Đạo diễn Nguyễn Thước: Nhiều ý tưởng bắt đầu từ một bài báo

Thứ Ba, 28/06/2011, 08:35
...Điều quan trọng nhất là tôi hiểu rằng thế giới họ đã đi rất xa trong làm phim tài liệu. Cách làm phim của họ đa dạng lắm, chứ không theo bất cứ hình thức truyền thống cụ thể nào. Họ có nhiều cái để chúng tôi phải học tập, nhất là trong cách khai thác một đề tài nào đó. Nhưng cũng từ những buổi chiếu phim tài liệu trong khuôn khổ liên hoan đã cho tôi một nhận thức rằng, không phải bất cứ phim nào của nước ngoài cũng được khán giả trong nước yêu thích.

Trong tháng 6 này, những người làm phim tài liệu và khán giả yêu mến phim tài liệu rất hào hứng đón chào sự kiện Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ 3. Diễn ra ở hai thành phố lớn: Hà Nội và TP HCM, liên hoan đã mang đến cho khán giả những bộ phim tài liệu độc đáo đến từ các nền điện ảnh khác nhau như Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Thụy Sĩ, Hà Lan, Đan Mạch... Đạo diễn Nguyễn Thước, một trong những gương mặt nổi bật của điện ảnh tài liệu Việt Nam đã tham gia Liên hoan với bộ phim "Đất lạnh" - tác phẩm từng được nhận giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16. Ông chia sẻ với VNCA những điều thú vị về nghề và những kinh nghiệm làm phim...

-Thưa đạo diễn Nguyễn Thước, đối với những người làm nghề như anh thì Liên hoan phim tài liệu quốc tế mang đến những cơ hội gì?

+ Tôi nghĩ, không chỉ riêng cá nhân tôi mà với anh em làm điện ảnh tài liệu nói chung thì Liên hoan phim tài liệu quốc tế là cơ hội để chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu, xem phim, tìm hiểu về cách làm phim của các đạo diễn nước ngoài. Đây thực sự là một sự kiện có khả năng kích thích sự sáng tạo và lòng yêu nghề của chúng tôi - thứ tình cảm cần thiết mà có lúc, vì điều kiện chủ quan, khách quan, mình ít nhiều để nó "phai nhạt" đi.

- Thông qua những bộ phim đến từ nền điện ảnh tài liệu của nhiều nước khác nhau, điều quan trọng nhất anh học được từ các đồng nghiệp nước ngoài là gì?

+ Điều quan trọng nhất là tôi hiểu rằng thế giới họ đã đi rất xa trong làm phim tài liệu. Cách làm phim của họ đa dạng lắm, chứ không theo bất cứ hình thức truyền thống cụ thể nào. Họ có nhiều cái để chúng tôi phải học tập, nhất là trong cách khai thác một đề tài nào đó. Nhưng cũng từ những buổi chiếu phim tài liệu trong khuôn khổ liên hoan đã cho tôi một nhận thức rằng, không phải bất cứ phim nào của nước ngoài cũng được khán giả trong nước yêu thích. Ví dụ, bộ phim "Thu vàng" của đạo diễn Jan Tenhaven (Đức) khiến nhiều khán giả bỏ ra khỏi rạp. Không phải phim không hay, nhưng cách thể hiện của đạo diễn có lẽ không phù hợp với thói quen xem phim của khán giả Việt. Cho nên từ đấy tôi nghĩ, mình có thể học hỏi bạn bè quốc tế, nhưng phải biết chọn lọc cho phù hợp với khán giả của mình. 

- Vậy theo ý kiến của cá nhân anh, nhìn một cách thẳng thắn, đâu là nhược điểm lớn nhất của phim tài liệu Việt Nam hiện nay?

+ Tôi nghĩ nhược điểm nói chung của phim tài liệu của chúng ta hiện nay là cách làm phim còn cũ quá. Cũng xin nói luôn là không chỉ người làm phim cũ, mà cách xem phim của khán giả cũng cũ. Nên mới có chuyện nhiều phim nước ngoài làm rất hay, giành nhiều giải thưởng lớn, mang chiếu trên truyền hình thì chỉ được mấy phút là khán giả chuyển kênh khác.

- Nói về khán giả, ông có cảm thấy buồn không khi những phim tài liệu mình tâm huyết làm ra nhưng lại không được nhiều khán giả biết đến như phim truyện?

+ Tôi không lấy gì làm buồn vì điều này. Bởi những đặc thù riêng của thể loại mà phim tài liệu luôn luôn có một đối tượng khán giả nhất định, chứ không đông đảo, ồ ạt như phim truyện. Quan trọng là chúng ta đã không tạo ra những "địa chỉ" để khán giả yêu phim tài liệu có thể tìm đến thưởng thức những bộ phim hay. "Cửa ra" duy nhất của phim tài liệu hiện nay vẫn là đài truyền hình. Mà khung thời lượng của đài cho phim tài liệu vẫn chỉ tối đa là 28 phút, trong khi xu hướng hiện nay người ta làm phim tài liệu dài đến 60 phút. Nên anh em nghệ sĩ chúng tôi bị "gò" trong sáng tạo. Các rạp chiếu phim thì gần như không quan tâm đến việc chiếu phim tài liệu. Hiện nay ở Hà Nội chỉ có duy nhất một nơi là Trung tâm chiếu bóng quốc gia thực hiện chiếu kèm một phim tài liệu trước khi chiếu phim truyện. Chúng tôi hy vọng sẽ có một kênh truyền hình riêng dành để chiếu phim tài liệu, hoặc ít nhất thì cũng có một khung giờ cố định trên truyền hình dành cho phim tài liệu. Rất mừng là Hãng phim Tài liệu và khoa học Trung ương của chúng tôi đã đưa vào sử dụng một rạp chiếu với 200 chỗ ngồi ngay trong khuôn viên của hãng. Những khán giả có nhu cầu xem phim tài liệu có thêm một địa chỉ để có thể đến thưởng thức những bộ phim mình yêu thích.

- Người làm phim tài liệu có điểm giống với người làm báo, là thường xuyên phải "lùng sục" vào những vấn đề, sự kiện nóng hổi, bức xúc của xã hội. Với riêng anh thì một đề tài như thế nào được gọi là "nóng", và thông thường, ý tưởng làm một bộ phim đến với anh ra sao?

+ Người làm phim tài liệu chúng tôi đọc và theo dõi báo chí rất nhiều và không ít những tác phẩm có ý tưởng bắt đầu từ một bài báo. Ví dụ, từ một bài báo nhỏ, anh Bùi Thạc Chuyên đã nảy ra ý định làm phim tài liệu "Tay đào đất" rất được chú ý. Sau đó, nhờ được tiền giải thưởng từ phim tài liệu này, anh Chuyên lại tiếp tục khai thác, phát triển nó thành phim truyện "Sống trong sợ hãi" rất nổi tiếng trong thời gian qua. Với riêng cá nhân tôi thì ý tưởng làm phim đến theo nhiều cách. Có thể là có một kịch bản hay của một nhà biên kịch, mình đọc, mình thấy tâm huyết, thấy thích thì mình làm. Hoặc có thể là mình đọc báo, theo dõi một vấn đề nào đó, mình có ý thức tích lũy tư liệu, rồi tự viết kịch bản và lăn lộn làm phim. Nói chung, mình chỉ có thể làm một bộ phim khi mình say sưa, đau đáu với câu chuyện của nó.

- Đã từng là người làm phim truyện, sau đó chuyển sang phim tài liệu, anh có thể nói trong làm phim truyện và phim tài liệu, điểm khác biệt nhất là gì?

+Ở phim truyện, một bộ phim hay hay không, hấp dẫn khán giả hay không, chúng tôi có thể nhìn thấy ngay trên kịch bản phân cảnh. Nhưng với phim tài liệu thì không phải vậy. Phim tài liệu hay hay không, ngoài kịch bản, còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố may mắn, là người đạo diễn có "chộp" được  những cảnh quay có ý nghĩa hay không. Khi tôi và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên làm phim tài liệu "Xẩm", về cuộc đời của nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu, Chuyên bảo tôi: "Em có cảm giác mình đang thả con ngựa ra và đang đuổi theo nó mãi". Tôi rất hiểu cảm giác này của Chuyên, khi mà chúng tôi vẫn chưa "chộp" được những cảnh quay phục vụ cho ý tưởng của mình. Cho nên, người làm phim tài liệu phải rèn khả năng "kiên nhẫn", phải "lì" là vì vậy. Tôi rất phục ông thầy của tôi, cố đạo - NSND diễn Lê Mạnh Thích về điều này. Chỉ để quay một vệt nắng rơi, ông có thể ngồi "phục" nhiều giờ liền, đấy là chưa kể những cảnh quay quan trọng khác. Làm phim tài liệu, thực chất là quá trình thay đổi nhận thức.

- Đã từng có những phim tài liệu nào anh làm mà khi tiếp cận với sự kiện, người thật việc thật, bộ phim cuối cùng đã thay đổi hoàn toàn so với dự tính ban đầu trên kịch bản chưa?

+ Có nhiều chứ. Cho nên mới xảy ra không ít chuyện đạo diễn và biên kịch "cơm không lành, canh chẳng ngọt" với nhau vì phim làm ra khác với kịch bản nhiều quá.

- Điều gì ở phim tài liệu hấp dẫn anh để anh có thể "quên ăn quên ngủ" như vậy?

+ Tôi thấy rằng nghề làm phim tài liệu thú vị nhất ở chỗ là tôi được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, nghe nhiều chuyện và hiểu thêm những phận đời. Nếu cho tôi được chọn lại, tôi vẫn chọn làm phim tài liệu.

- Cảm giác của anh ra sao khi nói về phim tài liệu. Người ta hình như vẫn nhắc về những tên tuổi thế hệ trước anh như Đào Trọng Khánh, Trần Văn Thủy, Lê Mạnh Thích…và người ta vẫn ấn tượng với những phim tài liệu về chiến tranh hơn là những phim về những đề tài thời hậu chiến?

+ Đất nước ta đã trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt nên phim tài liệu về chiến tranh vẫn là một "kho tàng" quý giá, rất được thế giới chú ý. Các thế hệ đạo diễn đàn anh đã làm nên nhiều bộ phim tài liệu hay, giành những giải thưởng lớn. Chúng tôi là thế hệ sau, chúng tôi sống trong  điều kiện xã hội khác, với những vấn đề bức thiết khác đang cần được giải đáp. Chúng tôi không thể "gặm" mãi vào đề tài chiến tranh. Chúng tôi phải nói những điều thuộc về thời đại của mình. Rất khó để mang chuyện làm phim của thế hệ hôm qua áp đặt cho thế hệ những nhà làm phim hôm nay. Tôi nghĩ rằng thê hệ chúng tôi cũng đã tạo ra được một dấu ấn riêng cho phim tài liệu.

- Ngoài công việc của một đạo diễn, anh còn tham gia giảng dạy các sinh viên trong trường Sân khấu - Điện ảnh. Theo anh vì sao các bạn trẻ còn chưa mặn mà khi chọn nghề làm phim tài liệu?

+ Như bạn thấy đấy, làm phim tài liệu thì khó nổi tiếng hơn, nghèo hơn, vất vả hơn (cười). Trong khi nhiều bạn trẻ lại nôn nóng được công chúng biết đến hơn, nên họ chọn ngành truyền hình chẳng hạn. Một sinh viên mới ra trường thông minh một tí, láu cá một tí là có thể làm phim truyện, nhưng để làm phim tài liệu thì không hề dễ. Làm phim tài liệu quan trọng nhất là vốn sống, sự hiểu biết, tri thức, rồi mới đến tài năng. Trong trường Sân khấu - Điện ảnh nhiều năm qua người ta không chú trọng đến vấn đề đào tạo sinh viên chuyên ngành làm phim tài liệu. Nhưng rất mừng là gần đây bắt đầu có nhiều bạn sinh viên điện ảnh chọn việc làm phim tài liệu cho bài thi tốt nghiệp của mình, sau đó về làm việc tại Hãng phim tài liệu.

- Xin cảm ơn đạo diễn Nguyễn Thước!

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.
.