Báo động về những phản ứng thô lỗ trên gameshow truyền hình
Gameshow như cái chợ
Nổi tiếng với những màn đấu khẩu, la hét nảy lửa là chương trình The Face và Vietnam's Next Top Model. Cả hai chương trình đều tìm kiếm gương mặt người mẫu tài năng cho làng thời trang nên vô hình trung khiến công chúng dị ứng với nghề người mẫu. Bởi hễ mở tivi là thấy các cô người mẫu xinh đẹp, quần là áo lượt nhưng lại tỏ thái độ trịch thượng, mắng chửi thí sinh thậm tệ, lườm nguýt và đáp trả nhau chan chát không khác gì các bà hàng tôm hàng cá.
Trailer quảng bá cho tập 6 của The Face 2018 xoáy vào hành xử không đẹp của huấn luyện viên Võ Hoàng Yến khi thấy học trò diễn xuất không đúng ý mình. Võ Hoàng Yến chạy thẳng vào chỗ ghi hình quát mắng và đòi nhét chai trà sữa vào miệng học trò.
Chuyên gia trang điểm Nam Trung cũng không ít lần miệt thị, xúc phạm thí sinh như thẳng thừng mắng té tát vào mặt Huy Quang: "Đối với một người như em, nên nhìn xa hơn là cái sự cứng đầu, ngu dốt đó đi".
Trong gameshow The Face 2018, nhiều thí sinh tỏ thái độ thiếu tôn trọng ban giám khảo. |
Quan hệ giữa các huấn luyện viên cũng trở nên căng thẳng ngay từ những vòng đầu. Để tranh giành thí sinh, họ không ngại dìm hàng nhau. Minh Hằng thách thức huấn luyện viên Võ Hoàng Yến và Thanh Hằng: "Team chân ngắn sẽ bắn nát team chân dài". Khi hai "gà cưng" bị loại, Võ Hoàng Yến bực bội: "The Face nên đổi tên thành The Bè lũ".
Huấn luyện viên với nhau đã vậy, thí sinh cũng không khá khẩm hơn. Hết cạnh khóe, mắng chửi nhau họ lại tỏ thái độ hỗn hào, vô phép với huấn luyện viên của mình. So với mùa đầu tiên khá nóng sốt và sạch sẽ, The Face hai mùa tiếp theo (năm 2017 và 2018) cố gắng hâm nóng bằng loạt màn thoá mạ. Thí sinh Tuyết Như khiến Thanh Hằng nổi đóa khi cô kém hiểu biết về thời trang nhưng cứ khăng khăng ta đây biết tuốt.
Khi nghe giám khảo phê bình trang phục cô chọn không đúng phong cách rock-chick, cô phản bác rằng, rock có nhiều thể loại. Thấy thí sinh cứng đầu và cãi tay đôi với giám khảo, Thanh Hằng lớn tiếng: "Tại sao bạn giữ thái độ đó? Bạn nghĩ bạn thành công chưa, bao nhiêu người đẹp hơn, tài năng hơn kìa!".
Thậm chí, ngay ở vòng sơ loại, tuy chẳng nổi bật gì nhưng thí sinh Huyền Trang đã mau chóng "chơi sốc" bằng tuyên bố: "Trong cuộc thi này, nếu ban giám khảo chỉ toàn chọn những gương mặt xinh đẹp thì em nghĩ là sai lầm. Em nghĩ em sẽ không tham gia cuộc thi này và không cần đến sự giúp đỡ của ban giám khảo".
So bề dày lịch sử, Vietnam's Next Top Model gần như năm nào cũng có một thí sinh khó ưa và một giám khảo hắc ám. Người đóng vai ác trong dàn giám khảo thường là chuyên gia trang điểm đanh đá Nam Trung. Riêng thí sinh, Nguyễn Thị Hợp, Nguyễn Oanh... là những nhân vật bà chằn dù chuyện xích mích chỉ vụn vặt như tranh giường ngủ, nói xấu sau lưng, thói quen sinh hoạt... ở nhà chung.
Trước đây, gameshow "Căn hộ trong mơ" cũng bị khán giả chỉ trích kịch liệt khi chỉ vài tập lên sóng, thí sinh đã đập phá đồ đạc và chửi nhau như phường chợ búa. Dù chung đội nhưng thí sinh Q. đá đểu H.N: "Nhớ nhé, đi ra đường thì đi bằng hai chân chứ đừng đi bốn chân". H.N trừng mắt: "N. nhỏ tuổi hơn Q., chứ nếu bằng tuổi là bay vô vả vào miệng rồi đó". Đỉnh điểm nhất là màn đập đồ đạc, lao lên la hét như du côn của thí sinh nữ Q.M và N.U.
Khán giả là người "dung dưỡng"?
Trước sự lạm dụng chiêu trò "đánh chửi" thái quá của gameshow thực tế, trên mạng xã hội nổi lên trào lưu đòi tẩy chay những chương trình nhảm nhí, độc hại như thế này trên sóng truyền hình quốc gia. Bởi rốt cuộc, nó tìm kiếm tài năng, hoàn thiện chuyên môn thì ít mà chạy theo chiêu trò giật gân thì nhiều.
Các chương trình này không thể chỉ coi là giải trí đơn thuần mà nó gây hại cho người xem và chính người chơi. Có ai dám chắc fan hâm mộ không bắt chước kiểu chặt chém xấc xược, vẻ chảnh chọe, trịch thượng của những cô người mẫu nổi tiếng. Và giới trẻ học tập gì từ thái độ hỗn hào, màn đốp chát của thí sinh với huấn luyện viên hay chúng coi đó là cá tính, là khẳng định cái tôi cá nhân?
Nếu nói về tính định hướng, các gameshow ấy khác nào cổ súy cho thói tự nhiên chủ nghĩa và lối hành xử vô văn hóa. Người chơi và chính các huấn luyện viên cũng bị "ném đá" tơi tả. Bởi đã mặc định là truyền hình thực tế, không ít khán giả cho rằng những điều diễn ra trước ống kính đều chân thật.
Khi cuốn theo guồng máy sân si của gameshow, chính người xem cũng không nhận ra mình cũng bị biến thành con rối trong tay nhà sản xuất chẳng khác gì người chơi lẫn ban giám khảo. Từng ngồi ghế nóng nhiều gameshow, cựu người mẫu Xuân Lan cho biết, khi ký kết hợp đồng, có một cam kết buộc người tham gia phải tuân thủ đó là quyền dàn dựng, biên tập thuộc về nhà sản xuất. Người chơi và ngay cả ban giám khảo không được quyền can thiệp. Chính điều này đã làm ca sĩ Ánh Tuyết nổi đóa và từ chối tiếp tục "cầm cân nảy mực" một gameshow ca nhạc.
Số là trong phần nhận xét một thí sinh, chị vừa phân tích mặt chưa được và mặt được của thí sinh này. Khán giả ở trường quay lúc đó rất tấm tắc với nhận xét đầy đủ, hợp lý của chị. Thế nhưng khi phát sóng, nhà sản xuất cố tính cắt mất phần nhận xét mặt tích cực. Ánh Tuyết không hay biết cho đến khi một khán giả gọi điện mắng chị té tát vì cái tội nhận xét thí sinh phiến diện, toàn chê bai chứ không nhìn ra mặt hay của thí sinh ấy.
Căng thẳng giữa huấn luyện viên Minh Tú và Lan Khuê trong The Face 2017 từng bị cho là làm lố. |
Theo tiết lộ của một người chơi, gameshow nào cũng cần nhân vật cá tính, dữ dằn. Có vậy thì chương trình mới trở nên hấp dẫn và kịch tính. Nếu để ý kỹ sẽ thấy ống kính luôn đặc tả tỉ mỉ những cảnh chặt chém, mắng chửi, chỉ trỏ vào mặt nhau như thế. Bởi đó là cái nhà sản xuất cần và không ít khán giả cần. Khi những gương mặt tài năng ngày càng cạn kiệt thì gameshow chỉ còn cách xoáy sâu vào các tranh cãi kịch liệt để câu kéo khán giả.
Ban tổ chức "Căn hộ trong mơ" từng hí hửng PR bằng hàng loạt đoạn clip thí sinh đập đồ, choảng nhau chan chát với câu mời gọi: "Đây là một chương trình drama nhất từ trước đến nay"! Amy Wruble, nhà sản xuất kỳ cựu của các gameshow truyền hình thực tế từng tiết lộ: "Truyền hình thực tế không phải phim tài liệu. Sẽ không bao giờ có đủ thời gian để chờ mọi thứ tự nhiên xảy ra. Các nhà sản xuất sẽ định hướng hành động bằng việc làm với từng người tham gia. Họ có thể gây ra sự nghi ngờ lẫn nhau, hay thậm chí khiêu khích xung đột để tạo nên tình huống".
Trong một chương trình tìm kiếm người mẫu ở phương Tây, một thí sinh bị hen suyễn. Ban tổ chức biết vậy nhưng vẫn mặc kệ cô vật vã với cơn hen, không cho đội ngũ y tế vào chăm sóc cũng như cho các thí sinh khác biết để đẩy xung đột lên cao trào. Rút cuộc, cô gái vô cùng giận dữ với các bạn chơi và huấn luyện viên vì cho rằng họ vô tâm.
Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Không hiếm những màn cãi vã trở nên vô lý và giả tạo. Để ý kỹ, sẽ thấy nhiều câu khiêu khích, móc máy của Minh Tú trong The Face với Lan Khuê có màu bắt chước siêu mẫu Naomi Campbell trong The Face Mỹ. Đơn cử như câu "Bôi cái môi thâm đó đi rồi mới nói chuyện với chị" bị khán giả chỉ trích Minh Tú học đòi câu của Naomi Campbell : "Hãy kiểm tra son môi của cô trước khi đến gặp và nói chuyện với tôi".
NSƯT Thành Lộc tâm sự rằng nhiều năm nay ông không tham gia bất cứ gameshow nào bởi ông vô cùng khó chịu khi ban giám khảo hết khen thí sinh lên chín tầng mây thì lại xúc phạm thí sinh và miệt thị nhau một cách lố bịch. Tại sao đến bây giờ khán giả mới la ó đòi tẩy chay các chương trình này trong khi nó mặc nhiên sống khỏe nhiều năm qua?
"Thật ra công chúng cũng quá dễ dãi khi chấp nhận nó. Đôi khi nghệ sĩ chúng tôi bảo nhau rằng "ôi, mình làm dở thì mình nhận hết về mình đi" nhưng khán giả có thấy là chính khán giả cũng dung dưỡng cho chiêu trò xấu đó không?" - ông phân tích.
Riêng NSND Kim Cương thì báo động: "Những màn chửi rủa, hành xử thiếu văn hóa đang chiếu công khai trên truyền hình rất nguy hiểm với khán giả. Nếu nghệ sĩ sân khấu mà có nói bậy thì chỉ mấy trăm người ở khán phòng biết thôi, còn truyền hình thì độ phổ cập của nó quá rộng rãi. Tôi nghĩ người phải có trách nhiệm nhất trong vấn nạn này chính là nhà đài và các cơ quan quản lý văn hóa".