Tiểu thuyết tình báo:

Giá trị giải trí hay văn chương đích thực?

Chủ Nhật, 29/08/2004, 10:46
Sau Thế Chiến II, tiểu thuyết tình báo (TTTB) mới hình thành. Loạt truyện về Điệp viên 007 của Fleming nhanh chóng thu hút sự chú ý của độc giả, đặc biệt ở Pháp với mức tiêu thụ hơn 1 triệu bản/tháng.

Tuy nhiên, do cấu trúc đơn giản, thủ pháp cường điệu với mục đích chính là giải trí và phổ cập, nên cũng như tiểu thuyết trinh thám (TTTT) nói chung, TTTB nói riêng không được coi là thể loại văn học mà chỉ là “cận văn học”, dù loại sách này có lượng độc giả rất lớn. Cho đến khi TTTB chinh phục cả những danh sĩ thì việc nhìn nhận có sự thay đổi.  

Năm 1989, “Hiệp hội Quốc tế những nhà văn viết trinh thám” được ra đời. Nữ văn sĩ người Anh Agtha Christie đã tạo dựng tên tuổi qua hàng loạt cuốn TTTB đặc sắc và được Nữ hoàng Anh phong tước “Lady”. Ở Nga, truyện tình báo được đặc biệt yêu thích như tác phẩm Nam tước Fôngônring.  

Sức hấp dẫn mãnh liệt của TTTB chính là mối liên hệ chặt chẽ với những sự kiện chính trị - xã hội thời sự, đem lại khát vọng chính nghĩa, đồng thời là đôi cánh cho trí tưởng tượng của độc giả bay bổng trong sự phiêu lưu kỳ thú cùng nhân vật. Tuy vậy, ngay ở phương Tây, việc nghiên cứu TTTB cũng chưa được chú ý.   Còn ở châu Á, TTTB lại không có chỗ đứng, thậm chí, hầu như không tồn tại ở Trung Quốc và Nhật Bản.  

Thăng trầm TTTB “made in Việt Nam”   Tại Việt Nam, TTTB sinh sau đẻ muộn nên việc tranh luận về vị trí của nó không có, dù trên thực tế, thể loại này cũng là một mảnh đất thuận lợi cho những phát hiện về nghệ thuật, sáng tạo ngôn từ và triết lý sâu xa. Đó là lợi thế của các cây bút viết TTTB ở ta.    

Song, do hoàn cảnh đất nước chiến tranh nên phải sau 1975, loại truyện này mới nở rộ do mong muốn tìm hiểu sự thật của công chúng, đồng thời, cũng đến thời điểm các cá nhân có công lao đáng được ngợi ca trong khúc khải hoàn của dân tộc. Những bí mật trong chiến tranh lần đầu được công bố dưới dạng những câu chuyện tình báo đã cực kỳ hấp dẫn bạn đọc.  

Hơn 10 năm liền, TTTB đã lấn át các thể loại khác trong số các đầu sách xuất bản. Nhiều cuốn như Ông cố vấn (Hữu Mai) đã được in tới 400 nghìn bản/lần, Sao đen (Triệu Huấn) hơn 200 nghìn bản/lần. Thậm chí, cuốn X.30 phá lưới (Đặng Thanh) in số lượng rất lớn mà ở nhiều nơi phải có giấy giới thiệu mới mua nổi!  

Nói một cách công bằng thì sự đóng góp của TTTB là đáng kể. Trước hết, nó lưu giữ nguyên vẹn sự thật lịch sử trong sự tái tạo của nhà văn, soi sáng lịch sử đầy thuyết phục. Bí ẩn của những số phận được giải mã, khám phá, đem đến người đọc cái nhìn toàn diện hơn về cuộc chiến và con người từ hai phía. Sự nhập cuộc và lao động sáng tạo của các nhà văn cũng khắc họa sắc nét khúc bi tráng trong cuộc đời và sự nghiệp của nhiều huyền thoại tình báo như Điệp viên giữa sa mạc lửa (Nhị Hồ), Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D'Inville (Văn Phan)...  

Nhưng, trước nhu cầu rất lớn của công chúng, giai đoạn này, nhiều tác phẩm đã ra đời khá dễ dãi: thiếu đầu tư về bút pháp nghệ thuật, chủ yếu khai thác yếu tố ly kỳ, hấp dẫn, phản ánh cuộc sống và con người thiếu khách quan... Khoảng năm 1990 trở lại đây, khi cả người đọc và người sáng tác ở nước ta đều bình tâm lại, thì sự chú ý đến TTTB không còn như cũ.  

Thời gian cũng sàng lọc để khẳng định giá trị đích thực. Có cuốn từng gây hiệu ứng lớn trong công luận ở lần xuất bản đầu tiên đã không thể tái bản. Trong quy luật phát triển tất yếu, TTTB đã trải qua một cuộc cải cách mạnh mẽ, để từ đó, có những khám phá và biểu hiện sâu sắc về con người trong cái nhìn nhân bản, đa diện và khách quan, nhiều phát hiện và cảm nhận mới. Một số cuốn được đánh giá cao như Yêu tinh (Hồ Phương), Cái tẩu (Triệu Huấn), Ông tướng tình báo và hai bà vợ (Nguyễn Trần Thiết)...  

Với khối lượng tư liệu đồ sộ qua những cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, mảng đề tài hoạt động tình báo của ta quả là một tiềm năng với bao điều lý thú và quyến rũ. Thế nhưng, thực tế ở ta TTTB phát triển chưa xứng tầm cả về số lượng và chất lượng. Cho đến nay, số tác giả được coi là có dấu ấn về TTTB chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta chưa có nhà văn viết TTTB chuyên nghiệp và vẫn chưa có những đại diện xứng đáng cho TTTB để được nhìn nhận là nhân vật điển hình.  

Đây quả thực là đề tài cực kỳ hấp dẫn nhưng lại khó viết hay! Số người viết TTTB ngày một ít đi. Nhiều nhà văn không muốn đi vào mảng đề tài này vì không cho đó là văn chương đích thực. Một số các nhà văn cho biết, họ rất ít, thậm chí không đọc TTTB. Điều đó đã lý giải tại sao cho đến nay việc nghiên cứu về vấn đề này vẫn chưa được coi trọng!   TTTB - giá trị giải trí hay văn chương đích thực? Câu trả lời hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của nhà văn và sự cảm nhận của độc giả

Ngô Thanh Hằng
.
.
.