Xây dựng cơ chế tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư

Chủ Nhật, 05/12/2021, 10:49

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa trình Chính phủ dự thảo Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư.

Quan điểm xây dựng Đề án là xây dựng cơ chế, chính sách để tạo sự chủ động, thông thoáng, linh hoạt trong triển khai dự án; đồng thời phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền từng cấp, từng ngành trong từng giai đoạn chuẩn bị và thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí. Qua đó, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Việc xây dựng Đề án nhằm tạo cơ chế thí điểm không chỉ đối với việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập mà còn bao gồm một số cơ chế bảo đảm việc thực hiện dự án giải phóng mặt bằng được tách riêng. Việc này, nhằm tạo điều kiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án có phạm vi sử dụng đất rõ ràng, giảm chi phí giải phóng mặt bằng có thể phát sinh thêm sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, hạn chế việc điều chỉnh dự án.

Cùng với đó, các bộ, cơ quan, địa phương xác định rõ về khả năng thực hiện và giải ngân dự án, có cơ sở đề xuất nhu cầu vốn chuẩn xác hơn, chuẩn bị thực hiện dự án tốt hơn, tránh việc chiếm dụng vốn. Đây là những lợi ích rất quan trọng, đặc biệt trong hoàn cảnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã được phê duyệt, yêu cầu cấp bách đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án khởi công mới.

Trong Tờ trình được gửi lên Chính phủ báo cáo về Đề án thí điểm, Bộ KH&ĐT cũng đã đưa ra những vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư, bao gồm cả dự án đầu tư công lẫn dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt, với dự án đầu tư công và hợp tác công - tư (PPP), giải phóng mặt bằng là “điểm nghẽn” đối với tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc đội vốn, tăng tổng mức đầu tư đối với nhiều dự án.

Đề xuất việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, bởi đây là hướng đi rất mới có thể giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn đầu tư công, giúp hóa giải tình trạng hàng nghìn dự án trên cả nước đang chậm tiến độ do những nút thắt về mặt bằng. Hiện, Đề án đang được Bộ KH&ĐT trình Chính phủ cho ý kiến về quan điểm, mục tiêu, phạm vi; nội dung các giải pháp của Đề án và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định tại Kỳ họp Quốc hội tháng 12/2021.

L.Hiệp
.
.
.