Cửa sổ văn nghệ

Khi "Bà Tưng" bước vào... đề thi

Thứ Ba, 29/10/2013, 08:43
Với một đề thi văn, nhất là trong cuộc thi chọn học sinh giỏi, thiết nghĩ, đề văn không cần "đao to, búa lớn" nhưng phải khơi gợi được cảm xúc văn học, cá tính, khả năng nhìn nhận và phân tích vấn đề của học sinh, qua đó, phát hiện, bồi dưỡng những tài năng văn học trẻ. Xét trên phương diện này thì liệu đề thi có sự xuất hiện của hot girl Ngọc Trinh và Bà Tưng đã làm được điều đó?

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về đề văn chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn của TP Hải Phòng vì đã đưa hai nhân vật "nổi tiếng nhưng đầy tai tiếng" vào đề thi. Theo đó, câu 1 cùa đề thi có nội dung như sau: "Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?". Mới đây, cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh "Bà Tưng") khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền" (Theo Vietnamnet). Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề "Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ".

Đề văn "có một không hai" này ngay lập tức gặp sự phản đối của công luận. Nhiều người không đồng tình với cách ra đề như vậy. Người viết bài này cũng cho rằng, Ngọc Trinh, Bà Tưng là những nhân vật luôn muốn tạo scandal để được nổi tiếng, tiến thân vào showbiz bằng cách khoe thân, phát ngôn gây shock chứ không phải bằng tài năng và sự khổ luyện. Trong khi, mục tiêu mà một đề văn cần hướng tới là phải mang tính giáo dục và phải khơi được cảm xúc, suy nghĩ cũng như trăn trở của người viết. Thật khó có thể tìm ra mối liên hệ giữa "tiến bộ xã hội" và "ước mơ đại gia của cô gái trẻ" vì nó vốn dĩ chẳng liên quan hay ăn nhập gì với nhau. Thế mà, theo thông tin mới nhất đăng tải trên các báo mạng, kết quả chấm bài thi môn Ngữ văn của toàn bộ 82 thí sinh dự thi bảng A đã hoàn tất, không có thí sinh nào ủng hộ quan điểm sống của hai nhân vật được đề cập trong đề thi. 100% thí sinh có điểm từ trung bình trở lên, trong đó có 4 bài đạt điểm giỏi, 44 bài đạt điểm khá.

Ra đề văn theo dạng mở là cách làm hay để khơi gợi tư duy sáng tạo, tạo điều kiện để học sinh bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình, thoát khỏi lối tư duy "bài văn mẫu". Đề thi tốt nghiệp phổ thông trung học năm 2013 được dư luận đồng tình khi câu hỏi phần nghị luận xã hội yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ về hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam (Nghệ An) hy sinh thân mình để cứu 4 em nhỏ giữa dòng nước xoáy. Đề thi học kỳ II, môn văn khối 11 của Trường Hà Nội - Amsterdam đầu tháng 5 vừa qua cũng nhận được sự tán đồng của rất nhiều bạn trẻ. Đề bài đặc biệt bởi xuất hiện một câu nghị luận xã hội trong bài hát khá nổi tiếng "Instant Karma" của danh ca John Lennon và đề nghị học sinh bày tỏ suy nghĩ của mình về thông điệp mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm trong câu hát: "Phải chăng chúng ta đều tỏa sáng, như mặt trăng, như những vì sao và như mặt trời"…

Phải thừa nhận một điều rằng, những bài văn hay luôn được khơi gợi từ những đề bài hấp dẫn. Nhiều bài văn khi đưa lên mạng luôn nhận được sự cổ vũ, chia sẻ của nhiều bạn trẻ. Những bài văn như "Nghĩ về đồng tiền" của học sinh Nguyễn Trung Hiếu (Trường Amsterdam), bài văn "phát biểu cảm nghĩ về một người thân yêu nhất" của em Nguyễn Thị Hậu (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Nghệ An). Với một đề thi văn, nhất là trong cuộc thi chọn học sinh giỏi, thiết nghĩ, đề văn không cần "đao to, búa lớn" nhưng phải khơi gợi được cảm xúc văn học, cá tính, khả năng nhìn nhận và phân tích vấn đề của học sinh, qua đó, phát hiện, bồi dưỡng những tài năng văn học trẻ. Xét trên phương diện này thì liệu đề thi có sự xuất hiện của hot girl Ngọc Trinh và Bà Tưng đã làm được điều đó?

Mạnh Tường
.
.
.