên vẹn nhất thế giới. Trong gần 2.000 năm qua, hang động Đôn Hoàng chịu sự tác động bên ngoài như động đất, bão cát từ sa mạc Gobi, cũng như khó tránh khỏi các tác động gây ra bởi lượng du khách khổng lồ mỗi năm ồ ạt đổ về. UNESCO dự tính từ đầu năm 2016 sẽ trùng tu lại một số di tích cổ tại thành phố Aleppo của Syria và một số nơi ở Iraq bằng phương pháp này.

Sông Thương
.
.
.