Thị trường nhà, đất đã vượt qua vùng đáy giảm giá
Từ nửa cuối năm 2022 đến hết qúy 1/2023 là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường nhà đất tại TP Hồ Chí Minh. Quý 1/2023 là vùng đáy của thị trường, mức tăng trưởng âm đến 16,2%.
Quý 2/2023, thị trường dần vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi, tăng trưởng trở lại, tuy vẫn còn tăng trưởng âm nhưng có dấu hiệu giảm dần với mức âm là 11,5%. Sang đến quý 3/2023, thị trường nhà, đất thành phố tiếp tục xu thế phục hồi, tăng trưởng trở lại, tốc độ chậm nhưng thể hiện sự phục hồi vững chắc hơn, mức tăng trưởng âm giảm chỉ còn 8,7%. Đến cuối năm 2023, có thể khẳng định thị trường đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy vẫn còn tăng trưởng âm song mức âm cả năm chỉ còn 6,38%.
Hai tháng đầu năm nay, thị trường nhà, đất cả nước và TP Hồ Chí Minh tiếp tục xu thế phục hồi và tăng trưởng vững chắc hơn. Đây là lĩnh vực đứng đầu trong thu hút nguồn vốn đầu tư FDI và trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu BĐS cùng với cổ phiếu tài chính, ngân hàng đang dẫn dắt thị trường. Với đà phục hồi này, Hiệp hội BĐS thành phố cho rằng có thể nhận định là thị trường nhà, đất sẽ bình thường trở lại và bước vào chu kỳ phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững kể từ nửa cuối năm 2024, tạo đà để phát triển mạnh hơn kể từ đầu năm 2025 trở đi.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố cho biết, theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến cuối năm 2023 vừa qua trên cả nước vẫn còn khoảng 1.200 dự án đang bịvướng, chủ yếu là vướng mắc pháp lý. Riêng TP Hồ Chí Minh đã có hơn 148 dự án bị vướng pháp lý ở cả 3 cấp độ. Trong đó tình trạng dự án vướng Luật Đất đai là khó giải quyết nhất.
Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh đã có khoảng 100 dự án với hơn 60.000 căn hộ chưa được cấp sổ do vướng trong định giá đất. Do vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 12/2024/NĐ-CPvề sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất, trên cơ sở tiếp thu các quy định mới về tài chính về đất đai, giá đất của Luật Đất đai 2024 với nhiều quy định mới có nhiều tính khả thi và sát với thực tiễn. Việc này sẽgiúp giải quyết được những vướng mắc trong công tác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án BĐS. Đây cũng là cơ sở thực tiễn để xây dựng nghị định quy định về giá đất để thực thi Luật Đất đai 2024 kể từ ngày 1/1/2025.
Liên quan đến vướng mắctrong thực thi pháp luật vì tâm lý của một số cán bộ, công chức, viên chức sợ trách nhiệm, sợ vướng rủi ro pháp lý dẫn đến né tránh, đùn đẩy, không dám đề xuất, không dám quyết định… Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật chưa rõ, chưa cụ thể hoặc chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Để tháo gỡ tình trạng này Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/09/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng và “Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ” do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng. Các địa phương cũng đã thành lập Tổ công tác để xem xét tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho từng dự án, từng doanh nghiệp. Trong hơn 1 năm qua, cả nước đã có khoảng 100 dự án được tháo gỡ khó khăn, riêng TP Hồ Chí Minh đã tháo gỡ khó khăn cho 30% trong tổng số 148 dự án bị vướng.
Sự quyết liệt của các cơ quan Trung ương trong việc ban hành khung chính sách gỡ vướng cho dự án BĐS sẽ góp phần giải quyết cho cả nghìn dự án đang ách tắc thời gian qua. Điều này cũng giúp tăng nguồn cung để kích cầu thị trường nhà, đất trong thời gian tới.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, chuyên gia tư vấn BĐS cho rằng thị trường đang bước vào chu kỳ phát triển mới. Chính phủ đã và đang triển khai rất nhiều biện pháp cần thiết để thúc đẩy thị trường BĐS. Nhưng chủ đầu tư dự án cũng phải có những biện pháp cải thiện sự phụ thuộc dòng tiền từ ngân hàng, nhất là trong việc huy động từ các kênh khác như hợp tác đầu tư, cấu trúc danh mục đầu tư, giãn tiến độ thanh toán…
TS Sử Ngọc Khương, chuyên gia về BĐS đánh giá cao việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư công vào các dự án đô thị và cơ sở hạ tầng tại các thành phố vệ tinh xung quanh các đô thị lớn. Nhờ đó, nhà đầu tư trong nước đã có thể tham gia vào những dự án quy mô lớn hơn trước kia. Nhà đầu tư sở hữu quỹ đất lớn ở các thành phố vệ tinh đã sẵn sàng triển khai, đặc biệt là vào năm 2024 do được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ, lãi suất dễ tiếp cận.