Vì sao gói tín dụng nhà ở xã hội gặp khó?
Sau 7 năm triển khai Nghị định 100/2015/NĐ-CP về quản lý và phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ, doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn ưu đãi vì thiếu nguồn ngân sách cấp bù.
Gói tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP được triển khai từ năm 2016, tại Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank. Lãi suất cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cho từng thời kỳ.
Hiện mức lãi suất áp dụng đang là 4,8%/năm, thấp hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà nói chung. Còn lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng (TCTD) được chỉ định do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định và công bố trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong cùng thời kỳ. Tuy nhiên, đến nay, sau 7 năm triển khai, về phía chủ đầu tư, chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được gói vay này.
Không chỉ các doanh nghiệp vướng, mà ngay cả người dân vay vốn để mua nhà, sửa chữa nhà ở cũng gặp một số khó khăn vướng mắc trong quá trình làm thủ tục. Cụ thể, đại diện Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết, trong quá trình thẩm định giá bán nhà ở xã hội, đối tượng vay là người dân, gia đình, thì quy trình vay của các hộ gia đình cá nhân từ Ngân hàng Chính sách xã hội tương đối phức tạp nên dẫn đến tâm lý ngại vay vốn. Ví dụ ngân hàng yêu cầu khi khách hàng muốn vay vốn, phải xác nhận đủ điều kiện tại phường xã, và nộp 2 bản xác nhận, nhưng xã, phường lại chỉ chịu xác nhận 1 bản, vì lo sợ người dân sẽ dùng bản 2 đi vay nơi khác. Một thủ tục nhỏ, nhưng cũng là vướng mắc lớn khiến người dân khó vay vốn. Vì vậy, đề nghị phía ngân hàng xem xét lại thủ tục, để tạo thuận lợi nhất cho khách hàng.
Lý giải nguyên nhân tình trạng các doanh nghiệp chưa tiếp cận được gói tín dụng này, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đối với việc cho vay qua các TCTD được chỉ định, đến nay, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đều đã ban hành đầy đủ quy trình triển khai cho vay, nhưng lại chưa thể triển khai. Nguyên nhân là do ngân sách Nhà nước chưa bố trí được nguồn ngân sách cấp bù.
“Đây là gói mà cơ chế cho vay là các ngân hàng cho vay và được cấp bù lãi suất, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, các ngân hàng không có nguồn cấp bù để triển khai”, ông Bắc thông tin.
Cũng theo ông Bắc, NHNN và Bộ Xây dựng đã có nhiều ý kiến, kiến nghị Chính phủ bố trí nguồn cho việc cấp bù lãi suất. Còn với kênh qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đại diện NHNN cho hay, hiện Chính phủ chỉ cho vay với người mua nhà, còn với chủ đầu tư, Chính phủ đang có đề án, khi đề án được duyệt thì mới thực hiện. Tuy nhiên, ngay cả cho vay với người mua nhà cũng đang gặp khó, vì khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu là các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ở các vùng khó khăn. Đối với các doanh nghiệp, bản thân Ngân hàng Chính sách xã hội chưa có kinh nghiệm cho vay các doanh nghiệp bất động sản, cần phải nâng cấp trình độ cán bộ, mạng lưới, quy trình thì mới triển khai được.
“Do đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng đề án, sau khi duyệt đề án mới thực hiện duyệt cho vay các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội. Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội đang xây dựng, trình Chính phủ duyệt nên chủ đầu tư chưa vay được. NHNN sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án”, ông Bắc cho biết.
Đại diện NHNN cho biết thêm, Chính phủ đã nhận diện được những vấn đề này, theo đó, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định 100, để trong thời gian tới đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội. Đồng thời, trước thực trạng khó khăn nêu trên, Chính phủ đã giao NHNN nghiên cứu các gói đẩy mạnh cho vay nhà ở xã hội, NHNN đã đề xuất Chính phủ ban hành gói 120 nghìn tỷ đồng, dùng nguồn lực các ngân hàng, không dùng ngân sách.
“Kinh nghiệm nếu dùng ngân sách thì thủ tục sẽ kéo dài, tâm lý e ngại của doanh nghiệp sau này thanh tra, kiểm tra, do đó, NHNN tham mưu Chính phủ dùng nguồn lực của chính các ngân hàng thương mại, mong muốn đơn giản, đỡ phức tạp hơn, triển khai nhanh, đi vào cuộc sống nhanh”, ông Bắc nói.