Vĩnh Phúc hướng tới xây dựng các khu đô thị xanh, thông minh

Thứ Bảy, 06/07/2024, 15:35

Nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô, được xác định là một trong 3 cực phát triển của vùng, những năm qua, Vĩnh Phúc đã và đang tập trung khai thác tiềm năng, xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển đô thị thông minh và bền vững, cơ bản đáp ứng đủ các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.

Tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật

Theo quy hoạch đô thị của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm 1 đô thị trung tâm và 3 vùng kinh tế bao quanh, gồm vùng phía Bắc, vùng phía Nam và vùng phía Tây. Cùng với tập trung hoàn thiện khung đô thị trung tâm, tỉnh Vĩnh Phúc cũng dành nhiều nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật các phân vùng theo quy hoạch, trong đó có vùng phía Bắc đô thị Vĩnh Phúc.

bai 2 - 4.jpg -2
Các khu đô thị mới ở thành phố Vĩnh Yên góp phần tạo nên đô thị văn minh.

Vùng phía Bắc đô thị Vĩnh Phúc theo quy hoạch có diện tích khoảng 357,59km2 chiếm 29,67% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Bao gồm, toàn bộ diện tích huyện Tam Đảo; thị trấn Gia Khánh, xã Trung Mỹ của huyện Bình Xuyên; thị trấn Kim Long, huyện Tam Dương; phường Đồng Xuân, xã Ngọc Thanh thuộc thành phố Phúc Yên. Đây là vùng có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ nhất là du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và là cửa ngõ giao thông phía Bắc của tỉnh Vĩnh Phúc kết nối giao thông đối ngoại với các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên. Đồng thời, là vùng trọng điểm phát triển du lịch, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng của tỉnh; vùng bảo tồn, bảo vệ rừng tự nhiên, trong đó có dãy núi Tam Đảo, là lá phổi xanh điều hòa khí hậu cho tỉnh và Vùng Thủ đô Hà Nội.

Những năm qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối nhanh chóng, thuận tiện, làm tiền đề để thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế các địa phương trong vùng. Một số dự án đã triển khai và đưa vào sử dụng như: Đường Đồng Tĩnh - Hợp Châu - Đại Lải; đường kết nối từ đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đi Khu danh thắng Tây Thiên; dự án nâng cấp đường 301 xã Ngọc Thanh đi Thái Nguyên; dự án nâng cấp đường 2B mở rộng lên khu du lịch Tam Đảo; dự án đường nối QL.2C bắc qua sông Phó Đáy đi xã Yên Dương, huyện Tam Đảo.

Là địa phương có vai trò hạt nhân quan trọng trong vùng phía Bắc đô thị Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo đang bám sát quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, thực hiện hiệu quả quy hoạch vùng, quy hoạch huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Huyện tích cực dành đầu tư nguồn lực cho chỉnh trang đô thị...

Theo trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tam Đảo Phùng Quang Trường, hiện nay, không gian đô thị trên địa bàn huyện được mở rộng, nâng cấp về hạ tầng kỹ thuật. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản quản lý, phát triển đô thị bền vững theo hướng văn minh, giàu bản sắc. Trong đó, chú trọng công tác lập quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu công cộng gắn với quản lý sử dụng không gian nổi, không gian ngầm… làm cơ sở cho việc phát triển, mở rộng và nâng cấp đô thị. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các dự án thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, tạo môi trường ngày càng hiện đại, an toàn và hấp dẫn nhà đầu tư để huy động nhiều hơn nữa các nguồn lực phát triển hạ tầng đô thị. Từ đó, phấn đấu xây dựng Tam Đảo trở thành thị xã đặc sắc về du lịch trong tương lai, xứng đáng là hạt nhân quan trọng trong vùng phía Bắc đô thị Vĩnh Phúc.

image002.jpg -0
Huyện Tam Đảo được xác định là hạt nhân của vùng phía Bắc đô thị Vĩnh Phúc.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng huyện Tam Đảo trở thành đô thị loại IV, đủ điều kiện thành lập thị xã Tam Đảo. Cụ thể, huyện Tam Đảo đã chủ động triển khai xây dựng các dự án cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, khớp nối hạ tầng kỹ thuật như: Hoàn thiện đầu tư khu công viên, quảng trường trung tâm huyện, chỉnh trang khu công viên cây xanh thị trấn Đại Đình, công viên trung tâm thị trấn Tam Đảo; cải tạo hè đi bộ tại một số tuyến đường trên địa bàn các thị trấn Hợp Châu, Đại Đình và thị trấn Tam Đảo; đầu tư hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng tại các thị trấn, đường giao thông liên huyện, liên xã; hoàn thiện hệ thống điện trang trí tại khu vực quảng trường huyện, khu công viên cây xanh thị trấn Đại Đình và thị trấn Tam Đảo...

Bên cạnh đó, huyện tập trung triển khai nhiều dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và khu du lịch như các tuyến đường nội thị thị trấn Hợp Châu, đoạn nối Quốc lộ 2B mới với khu dân cư Đồi Thông và chợ Hợp Châu; đường từ Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - ĐT.302, Khu danh thắng Tây Thiên, đoạn từ bến xe P3 - ĐT.302; đường từ Đền Cả vào Đền Mẫu Sinh, Khu danh thắng Tây Thiên; nâng cấp mở rộng đường kết nối đường 2B cũ đi TL.309… Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn huyện tương đối đồng bộ, hiện đại, các tuyến đường thường xuyên được nâng cấp, cải tạo bảo đảm tiêu chuẩn, mặt đường được nhựa hóa và bảo trì thường xuyên, đáp ứng được nhu cầu tham gia giao thông của người dân và du khách, kể cả mùa cao điểm du lịch.

Xác định công tác quy hoạch là tiền đề quan trọng để địa phương triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng, bên cạnh 3 đô thị loại V hiện có là thị trấn Hợp Châu, thị trấn Đại Đình và thị trấn Tam Đảo, huyện cũng đang tiếp tục định hướng xây dựng cơ sở hạ tầng các xã: Hồ Sơn, Minh Quang và Tam Quan sớm đạt tiêu chí đô thị loại V.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường theo quy hoạch như: Đường vành đai V của tỉnh chạy ven chân núi Tam Đảo; đường vành đai V Vùng Thủ đô Hà Nội; đường kết nối Khu du lịch Đại Lải đi sân bay quốc tế Nội Bài; đường Đạo Trù kết nối với tỉnh Tuyên Quang… Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh cùng nỗ lực của địa phương, quy hoạch xây dựng vùng phía Bắc đô thị Vĩnh Phúc sẽ sớm trở thành hiện thực và trở thành một trong 4 trung tâm kinh tế của tỉnh trong tương lai, góp phần xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc phát triển hài hòa, bền vững, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Hồng.

Phát triển bền vững đô thị Vĩnh Phúc

Theo đó, từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt mới và phê duyệt điều chỉnh 6 đồ án quy hoạch chung thị trấn, đô thị loại V; 6 quy hoạch phân khu đô thị, 1 đồ án quy hoạch phân khu khu chức năng và 51 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đồng thời, chỉ đạo lập Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; điều chỉnh Chương trình tổng thể Xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2), Đề án Chỉnh trang đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và Đề án Phát triển bền vững đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị luôn được quan tâm về chất lượng, triển khai đồng bộ, áp dụng các mô hình phát triển tiên tiến như đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, đáp ứng các yêu cầu của phát triển đô thị theo hướng bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội luôn được quan tâm đầu tư, ngày càng hoàn thiện đã tạo nên diện mạo mới, từng bước hình thành hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc.

Nhờ làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, đến nay, toàn tỉnh có tổng cộng 34 đô thị, gồm: 2 thành phố, 18 thị trấn và 14 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 48%. Hệ thống đô thị trên địa bàn đang có sự gia tăng cả về số lượng và chất lượng.

bai 2 - 2.jpg -0
Công tác giải phóng mặt bằng Khu công nghiệp Bá Thiện II đang được đẩy nhanh tiến độ, góp phần tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp.

Kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư; hạ tầng xã hội, hệ thống dịch vụ công cộng và nhà ở từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sự nghiệp y tế, giáo dục tại các đô thị khá hoàn chỉnh và đồng bộ. Các trung tâm văn hóa - thông tin - thể dục thể thao, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp; hạ tầng thương mại, dịch vụ phát triển. Chất lượng cuộc sống người dân khu vực đô thị ngày càng được cải thiện.

Hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông khung của các đô thị, giao thông diện rộng của tỉnh được đầu tư xây dựng; từng bước hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các tuyến quốc lộ với tuyến tỉnh lộ, các tuyến vành đai với các tuyến hướng tâm. Các tuyến đô thị, đường huyện, đường xã, giao thông công cộng trên địa bàn được tỉnh quan tâm đầu tư, khai thác, kết nối hiệu quả giữa các đô thị với nông thôn. Hệ thống cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, cải thiện chất lượng, bảo đảm cung cấp cho cư dân đô thị; hệ thống nghĩa trang Nhân dân, hệ thống thu gom, xử lý nước thải đang được đầu tư xây dựng tại các đô thị lớn; hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc ngày càng đáp ứng nhu cầu phát triển của các đô thị.

Tuy nhiên, các đô thị trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ, khó khăn phát triển quỹ đất đô thị, hiệu quả sử dụng đất đô thị chưa cao. Không gian, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng đô thị nhìn chung chưa có nhiều điếm nhấn, bản sắc đặc trưng. Trong khi tốc độ đô thị hóa chủ yếu phát triển về quy mô theo chiều rộng, mà chưa quan tâm đến chất lượng đô thị; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn chưa đồng bộ, thiếu các công trình mang tính hiện đại, tạo điểm nhấn cho đô thị. Hầu hết các đô thị chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu bảo vệ môi trường… Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với yêu cầu; tính kết nối nội tỉnh và liên tỉnh còn yếu; tỷ lệ giao thông tĩnh tại các đô thị thấp; các hệ thống công trình ngầm chưa được đầu tư đồng bộ, tình trạng ngập úng cục bộ một số vị trí trong đô thị khi mưa to vẫn còn xảy ra. Quy chế quản lý kiến trúc tại các huyện, thành phố chưa được triển khai đầy đủ và đồng bộ; kiến trúc công trình, hình thái đô thị chưa có bản sắc riêng, các đô thị còn thiếu các công trình mang tính biểu tượng, tạo điểm nhấn...

Hướng tới mục tiêu xây dựng, phát triển đô thị Vĩnh Phúc bền vững, hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng, cơ bản đáp ứng đủ các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, thời gian tới, tỉnh tiếp tục dành nguồn vốn đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng đô thị; xây dựng hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh thành mạng lưới tập trung, đa cực và chuỗi, lấy thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên làm trung tâm, từ đó mở rộng phạm vi đô thị hóa ra các vùng lân cận, việc xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị.

Cùng với đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt đời sống xã hội; phát triển hạ tầng dịch vụ, hình thành các loại hình dịch vụ thông minh dựa trên nền kinh tế tri thức; thu hút các dự án đầu tư phát triển đô thị, du lịch, thương mại, tài chính, trường đại học, bệnh viện..., góp phần nâng cấp đô thị Vĩnh Phúc.

Theo Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn 2050, chỉ tiêu phát triển đô thị đến năm 2030, tỉnh phấn đấu tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 65%, với 2 đô thị loại II, 5 đô thị loại IV, 19 thị trấn và đô thị loại V. Tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt tối thiểu 18%; diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành, nội thị đạt tối thiểu khoảng 6m2/người. Toàn bộ rác thải được thu gom, xử lý tại các cơ sở xử lý tập trung; 100% các đô thị loại III trở lên có hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt tối thiểu 36m2; phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, tỷ lệ dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề để thành lập thành phố trực thuộc Trung ương; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh đạt trên 38%.

Tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp

Năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc đặt ra mục tiêu phấn đấu chỉ số Tiếp cận đất đai được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng, nằm trong top 15 tỉnh, thành phố trên cả nước. Để hoàn thành mục tiêu này, góp phần đưa Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thăng hạng, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan, nhất là Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý, tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai; tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đầu tư cơ sở dữ liệu đất đai để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, minh bạch quy trình giải quyết, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp tạo quỹ đất sạch để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; công khai minh bạch các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ sở dữ liệu đất đai để các nhà đầu tư dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận thông tin, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Đối với UBND các huyện, thành phố, tiếp tục tăng cường công tác vận động, tuyên truyền chính sách pháp luật về đất đai đến người dân có đất bị thu hồi; chủ động phối hợp với chủ đầu tư trong việc xây dựng kế hoạch, quy trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường bố trí cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giải quyết thỏa đáng, kịp thời đối với các trường hợp khiếu nại, tố cáo để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Sản xuất toàn ngành Công nghiệp của tỉnh ước tăng 9,55% so với cùng kỳ

5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc ước tăng 9,55% so với cùng kỳ. Trong tháng 5, các đơn hàng từ các đối tác lớn như Google, Dell, Apple, và Samsung vẫn được duy trì, giúp ngành sản xuất linh kiện điện tử của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với mức tăng 2,90% so với tháng trước và tăng 19,70% so với cùng kỳ. Ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 2,24% so với tháng trước và tăng 3,78% so với cùng kỳ do thị trường vật liệu xây dựng khởi sắc, nhu cầu xây dựng và sửa chữa gia tăng, giải ngân vốn đầu tư đạt kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2024 của ngành sản xuất ô tô tăng 3,55% so với tháng trước nhưng giảm 17,50% so với cùng kỳ; sản xuất xe máy giảm 0,89% so với tháng trước và giảm 1,58% so với cùng kỳ. Cùng với đó, trong tháng 5/2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 2,57% so với tháng trước và tăng 4,15% so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,72%, doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm 4,34% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,45% so với cùng kỳ.

Lưu Hiệp - Minh Hiền
.
.
.