Vì sao nhà ở xã hội ngày càng khó tiếp cận?
Gần 20 triệu đồng/m2 và chưa có chi phí bảo trì (khoảng 370 nghìn đồng/m2) là mức giá của Dự án Nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc dự án Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội vừa được Sở Xây dựng Hà Nội công bố.
Đây cũng là dự án nhà ở xã hội có mức giá bán được công bố cao nhất từ trước tới nay. Dự án có 275 căn hộ với diện tích từ 69,9 – 76,8m2, như vậy có nghĩa căn hộ có diện tích thấp nhất cũng có giá khoảng 1,5 tỷ đồng. Trong bối cảnh giá nhà đất cao ngất ngưởng như hiện nay thì mức giá này nghe có vẻ phù hợp nhưng với những người có thu nhập thấp, công nhân lao động để có từ 1,5 – 2 tỷ đồng mua một căn hộ thì không phải ai cũng có thể đáp ứng.
Quá khả năng chi trả
Cách đây vài ngày, nghe thông tin Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn mở bán, vợ chồng anh Phan Văn Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) vội vàng đi tìm hiểu để làm hồ sơ đăng ký mua. Thế nhưng tìm hiểu kỹ thông tin, anh chị lại đắn đo khi mức giá của dự án này cũng vượt quá khả năng tài chính. Dự án có 275 căn hộ, trong đó có 157 căn hộ để bán với diện tích từ 69,9 – 76,8m2/căn hộ. Với mức giá bán được công bố là 19,5 triệu đồng/m2, chi phí bảo trì là 371 nghìn đồng/m2. Mỗi căn hộ ở đây có mức giá từ 1,4 – 1,6 tỷ đồng.
“Để hoàn thiện vào ở thì mỗi căn phải hộ phải thêm từ 100 – 200 triệu đồng nữa. Tổng số tiền cho một căn nhà ở xã hội như thế này rất khó để những người làm công ăn lương như chúng tôi có thể mua được. Hai vợ chồng đều là dân văn phòng, thu nhập mỗi tháng khoảng 16 triệu đồng. Trừ chi phí sinh hoạt và tiền ăn học của hai con nhỏ, kể cả có chi tiêu tằn tiện cũng rất khó mua nhà. Chúng tôi cũng có chút ít tiết kiệm, cùng với việc được hai bên gia đình cũng sẽ hỗ trợ, nếu chủ đầu tư thiết kế căn hộ khoảng 50m2 thì có thể mua được. Đằng này căn hộ diện tích lớn dẫn đến giá thành quá cao. Nếu phải vay quá nhiều để mua nhà thì phải gánh thêm khoản lãi và gốc trả hàng tháng là quá sức”, anh Ngọc chia sẻ.
Theo tìm hiểu được biết một số dự án nhà ở xã hội đã đưa vào sử dụng giá cũng không hề rẻ như: dự án nhà ở xã hội ở Kiến Hưng hiện tại giá bán đều ngoài 20 triệu đồng/m2, The Vesta Phú Lãm giá giao dịch cũng khoảng 24 triệu đồng/m2; nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm xấp xỉ 30 triệu đồng/m2.
Cần các giải pháp tổng thể để khơi thông
Bộ Xây dựng đã xây dựng Đề án đến năm 2030 xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đáng chú ý hơn nữa khi gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng là nguồn vốn ưu tiên để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được thông qua. Các dữ liệu này cho thấy kỳ vọng về việc giải bài toán “an cư” cho hàng triệu người thu nhập thấp nhưng liệu nhà ở xã hội có được khơi thông thời gian tới?
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để khơi thông được nhà ở xã hội cần phải có đủ 3 yếu tố gồm: nguồn vốn, quỹ đất và chính sách. Theo GS Đặng Hùng Võ, câu chuyện về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân hiện nay còn rất nhiều vướng mắc. Các địa phương lâu nay chỉ quan tâm đến quỹ đất để phát triển nhà ở thương mại mà “quên” dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tập trung rất đông công nhân lao động nhưng lại không bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở cho công nhân. Đây là yếu tố quan trọng cần phải được giải quyết.
“Không những thế, chính sách làm nhà ở xã hội hiện bất cập là tính bao cấp rất lớn, nhiều thủ tục đều phải qua cơ quan nhà nước phê duyệt. Ngay cả danh sách người mua nhà ở xã hội cũng phải được Sở Xây dựng địa phương duyệt. Điều này làm mất tính năng động của phân khúc nhà ở xã hội. Doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng tại sao không nhiều doanh nghiệp mặn mà? Đây là câu hỏi về chính sách cần phải có lời giải nếu muốn đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội”, GS Đặng Hùng Võ nhận định. GS Đặng Hùng Võ cho rằng, các vấn đề này cần được giải quyết khi điều chỉnh chính sách, đặc biệt trong dự thảo Luật Nhà ở đang được sửa đổi hiện nay.
Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cần phải được ưu tiên trong thời gian tới là quan điểm của TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam. “Chúng ta đã xây dựng đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội nhưng để khơi thông cho nhà ở xã hội Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khu quy hoạch, thủ tục xét duyệt và quỹ đất, tạo lập nguồn vốn bền vững, xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở xã hội và ngăn ngừa các hành vi trục lợi chính sách nhà ở xã hội. Cùng với đó, về xác định giá bán nhà ở xã hội nên tập trung theo phương án chủ đầu tư xác định qua kiểm toán nếu có sai phải đền bù người mua”, ông Nghiêm góp ý.
Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng phát triển nhà ở xã hội là cơ chế chính sách; quỹ đất; nguồn vốn; trình tự thủ tục đầu tư; nguyên tắc xác định giá bán, xác định đối tượng mua, thuê mua và vấn đề thanh tra, kiểm tra. “Những nội dung này đã được Bộ Xây dựng tổng kết đánh giá và điều chỉnh trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023. Sẽ có một số điều chỉnh như những dự án nhà ở xã hội được Nhà nước ưu đãi như miễn tiền sử dụng đất sắp tới sẽ miễn tiền nhưng không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất. Ngoài ra, đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội chỉ tính thu nhập từ tiền lương, tiền công chứ không phải tính trên tổng thu nhập như hiện nay”, ông Hưng cho biết.