Giải pháp nào cho những di tích đã được xếp hạng đang xuống cấp?

Thứ Năm, 29/07/2021, 13:21
Xuống cấp ở những di tích đã được xếp hạng là thực tế đang xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Những mảng tường bong tróc, những đòn kèo cột bị hư hỏng nặng; tường nhà, tường rào sập đổ, mục nát; những cánh cửa đã bị hư hại không thể đóng mở; mái nhà nham nhở... là thực trạng diễn ra ở nhiều khu di tích đã được xếp hạng. Không ít địa phương đã “bức xúc” làm đơn “trả lại” di tích đã được xếp hạng cho Nhà nước, đơn cử và gây chú ý trong thời gian qua là làng cổ Đường Lâm. Đây có phải là điều đáng báo động và là bài toán khó giải với các nhà quản lý và giải pháp nào cho tình trạng trên?


Thực trạng đáng báo động

Hiện Việt Nam có hơn 41.000 di tích, thắng cảnh, trong đó có hơn 4.000 di tích đã được xếp hạng Di tích Quốc gia và hơn 9.000 di tích được xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Con số di tích được xếp hạng cấp Quốc gia hằng năm vẫn được tăng thêm, như năm 2017, cả nước có thêm 6 di tích được xếp hạng Di tích Quốc gia và đến năm 2020 lại có thêm 15 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. 

Đến đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ có quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với 7 di tích. Con số di tích xếp hạng tăng lên nhưng những di tích đã được xếp hạng bị xuống cấp do chưa được bảo tồn và trùng tu kịp thời lại là một thực trạng đang diễn ra hằng ngày. Đình Thuận Hoà, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận được Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia đang bị xuống cấp nghiêm trọng. 

Cụm tháp Hoà Lai (Ninh Thuận) xuống cấp nghiêm trọng.
Kèo cột bên trong đền thờ Hoàng Giáp Lê Bật (tại trung tâm thành phố Thanh Hoá) bị xuống cấp nghiêm trọng.

Hay đình Hiển Lễ thuộc địa phận thôn Hiển Lễ, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cũng nằm chung số phận. Do ảnh hưởng của mưa lớn nên phần mái đình Hiền Lễ đã bị sập, một số cổ vật như hoành phi, câu đối bị hỏng nặng. Bát hương và một số hiện vật quý trong ngôi đình có niên đại hàng trăm năm tuổi hiện vẫn trong cảnh màn trời chiếu đất. 

Thực trạng nhức nhối này gần như rơi vào hầu khắp các địa phương trong cả nước: Nhiều nơi do di tích bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa có nguồn kinh phí tu bổ nên đã “giận dỗi” trả lại bằng Di tích cho Nhà nước, hoặc viết biển cảnh báo ở bên ngoài cửa di tích: “Khu vực cấm, cấm vào” để tránh những hậu quả đáng tiếc như chùa Lũ Yên (xã Đào Xá, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) đang đứng trước nguy cơ có thể sập bất cứ lúc nào. Ngôi chùa này đang lưu giữ một khối lượng tư liệu Hán Nôm quý giá. Đền thờ Hoàng Giáp Lê Bật Tứ (thị trấn Nứa, huyện Triệu Sơn) cũng cùng chung cảnh ngộ, rồi di tích Hoa Thương hội quán nằm trong lòng thành phố Thanh Hoá sau nhiều năm dài chờ trùng tu, cũng đang bị đổ nát và xuống cấp. Trước thực trạng diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở nhiều địa phương, nếu không nhanh có biện pháp trùng tu, tôn tạo, nhiều khu di tích lịch sử - văn hoá sẽ có nguy cơ biến mất khỏi đời sống văn hoá đương đại.

Trùng tu, tôn tạo còn theo mùa vụ

GS,TS, KTS Hoàng Đạo Kính (Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia)

- Từng gắn bó với nhiều công trình tâm linh lớn ở Việt Nam cả cổ điển và hiện đại, ông thấy sao khi một số các Di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng bị xuống cấp và nhiều nơi còn bị hoang phế?

+ Để di tích bị hoang phế thì theo tôi cần trả lại cho di tích chức năng ban đầu của nó, như một điều kiện tốt nhất để nó phát huy. Tôi thấy một số nơi ngôi đền, ngôi chùa  được duy trì  bởi các cán bộ bảo tàng, thay vì cho các sư sãi và cụ từ. Ngay kể cả khi bàn về đầu tư cho di tích, người ta hay nghĩ đến tiền bạc. Song, theo tôi ngoài chuyện kinh phí ra có lẽ còn phải đề cập đến đầu tư tổ chức, đầu tư quản lý, đầu tư kiến thức và cuối cùng, đầu tư tất cả sức lực và tình cảm của cả đời chúng ta cho sự nghiệp cao cả giữ gìn di sản ông cha để lại cho mai sau.

- Có nghĩa là ta chưa thực sự đầu tư tất cả sức lực và tình cảm cho việc giữ gìn di sản của tiền nhân để lại cho hậu thế?

+ Ở ta lâu nay thường sử dụng những khái niệm chưa được định nghĩa chặt chẽ, song rõ ràng xuất phát từ nhu cầu thực tế như “Di tích có giá trị đặc biệt”, “Di tích tầm cỡ Quốc gia”, “Di tích A1”... Cần phải hiểu rằng, đã là di tích được công nhận thì đều là đối tượng được pháp luật bảo vệ, được giữ gìn và tôn tạo. Song các di tích được công nhận có thang bậc giá trị và tầm quan trọng khác nhau. 

Mặt khác, các nguồn nhân lực, vật lực và tài chính của đất nước có giới hạn, cho nên xuất hiện nhu cầu tách một số di tích để đưa vào loại có giá trị đặc biệt, tầm cỡ quốc gia. Di tích thuộc loại này phải nằm trong sự quản lý toàn diện của Bộ (Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch). Nhà nước xét duyệt mọi dự án tu bổ và tôn tạo, Nhà nước đầu tư cho việc tu bổ. Việc bảo quản tu bổ phải do cơ quan chuyên ngành Trung ương với các chuyên gia và các nghệ nhân giàu kinh nghiệm thực hiện.

 - Có không ít những di tích xếp hạng đã được cứu sau khi trùng tu tôn tạo, nhưng so với mặt bằng chung cả nước, có đến 4.000 di tích được xếp hạng quốc gia và 9.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh thì việc một số di tích đã được xếp hạng bị xuống cấp là điều không tránh khỏi và chúng ta phải làm gì để khắc phục?

+ Đúng là lâu nay chúng ta ít nhiều đã làm công tác bảo tồn tu bổ và tôn tạo di tích. Nhờ đó mà đã cứu được chùa Tây Phương, đình Tây Đằng, các công trình ở Huế, các tháp Chăm và rất nhiều di tích khác. Chỉ có điều, phần lớn công việc này chúng ta thực hiện ở dạng thụ động, bởi vì khi di tích kêu cứu, ta nhảy vào tu bổ, đến ngày kỉ niệm chẵn ta mở “chiến dịch”.  

Việc tu bổ, trùng tu tôn tạo theo mùa vụ này không gìn giữ được tinh hoa của tiền nhân, không chống đỡ nổi được sự xuống cấp của di sản, mà phải có đội ngũ quản lý sâu sát, xem hỏng ở đâu thì trùng tu tôn tạo ngay tại thời điểm đấy. Chứ các nơi tâm linh khoác biển “Di tích đã được xếp hạng” lại phải đợi đến ngày Lễ dân tộc, ngày kỉ niệm mới được trùng tu thì sự xuống cấp sẽ càng thêm nghiêm trọng. Và đương nhiên, việc bảo quản tu bổ phải do cơ quan chuyên ngành Trung ương với các chuyên gia và nghệ nhân giàu kinh nghiệm thực hiện. 

Gìn giữ di sản là câu chuyện của người đương thời

Nhà nghiên cứu Trần Khánh Dư (nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ -Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hoá tôn giáo)

- Xuống cấp ở những di tích đã được xếp hạng là một sự thực nhức nhối trong ngành Bảo tồn Di sản, và thực trạng ngày càng trở nên phổ biến.

+ Phải hỏi ngược lại, tại sao người ta lại gọi là di sản? Đó là những thứ tồn tại từ lâu đời, hàng chục năm thì cũng là tồn tại, nhưng từ di sản thường được hiểu theo nghĩa hàng trăm năm, thậm chí là hàng nghìn năm. Đất nước này tồn tại và phát triển từ bao giờ? Có bề dày văn hoá và lịch sử ra sao thì không cần phải văn bản gì hết, không cần phải lật trang sách để đọc một dòng chữ nào cả, người ta chỉ cần trông vào bức tường thành, khu tâm linh ấy, lăng miếu ấy về kiến trúc về nghệ thuật... là người ta biết niên đại của nó, biết thời kì đó đang thịnh hành cái gì, và đời sống văn hoá xã hội phát triển ra sao? 

Ví dụ như viên đạn bắn vào tường thành, đó là chứng tích của chiến tranh. Chứ bây giờ đắp xi măng vào, đóng cái khung bảo: “Đây cái chỗ này, người Pháp bắn...”, rồi có người nói: “Các ông nói bậy, làm gì có chuyện đó”. Vậy nên hãy để nó diễn ra như nó vốn có, anh đừng có động vào, đừng có làm móp méo lịch sử rồi lại phải đi giải thích.

  - Có nghĩa là giữ nguyên hiện trạng, nhưng thời gian nhiều di tích đã được xếp hạng “kêu cứu”, ví dụ như mưa mái bị dột, hay tượng gỗ, cột kèo bị mối mọt, tường rêu ngói lở là thực tế đang diễn ra ở một số di tích đã được xếp hạng. Nhà nước cũng phải có biện pháp khẩn trương để khắc phục chứ...

+ Hỏi ngược lại một tí, thế phóng viên có biết tại sao Nhà nước lại cấp bằng cho di tích. Cái này ngay cả một số người làm về di sản cũng chưa chắc đã biết. Trước đây, từ năm 1962 thời Bộ trưởng Bộ văn hoá Hoàng Minh Giám đương chức ông đã chỉ đạo cho công nhận những di tích được xếp hạng trọng điểm của quốc gia, nhưng những di tích xếp hạng đó rất ít, đó là những di tích rất đặc biệt, và chỉ được ghi nhận bằng văn bản chứ chưa được gắn biển hiệu bên cạnh di tích. 

Bẵng đi một thời gian dài cho mãi đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tôi làm việc với ông Đỗ Thọ Việp, lúc đấy ông là trưởng phòng Bảo tồn của vụ Bảo tồn Bảo tàng của Bộ Văn hoá (hiện nay là Cục Di sản, Bộ Văn hoá - Thể Thao & Du lịch). Ông nói thế này: “Tôi báo cáo với bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu (Bộ trưởng Bộ Văn hoá lúc bấy giờ) rằng bây giờ cái việc bộ - ban - ngành văn hoá chúng ta chỉ còn mỗi việc là giữ gìn di sản chứ các việc khác Ban Tuyên huấn Trung ương họ làm hết rồi, từ xét duyệt văn hoá, văn nghệ, phục trang, quần áo để biểu diễn còn nhiệm vụ giữ tài sản của tiền nhân họ chưa làm thì bây giờ Bộ Văn hoá sẽ làm. Bộ trưởng mới bảo: “Anh nói có lý”.

Thế là lúc bấy giờ mới bắt đầu có một số chuyên viên chuyên nghiên cứu về di sản xây dựng hồ sơ để giữ gìn di sản để xếp hạng Di tích. Lúc bây giờ tại cửa cổng các di tích mới có biển xây xi măng công nhận “Di tích lịch sử văn hoá đã được xếp hạng”. Chính ông Đỗ Thọ Việp nếu còn sống thì đến nay cũng gần 100 tuổi là người thiết kế cái bằng được công nhận di tích rồi thông qua Bộ trưởng xét duyệt, công nhận.

Bắt đầu lúc đấy mới có nhiều các cuộc hội thảo cho di sản, mời các nhà nghiên cứu đến để phân tích, xem xét, đánh giá để cấp bằng di tích. Sau đó các di tích mới được xếp hạng nọ, xếp hạng kia, thế thì lúc đấy các Sở Văn hoá ở nhiều nơi họ làm tưng bừng lắm, nhiều văn bản, nhiều hội thảo khoa học... Sau này ông Đỗ Thọ Việp mới được một nhà thơ  tặng cho 4 câu thơ vì có công bảo vệ di tích. Nhưng để gìn giữ di sản ấy cho hậu thế mai sau là câu chuyện của người đương thời, ông Đỗ Thọ Việp nay đã ra người thiên cổ.

Có địa phương làm đơn trả lại di tích đã được xếp hạng

Nhà nghiên cứu Di sản văn hoá - TS Nguyễn Đức Bá (Giảng viên Đại học Văn hoá Hà Nội - chuyên viên Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hoá Tôn giáo)

- Là người gắn bó với di sản văn hoá nhiều vùng miền, anh có thấy trong những năm trở lại đây, có khá nhiều di tích được xếp hạng đã xuống cấp, và trong số đó có một số di tích bị xuống cấp nghiêm trọng? Thực trạng đáng buồn này là do đâu?

+ “Nước chảy đá mòn”, trên đời này có cái gì là vĩnh cửu đâu. Cái áo mặc lâu cũng bị cũ, cái xe đi nhiều cũng mòn đôi lốp. Còn di sản trải qua bao đời, bao thế hệ giữa mưa nắng giông bão nên “ốm yếu”, rệu rã cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng sau những sự xuống cấp xập xệ, đấy người ta ứng xử với nó như thế nào lại là một câu chuyện khác. 

Mà điều đáng nói ở đây, những di tích xuống cấp đa phần là những di tích đã được xếp hạng. Vì sao lại như vậy? Có một nghịch lý là nếu Di tích xếp hạng cấp Quốc gia thì nguồn trùng tu tôn tạo sẽ do Bộ Văn hoá - Thể Thao & Du lịch cấp. Di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố thì nguồn kinh phí trùng tu tôn tạo sẽ do địa phương cấp. Chỉ có điều nguồn kinh phí đấy eo hẹp, thực sự là không đủ để trùng tu, tôn tạo. Có khi chi cho một khu di tích đấy chỉ khoảng 1 tỷ nhưng muốn trùng tu tôn tạo thực sự phải mất đến cả chục tỷ, có nghĩa là gấp 10 lần. 

Mà đã là di tích cấp Quốc gia thì phải có Hội đồng Quốc gia thẩm định họp lên, họp xuống, bàn ra bàn vào không biết bao nhiêu lần mới ra được dự thảo; từ dự thảo đi vào thực tiễn sửa chữa mất khá nhiều thời gian, mà di tích ấy đã rệu rã rồi, không còn sức chống đỡ nữa nên càng xuống cấp.

- Vâng, có một thực tế là có sự khác biệt giữa người làm quản lý Nhà nước và Ban Quản lý di tích sở tại nên thường gây ra những mâu thuẫn, ví dụ như câu chuyện trước đây ở chùa Một Cột, hay câu chuyện ở chùa Trăm Gian, chùa Tây Phương...

+ Nhà nước vẫn có quan điểm là Nhà nước và nhân dân cùng làm, trùng tu tôn tạo là do nguồn xã hội hoá, trừ những di tích trọng điểm của Quốc gia thì những nguồn thu bán vé từ những điểm di tích đó đem lại nguồn thu lợi lớn, rồi từ nguồn đấy quay trở lại đáp ứng nhu cầu tu bổ. Nhà nước quản lý nguồn bán vé ấy. Ví dụ như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hay một số khu lăng mộ các vua triều Nguyễn ở cố đô Huế, Kinh thành Huế... thu tiền bán vé xong lại cấp lại để trùng tu sửa chữa thì những di tích ấy trùng tu nhanh đấy.

Có một điều, cũng có những di sản đã được xếp hạng, những vị tu sĩ rất nhẹ nhàng vẫn giữ lấy nếp cổ, nhưng đa phần người ta muốn xây to, xây lớn, mở rộng cơ sở hạ tầng. Một là đáp ứng được sinh hoạt với các phật tử, cho khách hành hương đến chiêm bái. Hai là nhu cầu sinh hoạt của chính các tu sĩ ở trong đấy được tiện lợi, và ba là nhu cầu để chứng tỏ là ta sánh vai với các bản thôn, bản xóm bên cạnh thì nghiễm nhiên họ sẽ đề xuất trùng tu sửa chữa. Và mỗi lần đề xuất thực ra rất lâu vì đề xuất văn bản qua được đến các cấp phải duyệt, phải chờ. Di sản xếp hạng càng lớn thì lại càng phải qua nhiều khâu duyệt và chờ càng lâu. Có khi chờ hằng năm, hằng chục năm, nhưng xuống cấp thì có khi là hằng tháng, hằng ngày. Hôm nay có trận mưa, trận bão lớn là nghiễm nhiên cái di tích cũ xuống cấp nhanh.

 Vậy nên tư tưởng muốn thoát khỏi sự quản lý của Nhà nước bởi vì khi di tích đấy không phải là di tích được cấp bằng Di sản thì Ban Quản lý của thôn, xã tự quyết định với nhau, sư trụ trì ở đấy cũng tự quyết định được. Trùng tu tôn tạo bằng nguồn xã hội hoá thì rất nhanh, thậm chí có một vài Mạnh Thường Quân nào đấy là một ngôi chùa mới có thể mọc lên. Nguồn vốn xã hội hoá càng nhiều thì chùa càng hoành tráng, bề thế, nhưng mà là Di tích xếp hạng Quốc gia, hay Di tích cấp thành phố thì không được phép như thế nên họ muốn thoát khỏi ràng buộc giữa quản lý di tích và xã hội hoá, đấy là ranh giới. Phần lớn bây giờ nhiều chỗ không muốn được cấp bằng di tích, thậm chí có nhiều chỗ còn muốn trả lại bằng di tích đã được xếp hạng.  

- Việc khăng khăng muốn trả lại bằng Di tích đã được xếp hạng tưởng như câu chuyện đùa nhưng lại là sự việc có thật. Và chuyện này thật là không tưởng.

+ Nhiều chỗ người ta đã viết đơn để trả lại bằng di tích, ví dụ làng cổ Đường Lâm muốn trả lại bằng di tích, và một số chùa như chùa Mía, chùa Trăm Gian... muốn trả lại bằng di tích để tự quản lý. Họ không muốn cái chùa này mang di tích cấp tỉnh, cấp Quốc gia và chỉ muốn trở lại chúng tôi là di tích cấp thôn, do Ban Quản lý thôn quản lý. Họ được quyền tự quyết mọi thứ, nay hỏng cái cột kèo này là họ có thể thay ngay được; mai họ có thể đổi tượng nhỏ lấy tượng to, đổi tượng đồng sang gỗ hay từ tượng gỗ sang đồng, thêm cái này, bớt cái kia. Thậm chí thay đổi hoàn toàn không gian tâm linh mà không bị các cấp chính quyền nào sờ đến.

Cái việc đấy gần như là không tưởng. Mặc dù họ cứ làm đơn mong muốn trình bày nguyện vọng của họ thôi. Đã xác định Di tích cấp Quốc gia là tài sản Di sản của Nhà nước, Di tích cấp Quốc gia có nguồn tiền do Bộ cấp, còn Di tích cấp thành phố thì nguồn tiền sửa chữa là do thành phố, tỉnh cấp. Địa phương xin được nguồn tiền của Quốc gia thì được, còn Nhà nước không cấp thì địa phương phải có khoản kinh phí để xử lý cho trùng tu phục chế hằng năm, thường cái khoản đấy không đáp ứng nhu cầu nguyện vọng sửa chữa của người dân, của Ban Quản lý di tích ở đấy, hoặc của người trụ trì đấy. Nó dẫn đến cái việc như thế, phần lớn là cả Nhà nước, cả dân, cả Ban Quản lý ở đấy đều muốn di tích phải hoành tráng, khang trang, đáp ứng nhu cầu tôn giáo tín ngưỡng phục vụ nhân dân, phần lớn người ta đều mong muốn thế, nhưng bước đi thực hiện chưa đúng... 

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.
.