Giáo dục không thể tự đóng khung mình

Thứ Bảy, 08/10/2016, 09:21
Nếu nhìn vào chất lượng thực sự của những cử nhân các chuyên ngành vẫn đều đều tốt nghiệp hàng năm, chúng ta không thể phủ nhận một thực tế rằng, dù họ có thể rất giỏi về chuyên môn nhưng phần đông họ thiếu kiến văn cũng như những kỹ năng cơ bản, như kỹ năng viết; thuyết trình, để có thể đáp ứng được yêu cầu ngày một khắt khe hơn của công việc. 


Nguyên nhân của sự thiếu kiến văn và kỹ năng cơ bản kể trên phần lớn đến từ việc thiếu học hỏi từ việc đọc một cách chủ động, có mục đích. Dù lượng người trẻ vẫn mua sách đều nhưng phải thừa nhận rằng, không nhiều người trong số họ chịu mua những mục sách đủ giúp họ cải thiện kỹ năng và mở rộng kiến văn. Và nơi phải chịu trách nhiệm chính cho sự “đọc thiếu hiệu quả” của người trẻ chính là ngành Giáo dục và đó không phải là một quy chụp vội vàng chút nào.

Trong một chia sẻ gần đây với người viết, một cô gái trẻ mới tốt nghiệp khoa Kinh tế - Chính trị và khoa Triết học của Đại học Oxford, Anh quốc cho biết, một trong số những cuốn sách yêu thích nhất của cô là cuốn “The Consolations of Philosophy” của tác giả Alain de Botton.

Và điều ngạc nhiên ở đây là cuốn sách do nhà trường giới thiệu cho cô đọc từ lúc chuẩn bị vào đại học năm thứ nhất, khoa Triết, theo chương trình “giới thiệu khoá học Triết mùa hè” của Trường Oxford. Chia sẻ ấy khiến chúng ta phải suy ngẫm. Đó chỉ là một trong vài gợi ý của nhà trường, để chuẩn bị cho các em sinh viên vào khóa học chính thức mà các em đã lựa chọn.

Học sinh tiểu học tham gia thi sáng tạo khoa học.

Và chính các em sẽ chọn lấy cuốn sách gợi ý nào hợp với tạng của mình để đọc, từ đó các em sẽ cảm thấy yêu thích cuốn sách đó. Rõ ràng, đó là một cách làm việc rất khoa học, đầy sự quan tâm tới sinh viên.

Nhà trường ý thức rất rõ, khi sinh viên chọn khoa Triết, họ nên chuẩn bị chút ít về Triết trước khi nhập học. Và những cuốn sách mà trường giới thiệu hoá ra đã giúp sinh viên có thói quen đọc một cách chủ động, đọc bằng sự yêu thích chứ không phải đọc bằng sự ép buộc theo kiểu “muốn tốt nghiệp thì buộc phải đọc cuốn này, cuốn nọ, cuốn kia”.

Có thể không ít người sẽ phản biện ngay rằng “Đấy là giáo dục phương Tây, hơn nữa lại đến từ Oxford, trường đại học mới được bình chọn là số 1 thế giới trong năm 2016 này”. Vâng, đúng là Oxford là trường danh giá, chỉ dành cho con nhà gia thế nhưng không có nghĩa chỉ Oxford có thể làm điều đó.

Giới thiệu sách cho học sinh đọc chủ động với sự thích thú là cách làm mà ngay cả một trường thiện nguyện trong nhà thờ hay nhà chùa cũng có thể làm được chứ không cứ gì phải là một ngôi trường danh giá. Cách làm ấy không tốn tiền, và chẳng liên quan gì đến đầu tư tiền của ở đây cả. Cách làm ấy chỉ cần một thứ duy nhất: Cái tâm muốn thực hành giáo dục một cách vì con người nhất.

Ở Việt Nam hiện nay, chúng ta vẫn phân cấp chất lượng giáo dục theo dạng: trường quốc tế - trường điểm – trường công. Đúng là luôn có những khác biệt về chất lượng dịch vụ giáo dục giữa 3 tầng lớp loại trường đó, song không có nghĩa rằng những gì trường quốc tế làm được thì một trường công tầm thường không làm được.

Chia sẻ với người viết, một giảng viên tiếng Việt của Trường quốc tế Việt – Úc tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Cấp tiểu học ở Trường Việt – Úc thực hiện việc khuyến khích học sinh đọc chủ động rất hay. Hàng tuần, hàng tháng, giáo viên đưa ra một chủ đề liên quan đến những gì các em học trong giáo trình và yêu cầu các em về nhà tự chọn lấy 1 cuốn sách liên quan đến chủ đề ấy để đọc. Sau đó, các em sẽ kể lại cho tất cả các bạn cùng nghe, đính kèm theo là một bài tóm tắt ngắn với cảm nhận riêng của các em về cuốn sách.

Như vậy, chỉ một động tác, nhà trường đã làm các em thích đọc (vì được đọc cái mình chọn chứ không phải cái bị ép buộc); khiến các em có kỹ năng thuyết trình (kể lại trước cả lớp) và cả kỹ năng viết tổng hợp (báo cáo tóm tắt). Với thói quen ấy, chắc chắn những học sinh tốt nghiệp tiểu học quốc tế sẽ hơn đứt những em học trường công về chất lượng con người.

Nhưng những thứ mà trường quốc tế kia làm được, các trường công có làm được không? Rõ ràng là thừa sức để làm được nhưng vấn đề là ở trường công người ta không chịu làm. Biện minh bằng áp lực thành tích chỉ là một biện minh cũ rích và không thuyết phục, bởi một khi học sinh có chất lượng đọc, hiểu tốt hơn, các em sẽ đáp ứng những đòi hỏi bắt buộc của giáo trình cơ bản tốt hơn.

Vấn đề nằm ở chỗ ngành giáo dục đã bỏ qua, xem nhẹ những hoạt động lợi ích, không tốn kém như thế thành thói quen rồi. Hay nói cách khác, họ tự bó mình trong cái hộp tư duy cũ kỹ, tự trói tay mình, tự đóng khung mình trong cái gọi đơn giản là giáo trình khoa giáo.

Đã đến lúc ngành Giáo dục phải thay đổi. Ngành Giáo dục phải xác định rõ có thể chất lượng dịch vụ như phòng học, bàn ghế, cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên v.v... của trường công không thể bằng trường quốc tế hay trường điểm, trường chuyên, nhưng cách thực hành giáo dục thì không thể thua kém.

Sự thay đổi đó sẽ vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng tương lai của đất nước bởi tương lai cần phải được giao vào tay một thế hệ không chỉ nhuần nhuyễn chuyên môn mà còn phải có kiến văn, có văn hóa nền, có những kỹ năng mềm “ngang ngửa” với những quốc gia văn minh.

Hà Quang Minh
.
.
.