Thi nhau thổi giá và bỏ cọc, kinh doanh hay phá hoại? (Kỳ 2)
Trong cuộc đua tranh về đấu giá, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng “phá giá” để đẩy giá lên con số không tưởng. Vậy nhưng, khi trúng đấu giá, thay vì hoàn thành thủ tục tài chính với Nhà nước thì số đối tượng, doanh nghiệp này đã bỏ cọc.
Hành vi trên không chỉ ảnh hưởng đến chính sách tốt đẹp của Nhà nước về đấu giá mà các đối tượng còn ẩn giấu những mục đích đen tối phía sau để trục lợi từ việc đẩy giá ảo, gây lũng đoạn nền kinh tế.
“Phá giá” để đầu cơ kiếm lời
Đề cập đến những thủ đoạn sai phạm trong hoạt động đấu giá đất và khoáng sản, trao đổi với PV, đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết, cho tới thời điểm này dù chưa kết luận song có thể nhận thấy việc một số cuộc đấu giá đất, khoáng sản vừa qua trên địa bàn TP Hà Nội có những dấu hiệu bất thường. Chính vì vậy, ngay sau khi phiên đấu giá 3 mỏ cát kết thúc với số tiền gần 1.700 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo UBND TP Hà Nội kiểm tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Không chỉ bỏ giá “bất chấp” và “đấu xong bỏ cọc”, nhiều “cò” trong vai nhà đầu tư sau khi trúng đấu giá đã sang nhượng ngay tài sản đấu giá được, gây méo mó thị trường nhà đất, tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường. Ví dụ được lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội đưa ra đó là cuộc đấu giá đất tại Hà Đông vừa qua, nhiều môi giới “cò” đất vừa trúng đấu giá trong phiên đấu giá đất đã đồng loạt rao bán chênh 400-600 triệu đồng/lô. Hay như sau cuộc đấu giá tiếp theo tại Hoài Đức vào ngày 3/11, các “cò” đã bán sang tên kiếm mỗi lô đất từ 400-500 triệu đồng. Rõ ràng, không chỉ Nhà nước bị thiệt hại mà ngay cả người dân, doanh nghiệp có nhu cầu thực sự trong việc sử dụng đất làm nơi ở, kinh doanh, sản xuất để phát triển kinh tế - xã hội cũng bị “thiệt đơn thiệt kép”.
Quay trở lại câu chuyện đấu giá đất tại Thanh Oai, Hà Nội với mức giá cao gấp nhiều lần so với mặt bằng chung ở khu vực xung quanh, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội phân tích, mặc dù khu vực đất đấu giá nằm cạnh tuyến đường trục liên xã Bình Minh – Thanh Oai, hạ tầng đấu giá được chú trọng xây dựng rất tốt, tuy nhiên giá đất bình quân tại khu vực xung quanh chỉ dao động quanh mức từ 30 triệu đến 60 triệu đồng/m2 cho từng vị trí cụ thể. Trong 6 tháng đầu năm 2024, biến động giao dịch đất đai tại khu vực này không lớn, xuất hiện rất ít giao dịch mua bán, vì vậy với khoảng giá từ 50 đến hơn 100 triệu đồng/m2 là cao hơn nhiều so với mặt bằng chung tại khu vực.
Trong danh sách trúng đấu giá chỉ có 2 công dân có địa chỉ cư trú tại xã Tam Hưng và xã Cao Viên, huyện Thanh Oai trúng đấu giá tổng cộng 4 lô đất. Đối với các lô đất còn lại do các cá nhân khác đến từ các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Phú Thọ và một số quận, huyện khác của Hà Nội.
Cũng theo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội, bản chất của việc đấu giá đất nền là Nhà nước giao đất cho người dân, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương tổ chức đấu giá đất khi gia tăng dân số tự nhiên. Tuy nhiên, trong nhiều cuộc đấu giá đất vừa qua, người trúng đấu giá hầu hết không phải là người địa phương mà là những nhà đầu tư đến từ các tỉnh, thành phố khác. Công cụ đấu giá đất nền bởi vậy đã biến tướng, trở thành “cuộc chơi” của các nhà đầu tư không có nhu cầu ở thực mà chủ yếu đấu giá để sang tên, kiếm lời. Thủ đoạn thường thấy của các đối tượng vi phạm pháp luật trong đấu giá được lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội chỉ ra, đó là đối tượng tham gia đấu giá dùng “quân xanh, quân đỏ” để thông đồng nhằm mọi cách trúng đấu giá, qua đó sẽ bán lại số tài sản trên để kiếm lời.
Bày tỏ nỗi lo lắng cũng như bức xúc trước tình trạng thổi giá, lũng đoạn giá trong hoạt động đấu giá, cũng theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang), thủ đoạn của nhóm người này thường sử dụng là đẩy giá đất lên cao chót vót tại các phiên đấu giá đất, đến thời gian nộp tiền thì sẵn sàng bỏ cọc với mục đích thiết lập mặt bằng giá mới cho những mảnh đất trong khu vực mà họ đã mua gom trước đó và đã thu được siêu lợi nhuận. Trên thực tế, tình trạng móc ngoặc, thông đồng giữa các doanh nghiệp, người đầu tư với cán bộ ở các đơn vị liên quan đến đấu giá đã xảy ra, gây tổn thất về tài sản cũng như lãng phí nguồn lực của Nhà nước, xã hội.
Bộ Xây dựng cũng đánh giá, việc đấu giá quyền sử dụng đất thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, tiêu cực. Trong quá trình tổ chức đấu giá đất tại một số nơi còn có hiện tượng "cò đấu giá", thông đồng... ảnh hưởng đến người tham gia đấu giá: "Hiện tượng trả giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, mua đi, bán lại nhiều lô đất trúng đấu giá nhằm thu lợi bất chính diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi và thậm chí mang tính tổ chức".
Cần nghiêm trị hành vi lũng đoạn kinh tế
Giữa tháng 10, nhóm PV về tỉnh Thái Bình khảo sát hoạt động đấu giá đất đai và nhận thấy so với thời gian trước đó, hiện công tác đấu giá tài sản, đất đai, khoáng sản tại Thái Bình đã khởi sắc, minh bạch và hiệu quả hơn rất nhiều. Qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có nhiều khu dự án doanh nghiệp trúng đấu giá và đang được triển khai với những dự báo hết sức khả quan về tính hiệu quả. Những lô đất, khu đất vàng không bị bỏ hoang hay các đối tượng đầu cơ mua đi bán lại, tạo mức giá ảo, hưởng chênh lệch như trước.
Để có kết quả trên, Công an tỉnh Thái Bình đã sớm nhận diện những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bong bóng thổi giá bất động sản, khoáng sản, qua đó triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa. Thông tin với PV, Đại tá Lê Hồng Chương, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, theo quy định, đất chuyển đổi buộc phải đưa ra đấu giá. Nhiều địa phương quy hoạch theo phong trào để đất bán cho dân, lấy tiền phục vụ nông thôn mới. Khi quy hoạch không sát thực tế, không theo nhu cầu của người dân, dẫn tới hệ lụy các đối tượng kinh doanh bất động sản thổi giá, bong bóng bất động sản gia tăng.
Cũng theo Đại tá Lê Hồng Chương, việc định giá đất khởi điểm để đưa ra đấu giá không sát với thị trường. Hoạt động mua bán trao đổi đất đai phần lớn giữa các nhà đầu tư với nhau dẫn tới giá ảo. Công tác quản lý của các cơ quan liên quan như thuế, công chứng vẫn còn lỏng, đặc biệt là tình trạng công chứng treo đã tiếp tay cho những đối tượng mua bán đầu cơ bất động sản. Tất cả hoạt động đấu giá trên địa bàn đều được lực lượng An ninh kinh tế nắm tình hình, qua đó tham mưu hiệu quả cho Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh các phương án, kế hoạch để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động đấu giá, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đấu giá.
Trước đó, những vụ lũng đoạn đấu giá với thủ đoạn dùng “xã hội đen”, thông đồng dìm giá, phong tỏa, ngăn chặn thông tin đấu giá lan tỏa rộng rãi, công khai… của các đối tượng như Đường “nhuệ” đã bị Công an tỉnh Thái Bình điều tra, xử lý nghiêm cùng các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm, tạo sự minh bạch, đem lại nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương từ hoạt động đấu giá.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết, để đạt được mục đích trúng đấu giá, không ít các đối tượng đã câu kết với nhau nhằm tạo nên một “cuộc chơi” của riêng mình, dựng lên nhiều rào cản để loại bỏ các nhà đầu tư khác như vụ án sai phạm trong đấu giá đất tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Từ những kết quả điều tra của Công an TP Hà Nội, mới đây, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa ra xét xử, tuyên án 36 tháng tù đối với Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”. Cùng với Loan, nhiều bị cáo khác ở một số cơ quan, đơn vị chức năng và trong hệ thống chính quyền của huyện Đông Anh cũng bị phạt tù theo những mức án khác nhau.
Lật giở hồ sơ về các doanh nghiệp trong đó có Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất ở Thủ Thêm sau khi trúng đấu giá, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn có nhóm "tay to" tham gia đầu cơ gây lũng đoạn thị trường không. Sau cơn sốt đấu giá đất ở Thủ Thiêm với con số không tưởng, tình trạng bỏ cọc tái xuất và lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trong các cuộc đấu giá đất đai, khoáng sản.
Luật sư Phạm Thanh Tuấn, chuyên gia pháp lý về bất động sản cho rằng, các luật hiện hành không có bất cứ quy định nào xác định, mô tả và xử phạt về hành vi thổi giá trong lĩnh vực bất động sản. Do đó, việc xử lý vẫn chỉ ở mức dân sự là người trúng đấu giá không nộp đủ tiền sẽ mất tiền cọc. Mức xử phạt nếu được áp dụng cũng không đáng gì so với khoản lợi nhuận họ nhận được, đặc biệt là tác động tiêu cực do việc bỏ cọc gây ra. Việc xử lý những người trả giá cao song bỏ cọc theo pháp luật hình sự phải phụ thuộc vào quá trình điều tra có phát hiện ra những hành vi câu kết giữa người đấu giá với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thì phải chờ kết quả từ cơ quan điều tra.
Theo ông Tuấn, một số cá nhân, nhóm người trả giá rất cao nhưng bỏ cọc là họ xem đây giống như một trò đùa. Hậu quả để lại là gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản, đồng thời sẽ tạo tâm lý của người dân rằng giá bất động sản đang lên cao và đồng loạt đi đầu cơ đất đấu giá. Thực tế, xu hướng "nghề đấu giá" hiện đã xuất hiện. Bên cạnh đó, quá trình thu hồi đất của Nhà nước và doanh nghiệp để triển khai các dự án sẽ gặp khó khăn bởi người bị thu hồi đất sẽ có sự so sánh giá đất được bồi thường với giá đất trúng đấu giá. Khi tổ chức các phiên đấu giá đất, Nhà nước có 2 mục tiêu là tạo nơi an cư cho người dân, doanh nghiệp có thêm điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và tạo nguồn thu cho ngân sách. Việc đấu giá cao thổi giá lên trời nhưng bỏ cọc đã phá vỡ cả 2 mục tiêu trên.
Nói về hệ lụy sau những phiên đấu giá cao nhưng bỏ cọc, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp Hà Nội đánh giá, dù doanh nghiệp hay cá nhân bỏ cọc thì hậu quả để lại cũng đã khiến giá đất thị trường khu vực đấu giá sẽ bị neo cao. Mặc dù tình trạng bỏ cọc xảy ra nhưng mọi người sẽ chỉ ghi nhớ tới giá trúng cao và mang ra làm tham chiếu để bán đất. "Hệ lụy sẽ rất lớn nếu những mảnh đất tại khu vực đấu giá đều bị đẩy giá và neo cao vô lý, từ đó khiến người có nhu cầu thực không thể sở hữu được đất đai, nhà ở", ông Nguyễn Huy Hoàng nhận định.
Bàn về vấn đề Hà Nội sẽ công khai danh tính những người đấu giá cao nhưng bỏ cọc, ông Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, đây chỉ là biện pháp mang tính chất thông tin và không có tác dụng mạnh trong răn đe đối với người bỏ cọc, bởi họ vẫn không bị cấm tham gia đấu giá hay ảnh hưởng lợi ích. Theo ông, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi đã bổ sung các chế tài xử lý vi phạm với người tham gia đấu giá tại Điều 70. Theo đó, với trường hợp giao, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc khiến kết quả bị hủy, sẽ không được tham gia đấu giá trong 6 tháng đến 5 năm. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng cho trường hợp người đấu giá làm dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản. Đến 1/1/2025, Luật Đấu giá tài sản sửa đổi mới có hiệu lực.
(Còn nữa)
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Sở Tư pháp tỉnh Thái Bình đánh giá: Một số ý kiến cho rằng việc người tham gia bỏ cọc thì ngân sách sẽ thu được thêm khoản tiền cọc của người tham gia. Tuy nhiên, các lô đất bị bỏ cọc sẽ phải được tổ chức đấu giá lại làm tốn kém thêm ngân sách của Nhà nước. Hiện trong thời gian 3 tháng doanh nghiệp phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước là quá dài, khi doanh nghiệp bỏ cọc thì Nhà nước lại mất rất nhiều thời gian để tổ chức đấu giá lại, gây lãng phí rất lớn nguồn lực và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, nhất là niềm tin của người dân với chính quyền.